Xác phàm (NXB Trẻ, tháng 7, 2014) dày gần 300 trang viết về thân phận những người con liệt sĩ, về 17 ngày trận địa ác liệt tại pháo đài Cảnh giác ở thị xã Vùng Biên nơi bao người lính hi sinh…
Nhà văn Nguyễn Đình Tú là tác giả của các cuốn tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, Bên dòng sông Sầu Diện, Nháp, Phiên Bản, Kín, Hoang Tâm, Xác phàm… với nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, và gần đây nhất là tiểu thuyết Phiên bản được xây dựng thành phim truyện nhựa Hương Ga (do diễn viên Trương Ngọc Ánh đóng vai chính) sắp được công chiếu.
Chỉ giỏi… tưởng bở
Sách vừa xuất bản, đã tiếp tục tái bản. Sách viết cũ song hành cùng sách mới viết trên các kệ sách, chứng tỏ sự yêu thích của độc giả dành cho anh luôn đầy tràn, và nội lực viết trong anh vẫn trong trạng thái sung mãn, cho dù bây giờ, anh kiêm nhiệm rất nhiều vai trò: nhà văn, nhà báo, nhà quản lý (anh vừa nhậm chức Phó Tổng biên tập Tạp chíVăn nghệ Quân đội) và biên tập viên mẫn cán, bắc hoặc rút những nhịp cầu văn.
“Ước mơ trở thành thủ tướng, rồi luật sư, rồi một kiểm sát viên giỏi, vì thế tôi mới học trường luật. Nhưng rồi, tôi nhận ra rằng, mình chỉ giỏi tưởng… bở thôi, vì thế làm nhà văn là hợp nhất” - nhà văn Nguyễn Đình Tú hóm hỉnh trả lời câu hỏi về ước mơ thủa nhỏ của mình.
Mà nào đâu tưởng bở… như nhà văn nói, rõ ràng, anh đang đi từng bước vững chắc cùng hoa hồng đang trải thảm trên con đường văn chương. Nhà văn Nguyễn Đình Tú đã giải được bài toán khó: kết nối câu chuyện chiến tranh xưa cũ đến với bạn trẻ bây giờ, cũng như hài hoà trong mối quan hệ nhà văn “mặc áo lính” với thị trường văn chương sôi động, hỗn độn mà cũng lắm kén chọn.
“Nếu không viết thì anh làm gì?” - tôi hỏi anh.
“Nếu không sáng tác thì bây giờ có lẽ đang trầm ngâm trước một hồ sơ vụ án nào đó để viết luận tội và cáo trạng. Nhưng rõ ràng là văn chương đã chiến thắng để bây giờ mình vừa là “ông chủ”, vừa là “người tình” vừa là “nô lệ” của nó - văn chương ấy” - nhà văn Nguyễn Đình Tú trả lời.
“Tái tạo” sự thật về chiến tranh
Bất cứ tiểu thuyết nào, nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng muốn xây dựng từ những biến cố lịch sử có thực. Anh muốn xây dựng, tái tạo nó sao cho gần với sự thật nhất.
Trong Xác phàm, dù tác giả có đóng vai vào mỗi nhân vật, như Nam hay Việt, thì anh vẫn giữ giọng viết rất trung tính. Lời kể tường minh gãy gọn, tránh sa đà vào mọi trạng huống cảm xúc. Đôi khi, đọc Xác phàm, cảm giác như đang đi qua một bài học lịch sử, được kết nối bằng sợi dây tâm linh mỏng manh vô hình, khơi gợi trong não một cậu bé 6 tuổi, thông qua cái chết đuối bất ngờ cùng cấu tạo cơ thể lưỡng tính bộ phận sinh dục không trai - không gái – không số phận, có được linh giác kết nối với người bố liệt sĩ.
Câu chuyện kể về trận chiến ác liệt, cùng bao cái chết bi tráng kết nối, tuôn ra từ miệng cậu bé. Quá khứ, hiện tại cứ thế song hành không phân cách thời gian. Và những người lính, kể cả khi đã gục ngã nơi trận địa, thì thần thức vẫn còn giữ mãi hình ảnh của người vợ, người con nơi quê nhà.
“Khi viết Xác phàm, có những kiểu nhân vật tôi phải gặp gỡ nguyên mẫu ngoài đời để hỏi chuyện, có những kiểu nhân vật hoàn toàn hư cấu. Cái khó nhất là làm sao để các nhân vật này kết nối được với nhau, có mối quan hệ “máu thịt” với nhau, trong toàn bộ kết cấu của câu chuyện và tác phẩm. Cuối cùng thì pháo đài chính là nơi để các nhân vật, bằng cách này hay cách khác, bằng lý do này hay lý do kia, tự tìm về, tự tụ lại và cùng nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” - nhà văn chia sẻ.
Theo Việt Quỳnh - TTVH