Emma Shannon đặt chiếc va-li hiệu Lancel xuống trước cửa phòng 17 khách sạn Overlord[1] . Nàng rút từ túi ra tấm thẻ từ, đẩy nó vào khe ổ khóa và chờ tiếng clic khởi động. Nàng thích cái tín hiệu kín đáo này, mở cửa cho nàng vào một thế giới quen thuộc là phòng khách sạn.
Nhưng lần này nàng không nghe gì cả. Ánh đèn báo hiệu nhỏ xíu cứ đỏ mãi. Emma Shannon chùi dòng từ của tấm thẻ trên ve áo rồi thử lại lần nữa. Không kết quả. Gã bồi tầng vừa xuất hiện ở cuối hành lang đã thấy ngay vẻ khó chịu trên mặt nàng.
- Thưa bà, thẻ không mở được sao?
- Đúng là không gì qua mắt anh được.
- Chúng tôi đang bị rắc rối với máy tính ở quầy lễ tân. Chắc là cái máy chủ trung tâm chạy bậy rồi. Để tôi mở với chìa vạn năng.
Emma đẩy cửa vào. Nàng cảm thấy mệt mỏi, bực dọc, dù tên bồi tầng đã tỏ ra dễ thương. Khi đến nghỉ ở một khách sạn, nhất là sau một chuyến đi mệt nhoài, nàng không thể chịu nổi mấy chuyện trái ý. Theo thói quen, nàng bước về phía chiếc giường nằm xa cửa sổ nhất. Cứ phải lui tới hoài mấy khách sạn kiểu này, thực ra tất cả đều giống hệt nhau, nàng đã biết tìm cho mình những dấu hiệu, những cái mốc giúp nàng tìm được sự thư thái, dù chỉ là bề mặt thôi. Rồi nàng đặt chiếc va-li lên giường, mở ra, lấy từ phía trên chồng trang phục xếp gọn gàng bộ quần áo ngủ bằng lụa màu xanh mà nàng lúc nào cũng mang theo trong hành lý. Sau đó, nàng kéo các tấm màn dày nặng để nhìn ra phong cảnh bên ngoài. Giống như ở Barcelone tuần vừa qua hay ở Cuba tháng trước, nàng cũng được biệt đãi lần này. Phòng 17 nhìn ra biển mà. Từ cửa sổ ta có thể trông thấy những con đê của cảng biển nhân tạo, được tạo thành từ những chiếc xà-lan bằng bê-tông được những con tàu Mỹ đổ khuôn trong vịnh, ngày 6 tháng 6 năm 1944.
Emma nhìn say sưa dải bọt biển dài có vẻ như viền quanh chân trời, và để ánh mắt mình dõi theo mấy cánh buồm trắng ngoài xa nổi bật trên nền nước màu lam ngọc. Mặt trời sắp sửa lặn xuống biển. Vùng biển Manche này, vào cuối hè, mang sắc màu của biển Caribê.
“Dân Pháp thực là may mắn, người đàn bà Mỹ tự nhủ sau khi ngắm nhìn thỏa thích cảnh biển. Họ có đủ cả, cây cọ ven biển hay núi Alpes, tha hồ chọn những biển ấm hay biển Băng, tất cả lại nằm trong một diện tích còn nhỏ hơn bang California! Vậy mà họ còn kêu ca đấy!”
Căn phòng rộng, sáng sủa, đây đó điểm xuyết những nét vàng và đỏ chói làm nhớ đến những ngôi nhà vùng Provence và các bức tranh của Van Gogh[2] mà mẹ nàng rất yêu thích. Emma cũng nhận ra trước tiên chiếc máy TV màn hình phẳng, gắn vào tường, ngay trước giường. Nàng đưa tay cầm lấy cái thiết bị điều khiển từ xa và tìm kênh truyền hình CNN. Dù đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nàng luôn thích nghe cái điệp cú của đài này: This is CNN, be the first to know! “Các bạn đang ở CNN, hãy là người đầu tiên biết tin”. Thường thì còn lâu nàng mới là người cuối cùng biết các tin tức thế giới. Nàng nhận các tín hiệu báo trước ngay trên điện thoại di động của mình mà. Vậy thì nàng nghe CNN không phải để biết tin tức nhưng để hít thở không khí của đất nước nàng đến. Ở Bangkok, Abu Dhabi, Tokyo, hay như tối nay bên bờ biển Manche, hay khắp các nơi mà công việc làm ăn hay các hội nghị đưa dẫn đến, nàng, một người mất gốc, tìm thấy lại ở đài CNN này như cái dây rốn, một giọng nói mẹ hiền, gần như một mùi hương của tổ quốc. Cả một thời gian dài nàng đã chống chọi lại phản xạ non nớt một cách mơ hồ này, nhưng nàng cũng nhận thấy rằng rất đông đồng nghiệp của nàng, thuộc mọi quốc tịch, cũng mang những phản xạ tự động kiểu Pavlov[3] này. Ví dụ như người Pháp chẳng hạn, khi đến Mỹ họ bao giờ cũng cố tìm cho ra một “quán bình dân” phục vụ cà phê “đích thực”...
Arromanches[4] . Nàng biết rõ nơi này. Thích lắm. Women’s Annual Congress[5] từ hơn chục năm nay thường tổ chức các sinh hoạt trí thức và giao lưu xã hội mùa hè của mình ở Overlord. “Một cuộc đổ bộ thực sự”, dân làng kháo nhau. Mỗi năm vào cuối mùa du lịch, hàng đám toàn là đàn bà, cỡ trung niên, đi lên đi xuống nhộn nhịp suốt cả tuần trên những con đường hẹp trong ngôi làng thuộc vùng Normandie này. Các tiệm cà phê, cửa hàng thuốc lá, cánh xe taxi vui ra mặt. Những ngư dân già đã từng thấy một cuộc đổ bộ khác, vào năm 1944, thì cười rúc rích trên đê.
Cuộc lễ trọng vì nữ quyền mà Emma Shannon là một trong những khách mời danh dự năm nay, đã bắt đầu từ hôm thứ bảy tuần trước và sẽ bế mạc vào tối thứ sáu này. Nàng dự liệu sẽ ở đây ba ngày cuối cùng; con gái nàng, Rebecca, sẽ đến gặp nàng cuối tuần rồi hai mẹ con sẽ đi tham quan địa phương này: Utah Beach, Omaha, Gold, Juno cũng như các nghĩa trang quân đội, và nếu còn thì giờ thì đến luôn bán đảo Cotentin trông giống như phong cảnh Ái Nhĩ Lan.
Còn ba tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ ăn tối. Emma tự hỏi có nên lợi dụng thời gian rảnh rỗi này để xuống bãi biển và bơi lội hay là tốt hơn nên xem lại bài nói chuyện vào ngày mai: “Phụ nữ lãnh đạo có giỏi hơn đàn ông không?”. Cuối cùng nàng ngồi lên giường, tháo xõa tóc, tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi này. Khi di chuyển đến nơi này, nơi nọ, nàng thích biến đổi khoảng trống này thành giây phút riêng tư cho riêng mình. Những quãng lặng hiếm có như thế này đôi khi cũng xuất hiện tình cờ trong thời gian biểu dày đặc của nàng, giữa hai cuộc hẹn, hai cuộc họp, hai chuyến đi. Một cô bạn thân, từng sống sót sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng, cứ đều đặn nhắc nàng: hạnh phúc, có phải cái gì khác hơn là sự tích lũy những “bụi bặm hàng ngày” vui thích này hay sao?
Vậy mà chiều nay Emma thấy không thể dứt bỏ được cảm giác lo lắng và bực dọc xuất hiện từ sáng sớm và càng lúc càng nặng nề. Có phải do chuyến đi dài từ Luân Đôn tới Arromanches không? Do luồng gió khá nóng thổi tới không? Do sự cố nhỏ nhặt với tấm thẻ từ mở cửa vừa rồi không? Không. Đơn giản là nàng không muốn tự thú nhận cái việc đã làm tăng nỗi bất ổn khó chịu trong người. Hình ảnh đã khiến nàng rối loạn từ lúc ở quầy lễ tân. Cái hình dáng nàng chợt thấy từ xa, trong sảnh. Chỉ trong một phần tư giây thôi, dáng vẻ đó, phong thái đó, nét mặt nhìn nghiêng sắc sảo đó, tất cả sao có vẻ quen thuộc với nàng đến thế.
Nàng bước đến cái minibar, mở thêm lon Coca Light thứ hai rồi cởi bộ váy và áo sơ mi màu xám sẫm ném lên giường. Rồi nàng thả người nằm dài trên chiếc giường kia, trên mình chỉ còn mặc độc nhất bộ đồ lót đen, đưa mắt nhìn về cánh cửa lớn dẫn ra ban công đang mở, tìm cách đuổi khỏi tâm trí cái hình ảnh quấy rầy đó để mà tận hưởng giây phút thư thái trong khung cảnh gần như quen thuộc này. Dĩ nhiên, nàng đâu có đang ở nhà mình nơi đây, nhưng qua nhiều năm đi đây đi đó nàng đã biết thích nghi với những nơi chốn không thuộc riêng ai như thế này dễ dàng, đến nỗi nàng tự hỏi phải chăng những căn phòng khách sạn cuối cùng đã trở thành nơi an trú của riêng nàng.
- Tất cả những gì ta thấy thân thiết thì không thuộc về ta, và không có cái gì thuộc về ta mà ta lại thấy thân thiết, nàng lẩm bẩm.
Nàng đã trích ra câu nói khá yếm thế này một ngày lâu lắm rồi, từ bài phỏng vấn ông chủ một công ty lớn dày dạn trong chuyện chu du thế giới, nhưng với năm tháng qua đi, nàng lại thấy nó không chắc đúng. Thực ra, Emma sở hữu những thứ mà nàng yêu thích và chúng thực sự thuộc về nàng: ngôi nhà nơi nàng sinh ra ở thị trấn Farmington với ba ngàn dân thuộc bang Minnesota, dù nàng không bao giờ thực sự sống ở đó. Một bức ảnh chụp nàng lúc hai mươi tuổi với bà ngoại, treo trong căn hộ nàng sống ở thành phố San Francisco. Một vài lá thư cũng thế, nàng sẽ mang theo đến một hoang đảo nếu nàng chỉ được phép mang đi một va-li thôi... Nhưng, ngược lại, những gì nàng thấy thân thiết thực sự thì có thuộc về nàng không? Cha nàng sống với người vợ thứ ba ở Brazil, và ông chẳng bao giờ chịu ở nước nào quá bốn năm liên tục, thì sao? Hai cha con chỉ gặp nhau ở các sảnh phi trường, giữa hai chuyến bay – và may sao là như thế vì họ chẳng biết nói gì với nhau nữa. Cô con gái Rebecca thì lớn lên ở Pháp với bà ngoại, và bây giờ mười bảy tuổi, là một trong những nghệ sĩ múa nhiều hứa hẹn nhất của nhà hát Opéra de Paris, thì sao? Nàng yêu quý nó lắm, cứ mỗi ba ngày là gọi điện cho nó và kéo nó sang Frisco[6] ngay mỗi khi nàng có được vài ngày nghỉ. Nhưng những cơ hội như thế trở nên hiếm hoi bởi vì Rebecca từ nay đi học thêm, trong những kỳ nghỉ học, với một cựu nghệ sĩ múa ngôi sao.
Rồi Bradley nữa, giám đốc ngân hàng thương mại, người bạn đời của Emma, chia sẻ cuộc sống với nàng từ năm năm nay. Bradley gắn bó với nàng lắm, nàng chắc thế, nhưng cứ cố gắng sống với một người đàn bà mỗi năm vắng mặt lên đến cả nửa năm, thì về phần mình anh cũng hình thành những thói quen riêng: đi chơi golf với các đồng nghiệp ở nhà băng, quản lý các cổ phần đầu tư của mình bằng Internet, sưu tầm các phao cứu đắm và những cuộc đi chơi xa ở công viên quốc gia Yosemite, và đôi khi... Tất nhiên họ vẫn xuất hiện như một cặp đôi mỗi khi có thể. Nhưng chỉ mỗi khi có thể thôi, đúng thế. Những con người thân thiết nhất với bạn có thuộc về bạn không?
“Điều duy nhất thực sự thuộc về bạn, đó là những giấc mơ của bạn”, nàng nghĩ.
Và nàng cắn môi. Dù không muốn, khuôn mặt người đàn ông chợt thấy trong sảnh khách sạn lại đến, chồng lên khuôn mặt Bradley. Rồi như thể muốn tống khứ sự bối rối do chàng ta gây ra nơi nàng, Emma sải bước về phía cái xắc tay, rút ra từ ví tấm ảnh mẹ nàng, Anne-Laure Le Menestrel. Bà đã qua đời hai năm rồi, và nàng luôn nhớ bà, nhất là khi ở Pháp, xứ sở không bao giờ thực sự là quê hương dù nàng sống ở đấy nhiều năm. Mẹ nàng thì lớn lên ở Pháp, và bà quay lại đó sống sau khi ly dị.
- Miss you, mom, nàng thì thào. Mẹ ơi, con nhớ mẹ quá.
Nàng đặt tấm ảnh lên giường rồi chợt nghĩ, với một chút mặc cảm phạm tội, rằng Rebecca chắc là còn đau khổ hơn nữa về sự qua đời của bà ngoại nó. Và nàng, Emma, lại thường không có mặt ở đó để bù trừ cho con sự thiếu thốn này.
Chuông hiệu của World Business News[7], báo kinh tế của CNN, reo lên như giải khuây. Người đọc bản tin kể ra hàng loạt sự cố lặp đi lặp lại trên Internet từ đầu buổi sáng nay. Emma nghe một cách lơ đãng nhưng vẫn đọc hàng chữ chạy bên dưới màn hình thông báo diễn biến các cổ phần của những đại công ty Mỹ khi thị trường chứng khoán Wall Street mở cửa. IBM: 20,25 đô-la, -1% ; General Motors: 50,75 đô-la, -2%; Controlware: 70,25 đô-la, + 10%. Thế là có một công ty thoát được hội chứng 11 tháng 9: thực vậy, từ sáu năm nay, cứ vào ngày tháng đáng sợ này thì những tin đồn loạn xạ nhất lại được người ta tin và như thế thường làm hạ giá chứng khoán.
- 10%! My God[8]! Dan đã thắng lớn hôm nay! Emma kêu lên bằng tiếng Anh.
Nàng cầm lại cái thiết bị điều khiển từ xa và tăng cường độ âm thanh. Người đọc tin loan báo rằng Controlware sắp sửa tung ra thị trường đầu năm 2008 một phần mềm mới dành cho đại chúng. Cổ phần công ty này, anh ta nói, đã tăng lên 17% nội trong hai ngày. Hình ảnh ông chủ nó, Dan Barett tiếng tăm lừng lẫy, tươi cười hiện ra chồng lên màn hình.
- Đáng lẽ họ nên chọn một tấm hình nào chụp gần đây hơn, Emma thở dài, kéo hai đầu gối về dưới cằm rồi uống thêm một ngụm Coca.
Khuôn mặt Dan Barett, thật vậy, đã thay đổi. Người đàn ông giàu nhất thế giới trông già dặn hơn. Tuy tránh được các nếp nhăn nhưng năm tháng đã thêm những kí lô thừa. Và cặp kính, vuông, lúc nào cũng ở trên mặt. Nhưng ông có vẻ thư thái hơn ngày xưa. Người ta chưa bao giờ thấy ông mặc đồ lớn, đeo cà vạt, ngay cả khi xuất hiện trên TV. Quần đen, áo polo dài tay, Barett đi làm mang xăng-đan không vớ. Ông đưa ra phong cách thiền của người thành đạt. Phong cách của một người cực giàu, và giống như một người cực nghèo, có thể quả quyết rằng sự giàu có đích thực là nằm ở bên trong con người. Một chi tiết độc nhất khiến Emma luyến tiếc những năm tuổi trẻ: đầu tóc của Dan. Đường ngôi giữa mái tóc bây giờ đã ngả sang màu vàng xám, được vạch thẳng quá. Emma đã buông lời trách móc về nó với Dan khi hai người trải qua những ngày cuối tuần cuối cùng với nhau.
- Do Amelia đó, Dan nhún vai trả lời.
Từ khi kết hôn với Amelia, ông có vẻ tách biệt hơn bao giờ hết với những thứ nhỏ nhặt mang tính thẩm mỹ như thế. Như thể đối với ông những qui cách về ăn mặc, tóc tai đúng mốt không hề hiện hữu. Nghịch lý lạ lùng ở một con người không ngừng chứng tỏ mình là hay nhất trong mọi thứ.
Ngay khoảnh khắc này, hình ảnh người đàn ông nàng chợt thấy khi đến khách sạn lại hiện ra trong tâm trí nàng. Nàng cảm thấy bối rối giống như trước một lần nữa. Và muốn gọi điện cho Brad.
Đồng hồ đeo ở cổ tay phải, lúc nào cũng để theo giờ San Francisco – trong khi đồng hồ đeo ở cổ tay trái thì được chỉnh theo giờ địa phương nơi nàng đến – chỉ 8 giờ sáng. Đâu khó gì hình dung ra Brad đang làm gì lúc này. Anh có thể ngồi ở ghế sau trong xe của mình, trên xa lộ số 1, đọc tờ Wall Street Journal, thỉnh thoảng phát ra vài lời bình về phía tên tài xế. Emma đã thấy cái cảnh này thường lắm. Quá nhiều lần rồi. Dậy sớm, có mặt sớm ở văn phòng, buổi tối về nhà sớm nhất có thể được. Và nhất là không ăn sáng kiểu Pháp như anh nói để chọc Emma. Brad là một người chồng ta có thể đoán trước được hành vi.
Emma đưa cổ tay trái lên mặt rồi phát âm rõ ràng chữ “Brad” về phía cái đồng hồ. Số điện thoại của chồng nàng hiện ra trên màn hình nhỏ xíu và tự động gọi. Nhưng trước khi cuộc gọi đến được số đó thì một giọng nói bằng tiếng Pháp báo là:
- Cuộc gọi không thể tới được. Xin gọi lại sau.
- Xuỵt! Mấy thứ hàng mẫu đầu tiên này bao giờ cũng thế, gọi hai lần mới được một lần! Đừng hòng nhờ ta tài trợ cho cái đồ vô dụng này!
Từ buổi sáng nay Emma thử nghiệm cái phát minh mới nhất của một công ty nhỏ ở Luân Đôn: điện thoại di động thu nhỏ lại dưới dạng đồng hồ. Đầu buổi chiều ở phòng đợi phi trường nàng đã gọi thành công vài cuộc. Khá nhiều ánh mắt tò mò. Nhưng cuộc thử nghiệm không cho kết quả rõ ràng.
Nàng đi tìm cái điện thoại di động trong xắc tay và gọi số của Brad, theo kiểu cũ, bằng cách nhấn phím.
Cuộc gọi bị gián đoạn.
- Nhưng còn chuyện gì nữa đây? Sao không gọi đến được?
Thôi, thây kệ. Gửi thư điện tử vậy. Nàng lấy laptop từ túi bên trong va-li ra, kiểu mới nhất của Sony, đặt nó lên bàn giấy nằm gần cửa lớn mở ra ban công. Trong khi máy khởi động, nàng đi sắp xếp đồ đạc lấy ra từ hành lý, cái thì để trên các kệ tủ đứng, cái thì trong các ngăn kéo tủ côm-mốt, cái thì trên các ván kệ nhỏ trong phòng tắm. Rồi nàng ngồi thoải mái trên giường, chân gác trên một chiếc gối, bắt đầu đọc mail của Bradley gửi từ tối hôm trước mà nàng đã tải xuống sáng nay ở Luân Đôn. Ngoài những thông tin về ngôi biệt thự trên đồi ở Sausalito[9] mà hai vợ chồng đang tìm cách mua và những lời âu yếm thường lệ, anh khuyên nàng nên thử liếc mắt vào một trang mạng, hứa là nàng sẽ có một “sự ngạc nhiên lý thú”. Nàng nhấn chuột ngay tức khắc trên địa chỉ ghi kèm dưới thư: www.operadeparis.fr. Chắc liên quan đến Rebecca đây.
Nhưng trang mạng này không hiện ra. Cái khung dài màu xanh nằm ngang phía dưới màn hình chỉ thời gian chờ đợi thì bị tắc nghẽn. Emma chờ thêm một phút rồi mất hết kiên nhẫn. Nàng lại tìm cách nối với www.fool.com, một trang mạng chuyên về thông tin chứng khoán mà nàng thích nhất. Uổng công. Máy tính chạy không. Cuối cùng một tin nhắn cảnh báo xuất hiện trên màn hình:
Không nối mạng được.
Chuyện gì xảy ra vậy?
Nàng gọi điện cho lễ tân, giải thích bằng tiếng Pháp, thứ tiếng đã trở lại với nàng một cách tự phát, là nàng không thể gọi cho ai bằng điện thoại di động cũng như không thể nối mạng Internet.
- Xin bà yên tâm. Bà không phải là người duy nhất, thưa bà Shannon! Nhân viên lễ tân trả lời.
Anh ta phát âm “chat-non” với giọng rặt Pháp nhưng Emma chẳng muốn sửa sai anh ta làm gì. Ít ra anh ta đã gọi nàng bằng tên họ. Sự cá nhân hóa trong dịch vụ thì khá hiếm nơi người Pháp. Tuy vậy nàng vẫn thích hơn nếu anh ta biết làm cho hệ thống hoạt động.
- Vậy à? Nàng lên tiếng lại. Tại sao? Chuyện gì xảy ra vậy?
- Chính là toàn bộ hệ thống bị ứ nghẹn, thưa bà, nhân viên lễ tân tự bào chữa. Ngay cả nước Mỹ cũng không có Internet từ sáng nay, hình như thế. Bà không nghe gì à? Họ loan tin này trên đài phát thanh đó bà!
Anh ta có vẻ hơi bực.
- Anh không có ai trong khách sạn biết sửa chữa sao? Emma gằn giọng.
Trong một doanh nghiệp được tổ chức tốt – nàng ở vị thế để biết rõ việc này mà – những vấn đề tin học thường được giải quyết nhanh chóng.
- Thưa bà, không có, chính vì tôi nói với bà là hệ thống toàn cầu bị...
Ngay lúc nhân viên lễ tân ngưng nói Emma nghe được tiếng chuông reo từ một điện thoại khác.
- Xin lỗi bà một chút, xin bà cứ giữ máy.
Một tiếng động khô khốc. Chắc là tiếng máy điện thoại bị vứt mạnh xuống quầy, Emma tự nhủ, tai nàng vẫn còn áp vào máy.
- Bác sĩ? Không, thưa bà, ông chưa có mặt ở đây. Nhưng đang đến. Vâng, người đó đã được chở đến phòng 112... Vâng, các đại biểu hơi hốt hoảng: có vẻ như bà ấy ngã vật xuống ở bục giảng khi đang đọc bài nói chuyện của mình.
Thình lình, một tiếng kêu từ xa cắt đứt giọng nói nghèn nghẹn của anh lễ tân. Tiếng kêu của một người đàn bà, một nữ nhân viên khác, chắc thế, có thể đang đứng gần anh ta. Emma lúc đó nghe rõ:
- Michael, gọi lại bác sĩ đi, bảo ông nhanh lên. Bà khách đau quặn trên giường. Cặp mắt đã méo xệch, tao nghĩ bả sắp tiêu rồi đó!
[1] Tiếng Anh và in nghiêng trong nguyên tác, Overlord (Lãnh chúa) là mật danh quân sự của chiến dịch đổ bộ lên vùng Normandie (Pháp) này, bắt đầu từ ngày 6 tháng 6 năm 1944 của phe Đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp, Canada...) trong Thế chiến thứ hai.
[2] Vincent Van Gogh, họa sĩ danh tiếng người Hà Lan (1853-1890), người mở đường cho trường phái Dã thú và trường phái Biểu hiện.
[3] Nhà sinh lý học Nga (1849-1936). Giải Nobel 1904.
[4] Tên đầy đủ là Arromanches-les-Bains, một làng nhỏ vài trăm dân nằm bên bờ biển Manche. Khu nghỉ dưỡng khá có tiếng. Còn được biết đến là nơi đổ bộ của quân Đồng Minh ngày 6 tháng 6-1944.
[5] “Đại hội Phụ nữ Thường niên”.
[6] Từ “San Francisco” được rút gọn lại.
[7] Tin tức Thương mại Thế giới
[8] Chúa ơi, Trời ơi.
[9] Gần thành phố San Francisco (bang California), sau khi qua cây cầu nổi tiếng Golden Gate Bridge.