Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam
Cập nhật ngày:
26/08/2013
Tập sách, do tác giả Võ Văn Thành biên soạn, tập hợp những khảo cứu về văn hóa vùng Nam Bộ qua tác phẩm của Sơn Nam.
Di sản sáng tác, biên khảo biên soạn của nhà văn Sơn Nam luôn được những nhà nghiên cứu đi sau sử dụng như nguồn tư liệu. Các tư liệu này vừa mang tính khoa học, vừa đậm dấu ấn trải nghiệm cá nhân của chính "ông già Nam Bộ". Cuốn sách Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam do tác giả Võ Văn Thành biên soạn góp phần giúp độc giả hiểu thêm điều này.
Qua bộ sách của mình, tác giả Võ Văn Thành không chỉ cung cấp bức tranh tổng hợp về văn hóa vùng miền, mà còn giúp cho bạn đọc cảm nhận được các lát cắt văn hóa đặc trưng, được ghép từ những chi tiết thú vị, chắt lọc qua góc nhìn của Sơn Nam.
Bằng các trích dẫn chọn lọc, tổng hợp có hệ thống nguồn tư liệu tìm được, Võ Văn Thành đưa người đọc đi từ những cảm nhận văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể về Nam Bộ. Văn hóa vật thể ở đây gồm: văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông... Còn văn hóa phi vật thể là tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, nghệ thuật. Độc giả có thể thấy nhà văn Sơn Nam tận lực trong việc ghi nhận và phổ biến nét đẹp trên nhiều phương diện của người miền Nam. Chúng không chỉ mang giá trị văn học mà còn mang giá trị văn hóa, với các phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói được phản ánh chân thực, độc đáo.
Nhiều tác phẩm của Sơn Nam có giá trị cao về mặt văn học, biên khảo và văn hóa.
Được mệnh danh là nhà văn của vùng đất Nam Bộ, những tác phẩm của Sơn Nam luôn phản ánh đời sống chất phác về con người nơi đây. Nếp văn hóa thấm đẫm trong máu đã làm nên một nhà văn giản dị, dễ gần nhưng cương trực. Không dừng lại ở vốn kiến thức sẵn có, tích lũy qua sách vở, Sơn Nam còn tự tra cứu, tìm tư liệu và trải nghiệm thực tế qua những bước chân rong ruổi từ vùng quê Miệt Thứ của ông đến tận Sài Gòn đô thị và nhiều vùng đất khác. Ông đóng góp cho lịch sử văn học, văn hóa, nghiên cứu khoa học xã hội của Việt Nam hàng chục công trình biên khảo, sáng tác giá trị.
Bạch Tiên