Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Trích đọc TRẦN BẠCH ĐẰNG DU KÝ - Kỳ 3: Hàn Quốc
Cập nhật ngày: 18/04/2008

 
 

Chúng tôi đến phi trường Kim Po của Seoul lúc 4h30 sáng (giờ địa phương) ngày 9.11.1991. Có người quen ra đón và đưa chúng tôi về khách sạn ở trung tâm thành phố.

Seoul đang lạnh dưới 1oC nhưng chưa có tuyết rơi. Vả lại trong phòng có máy điều hòa không khí nên khó cảm nhận độ lạnh thực sự bên ngoài. Tôi ở tầng 15 của khách sạn Hilton này. Tại Osaka tôi cũng ở khách sạn Hilton nhưng có cảm giác khách sạn này không hiện đại so với Nhật, mặc dù phòng ốc rộng rãi, tiện nghi, các thứ phục vụ có thể hơn nhưng cung cách hơi luộm thuộm. Đó có thể do sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế của một nước tổng sản phẩm 200 tỷ USD so với một nước 3000 tỷ USD.

Tối nay, tập đoàn Korean Consortium chiêu đãi ra mắt chúng tôi. Không khí chung cởi mở, họ đón tiếp nồng nhiệt, hy vọng rằng có những chuyển biến mới giữa quan hệ hai nước trong những ngày gần đây.

Vài hôm sau, chúng tôi đến khách sạn Plaza cách khách sạn Hilton khoảng 15 phút xe hơi để dự cuộc đón tiếp của các giáo sư đại học.

Giáo sư tiến sĩ Suk Ku Song (Song có thể là Tống), dạy triết học tại Đại học Dongguk, Seoul, cùng các giáo sư khác hôm nay tiếp đãi, nói chuyện, tặng sách chúng tôi. Họ cho biết đã tổ chức 12 hội nghị trong 12 năm về Nho giáo, văn hóa phương Đông. Họ đề nghị sắp tới sẽ tài trợ tổ chức hội thảo Nho giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có những giáo sư đã từng tham chiến ở Việt Nam mấy năm trong quân đội Hàn Quốc. Thế nên, họ quan tâm việc tôi có mặt ở Hàn Quốc vừa với tư cách một cựu quân nhân, vừa với tư cách một nhà khoa học, một nhà sử học và các loại hình triết học, v.v. Qua cuộc nói chuyện, tôi phát hiện điều không mới gì nhưng khá phức tạp: họ hỏi ở Việt Nam có chùa, có nhà sư không? Có quyền theo tôn giáo không? Còn dòng họ thân tộc không? Chữ Nho, chữ Hán cũ còn người biết không, có bị cấm không? Ngoài chủ nghĩa Mác ra, có thể nói chuyện học thuật về các vấn đề khác không?.. Những câu hỏi này hoàn toàn là chuyện phiếm, có phần ngớ ngẩn, vì họ đã đi Trung Quốc và thấy chuyện Nho giáo bị càn quét khốc liệt ở đây, Bắc Triều Tiên cũng thế. Anh Sáu Giàu (giáo sư Trần Văn Giàu) giải đáp và tôi nói thêm vào, họ phấn khởi, cho rằng có lẽ vì vậy mà Việt Nam mới thắng hai đế quốc lớn và hiện có triển vọng xây dựng kinh tế trong khi Bắc Triều Tiên không có, do coi nhẹ cái gì thuộc đời sống tinh thần, nói cách khác, chỉ công nhận một thứ đời sống tinh thần thôi chứ không công nhận đời sống tinh thần đa dạng theo nhu cầu của từng con người nhất định. Buổi nói chuyện lúc đầu dự định một tiếng rưỡi mà kéo dài 2 tiếng, tôi về khách sạn hơn 10 giờ khuya. Ngày mai thứ sáu, chương trình rất nặng, thứ bảy cũng vậy, làm việc hết sức dồn dập. Anh Sáu Giàu tương đối rảnh rang vì đi các trường đại học gặp gỡ các giáo sư, các nhà nghiên cứu thôi, không quá khẩn trương, còn tôi làm việc với 3, 4 tổng công ty thuộc các ngành kinh tế lớn của Hàn Quốc, hoặc tiếp xúc với bộ máy chính quyền.

 

 
 
(Trích "Trần Bạch Đằng du ký'')
 
 
Những bài viết có liên quan:
Các Tin Tức Khác