Ông thuộc diện nhà văn đa diện, nghiêm túc với chữ nghĩa, nghịch ngợm với chữ nghĩa, tìm tòi không ngưng nghỉ. Có cảm giác ông thích thú lấy chữ mà chơi. Và bởi vậy ông luôn hấp dẫn người đọc. Cầm cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của Hồ Anh Thái: SBC là săn bắt chuột (NXB Trẻ năm 2011) ta phải tủm tỉm tự hỏi trước khi mở ra đọc: “Ông ta lại sắp bày cái trò gì đây?”.
Bởi Hồ Anh Thái là nhà văn không đi theo đường mòn một dòng chảy nào, đặc biệt những sáng tác gần đây luôn gây bất ngờ. Những vấn đề nghiêm túc đến mấy, những dòng chữ đau cứa vào tâm hồn người đọc đến mấy, ông vẫn cứ cười cợt, nghịch ngợm khoác cho cái áo hài hước. Nhờ vậy mọi vấn đề trở thành món ăn... dễ tiêu hóa. Người ta nói những người hài hước thường thông minh. Các cây bút lại càng phải thông minh đến độ nào mới hài hước hóa được đôi mắt nhìn cuộc đời.
SBC là săn bắt chuộtcó thể nói là sản phẩm đậm đặc chất đó của Hồ Anh Thái. Một câu chuyện nhiều ẩn dụ, trào lộng, hoạt kê. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết là những bức biếm họa đặc sắc. Mảng xã hội gồm nhiều tầng lớp, muôn mặt đời thường, bỗng hiện ra trên một sân khấu rối, với những con rối sinh động. Từ những bà chị sồn sồn nhí nhố, đến những cốp, đại gia, luật sư, giáo sư... mỗi người trong đám nhốn nháo ấy đại diện cho tầng lớp họ không lẫn vào đâu được.
Rồi hoạt động của sân khấu rối ấy lại bỗng nháo nhào lên khi có thêm một giống vật rất gần gũi và ghê tởm tham gia. Chuột. Chúng thường được ví với những quan tham, sự đục khoét ẩn mặt trong xã hội. Nhưng xã hội chuột tồn tại song song với xã hội con người này xem ra rất bành trướng, thậm chí chi phối được cả xã hội người. Hãy cứ nhìn chung quanh ta sẽ thấy quả là phần chuột đang hoành hành ghê gớm. Chúng liên quan hữu cơ với xã hội người. Đừng nghĩ chúng ở đâu xa (chúng có cả chuột quang máy tính hiện đại theo dõi làm hại chúng ta đấy!) Con số một người chết, bảy người mắc bệnh hiểm nghèo ở trong tiểu thuyết chỉ là con số đại diện, chưa biết chừng hôm nay phải lên đến ngàn vạn ấy chứ.
Đọc xong lại thầm khen “bồ chữ” của tác giả đầy đặn quá. Ca dao tục ngữ xưa và nay, bài hát xuyên tạc rất có sức mạnh miêu tả hiện thực, ví von tinh tế, chữ nghĩa huỵch toẹt... khiến người đọc phải phá lên cười. Và vì vậy người đọc trẻ hay già đều đón chờ Hồ Anh Thái từng trang viết.
Điều cuối cùng tôi muốn nói là tính cách nhân hậu của nhà văn rất đậm nét. Ông thù ghét sự xấu xa bỉ ổi, nhưng ông không thù ghét con người, kể cả đến giống chuột. Ông luôn hé mở cho người đọc thấy cái phần khả dĩ để còn thương được ở những góc khuất đen tối nhất. Chuột chồng hy sinh ly biệt với chuột vợ thực là một bất ngờ với tôi.
Trong thời kỳ sách đang ào ạt tấn công người đọc, một cuốn sách như thế này chắc hẳn sẽ đóng góp tích cực vào sự sống mới của tiểu thuyết Việt Nam.
Đoàn Lê
(Nguồn: TT&VH)