Một bữa tháng Tư gần một tháng trước, sau khi Ruby đi học về, Nathan xuất hiện ở cửa bếp với một bao đồ. Mẹ đã đón anh ấy ở ga xe lửa. Lúc này là kỳ nghỉ xuân, trời chưa ấm lắm, nhưng anh ấy lại mặc quần short và áo thun Hawaii. Anh ấy có một bộ sưu tập mấy cái áo đó – anh ấy và bạn thân của mình, Rob, đã bắt đầu sưu tập chúng vào năm nhất đại học (“Bộ sưu tập áo thun Hawaii! Là bất tận!” Nathan từng thốt lên như vậy).
Ruby chào anh ấy ở cửa. Cô đã chờ anh ấy suốt cả ngày. “Rubalski!” anh ấy hét lên, trong khi kéo cái bao qua khỏi khung cửa. “Anh được nghỉ xuân rồi!”
Anh ấy nhìn cô lạ lắm; Ruby đế ý thấy liền. Cái đầu anh ấy nghiêng một góc so với cô, thành ra anh ấy nhìn cô từ một bên chứ không phải chính diện. Giống như là nhìn kín đáo vậy, giống như anh ấy đang nói thầm với cô bằng ánh mắt cố ý để người kế bên không hay biết. Ngay cả khi cúi xuống vuốt con chó, để cho Wally quều quào lên cổ và ôm nó như khi còn bé, Ruby nhận ra cái đầu anh ấy cũng nghiêng nghiêng một tí.
Anh quăng cái bao đồ xuống. Cô ôm anh mình. “Về nhà thiệt là vui đó”, anh ấy nói.
Tối hôm đó họ dùng bữa với nhau, cả ba người, Ruby cùng mẹ và Nathan – Abe ngồi trong phòng riêng, nói anh ấy “phải làm quen” với việc Nathan về nhà, còn Aaron thì ở Chicago – và cái cách Nathan nhìn sang Ruby nó sao sao ấy. Anh ấy nói chắc phải mang kiếng, có vậy thôi, gần đây anh ấy học hành sao khó quá, chắc tại ngồi lì mấy tiếng mỗi ngày trước máy vi tính – ờ, chắc cũng chỉ tại cái đó mà thôi. Anh ấy về nhà chơi, chút ít, điều đó mới quan trọng. Sau đó, Ruby nằm trên giường nghe anh ấy nói chuyện trên điện thoại, và âm điệu thân quen như cái mỏ neo kéo cô trở vào nhà và trấn an cô trên giường.
Những tháng sau khi cha mất, sau khi Nathan trở lại đại học và Aaron đi làm ở Chicago, Ruby luôn thấy khó khăn khi liên hệ với họ. Ruby biết họ đau đớn nhưng, nhưng đau ra sao nhỉ? Mọi việc trở lại bình thường, cô nghĩ thế, ai cũng phải sống tới, nhưng đôi khi cô thấy tủi thân vì nghĩ sự vụ dễ dàng hơn cho Nathan và Aaron, được đi xa nhà nên không phải chịu đựng hậu quả của mất mát, cái cảnh mẹ ngồi uống trà một mình, cái im lặng cuối ngày khi cha không về nhà nữa. Và họ không phải tiếp xúc với Abe, lúc này đã về nhà và dường như vô ý vô thức về chuyện gì đã xảy ra, lầm lì như bóng ma trong góc phòng. Khi nói chuyện với họ trên điện thoại cô thấy họ cũng ổn, họ thường chỉ nói dăm ba câu, và có thể có chút dịu dàng hơn thường lệ ở trong giọng nói khi họ hỏi cô ổn không, nhưng chỉ có bấy nhiêu. Họ hỏi cô về mẹ và về Abe, và cô bèn đóng vai người gánh vác (“Mẹ cũng khỏe, em nghĩ vậy”; “Ờ, vẫn còn khùng”), nhưng hệ quả là cô càng cảm thấy xa cách. Càng ngày, cô càng thấy các anh mình như những hòn đảo xa xăm, ngoài tầm với. Hễ họ đi xa là cô thấy trơ trọi.
Qua kỳ nghỉ Giáng sinh, lần đầu tiên họ cùng sum vầy ở nhà là đám tang cha và cúng thất shivah, một đêm Ruby vô phòng tắm thì nghe Nathan khóc trong phòng riêng: khóc nghẹn ngào. Nãy giờ anh ấy chơi đàn cello, ngồi dưới nhà coi tivi cô vẫn biết anh ấy đang chơi đàn, cây cello kéo điệu trầm lắng buồn thảm, và rồi ngưng bặt. Cánh cửa thông từ buồng tắm vào phòng anh ấy hé mở, và khi Ruby bước vô cô thấy anh mình ngồi trên giường hai tay ôm đầu. Cây cello nằm lăn lóc dưới chân.
Anh ấy đang nguôi khóc, cô thấy vậy, hơi thở chậm lại và bình thản hơn, và anh ấy không biết cô đã vào. Cô chưa từng thấy Nathan khóc như vầy, ở phòng tắm nhìn vô làm cô khựng lại. Cô có nên vô an ủi anh ấy? Hay là cô nên bước ra để anh ấy không biết mình bị nhìn thấy? Anh ấy đang lau mắt. Ruby rời phòng tắm rồi anh ấy mới nhìn thấy cô, nhưng chuyện này làm cô thấy thương mến anh hơn, thương tới mức mà, cho dù chưa từng khóc chung với nhau, cô có cảm giác, mỗi khi khóc một mình, giữa cô và anh có một cái gì đó chung.
Khi cô lại nghe tiếng Nathan trong căn nhà vào tháng Tư năm đó, thiệt là nhẹ nhõm hết mức. Cô sung sướng gặp lại anh bởi vì cô nhớ anh, bởi vì anh luôn làm cô thấy dễ chịu, bởi vì có anh bên mình làm cô an tâm; nhưng lần này anh về có cái gì đó giải thoát, như thể cô sợ e sẽ không còn gặp lại anh nữa. Gặp lại Nathan là tự nhiên nhớ được hết, này là gia đình yêu dấu cũ, cái gia đình đặc biệt mà cô may mắn thuộc về. Nhớ lại Nathan trước khi xa nhà, trước khi cha ốm nặng, trước khi có cả sự vụ Abraham: chỉ có hai đứa ở trong nhà, Nathan là người bảo vệ cho cô. Lúc này cô nằm trên giường nghe anh ấy vừa nói điện thoại, vừa cười (đi qua đi lại trên cái thảm nâu dày, cô biết), và cho dù giọng nói của anh khiến cô không ngủ được, cô hy vọng anh ấy cứ nói chuyện miết. Cô cảm thấy thảnh thơi trong lồng ngực, khi nghe anh ấy nói cười bên kia vách.
Nhưng vài ngày sau Nathan đi khám bác sĩ nhãn khoa, ông ta nhìn đèn vào mắt phải anh một cái và quyết định rất nhanh. Ông gửi Nathan tới một chuyên gia thần kinh, và ngày hôm sau họ có được bệnh chẩn: u não, u nguyên bào xốp, thứ chết người nhất, y chang cái cha cô bị. Họ không sao giải thích được, bác sĩ nói, loại ung thư này đâu có di truyền, thiệt cứ như đùa. Chớ còn biết nói sao, không giải thích được mà.
Cái hôm Ruby biết chuyện là do mẹ đến đón ở trường. Hôm đó tới phiên đưa đón của bà, và họ phải chở Faith Kominsky, hơn Ruby một tuổi và sống cách nhà Bronsteins năm phút trong một ngôi nhà gỗ mới xinh đẹp. Faith là một gái bé nhỏ, da bọc xương, với hai mắt khổng lồ nhô ra từ hốc mắt. Bạn có thể nhìn thấy tròng mắt của Faith vào bất cứ lúc nào; Ruby thấy ớn cô ấy.
Hai người lên xe hơi, và mẹ Ruby lái xe khỏi trường Featherton. Mặt trời đang lặn. Ruby biết ngay có cái gì đó không ổn với mẹ mình. Bà cười quá niềm nở khi chào hỏi, “Cha mẹ con khỏe chứ Faith?” và nhìn vào kính chiếu hậu. Bà quan tâm tới cha mẹ Faith từ khi nào vậy?
Sau khi Faith trả lời, cô hỏi, “Mẹ, có chuyện gì phải không mẹ?”
Mẹ cô hướng ánh mắt xuống mặt đường phía trước, hấp háy. Bà nắm chặt tay lái, cố gắng lắm mới có thể nói, “Mọi chuyện vẫn ổn”, sau cùng bà nói.
“Vẫn ổn?”
Ánh mắt mẹ liếc nhanh vào trong kính chiếu hậu và trở lại đường đi. “Để đưa Faith về rồi mẹ nói chuyện”.
“Nhưng mà chuyện gì?” Ruby nói, tim đập nhanh hơn. Một thứ chất lỏng gì đó trào lên trong cô. “Nói chuyện gì hở mẹ?”
“Ruby, là chuyện nghiêm túc. Hãy đợi chút”.
“Tại sao? Chuyện gì vậy mẹ?” Ruby ngạc nhiên thấy mình phát hoảng lên như vậy. “Mẹ ơi, nói cho con nghe đi”.
“Bà cứ nói đi, bà Bronstein”, Ruby nghe Faith nói.
Mẹ chúm môi, miệng nhỏ xíu – Ruby nhận ra cái biểu cảm thường thấy khi bà cãi cọ với cha, những khi mẹ cô biết thiệt vô ích nếu tranh cãi mặc dù bà chắc đúng.
“Chuyện gì vậy mẹ?” Ruby lại hỏi.
Mẹ cô vẫn chăm chăm nhìn xuống mặt đường. Bà hít một hơi thiệt sâu và buông xả. “Hôm nay Nathan đi khám mắt”.
Ruby nghẹn ngào. Nathan! Ôi Chúa ơi! Sao lại là Nathan.
“Bác sĩ nhãn khoa bảo anh ấy đi gặp một chuyên gia thần kinh học”. Bà nuốt cục nghẹn, tay nắm chặt bánh lái. “Anh nó bị u não, Ruby à”.
Im lặng. Như thể chạm vào chỗ dừng của vũ trụ, như thể chiếc xe ngừng lăn bánh và ba trái tim trong xe cùng lúc ngừng đập, máu ngừng chảy, trái đất ngừng quay. Chiếc xe, chiếc Toyota Previa, tròn trịa như giọt nước mắt, dừng lại trên đường, ba con người bàng hoàng bên trong nhìn tới trước, mây mù che không trung. Không có gì chuyển động hết – không có sâu bọ trên cây cỏ, không có chim chóc chiếp chiếp tìm thức ăn, không con người nào cử động hay nháy mắt, không một ý nghĩ bay qua đầu, không đèn đường xanh hay đỏ. Ruby có cảm giác như vừa nuốt một hòn đá. Liệu cô còn cử động được chăng, liệu thời gian có tan băng chăng? Hòn đá chìm dần qua nội tạng dày cứng của cơ thể cô, và rồi bất động hết thảy.
Và rồi, cũng bất ngờ như khi dừng, mọi thứ chuyển động trở lại. Âm thanh trở lại: lốp xe cạ mặt đường, một tiếng còi đâu đó.
“Sao kia?” Ruby nói, bởi vì cái chữ đó tự nhiên nó bật ra.
Mẹ cô không đáp.
“Sao kia?” Ruby lại nói, lúc này lớn hơn. “Sao hở mẹ?”
Mẹ cô gật đầu, khe khẽ thôi, nhưng vẫn không nói gì.
“Nhưng không thể như thế được, phải không? Mẹ ơi, không thể như thế được!” Giọng cô vút lên.
“Có vẻ như không tưởng”, mẹ cô nói, “nhưng mà có thiệt”.
“Nhưng không nghiêm trọng, phải không mẹ? Không đến mức...” cô tắt tiếng. Cô đang nhìn ra cửa kính. Lúc này tối lắm, tối thui. Không có đèn đóm gì cả.
“Cũng cùng một dạng như của cha con đó”.
Nhưng cho dù có thêm thông tin này, vẫn không còn nhận biết, không có niềm tin, không có chi trừ con đường tối om phía trước họ. Làm sao có thể như vậy chứ? Không ai sinh ra để tin vào những điều tệ hại nhất, để thực sự tin nó, ít nhất là cho đến khi điều tệ hại nhất xảy ra hơn một lần.
“Nhưng làm sao mà nó lại tái diễn, hở mẹ?” Ruby nói. Nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào. Không thể là Nathan! “Mẹ ơi, làm sao mà nó tái diễn được!”
“Mẹ cũng không nghĩ vậy”, mẹ cô nói. “Mẹ không nghĩ sẽ còn có chuyện đó. Làm sao mẹ biết được.”
Faith ngồi phía sau trong khoang xe và im lặng. Ruby cảm nhận đôi mắt khổng lồ của Faith xuyên qua gáy, xuyên qua kính chắn gió, cảm nhận sự hiện diện mỏng mảnh của cô trong khoang xe, và Ruby muốn đè sấp cô ta xuống và xé làm hai, muốn ném cô ta ra khỏi cái xe đang chạy, ném vào bóng tối, ném xuống vỉa hè cho thịt nát xương tan. Đáng đời lắm, ai biểu cứ ngồi lì ở đó, ai biểu dám cả gan im lặng, cả gan chứng kiến hết chuyện này.
“Thôi đi Ruby”, mẹ cô nói, ánh mắt bà liếc qua kính chiếu hậu trong khi Ruby ré lên, khóc gào “Không thể như thế được!” Nhưng Ruby vẫn không màn, ước gì cô có thể xé Faith ra làm hai vì sự dửng dưng của nó.
Khi họ đến được nhà Faith, cô ấy mở cửa sau, phải dùng hết thân mình để đẩy nó ra, và cô ấy đặt tay lên vai Ruby và Ruby ước gì có thể vặt nó khỏi cái cổ tay, phải kiềm chế lắm cô mới không làm như vậy.
“Mình lấy làm tiếc, Ruby à”, cô ấy nói. Ruby không thèm đáp. Mẹ cô nói, “Cám ơn cháu Faith”, và Ruby muốn giết luôn mẹ mình quan tâm làm chi vậy, thú nhận làm chi vậy, vì chuyện đã thiệt quá rồi, rất thiệt rằng sẽ có những lời chia buồn và cám ơn đáp lại.
Khi họ về tới nhà, Ruby đã bình tĩnh hơn. Không có chi khác để làm ngoài việc vào nhà. Họ có thể làm gì kia chứ? Họ ngồi trong nhà xe một vài phút và mẹ cô nói: à, họ không thể biết, làm sao họ có thể biết được? Nathan lúc này đã về nhà, anh ấy sẽ bắt đầu xạ trị. Cô không ngờ sự việc lại tái diễn. Họ có thể làm gì?
Họ có thể làm gì kia chứ?
Họ đi vào nhà. Âm thanh từ tivi có thể nghe khi họ đi vào. Là Nathan.
Ruby đi qua bếp và đứng trên lối vào phòng tivi. Nathan đang nằm trên ghế bành xem phim The Simpsons. Wally thì nằm trên ghế, và Nathan đặt một tay lên lưng nó, như thể vuốt ve có thể giúp bình yên.
“Chào anh Nate”, Ruby nói, nhìn xuống anh ấy.
“Chào em Rube”, Nathan nói, mắt vẫn nhìn về phía tivi.
Cô đi lại trước ghế và leo lên, sửa thế nằm sát bên anh, đầu dựa vào bả vai anh. Nathan. Có điều gì để nói? Có từ nào đúng chỗ?
Họ nằm yên. Trên màn hình, Homer Simpson bị đau tim. Gia đình anh ta đứng quanh giường bệnh, anh ta cười yếu ớt. Sao nhà Simpsons cũng ở trong cảnh này, Ruby nghĩ.
Cô nằm sát Nathan và cảm nhận sự hiện diện của điều gì đó tai ác đang lớn lên bên trong cơ thể anh. Đây là Nathan, người che chở cho cô; bên dưới nơi cô gối đầu cơ thể ấm áp của anh vẫn giống y như ngày hôm qua và ngày hôm kia, khi anh ôm cô lên cao quá đầu. Nhưng giờ đây đã có điều gì đó xa lạ, điều gì đó nguy hiểm, ngay lúc này, ngay nơi này.
Cô nhớ lại những trò họ cùng chơi với nhau, khi mà Nathan cho phép mình là món đồ chơi cho Ruby, để cho nó ỉu xìu, để cho Ruby kiểm soát nó. Có trò Andy Rách Rưới, khi đó Nathan làm con búp bê, mất chân mất tay, và Ruby sẽ dựng anh dậy, sắp xếp lại hai tay, và vặn cằm với hai tay bé xíu bắt anh phải nói. “Tui là Andy Rách Rưới”, cô sẽ nói vậy, dùng tay xoay cái cằm của anh, đầu tựa ra sau ghế, “Tui là búp bê đây”. Đôi lúc cô sẽ cho anh ăn ngũ cốc, bỏ hạt Cheerios vào miệng anh từng bụm và rồi dùng tay xoay cằm, những mảnh vụn rơi lả tả, và cho dù ánh mắt Nathan sẽ lấp lánh và nheo nheo nơi khóe mắt cố không bật cười, anh ấy không cười, cho dù có bao nhiêu Cheerios rơi vãi trên áo trên quần. “Tui biết ăn Cheerios! Tui đói bụng!” Ruby la lên, nhét ngũ cốc vào miệng anh.
Rồi có trò chơi Người Máy, khi đó cơ thể Nathan sẽ cứng đơ, cứ ở nguyên một tư thế (đầu gục xuống, tay dang chín mươi độ, chân khép chặt) cho đến khi Ruby đánh một lệnh lên bàn phím tưởng tượng trên lưng anh, và Người Máy sẽ sống dậy để làm những việc lớn lao. “Người Máy”, Ruby nói, tay gõ nhẹ nhẹ lên lưng anh theo một hình chéo, “đi tới ghế bành!” Và con Robot sẽ vươn thẳng người lên, cử động chậm chạp và cà giựt, đi tới ghế bành, nơi anh ấy sẽ dừng và cúi đầu, chờ một lệnh khác. Nathan không nói một lời trong những trò chơi của họ, cho dù Ruby giao cho anh một nhiệm vụ bất khả thi (Người Máy, hãy bay lên!) anh vẫn cố làm (hai tay dang thẳng, lao chúi đầu vào vách). Có khi Ruby còn xáo trộn các trò lại với nhau, ra lệnh Andy Rách rưới làm Người Máy hay ngược lại (“Người Máy! Hãy biến thành búp bê!”), nhưng Nathan sẽ không bao giờ sai nhân vật, cho đến khi trò chơi kết thúc.
Nấp sau bờ vai Nathan trên chiếc ghế bành trước màn hình, cô nghe tim anh mình đập qua cánh tay. Đây là cơ thể trẻ trung, đã từng thuộc về cô, và bây giờ, nó ở đây. Trên màn hình, trái tim của Homer Simpson đập mạnh rồi dừng lại, rồi đập tiếp.
“Rubalski ơi”, Nathan thở dài, và giống như cô nghĩ, tivi bật lên đó, nhưng đâu có ai xem. Cái tivi đang níu giữ họ, định vị họ, nối kết họ với những đời những kiếp đã qua, nhưng điều gì đó oái ăm đang lớn dần. Ruby nâng cánh tay lên và tựa bàn tay lên vai Nathan, rồi ngả đầu lên đó. Cô không nói điều gì. Có bao nhiêu lời để nói, nhưng chẳng có ngôn từ nào ra hồn. Nathan, ôi Nathan, không thể là Nathan được.
Sau đó Nathan ở nhà ba tuần và biết mình bị u não, u ác tính, đang di căn. Cô cố gắng tưởng tượng trong hoàn cảnh của anh, cố gắng thực hiện bước nhảy từ cơ thể mình sang cơ thể anh, nhưng không làm được. Cô không phải anh ấy. Cô phải đi học còn Nathan bắt đầu xạ trị. Anh ấy hay thở vắn thở dài, và lắc đầu quầy quậy. Ruby quấn quít bên anh, coi chừng cẩn thận, chú ý từng chi tiết xem anh đi đâu về đâu, nhưng cô vẫn không biết phải nói gì. Anh ấy hay ngồi trên ghế trong nhà bếp hay sân sau, đọc cuốn sách về các phép lạ tự chữa lành mà mẹ mua cho. Cô không thể tưởng tượng một người mới hai mươi mốt tuổi mà gặp cảnh ngộ như anh. Cô vẫn ý thức về anh, tiếng động của anh trong nhà tắm muốn làm cô vỡ tim, và cô chìm đắm suy tư không biết anh cảm thấy ra sao, nhưng cô không muốn diễn nó ra thành lời; nỗi đau là có thiệt, và không có từ ngữ nào đủ sức diễn tả. Cô hay ôm anh, và cảm nhận khoảng cách giữa hai người: với cô chỉ là tri nhận, với anh, là sự hiện hữu của chính sự vật.
Ba tuần sau, anh ấy đi vào hôn mê. Anh ấy đang chuẩn bị mổ, bác sĩ đang chuẩn bị lấy khối u ra khỏi não, nhưng có cái gì đó bị vỡ mất rồi. Hôm đó Nathan ở nhà một mình và cảm thấy mất phương hướng và gọi một người bạn của gia đình, chú Bruce, vẫn thường hay đánh tennis với cha lúc trước, chú Bruce chạy sang gọi xe cứu thương và mang Nathan đến bệnh viện, khi họ tới nơi thì Nathan đã bất tỉnh. Ruby tưởng tượng cảnh đó, máu chảy tràn trong não Nathan như những bịch sốt cà chua bị dậm lên, cái trò này đám con trai trong lớp vẫn ưa làm, nhảy cái phịch lên, làm cho nước sốt văng tung tóe khắp thảm trải và vách tường, và cái màn Tim cho nó vào miệng, cắn vỡ ra cho có vẻ như chảy máu. Máu chảy tràn trong các khe não Nathan, len lỏi, lan ra, máu quái ác, máu không đúng chỗ đúng nơi, và Nathan, đang ngồi trên cái ghế da trong phòng khách, đang đọc sách, đang cố bình tĩnh, thì chữ nghĩa bắt đầu nhảy múa, căn phòng bắt đầu chao nghiêng, tim bắt đầu đập mạnh. Sức mạnh nào giúp anh lần tìm đến điện thoại, những con số quay mòng, vậy mà vẫn nhớ đến chú Bruce, vẫn tìm ra số chú ấy, để mà quay gọi, cái vật màu trắng lạ hoắc ở trong tay, cái nỗi sợ ở trong ngực, sức mạnh nào giúp anh có thể nói với chú Bruce, như Ruby về sau nghe nói lại, “Chú Bruce, cháu gặp chuyện rồi, chú qua giúp dùm nhé”.
Sáng hôm đó, trước khi xảy ra xuất huyết, khi chuẩn bị đi học, Ruby đi từ phòng ngủ qua buồng tắm để tắm một phát, như thường lệ, và cô thấy cái cửa thông từ buồng tắm qua phòng Nathan mở ra, cô bèn nhón tới kéo nó lại, thò đầu vô trong xem một cái, Nathan còn đương ngủ lưng xoay vô vách. Cô yêu biết bao những khoảnh khắc riêng tư như vầy, được nhìn anh mà anh ấy không hay biết, và sáng hôm ấy cô lại càng nâng niu hơn. Nó cho cô sự chủ động, nhoài tới núm cửa và thấy anh mình ngủ, bình yên, thanh thản; nó cho cô cảm giác dù sao anh ấy vẫn tin cô, vẫn để ngỏ cánh cửa, đặng cô có thể trông vào như vầy. Và cô sẽ không xâm phạm vào sự riêng tư, cô sẽ tôn trọng ông anh thiêm thiếp của mình, tóc xoăn lòa xòa ra gối, gương mặt thư thái trong giấc nồng, thân thể ngưng kết nối với bên ngoài. Là khoảnh khắc họ sẻ chia, một thừa nhận lẫn nhau, một giao kèo tế nhị. Nathan mê ngủ; ít có thứ gì anh ấy mê hơn. Ruby thấy khoan khoái khi anh mình được như ý.
Sau này nghĩ lại, cô gần như tin rằng khi bước lại cửa vào sáng hôm đó cô đã cảm nhận điều gì khác, mạnh hơn, một linh cảm xấu. Cô tin chắc đã ngần ngừ khá lâu vì một lý do nào đó, với núm cửa trong tay, nhìn vào ông anh say giấc với một khối u trong não. Làm sao cô biết được đây sẽ là lần cuối cùng cô được nhìn anh ấy ở nhà? Làm sao biết được. Có lẽ linh cảm chỉ là sản phẩm của sự hồi tưởng. Có lẽ, cái hôm cha cô mất, khi cô cảm nhận cái quặn đau nơi dạ dày lúc 11 giờ tối, vội về nhà lúc 11 giờ 15 và biết tin cha mất 15 phút trước đó, có lẽ ngay cả điều đó cũng chỉ là cái mà cô bây giờ mới biết. Và thêm vào đó là những khoảnh khắc lớn lên, những khoảnh khắc cựa mình, những khoảnh khắc huyền thoại trong tâm trí những người phải sống tiếp khi người thân đã ngã xuống.
Cái đêm Nathan xuất huyết, Ruby đi với Jill coi đội Red Sox thi đấu; ngồi ở ngay sau phần sân phát bóng. Họ đi thẳng từ trường và ngồi gần một tay say rượu, một gã đập vợ mặc bộ khaki và bồ nhí ông ta, cô này mang nón bóng chày. Hai người đó om sòm cả lên và họ cho Jill và Ruby hai bịch đậu phụng.
“Ăn đậu phụng đâu có tốt cho ông đâu?” Jill hỏi người đàn ông, đang mátxa đùi cô bồ. Ông quay sang cô rất ngạc nhiên.
“Đậu hả?” ông ta hét lên, to tới mức Ruby dám chắc chày thủ trên sân cũng nghe được. “Đậu hả? Đâu có xấu đâu! Chỉ là đậu thôi mà! Giàu protein ghê lắm!” Ông giựt lấy cái bịch trong tay cô bồ và xìa cho Jill. “Nè!” ông nói. “Ăn thêm đi!”
Bồ ông ta eo éo, “Ronny, anh!” nhưng ông ta cứ vỗ đùi chị ấy. “Anh sẽ mua thêm cho em”.
Ruby và Jill hai đứa nhìn nhau mà cười, đậu phụng lăn lóc trên đùi. Trên đường đi tới trận đấu Ruby đã kể cho Jill nghe về khối u của Nathan, Jill là người đầu tiên cô kể. Jill vội vàng tấp xe vô lề và ôm lấy Ruby, an ủi, “Sẽ không sao đâu, sẽ ổn thôi mà”, và Ruby trả lời, “Ờ mình cũng biết thế”. Lúc này, ngồi cạnh hai người lạ ngớ ngẩn, người lạ không có ai bị ung thư, người lạ đang xem bóng chày nhai đậu phụng và uống bia tươi, Ruby phần nào nguôi ngoai, và cô với Jill cười cho đến đau cả ruột.
Nhưng khi đêm tàn và họ chạy vô nhà xe Ruby, thì đầy ắp những xe. Ngay tức thì mặc cảm tội lỗi dâng trong cô – họ đến vì Nathan. Trong khi Ruby cười giỡn với người xa lạ ở trận bóng chày, có chuyện đã xảy ra. Jill và Ruby ngồi yên trong xe Jill một phút, trong khi đêm tối đen hơn, và Jill nói, “Hay là mình vào với cậu nhé?” và Ruby nói thôi khỏi.
Ruby bước khỏi xe trong ánh đèn pha và đi vào nhà, cảm thấy xấu hổ, phủi phủi một miếng vỏ đậu phụng khỏi áo thun, và ở trong bếp cô bắt gặp mẹ mình cùng một nhóm bạn quây quần ở bàn. Bạn của mẹ, mà hầu hết cũng là bạn của cha, những người từ nhỏ Ruby đã thấy ở các buổi tiệc ngày lễ và cũng là những nhà hảo tâm tặng quà cho cô trong lễ thọ giáo Bat Mitzvah, giờ đây ngồi quây quần bên cạnh mẹ, nhưng không có cha, ở tại bàn bếp, gương mặt hướng về phía bà với ánh nhìn vô vọng và chân mày nhíu lại.
“Ruby con”, mẹ cô nói, đứng lên ở phía bên kia bàn, và Ruby nhận ra gương mặt bà ướt đẫm nước mắt.