Không phải nghĩ sao viết vậy, Mạc Can có “nheo mắt” nhìn những sự kiện - nheo mắt và nhìn thấy nó ở màu sắc khác, tiếng nói khác - ẩn sâu hay được “ngụy trang”; ông bịa ra cái gọi là cuộc trò chuyện với “tiếng nói thứ hai” - trò chuyện với cái “sọ dừa” hay “vỏ não” của người đối diện và chính mình. Nhà “tâm lý học” núp dưới cái vẻ “hề” đi tìm một nửa phần khuất trong bóng tối của tâm hồn mình - cái phần “buồn” - trầm mặc và cả mơ mộng ít khi lộ diện với đám đông.
Cái vẻ mặt hề của Mạc Can ai cũng đã biết, cái sự buồn khắc khoải của Mạc Can cũng đã “bị lộ” trong truyện ngắn và tiểu thuyết của ông. Nhưng phần mơ mộng, thơ mộng? Nó đã lộ ra, nằm ngay trong cuốn tạp bút này. Ai không từng một lần hay nhiều lần ngồi trên máy bay. Ai không một đôi lần xanh mặt, hoảng hốt khi máy bay bay qua vùng “ổ gà” áp suất xấu. Và bây giờ còn thêm nỗi lo âu... khủng bố đang ở phạm vi toàn cầu. Ai cũng chỉ mong nhanh xuống đất, về nhà.
Còn Mạc Can, ông bảo mình có tật ngủ trên xe đò, xe lửa, tất nhiên trên máy bay cũng ngủ. “Bây giờ. Trong khi tôi ngủ trên chiếc máy bay đang bay rất cao, tôi... nằm mơ thấy mình đi qua tấm màn, đi tới chỗ cửa, tôi mở cửa máy bay... bước ra ngoài bầu trời đầy mây. Đằng xa hình như có một làng nhỏ, cũng chỉ là mây, tôi đang nhẹ nhàng như người không trọng lượng, vui vẻ đi về phía đó. Vui quá, không chút ưu phiền nói gì là lo lắng. Đi máy bay khuyến mãi có những giấc mơ tuyệt vời. Còn chuyện tôi có trở lại chuyến bay hay không là chuyện khác...”.
Tôi tin chắc Mạc Can chưa từng thấy tranh của Marc Chagall - danh họa gốc Nga (và Chagall cũng chưa từng đọc Mạc Can - tất nhiên) nhưng giấc mơ bên ngoài máy bay trên những đám mây ấy của một danh họa đã chết, của một nhà văn... chưa chết, có vẻ đẹp giống nhau.