Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Từ Phú Xuân đến Huế - tập 1
Cập nhật ngày: 18/04/2012

Từ hồi còn ngồi trên ghế trường Tiểu học tôi đã nghe thầy tôi dạy rằng “Cái tôi là đáng ghét” (Le moi est haissable). Vì thế mỗi lần có ý tưởng viết tự truyện tôi lại ngần ngại đắn đo có nên làm cái việc “đáng ghét” ấy không? Tôi tìm đọc nhiều loại tự truyện của Đông Tây xem thử có loại tự truyện nào mà không viết về cái tôi không. Cuối cùng tôi lại cảm thấy mình lẩm cẩm: Viết tự truyện (autobiographie) mà không nói đến cái tôi thì viết cái gì? Tức là viết tự truyện hay viết hồi ký là làm cái việc đáng ghét. Thế thì ở đời cũng phải có những việc “đáng ghét” để tạo điều kiện tôn vinh những cái “đáng yêu”. Tôi không thể đặt mình nằm ngoài cái lệ ấy.

Khi bạn đọc cầm trên tay tập tự truyện nầy thì trong tủ sách của nhiều người đã có hơn bốn chục đầu sách Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa do tôi viết. Những bạn đọc ấy muốn biết cuộc đời tác giả và tôi thấy mình có trách nhiệm phải thỏa mãn yêu cầu của người yêu mến mình. Trong số các độc giả ấy có các con của tôi - những người được sinh ra và lớn lên từ sau ngày đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình và hội nhập thế giới. Các con tôi không biết gì về cuộc sống của người Việt Nam trước năm 1975 ra sao cả. Suốt gần ba chục năm qua, vì phải chạy theo việc học hành, công tác, làm ăn, các con tôi rất ít có cơ hội ngồi nghe tôi kể chuyện mình. Trong một dịp vô tình nào đó, được nghe một vài mẩu chuyện cũ của tôi, chúng cứ nghĩ đó là chuyện đời xưa hoặc chuyện do tôi sáng tác. Rồi đây, các con tôi có gia đình riêng, thỉnh thoảng cha con mới gặp nhau, đứa nào có hiếu, nhớ cha mẹ, may lắm là hỏi thăm qua e-mail và điện thoại là cùng. Thế thì làm gì tôi còn có cơ hội kể chuyện đời tôi cho các con tôi nghe nữa! Để cho các con tôi có một quá khứ dài hơn cuộc đời của chúng, tôi ưu tiên dành những năm cuối đời viết tập tự truyện nầy.

Tôi có một tuổi thơ rất nghiệt ngã, sống với mẹ lớn, rồi với cha ghẻ, bỏ nhà đi hoang, học qua đủ nghề như làm vườn, thợ mộc, thợ hớt tóc, phụ xe, thợ làm ảnh... nhưng những nghề ấy không hợp với mình, tôi phấn đấu học chữ, và lúc trưởng thành sống bằng ngòi bút cho đến lúc trở về với cát bụi. Trong bạn bè cùng lứa tuổi sống chung quanh tôi từ trước đến nay, nhiều người may mắn hơn tôi nhưng không có ai như tôi cả. Tôi đã vượt qua số phận bằng ý chí của mình, “học, học nữa và học mãi”. Ý chí đó có lẽ tôi đã được thừa hưởng của mẹ tôi. Tôi muốn truyền lại cho các con tôi để chúng vươn lên cao hơn và bay xa hơn thế hệ của tôi và đặc biệt tôi muốn gởi đến các thanh thiếu niên nông thôn đang lang thang đi tìm lẽ sống ở các đô thị hiện nay một bài học.

Độc giả sẽ bất ngờ khi được biết tác giả bộ sách “bách khoa” nhiều tập Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, tác giả hàng chục công trình nghiên cứu văn hóa lịch sử nổi tiếng từng trải qua thời thơ ấu 15 tuổi mới cắp sách đi học. Để trở thành một người sống bằng cây bút hôm nay, tôi đã được các thầy dạy dỗ, các bạn giúp đỡ tận tình nhưng tôi chưa có cơ hội tạ ơn. Qua cuốn sách nầy tôi ghi lại tấm lòng biết ơn của tôi đối với những bậc ân nhân ấy.

Tôi lớn lên trong đấu tranh và kháng chiến hết sức ác liệt. Nhiều đồng chí và đồng sự của tôi không còn nữa hoặc nhiều người còn mà vì nhiều lẽ không cầm bút. Những người ấy đã có một thời gắn bó với tôi, tôi phải viết để có dịp tưởng nhớ đến họ.

Cho đến trước tuổi 15, chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình sẽ được đi học rồi tôi được đi học và sống bằng ngòi bút. Khi đi kháng chiến, tôi không nghĩ mình sẽ sống mà chỉ cầu nguyện làm sao cho mình được chết vinh quang, nhưng rồi kháng chiến thành công, tôi được bình an trở về. Tôi lại không nghĩ mình sẽ có vợ, nhưng rồi có vợ và có con, lại được con ngoan. Thời bao cấp tôi chỉ ước mơ làm sao có đủ cơm ăn và một mái nhà để ngồi viết. Nhưng rồi đất nước mở cửa, tôi làm báo, làm sách, không những tôi có đủ cơm ăn mà còn được ăn ngon, không những có nhà ở mà có cả nhà gác, và có cả dàn máy vi tính để làm việc hiệu quả gấp nhiều lần so với việc viết tay hay lọc cọc với máy đánh chữ. Vậy, phải chăng bây giờ tôi chỉ còn mong có sức khỏe để làm việc thể hiện ra giấy những điều mình đã sắp sẵn trong đầu? Lòng tham của con người là vô tận. Vào những năm cuối đời, bên cạnh những hạnh phúc, lòng tôi luôn se thắt với những bất cập của quê hương tôi. Cố đô Huế ra đời do nhân tài vật lực của cả nước tạo dựng nên. Muốn bảo vệ và phát huy giá trị của Cố đô Huế cần phải huy động trí tuệ của quốc gia, đặc biệt là của người dân xứ Huế ở địa phương, trong cả nước và trên thế giới chung sức chung lòng thực hiện. Nhưng suốt mấy chục năm qua sự nghiệp của Huế chỉ được giao cho một nhóm người sử dụng di tích Cố đô Huế như một món hàng phục vụ khách du lịch, phá đi những cái không ai có để phấn đấu cho những cái mà ở thị xã quận huyện nào sau chiến tranh cũng có. Phát triển kinh tế Huế thua xa Đà Nẵng. Trùng tu bảo vệ Di sản văn hóa của nhân loại, Huế không bằng Hội An. Tôi viết tự truyện để nhờ con cháu các đời sau phải biết tự ái, phải biết tự trọng mà thực hiện những khát vọng mà thế hệ của chúng tôi chưa đạt được.

•••

Suốt đời, tôi chịu nhiều thiệt thòi vì không bỏ được cái tính chân thật, thẳng thắn. Cho nên khi đến cái tuổi “chiều hôm”, ngồi viết tự truyện, không còn cầu cạnh màu mè gì nữa, thì không có lý do gì tôi phải buộc tôi che giấu sự thực. Tôi thường nhắc nhủ tôi: Viết một điều giả dối là gởi vào tương lai một tội lỗi mà mình không còn cơ hội để bào chữa. Tôi viết theo suy nghĩ trung thực của tôi do đó sẽ phải động chạm đến nhiều người, kể cả những người thân nhất của tôi. Tôi biết thế nhưng không có cách nào viết khác hơn cho nên tôi xin được chắp tay xá hết mọi người hãy tha tội cho tôi nếu như có điều gì không vừa lòng quý vị xuất hiện trong cuốn sách nầy.

Nhưng dù sao tự truyện cũng là chuyện đã qua. Dù vui, dù buồn tất cả đều đã trở thành kỷ niệm. Mà đã là kỷ niệm thì không nhiều thì ít nó cũng làm cho tình cảm con người phong phú thêm thôi.

Tôi đã cố gắng nhớ lại và cố gắng viết cái thật như tôi nghĩ. Nếu cái thật đó đáng ghét thật thì tôi cũng đã thành công trong việc cung cấp thông tin để khẳng định những điều đáng ghét. Còn như... là một lời an ủi cho cuộc đời không ngừng hướng thiện của tôi. Dù ghét dù thương tôi cũng xin đa tạ.

Gác Thọ Lộc, Huế 2010

Nguyễn Đắc Xuân


Các Tin Tức Khác