Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Khám phá nghề biên tập
Cập nhật ngày: 21/06/2013

Từ trước đến giờ, các cây bút chuyên nghiệp và được giải thưởng báo chí vẫn thường thừa nhận và ca ngợi công lao của người biên tập. Nhưng theo ghi nhận của nhà báo Ngọc Trân: “Ở VN không ai dạy nghề này cho chuyên nghiệp. Dạy viết báo có trường có lớp, dạy biên tập thì không”.

Và tập sách Khám phá nghề biên tập chính là công trình ông biên soạn dựa trên “tư liệu ngoài nước, trong nước, nhớ lại những gì được học với đồng nghiệp cùng kinh nghiệm riêng”, do NXB Trẻ ấn hành trong dịp Ngày báo chí cách mạng VN năm nay. Không ít nội dung của sách đã được một số tòa soạn báo ở TP.HCM và một số tỉnh ứng dụng cũng như giảng dạy tại khoa báo chí và truyền thông Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện cùng tác giả.

* Tập sách của ông có đề cập hai việc gần như “ngoài giáo trình” của biên tập viên là cân nhắc vấn đề đạo đức nghề nghiệp và xây dựng nguồn tin. Bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể cho biết sự vận hành mối quan hệ giữa nguồn tin - phóng viên - biên tập viên có vai trò thế nào trong việc hình thành các chuẩn đạo đức nghề nghiệp thể hiện qua sản phẩm báo chí?

- Câu này khó trả lời! Trong thế giới báo chí sôi động và “chạy đua” như hiện nay, phóng viên rất cần tin, tức lệ thuộc nguồn tin rất dữ. Ai cho tin là sướng. Và vì thế nhiều khi dùng tin... ẩu. Biên tập viên lắm khi cũng không tỉnh táo. Đã có nhiều trường hợp tin đăng không được chính xác mà ít người nhận ra, trừ khi tin to quá, đụng chạm quá. Đó là nói chuyện xảy ra trong các tờ báo, các phương tiện truyền thông đàng hoàng. Nhưng nay lại có thêm loại báo không đàng hoàng, chủ yếu chạy trên mạng Internet, nên... Biết nói thế nào nhỉ? Chuẩn đạo đức nghề nghiệp thì đã có. Năm 2005, Hội Nhà báo VN còn chỉnh sửa và công bố lại Bộ quy định đạo đức người làm báo nữa.

Một số tòa soạn cũng đặt ra chuẩn lâu rồi. Nhưng nói như giáo sư báo chí John C. Merrill, người chủ biên một cuốn sách về đạo đức báo chí, “một bộ quy định về đạo đức treo trên tường là vô nghĩa; một bộ quy định đạo đức nội tại, nằm trong người của nhà báo và hướng dẫn soi đường cho hành động của anh, chị ta mới có ý nghĩa”.

 

* Từ chỗ làm việc với văn bản, biên tập viên ngày càng đảm đương vai trò “đồng tác giả” trong các tác phẩm báo chí. Thậm chí với nhiều bài, tin của báo mạng tường thuật những sự kiện nóng, ranh giới giữa biên tập viên và phóng viên không còn nhất thiết rõ ràng vì họ làm việc theo nhóm, êkip. Ông chia sẻ với người đọc những điểm mới của nghề biên tập kiểu này như thế nào?

- Ở các tòa soạn báo Mỹ, họ làm lâu rồi; các tòa soạn báo Pháp cũng vậy. Làm như thế thì bài vở chỉ có tốt hơn lên mà thôi, bạn đọc sẽ hưởng lợi. Theo các giáo sư báo chí Brian S. Brooks, Jack Z. Sissors, tốt hơn lên vì việc biên tập bài sẽ diễn ra sớm hơn nên chất lượng bài vở được cải thiện. Và khi có nhiều cặp mắt săm soi, sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra cho tác giả bài viết, nhờ đó chắc chắn sản phẩm sẽ phải ngon lành hơn. Rồi biên tập viên văn bản cũng được tôn trọng hơn vì không còn là người vô danh (đây là chuyện ở các tòa soạn báo Mỹ: phóng viên rất xa cách với các biên tập viên này).

Nhưng, theo tôi, trong quy trình trên người biên tập phải là thứ thiệt, cứng cựa mới được; họ phải săn tin giỏi và viết lách không tồi.

* Theo ông, ngoài nghề báo, công việc biên tập có giúp người ta những gì khác nữa trong cuộc sống?

- Chà chà! Tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Giờ thử nghĩ xem sao: công việc này giúp mình suy nghĩ cẩn thận về mọi việc, đặc biệt là những việc quan trọng. Và một cách rất tự nhiên. Nhưng như thế nhiều khi lại bị người xung quanh cho là “quá kỹ tính”!

Theo LAM ĐIỀN  - Tuổi Trẻ 


* Bạn có thể đọc thêm bài viết về quyển sách này trên báo Thanh Niên ở đường link:  http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130620/kham-pha-nghe-bi-an.aspx

Các Tin Tức Khác