Người xưa có nói: “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người”. Sự thật dĩ nhiên như vậy. Thiếu một trong hai điều kiện trên đây thì không thể bàn đến hạnh phúc được. Vả lại, có được một thân thể tráng kiện mà không có tinh thần sáng suốt thì có xứng đáng gọi là người chưa? Ðối với con người mà chỉ mới có một điều kiện vật chất thôi thì không đủ.
Có một quy luật về sinh lý mà không một ai tránh khỏi là: Bất kỳ một cơ quan nào mà thiếu tập luyện, thiếu hoạt động sẽ trở nên kém cỏi, hư hỏng. Mà khối óc ta cũng là một cơ quan như các cơ quan khác thì làm gì thoát được cái quy luật tự nhiên ấy. Nếu không tập luyện, nhất là không hoạt động, lâu ngày rồi nó cũng sẽ thành hư hoại không sai.
Nhưng bảo rằng không hoạt động có quá đáng không? Vậy chớ ai là người không tư tưởng, không phán đoán? Vậy chớ hàng ngày ta không thấy người đời bàn bạc, cãi vã đến đánh đập, tàn sát nhau sao? Có lẽ họ tư tưởng nhiều hơn họ ăn, ngủ, thở... nữa kìa. Thế mà bảo khối óc họ thiếu hoạt động là nghĩa lý gì? Không, muôn vàn lần không! Nào ai dám bảo là họ không tư tưởng? Nhưng có điều là họ tư tưởng theo kẻ khác, họ tư tưởng theo giai cấp họ, họ tư tưởng theo sách vở, theo báo chí hay theo tôn giáo họ. Họ đâu có tự mình tư tưởng. Hiện thời, thuật ám thị đã đến một trình độ cực kỳ tinh vi khiến ta dần trở nên một “bộ máy”. Cái hiện tượng ấy há không phải là ác mộng cho cả thảy chúng ta ngày nay sao?
Nếu ta công nhận cái định nghĩa về con người của Pascal là đúng[1], thì để cho khối óc ta trở nên bị động hay không săn sóc đến sự huấn luyện nó là một việc hết sức ô nhục cho cái nhân phẩm của mình.
Có được một khối óc sáng suốt là có được một lợi khí chắc chắn để giữ gìn địa vị, ưu thế trên đường đời, luôn cả phẩm cách con người của mình. Thật vậy, một kẻ mà khối óc u mê tăm tối, hỗn độn, mù mờ chắc chắn sẽ không làm nên trò trống gì nếu không đi làm tay sai cho kẻ khác, hay sống nhờ nơi kẻ khác để được họ dắt dìu, nâng đỡ cho.
Cũng là con người như ai, thế sao lại phải ỷ lại vào kẻ khác để họ “nâng niu ẵm bế” mình như một đứa bé lên hai trong khi mình cũng có đủ điều kiện tinh thần, vật chất như họ? Vậy, tập luyện cho mình có một khối óc sáng suốt để có thể tự lập và định đoạt lấy vận mạng của mình đâu phải chỉ để mưu cầu hạnh phúc cho mình mà thôi đâu, mà đó là cả một vấn đề nhân phẩm của mình nữa.
Giờ, muốn có được một khối óc sáng suốt, ta phải làm thế nào?
Có thể trông cậy nơi giáo dục ở nhà trường được không? Chắc chắn là không thể hoàn toàn trông cậy nơi đó được. Có nhiều duyên cớ mà có lẽ duyên cớ này là quan trọng nhất: Chương trình ở trường quá nặng nề mà thời gian để tiêu hóa những kiến thức đó rất ngắn ngủi. Trong vài năm mà bắt đầu óc phải chứa đựng không biết bao nhiêu điều mà có lẽ suốt đời ta, nếu thật thông minh, cũng không đủ để tiêu hóa. Ta nên nhớ: Một sự hiểu biết gì mà không phải tự mình tìm ra, không phải là hiểu biết. Huống chi bắt người ta phải thâu nhận những điều người ta chưa muốn thâu nhận chỉ để phục vụ cho việc thi cử thì cái biết ấy không có lợi gì cho khối óc thông minh của mình cả. Ðó chẳng qua là một sự bắt buộc mà thôi. Những bằng cấp ấy là những bằng cấp trí nhớ, một lối trí nhớ máy móc không thể hoàn toàn bảo đảm sự thông minh trí thức của con người được - như nhiều người lầm tưởng.
Nhưng quan sát mà được tinh vi, đúng đắn là nhờ khéo biết tập trung tư tưởng. Thiếu tập trung tinh thần thì các quan năng đặc biệt như trí nhớ, trí phán đoán hay suy luận đều không thể phát triển được. Trong phép rèn luyện tinh thần, phải lấy nó làm gốc. Bởi vậy, trong quyển này, tôi đã phải dành chương nói về thuật quan sát là chương có vị trí rất quan trọng.
Trong khi quan sát, ta còn phải để ý đặc biệt về yếu tố này: trí tưởng tượng. Sở dĩ khi quan sát mà thường bị sai lầm là vì nhận xét không tinh và vì óc tưởng tượng quá mạnh nhưng không quy củ. Trong khi quan sát không gì nguy hiểm bằng để cho trí tưởng tượng chen vào, nó thường làm cho ta thấy sự vật, không y như sự vật ấy đã xảy ra, mà theo ý của ta muốn cho sự vật ấy phải xảy ra như thế nào. Trái lại, nếu biết huấn luyện cho nó có quy củ thì trí tưởng tượng sẽ là một lợi khí giúp ta tìm chân lý một cách hết sức đắc lực. Những bậc thông thái đã phát minh được những gì đều nhờ biết dùng trí tưởng tượng tạo ức thuyết để dẫn đường trong con đường tìm chân lý. Thiếu trí tưởng tượng là thiếu một cơ năng quý báu nhất của tinh thần. Nó là tinh lực của tư tưởng. Thiếu nó, con người không sáng tạo được gì cả mà đời sống cũng không còn gì là hứng thú.
Biết quan sát cho tinh, biết tưởng tượng cho đúng cũng chưa đủ gọi là sáng suốt. Tư tưởng mà đúng đắn, trước hết là nhờ tư tưởng có trật tự và có một trí nhớ trung thành. Thiếu sự tổ chức tư tưởng thì không thể nào có được trí nhớ trung thành, mà không có trí nhớ trung thành thì chắc chắn không làm gì tư tưởng cho có đầu đuôi minh bạch được. Trí nhớ đây không còn là một thứ trí nhớ máy móc nữa, mà là một thứ trí nhớ của tinh thần hoạt động điều hòa.
Vì những lẽ nói trên, tôi chia công phu huấn luyện tinh thần làm năm phần, sắp xếp theo thứ tự sau đây:
A. Thuật quan sát
B. Thuật tập trung tinh thần
C. Thuật tư tưởng
D. Thuật tổ chức tư tưởng
E. Thuật nhớ lâu
Một chương trình như thế tuy đơn giản thật nhưng cũng có thể tạm gọi là vừa đủ cho các bạn muốn đào tạo cho mình một khối óc sáng suốt, hoặc không được thế thì ít ra cũng giúp trí óc mình không đến nỗi mù mờ như xưa nữa.
Ðọc xong quyển này, các bạn nếu thực hành ngay từng nguyên tắc, chắc chắn cuộc đời bạn sẽ thấy đổi mới, tinh thần bạn sẽ thấy minh mẫn hơn xưa nhiều. Và được bấy nhiêu cũng đã nhiều rồi...
NGUYỄN DUY CẦN