Khó có thể tìm thấy những dáng vẻ xì-tin, những đối thoại ngòn ngọt, những hờn giận điệu đàng, những lãng mạn kiểu cách… là cảm nghĩ của tôi khi đọc tập truyện ngắn Ngôi nhà không cửa sổ (NXB Trẻ) của nhà văn nữ trẻ Khiêm Nhu. Chỉ mới ngoài hai mươi, chị đã có phong cách viết khá già dặn, gửi gắm nhiều suy tư khi “đối thoại” về các sự việc diễn ra trong đời sống.
Từ cái nhìn của nhân vật xưng “tôi”, một mảng đời sống góc cạnh đi vào trang văn với những bi hài vốn có. Đọc, đôi lúc ta bật cười, lại có lúc trầm ngâm cay đắng. Ở đây, hầu như không có chỗ cho sự mơ mộng, nhẹ nhàng mà những chi tiết được chắt lọc từ hiện thực luôn khiến người đọc phải suy nghĩ.
Thực trạng báo lá cải đã trở thành chất liệu của truyện ngắn cùng tựa, với những đoạn văn rất thực như: “Những trích đoạn tanh hôi mùi máu, những chiếc giường của gái điếm tại một khu nhà nghỉ lụp xụp ẩm ướt, những ngôn từ gượng gạo và thêm thắt thuyết dụ nước mắt, những vết máu loang tràn cả trang báo, những giọng đọc lên xuống cảm xúc - tôi muốn tháo chạy” (tr.42).
Do muốn sở hữu Khuôn mặt mang tên xu thế nên không ít cô gái trẻ phải cậy nhờ đến thẩm mỹ viện: “Khách du lịch ngắm nhìn tôi một cách ngưỡng mộ và nói bằng tiếng Hàn. Có người nói tiếng Trung. Một hồi họ lại nói tiếng Anh…” (tr.19). Từ đó, những khuôn mặt na ná catalogue đi đứng vô hồn trên phố. Họ cần khuôn mặt đẹp nhưng sẵn sàng tổ chức kỷ niệm ngày cưới chỉ với chiếc áo cưới đã lỗi thời. Họ cần khuôn mặt đẹp hơn chia sẻ tình cảm sâu kín trong tâm hồn. Đọc mà chua chát.
Trong đời sống đô thị, qua cái nhìn của Khiêm Nhu, cũng đáng suy gẫm. Lúc Mất ngủ, đơn độc, một cô gái lên mạng rao tin vặt về cái chết của chính mình “Chỉ vì thích anh chàng Người chết trôi đẹp nhất trần gian, nên tôi muốn ném cảm giác được quan tâm mà thôi” (tr.35). Vâng, cảm giác ấy đang phổ biến trong một bộ phận giới trẻ, có thể một câu status gây sốc trên facebook, bởi họ cần một ai đó quan tâm đến mình!
Thế giới của Ngôi nhà không cửa sổ rõ ràng, từ nhân vật đến tình tiết rất gần gũi và sống động, mở ra một góc thế giới nội tâm của người trẻ trong đời sống đô thị hiện đại.
Theo LÊ VĂN NGHỆ - Báo Phụ Nữ