Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Dàn hoà với trái đất
Cập nhật ngày: 30/09/2009

Bằng tư duy phức hợp, Cynthia Stokes Brown trình bày vấn đề về tiến trình hình thành, phát triển, mối tương quan giữa con người với môi trường sinh thái một cách đa diện và thấu đáo trong một bối cảnh đặc biệt – sự suy thoái của môi trường sống và biến đổi khí hậu toàn cầu đang là chuyện thời sự nhức nhối!

Trong phần đầu, với một diễn trình tuyến tính, tác giả nói về sự hình thành vũ trụ, trái đất, loài người “thoát thai” cho đến đời sống săn bắt hái lượm cao cấp. Ở phần này, những ai từng đọc Lược sử thời gian của Stephen Hawking hay Nguồn gốc của Trịnh Xuân Thuận đều có thể đọc lướt qua nhanh. Có thể thấy, từ khởi thuỷ, trải qua những bước ngoặt của “chọn lọc tự nhiên” (nói theo cách của Charles Darwin), con người có một sự liên hệ và hài hoà sâu sắc với nhịp điệu của trái đất và những loài sinh vật khác, vì nó là một phần, một bộ phận của muôn loài.

Tuy nhiên, trong quá trình chọn lựa văn minh, một số phát sinh: tín ngưỡng, tâm lý và tư tưởng đã có khi làm cho con người bị cắt đứt hoặc giảm mối liên hệ sinh học với thiên nhiên. Điều này thể hiện rõ ở phần hai – phần chính của cuốn sách – gồm những mô tả tiến trình văn minh của con người homosapiens kéo dài từ những “bước chuyển tiếp định mệnh” – xã hội nông nghiệp đến sự xuất hiện của văn minh đô thị (biểu hiện là tổ chức xã hội phong kiến, sự ra đời của chữ viết, tôn giáo và chế độ phụ hệ) và hôm nay, xã hội công nghiệp, toàn cầu hoá (với thị trường tự do, sức mạnh của những tập đoàn kinh tế đe doạ môi trường các nước nghèo, đang phát triển...), chưa bao giờ con người “hoà thuận” với môi trường sinh thái.

Ngay khi đề cập về xã hội nông nghiệp (8.000 – 3.500 năm TCN), tác giả đã cho rằng: “Trước thời điểm cách đây 10.000 năm (tức 8.000 năm TCN) hầu như tất cả mọi người sống dựa vào thực phẩm có sẵn trong thiên nhiên. Đến cách đây 2.000 năm thì tuyệt đại đa số loài người sống nhờ vào nông nghiệp. So với lịch sử 5 triệu năm của loài vượn người, hoặc ngay cả 100.000 – 200.000 năm của loài homosapiens thì 8.000 năm đó thể hiện tốc độ thay đổi nhanh chóng đáng kinh ngạc, nhanh đến nỗi các nhà sử học gọi đó là cuộc cách mạng nông nghiệp, bước chuyển tiếp định mệnh trong lịch sử loài người”.

Với Cynthia Stokes Brown, đô thị, biểu tượng văn minh trong xã hội loài người lại chính là hiểm hoạ cho địa cầu nếu con người không kiểm soát được mức độ phát triển và điều chỉnh trong triết lý phát triển. Hãy nhìn lại, năm 3.500 TCN, những vùng Á Âu – Phi chỉ là các điểm tập trung manh nha, dẫn đến việc hình thành những mô hình “thành phố” tại các lưu vực sông Tigris và Euphrates, Nile, Ấn và Hoàng Hà, vậy mà 5.000 năm sau, cụ thể là năm 2000, thì một nửa dân số thế giới sống trong các thành phố. Sự “phì nộn, trương nở” của đô thị đang là một mối lo lớn về sinh thái. 5.500 năm đó chỉ là cái chớp mắt so với hàng tỉ năm lịch sử của trái đất, vũ trụ và sự sống. Nhưng nó lại là khoảng thời gian mà con người đã tác động quá lớn đến thế giới tự nhiên. “Đã có lúc người ta cho rằng sự xuất hiện của những nền văn minh thể hiện sự thắng lợi của tính nhân văn trước bản chất hoang dại của con người. Nhưng hiện nay, nhiều người bắt đầu băn khoăn liệu rằng đời sống văn minh cũng man rợ tương tự, nếu không nói là hơn, đời sống săn bắn hái lượm, đặc biệt thể hiện qua bất công xã hội và chiến tranh triền miên” (trang 136).

 

Với mô tả có tính liên ngành, thông qua tiến hoá vật lý, nhân chủng và tiến hoá văn minh, tác giả muốn lưu tâm đến một đại sử khác – đại sử của mối tương quan con người trong từng bối cảnh sinh quyển của nó.

Chương cuối cuốn sách là những báo động: gánh nặng dân số, tham vọng tăng trưởng bằng nạo vét tài nguyên, cuộc chạy đua kinh tế, vũ trang giữa các quốc gia đang là những nguyên nhân dẫn đến hiểm hoạ địa cầu ngày càng mạnh mẽ. Và các “triệu chứng” có thể thấy trước: biến đổi khí hậu, độ che phủ của rừng ngày càng thấp, phân bón đang giết chết tài nguyên đất, nguồn nước ô nhiễm, hiểm hoạ phát tán uranium hoặc plutonium đang đe doạ sự tồn vong của loài người...

Trong lịch sử văn minh của mình, dường như con người vẫn hành động theo bản năng để tồn tại hơn là hiểu biết và kiểm soát được những việc đang làm với địa cầu. Con người không thể trở ngược hơn năm ngàn năm trước để chọn lại văn minh. Con người chỉ còn một con đường, đó là cùng kiếm tìm giải pháp cải thiện thứ văn minh mà mình đã chọn. Và thông điệp chính đáng để chúng ta lưu tâm đến cuốn sách này là: “Hãy dàn hoà với trái đất trước khi nó buộc chúng ta phải khuất phục”!

(Đọc Đại sử - từ vụ nổ lớn đến hiện tại, Cynthia Stokes Brown, Phan Triều Anh dịch, NXB Trẻ, 2009; 348 trang; 86.000 đồng)

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(Nguồn: SGTT, 29/9/2009)

Các Tin Tức Khác