Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Trích đọc René Leys người tình trẻ trong Tử Cấm Thành
Cập nhật ngày: 21/11/2011

Đây là quyển nhật ký hư cấu của Victor Segalen ghi lại những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của René Leys trong bối cảnh một triều đại Mãn Thanh suy tàn. Chàng trai trẻ Leys có những tố chất mà Segalen không có để thâm nhập vào thế giới quyền quý Mãn Thanh. Để thực hiện giấc mơ của mình là vào tử cấm thành, quan sát thâm cung từ bên trong, Segalen tự đặt mình vào vai của Leys bằng liệu pháp tưởng tượng. Làm như vậy Segalen không ngờ rằng sống một cuộc sống khác theo lời kể của người khác là một quá trình đầy rủi ro và nguy hiểm, cho cả người nghe và người kể chuyện. Khi đọc quyển sách này, bạn đang tự đặt mình vào vai của Segalen, người tự đặt mình vào vai Leys để khám phá thế giới Mãn Thanh qua hai lần liệu pháp tưởng tượng. Một chút rủi ro nguy hiểm còn lại, bạn hãy lấy nó làm niềm vui. Cuốn sách thuộc Tủ sách Cánh cửa mở rộng - Tủ sách hợp tác giữa nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt với Nhà xuất bản Trẻ. Mời bạn cùng đọc trích đoạn

Lần này thì đến phiên tôi kể cho chàng “chuyện” của mình... tôi sẽ nói “tiểu thuyết” của mình, nếu như từ này không bị lạc hậu rõ rệt sau ba mươi năm bị lạm dụng và xâm phạm liên tiếp bởi trường phái tự nhiên chủ nghĩa. Tóm lại,... đó là về cuộc tiếp xúc, cuộc trò chuyện không lời của tôi, và những hy vọng của tôi để thay cho những kỷ niệm. Đối tượng của tất cả những điều này là Phu nhân Vương tươi trẻ.

Vậy là tại nhà nàng, được nàng tiếp đãi, bất chấp những tập quán và lễ nghi, mà tôi đã trải qua buổi tối hôm qua. Tất nhiên, không chỉ có chúng tôi ở đó. Các con trai và các nàng dâu, các cô gái và các chàng rể, các con cái từ những cuộc hôn nhân khác nhau, nhưng không có ai – cực kỳ may mắn cho tuổi trẻ của nàng – ra đời từ cuộc hôn nhân của nàng! – Họ rút lui khá sớm, trước bữa ăn rất lâu vì, trong nhà, nam nữ ăn chung với nhau được xem là bất nhã...

Vậy là với sự sùng kính, họ đẩy cho tôi, một người nước ngoài, cái trách nhiệm bất nhã này.

Tất nhiên, lúc nào thích hợp thì tôi chẳng bỏ lỡ đâu. Cho nên chỉ còn ba người có mặt, ngồi theo ba cạnh của chiếc bàn hoàn toàn vuông vức và phủ sơn bóng tuyệt đẹp: nàng, tôi và ông chồng. Tôi nhắc ông này sau chót chắc chắn không phải vì sự mỉa mai dễ có và thường có (biết đâu ta cũng sẽ trở thành đấng ông chồng vào một ngày đẹp trời nào đó...). Đơn giản là cái ông tử tế này tự mình lui về vị trí này. Ông đi đi lại lại một cách kín đáo, ăn nói nhỏ nhẹ, rất lấy làm vinh dự thấy tôi ngồi ở bàn ăn của mình, và hãnh diện ra mặt (hay là tôi bị lầm nặng) thấy tôi công khai tán tỉnh Phu nhân Vương, cũng như sự chăm chút ân cần cứ tăng dần lên của Phu nhân Vương dành cho tôi.

Thoạt đầu, chuyện này chỉ giới hạn ở việc trao đổi các miếng ăn; những miếng thịt bé tí được gắp qua gắp lại trên đầu những que đũa từ dĩa này sang dĩa khác...

Nếu là người đi săn “cảm giác” hay là người biên tập đi tìm bản thảo, tôi sẽ không quên ghi lại những tên gọi kỳ lạ cho các mùi vị khác nhau và các loại nước chấm có vị cổ điển, rất công phu, rất cầu kỳ, rất tinh tế... Tôi có việc hay hơn để làm: bà chủ nhà trẻ tuổi của ông chồng xưa cổ – đánh phấn ít hơn lệ thường, trang điểm nhiều hơn một cách kín đáo – đang hiện diện với những dáng vẻ nữ tính mà cuối cùng cũng lộ ra.

Trước hết, phục sức theo mùa của nàng – bây giờ là mùa hạ – chỉ gồm những đường mỏng, thẳng đứng nhưng mềm mại, tuy ngay ngắn nhưng lại lượn sóng theo từng cử động nhỏ, chẳng hạn như một hơi thở nhẹ... Một loại vải hầu như trong suốt mà qua đó không khí được lọc và làm mát da thịt: một lớp vải cước mỏng phủ lên tấm vải phin. Một chiếc áo khoác với cổ tròn được khoét sâu, từ đó ta thấy chiếc cổ không rõ cấu tạo giải phẫu, tức là không thấy xương, cơ: một cái trụ tròn chuyển động và sống động, đích thực là “cổ kiến dương”. Dưới lớp áo khoác đó là đôi vú nhỏ và nhọn. Cuối cùng là đôi chân dài, điều này thì không cần tranh cãi làm gì. Thật vậy, tôi cứ trù trừ mãi để đánh giá chính xác hơn về chiều dài của chúng.

Sau bữa ăn là đêm bắt đầu. Những lời hứa hẹn, những cuộc phiêu lưu, những thử nghiệm, những chối từ, tất cả kết hợp hay nhất tạo ra đêm... Tất nhiên, nhờ thầy Vương, phu quân-gia sư, mà cuộc trao đổi của tôi kéo dài ra. Chẳng cần đến những lời ngọng nghịu và có lẽ là buồn cười, phu nhân Vương đã hiểu ra rằng tôi thích tất cả mọi thứ ở con người nàng. Sự quan tâm, sự lịch sự quá mức – dù là châu Âu đi nữa – mà tôi dành cho nàng một cách hào phóng đã diễn tả những rung động tình cảm ngẫu hứng nhất của tôi. Thậm chí – với Mai Khôi Lộ Tửu hay Ngọc Mễ Tửu giúp nuôi dưỡng những ảo giác ngắn ngủi, tôi còn tự hỏi liệu sự... tiếp theo là có thể xảy ra hay không... (đêm và đức ông chồng tiếp tay). Liệu giữa một người nước ngoài được đón tiếp hay dung thứ – mà tôi ý thức là mình được như thế – và người đàn bà Mãn Châu tươi trẻ này, liệu... cái gì đó có thể xảy ra – nhờ có những cử chỉ hay lời lẽ nào đó, hay ngay cả tiền bạc – ngoài cái đang xảy ra giữa chúng tôi và sắp sửa qua đi: một trạng thái tối tăm của nỗi ham muốn rạo rực hay sự trớ trêu câm nín.

Tôi nhìn nàng: nàng cười trước một điệu bộ của tôi. Tôi làm nàng vui thích. Tôi làm nàng khuây khỏa. Nhưng đến lượt mình tôi thấy vui thích với ý nghĩ: liệu nàng có xem tình yêu thể xác và tất cả những gì theo cùng nó là một trò chơi trẻ con không, (và đây là một giả thuyết) hay đó là một sự nhục nhã, một nhu cầu, một dịch vụ, một chức năng, một cuộc phiêu lưu, một thị hiếu đương thời, một khoảng khắc, một thói quen, một phong cách gia giáo, một nghi lễ, một sự hiến tế, và cuối cùng là một nghi thức được quy định bởi những chương, đoạn cụ thể của Thánh Kinh sinh lý học, vốn khắc sâu vào trí não ngay từ bầu vú mẹ của tất cả những người đàn bà có khả năng sinh sản trên thế gian hay trong các tầng địa ngục!

A! Giá tôi là nhà viết tiểu thuyết thì vụ đó hẳn là đã được giải quyết nhanh chóng! Nhanh lên! 300 trang chỉ với 3,50 quan Pháp thôi!

Nhưng tôi tha thiết muốn giải quyết, dù một cách tạm thời, vấn đề này: – một đàn ông người Âu, hay nói chính xác hơn, một người đàn ông Pháp bình thường và ở độ tuổi lấy vợ liệu có thể khao khát tiến đến một sự sở hữu toàn vẹn đối với một người đàn bà Mãn Châu trẻ trung, cũng ở độ tuổi lấy chồng, vì lẽ nàng chính thức có chồng rồi, và trang trí sự sở hữu này bằng cái tên gọi là “tình yêu” (khoan xét đoán hấp tấp những sự áp dụng bậy bạ có thể có của từ này)?

– René, bạn René ơi, anh nghĩ gì về chuyện đó? Một người đàn ông người Âu bình thường và ở độ tuổi lấy vợ có thể nào yêu một người đàn bà Trung Hoa không? Chính xác hơn, một người đàn bà Mãn Châu. Và nhất là, liệu anh ta có thể được nàng “yêu” lại hay không?

Bằng những lời lẽ bình dị như thế, tôi hỏi người bạn tâm tình vẫn giữ im lặng suốt câu chuyện tôi kể này. Người bạn tâm tình này có vẻ chẳng hiểu gì hết. Chàng duỗi tay, duỗi chân, chàng ngáp, ngáp cả bằng miệng lẫn mắt, rồi nheo rồi khép chúng lại, để rồi cuối cùng sực tỉnh như thể vừa ra khỏi một cơn mơ nào khác với cơn mơ của tôi, và trả lời với sự hờ hững ngán ngẩm:

– Tôi không biết gì về mấy thứ này cả.

Rồi chàng bất ngờ đổi giọng. Chàng duỗi tay chân lần nữa, ngồi dậy, nhìn tôi với một kiểu nhìn mà tôi đã học được cách để hiểu. Và, từ tốn, sâu lắng:

– Này, bạn của tôi, tôi cám ơn ông đã gọi tôi là “bằng hữu”.

Đúng thế. Chính tôi đã quyết điều đó. Và nó đã được thực thi. Điều này đáng để trao thêm một lời tâm sự nữa. Rồi như thể tình cảm bỗng trào dâng dào dạt, chàng tiếp tục thổ lộ:

– Anh có biết Nhiếp Chính Vương ban cho tôi cái gì không, ngày hôm sau “cú dao găm” đó?

– Nói đi.

– Một tì thiếp.

– Được tuyển kỹ chứ?

– Tôi không gặp nàng. Tôi đã không chấp nhận. Tôi nói với Nhiếp Chính Vương là tôi không thể đưa nàng về nhà mình... Bởi vì... cái này, nó ngược lại với phong tục châu Âu quá...

Chàng đỏ mặt. Tôi nhấn mạnh.

– Cái này thì hoàn toàn đúng với phong tục châu Âu đó!

– Tôi cũng nói với ông ta là cha tôi chắc sẽ bị sốc về chuyện này. Vả lại, lương bổng của tôi sẽ không cho phép tôi chu cấp cho nàng đầy đủ.

René Leys thực tình bị lúng túng rất nhiều vì “ân huệ” này. Tuy nhiên, Nhiếp Chính Vương có vẻ như đã sắp xếp mọi thứ trước rồi: nàng tì thiếp được ban cho đó sẽ còn ở một thời gian trong vương phủ của Nhiếp Chính Vương, nơi đó nàng sẽ có một sân trong dành riêng cho mình để tiếp khách hay họp mặt.

Với tư cách “bằng hữu”, tôi nghĩ đã đến lúc đề xuất những gì tôi có thể giúp. Thuần túy là chuyện tiền nong thôi mà.

– Này, nếu anh cần một ít tiền ứng trước...?

– Cám ơn, bằng hữu của tôi trả lời một cách lạnh lùng. Cùng tối hôm đó, tôi đã được thông báo là lương tôi vừa được tăng gấp đôi.

– Lương giáo sư của anh à? Hai lần hai là bốn. Bốn trăm đô-la mỗi tháng. Tức là một ngàn quan Pháp theo tỉ giá hiện hành. Nhiều đấy. Xin chúc mừng!

René Leys trịch thượng ném ra chỉ một con số:

– Hai ngàn lượng bạc. Đó là lương thủ trưởng Cục Mật vụ của tôi.

– A! Nhiệt liệt chúc mừng!

Thật vậy, con số này thì sáu lần nhiều hơn mức ước tính rất khiêm tốn của tôi.

Nhưng mấy chuyện này không giải quyết vấn đề tôi đang bận tâm: một người đàn bà Mãn Châu có thể nào được một người đàn ông châu Âu, tức là tôi, yêu không? – được hay không đây? Đến lượt mình, liệu nàng có thể ân cần chăm sóc người châu Âu này với những cử chỉ thường lệ mà theo truyền thống người ta gắn cho nhãn hiệu là “tình yêu” đơn giản vì sự nghèo nàn của ngôn ngữ chúng ta, dù nó có tiếng là giàu có, không đây?

Chắc chắn là tôi sẽ không biết gì cả về vấn đề này. Vì ngay đó René Leys đã đổi cả điệu lẫn nhịp, hối hả nói về cha mình, về những dự định của ông... và... (Ôi, hãi quá!) về tình yêu, nếu như cô điếm mạt hạng ấy có thể yêu... về những cuộc tình lệch lạc của cha chàng!

Chỉ còn lại cho tôi một cách tự vệ: ngủ! hay giả đò ngủ, cố tình như thế.

Trích trong quyển René Leys người tình trẻ trong Tử Cấm Thành 
- NXB Trẻ xuất bản năm 2011
Các Tin Tức Khác