Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Trích đọc: Lá nằm trong lá - Sách sắp xuất bản của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (kỳ 2)
Cập nhật ngày: 21/09/2011

Để bút nhóm Mặt Trời Khuya có đất dụng võ, Thọ lại đánh cắp của mẹ nó một cuốn sổ các-nê khác. Trang đầu tiên của cuốn sổ, Thọ kẻ bằng mực đỏ thật đậm, chữ nào chữ nấy to cồ cộ: BÚT NHÓM MẶT TRỜI KHUYA. Ngay bên dưới là một tuyên ngôn hết sức khệnh khạng: “TƯƠNG LAI CỦA VĂN CHƯƠNG NƯỚC NHÀ” Tiếp theo là dòng chữ nhỏ hơn: SÁNG TÁC VĂN THƠ. Cuối trang là tên bốn thành viên được đóng khung trang trọng. Chung quanh được trang trí bằng hoa lá, chim bay cò bay nhìn rối cả mắt. Tất nhiên không thể thiếu mặt trời. Mặt trời khuya.

Tôi nhìn trang sổ chằng chịt những chữ và hình bằng ánh mắt kính cẩn:
- Mày vẽ đấy à?
- Tao thức suốt đêm qua đấy. - Thọ kể công.
Hòa ngơ ngác:
- Bọn mình làm gì với cuốn sổ này?
Thằng Hòa là chuyên gia “hỏi ngu” nhưng lần này Thọ không buồn mắng nó.
Nó lật qua trang kế tiếp, kiêu hãnh chỉ tay vào bài thơ của Lãnh Nguyệt Hàn:
- Đây là thơ của tao. Tao là người mở đầu.
Nó đập tay lên vai tôi:
- Thi sĩ Cỏ Phong Sương sẽ là người kế tiếp.
Nó giúi cuốn sổ vào tay tôi:
- Mày cầm về, sáng tác được gì viết vào đây. Sau đó chuyền cuốn sổ cho đứa khác. Cứ xoay vòng như thế.
Văn thơ (thực ra cả bốn đứa tôi đều làm thơ) của bút nhóm Mặt Trời Khuya không chỉ có đề tài tình yêu. Bọn tôi còn viết về tình bạn, tình thầy trò, tình quê hương nhưng đã là nhà văn nhà thơ thì dứt khoát phải có... người yêu, nếu không chỉ làm được những bài thơ, bài văn vứt đi, Thọ quả quyết thế.
Không phải tự nhiên mà các nàng Hạt Dưa, Thỏ Con, Cúc Tần, Xí Muội quấn quít quanh bọn tôi. Tất cả là do mưu kế và miệng lưỡi của Thọ.
Nó gặp bốn nàng thơ, đề nghị các nàng vào ban báo chí của nhà trường.
Quyền lợi của ban báo chí là gì? Đó là thỉnh thoảng được nghỉ học để đi... làm báo, tức là đi mua giấy, đi đánh máy, đi quay ronéo - toàn chuyện trọng đại. Từ khi nhậm chức trưởng ban báo chí của trường, Thọ nảy ra sáng kiến làm đặc san dưới hình thức in ronéo.
Các trường bạn cũng làm đặc san vào dịp Tết. Riêng trường tôi, Thọ bày ra đặc san Mùa Thu, đặc san Mùa Xuân rồi đặc san Mùa Hè. Thầy hiệu trưởng vốn thích văn chương, thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn tha hồ thao túng.
Thế là ban báo chí gần như chuồn học quanh năm.
Gì chứ được nghỉ học là bọn học trò mê tít, nhất là được nghỉ những tiết phải lên bảng trả bài.
Bọn Thỏ Con, Cúc Tần nghe Thọ hứa hẹn khoản “nghỉ học”, gật đầu không nghĩ ngợi.
Nhờ công của Thọ, bốn chàng thi sĩ của bút nhóm Mặt Trời Khuya đi đâu cũng có bốn nàng thơ kè kè bên cạnh.
Cái cách bọn tôi chuồn khỏi lớp mới thật là oai. Trống đổi tiết vừa vang lên, cả bọn lục đục thu dọn sách vở vô cặp sách.
Cô Hiền vừa xuất hiện chỗ cửa lớp, Thọ đã dẫn đầu ban báo chí rồng rắn bước ra khỏi bàn, lễ phép:
- Thưa cô, tụi em xin phép cô được nghỉ tiết hôm nay để đi... làm báo ạ.
Cô Hiền vui vẻ:
- Các em đi đi! Cô đã được thầy hiệu trưởng báo rồi.
Thế là cả bọn hiên ngang đi lướt qua mặt cô giáo trước ánh mắt ngưỡng mộ và ghen tị của tụi bạn.
Oách như vậy, làm sao bọn con gái không mê!


Cô Hiền dạy môn sinh vật, nhưng lại thích văn thơ.
Tôi thích văn thơ nhưng lại không thích học môn sinh vật.
Tuần nào tôi cũng xúi Thọ lựa tiết sinh vật để xin đi làm báo.
Cô Hiền, người giống như tên, chẳng phàn nàn gì về chuyện ban báo chí cứ nhè tiết dạy của cô mà chuồn ra ngoài.
Hồi đầu năm, có lần thấy bọn tôi chuyền tay nhau cuốn các-nê của bút nhóm Mặt Trời Khuya, cô bảo đưa cô xem.
Trong khi cô ngồi xem sáng tác của bọn tôi thì bọn tôi hồi hộp ngóc cổ ngồi xem cô. Thấy cô xem mê mải, quên cả dò bài, Thọ khều tôi:
- Mày thấy không? Cô đọc say sưa!
- Ờ.
Tôi gật đầu, sung sướng chưa được năm giây đã cụt hứng khi Thọ vênh mặt:
- Cô đọc thơ của tao đấy!
Bọn tôi nghỉ học môn sinh vật hoài, lòng không khỏi ái ngại.
Một hôm, tôi bảo Thọ:
- Tối nay tụi mình lên nhà cô Hiền chơi!
- Mày biết nhà cô ở đâu không?
- Cô và cô Mười trọ ở tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường.
Cô Hiền và cô Mười từ thành phố về đây dạy học nên phải ở nhà trọ. Cô Mười là giáo viên của trường nhưng không dạy bọn tôi. Nhưng tôi biết cô Mười rất quý bút nhóm Mặt Trời Khuya. Cô Hiền thỉnh thoảng vẫn mượn cuốn sổ các-nê của bọn tôi đem về nhà đọc. Tôi không biết cô thích gì trong đó. “Dĩ nhiên là cô đọc thơ tình của thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn”, Thọ nói giọng chắc như đinh đóng cột.
Tôi không biết Thọ nói đúng không, nhưng cô Hiền đọc chắc chắn cô Mười thế nào cũng đọc. Nếu không, mỗi lần tình cờ giáp mặt bọn tôi trên trường, cô không mỉm cười với đuôi mắt nheo nheo tuyệt đẹp như thế.
Cô Mười không dạy lớp tôi, nhưng có vẻ cô biết rõ từng thành viên trong bút nhóm Mặt Trời Khuya.
Thọ vung tay:
- Dĩ nhiên cô Hiền đã hãnh diện giới thiệu bọn mình với cô Mười. Giờ ra chơi, chắc chắn hai cô đứng trong phòng giáo viên ngắm trộm bọn mình qua cửa sổ.
Nó hùng hồn mô tả, chi tiết và sống động cứ như thể lúc đó nó đứng ngay sau lưng hai cô:
- Cô Hiền chỉ tay vào từng đứa, sung sướng nói “Kia là thi sĩ Cỏ Phong Sương”, “Còn đây là thi sĩ mặt mụn Hận Thế Nhân”... “Còn anh chàng đẹp trai này là thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn”...
- Đẹp trai cái đầu mày! - Thằng Sơn nổi cáu - Tao mặt mụn còn hơn mày mặt rỗ!
- Lại thêm một thằng ngu! - Thọ trừng mắt - Mặt rỗ là dấu hiệu của thiên tài! Nó toát ra vẻ đẹp... tinh thần, hiểu chưa?
Thiên tài Lãnh Nguyệt Hàn giành là người đầu tiên gõ cửa tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường.
- Chào cô ạ.
Nó cúi đầu lễ phép khi nhác thấy cô Hiền bước ra.
Cô Hiền có vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện bất ngờ của bốn chàng thi sĩ. Cô tròn mắt ra một lúc, ngay sau đó cô nhoẻn miệng cười:
- A, chào các em. Các em đi thăm cô đấy à?
Cô vẫy tay niềm nở:
- Các em vào nhà đi!
Phòng của cô bày biện đơn sơ nhưng ngăn nắp. Sách vở chất đầy một ngăn tủ nhỏ. Một chiếc đàn tranh trên vách. Trên bàn, cạnh xấp bài cô chấm dở là một lọ hoa tươi - hoa cúc vàng chắc cô xin ở nhà ai.
Thấy bọn tôi đứng khép nép cạnh cửa phòng, cô mỉm cười:
- Các em ngồi đi!
Trong phòng chỉ có bốn chiếc ghế con nên bốn đứa tôi ngần ngại đưa mắt nhìn nhau.
Cô Mười vén tóc, cười nói:
- Các em cứ tự nhiên! Cô và cô Hiền ngồi trên giường được rồi!
Cô Mười cười với bọn tôi bằng mắt ngay từ lúc bọn tôi bước vào. Trông cô vui tính và thân thiện, cảm giác cô có thể cười suốt ngày.
Đợi bọn tôi ngồi xuống ghế, cô Hiền chỉ tay vào từng đứa vui vẻ giới thiệu:
- Học trò mình đó, Mười.
Lạ lùng là cái cách cô giới thiệu sau đó giống hệt những gì thằng Thọ tưởng tượng:
- Kia là thi sĩ Cỏ Phong Sương! Còn đây là thi sĩ Hận Thế Nhân... Còn anh chàng này là thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn...
Tất nhiên, các từ “mặt mụn” và “đẹp trai” không có trong câu nói của cô.
Cô Mười lặng yên quan sát bọn tôi, miệng tủm tỉm trong khi bọn tôi nóng ran mặt mày vì sung sướng và cả vì mắc cỡ trước lời giới thiệu trang trọng của cô Hiền.


Hôm đó, bọn tôi mời hai cô giáo đi dạo.
- Đi đâu hở các em?
- Đi xuống cầu Hà Kiều chơi đi, cô! - Thọ quảng cáo - Tối nay có trăng, ngồi trên cầu hóng gió thơ mộng lắm, cô!
Cô Hiền và cô Mười năm đó mới ra trường, khoảng hai mươi, hăm mốt tuổi, chỉ lớn hơn tôi, Hòa, Sơn năm, sáu tuổi và lớn hơn thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn chừng ba, bốn tuổi, vẫn còn ham chơi. Ở xứ lạ không quen biết nhiều, tối nào cũng ru rú trong phòng, được bọn học trò rủ đi chơi thì thích lắm.
Hai cô giáo và bốn học trò sóng bước bên nhau dưới ánh trăng, xuôi chợ Hà Lam rồi theo con đường cuối chợ chạy dọc ruộng lúa rẽ ra bàu sen.
Thọ chỉ cây cầu xi măng ngắn ngủn vắt ngang bàu với các khóm trúc xanh xào xạc ở hai đầu cầu, khoe:
- Cầu Hà Kiều đó cô.
- Ôi, chỗ này đẹp quá hả Mười? - Cô Hiền reo lên như trẻ con được kẹo - Tụi mình ở thị trấn này gần nửa năm rồi mà chưa đến đây bao giờ!
Cô Mười cười:
- Thật là thiếu sót!
Sáu người ngồi trên thành cầu trò chuyện vừa đưa mắt ngắm mặt nước loáng ánh trăng bạc, thỉnh thoảng vài đóa hoa sen bị đánh thức bởi một chú cá đớp mồi, giật mình bung cánh và ngơ ngác tỏa ra thứ hương thơm kín đáo cứ thoang thoảng chập chờn trong gió như gần như xa.
Bây giờ hồi tưởng lại, tôi không nhớ rõ các cô giáo và bọn học trò đã nói với nhau những gì trong buổi tối tuyệt vời đó. Nhưng tôi nhớ như in thứ ánh sáng mỡ màng, mông lung và huyền hoặc tráng lên mọi vật, kể cả các gương mặt quanh tôi, khiến đôi lúc tôi có cảm giác tôi đang lạc vào một nơi nào đó rất xa nơi tôi đang sống.
Trong suốt một tuần, hầu như tối nào bọn tôi cũng ghé tiệm Xuân Lan Đường rủ cô Hiền và cô Mười đi dạo.
Tới ngày thứ bảy, tình thầy trò giữa hai cô giáo và các học trò không cách xa lắm về tuổi tác đã bắt đầu phảng phất tình chị em lẫn tình bạn bè.
Sau này, khi lên cấp ba và đại học tôi cũng nhiều lần chơi thân với các thầy giáo, cô giáo, nhất là các thầy cô giáo dạy các môn mà tôi là học sinh xuất sắc, nhưng mãi mãi tôi vẫn không bắt gặp lại cảm giác êm ái và thi vị lúc tôi và ba thằng bạn trong bút nhóm Mặt Trời Khuya cùng hai cô giáo trẻ dạo bước dọc các cánh đồng để nghe hương lúa lẫn hương sen thấm vào tóc vào áo, ngủ một đêm sáng dậy vẫn chưa tan.

(còn tiếp)
Các Tin Tức Khác