Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Chương trình tặng sách cho trẻ vùng sâu, vùng xa: Biến chuyện không đẹp thành chuyện đẹp
Cập nhật ngày: 17/04/2014

“Tôi quan niệm mọi việc là tùy duyên mà thành. Nhân câu chuyện xảy ra với em S., chúng ta lại có duyên để biến một chuyện không đẹp thành một câu chuyện đẹp” - ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, chia sẻ.

Nhà xuất bản Trẻ là đơn vị đầu tiên hưởng ứng chương trình quyên góp sách cho trẻ em vùng sâu, vùng xa với 200 tủ sách (trị giá 5 triệu đồng/tủ). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết:

- Chúng tôi quan niệm đây không phải là làm từ thiện mà là tạo lập và nuôi dưỡng bạn đọc tiềm năng. Ở thư viện, một cuốn sách sẽ có cơ hội được nhiều người đọc hơn, tăng số lượt đọc trên một đầu sách, và một số trong số các bạn đọc ấy sau này sẽ trở thành bạn đọc ruột của chúng tôi, hi vọng thế. Cũng rất tình cờ, chúng tôi đang có kế hoạch tặng 10 tủ sách ở Bình Phước và 10 tủ ở Gia Lai trong tháng tới, và đây là một kế hoạch riêng.

 

"Thêm được một bạn đọc cho sách, thêm được một đầu sách vào danh sách đọc của trẻ chính là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi"

 

* Mỗi tủ sách trị giá 5 triệu đồng sẽ có được bao nhiêu đầu sách, và là những loại sách nào? Làm sao để chọn được sách mà các em sẽ thích đọc?

- Với 5 triệu đồng, chúng tôi sẽ có từ 130-140 đầu sách, chủ yếu tập trung vào sách dành cho thiếu nhi và thanh niên. Sách là một món quà đặc thù nên không phải tất cả tủ sách đều sẽ giống nhau. Trước khi tặng một tủ sách, chúng tôi đều có liên hệ trực tiếp đến trường học, cụ thể là đến tận thủ thư, tham khảo nhu cầu của đơn vị thụ hưởng, sau đó là gửi danh mục đề nghị để họ chọn, loại bỏ những đầu sách trùng lắp đã có sẵn. Có thể mất thời gian, công sức nhưng kỹ lưỡng như vậy mới đạt được yêu cầu: thỏa mãn nhu cầu đọc của bạn đọc và nhu cầu nuôi dưỡng bạn đọc tiềm năng của mình.

Tất nhiên nếu chỉ riêng sách của Nhà xuất bản Trẻ thì chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của bạn đọc. Trong quá trình tặng sách như vậy từ nhiều năm nay, chúng tôi luôn mong có một chương trình có hiệu ứng xã hội lớn hơn, quy tụ được nhiều nhà xuất bản, nhà làm sách cùng tham gia hơn để các tủ sách được đầy hơn về số lượng và sâu dày hơn về chất lượng. Nay đã có chương trình của Tuổi Trẻ, rất mừng. Mong sẽ có nhiều đơn vị, cá nhân cùng tham gia vì một cuốn sách có thể thay đổi cả cuộc đời của đứa trẻ.

* Câu chuyện của em bé ở Gia Lai nói lên một điều là sách ở các vùng xa còn rất thiếu, ngoài việc tặng tủ sách, Nhà xuất bản Trẻ còn có kế hoạch nào nữa để cổ vũ văn hóa đọc?

- Để xây dựng văn hóa đọc, không gì bằng nuôi dưỡng thói quen đọc cho trẻ em, và chỉ có gia đình, nhà trường mới làm được điều đó. Xã hội đóng vai trò thứ ba, và nhà xuất bản chúng tôi cố gắng trong phạm vi của mình: xây dựng dòng sách giá rẻ (đang chuẩn bị triển khai), phát huy sách điện tử không chỉ phụ thuộc vào thiết bị đọc cao cấp mà có thể đọc bằng máy tính để bàn (đã thực hiện), trích lợi nhuận để tặng thêm những bộ sách giá trị cao (như đang chuẩn bị tặng bộ sách Sơn Nam cho các thư viện ở miền Tây, trước nhất là quê hương ông)...

Theo P.VŨ - Báo Tuổi Trẻ

Các Tin Tức Khác