Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Mạc Can: Cuộc đời của người không định viết... văn
Cập nhật ngày: 31/08/2008

Mạc Can: “Cậu bé” tầm sư học chữ tuổi… 60.
- Ảnh - Di Linh
 
Trước “Tấm ván phóng dao”, Mạc Can đã viết khá nhiều: Món nợ kịch trường, Cuộc hành lễ buổi sáng; Người nói tiếng chim bồ câu; Bầy mèo vô sinh; Mạc Can tạp bút… Nếu nói theo cách nói của ai đó, rằng Mạc Can là “văn sỹ trẻ tuổi 60”, thì quả thật Mạc Can là một cây bút đầy nội lực, một cây bút viết khoẻ, và đa dạng ở nhiều thể loại: truyện thiếu nhi, truyện người lớn, truyện tranh, sắp sửa là truyện giả tưởng… Cứ nhìn số lượng tác phẩm mà Mạc Can hoàn thành, người ta sẽ nghĩ rằng, Mạc Can là người có nhiều chữ lắm. Nghĩ như thế cũng đúng thôi. Nhưng sự thật không phải thế. Sáng tác, với Mạc Can còn khó hơn làm xiếc, đóng phim, diễn trò… Mạc Can bảo, ông “đánh lộn” với con chữ, cực nhọc vô cùng…

Cuộc thiên di của những số phận lênh đênh trên sông nước ảnh hưởng trực tiếp và trước nhất tới những đứa trẻ. Những ngày tấp vô bến để biểu diễn không đủ để tụi trẻ kịp cảm nhận cuộc sống trên bờ nó ổn định tới cỡ nào? Nó là nguồn cơn để thôi thúc sự ham muốn tìm hiểu những thứ thuộc về cuộc sống ấy. Lũ trẻ trên bờ ngơ ngác và thán phục trước những màn biểu diễn xiếc của cậu bé Cang, trầm trồ trước những màn phi dao ngoạn mục và liều lĩnh… Những thứ đó, chúng không có! Ngược lại, cậu bé Cang cũng mắt tròn mắt dẹt trước những ngôi trường, những lớp học, những tiếng ê a học bài như tiếng con chiên hát thánh ca… Mạc Can học lỏm như người ta học trộm một bài hát truyền miệng. Mớ chữ học lỏm nhiều hơn sau những lần ghe hát của cha mẹ tấp vô bờ biểu diễn. Nó nhiều hơn một chút nữa trong thời gian sau này, Mạc Can lớn hơn, đến học chữ tại một nhà thờ trong thời gian ba năm. Không ai đếm được những chữ mình đã học. Không ai đếm được những từ mình đã nói. Mớ chữ vụn vặt và lằng nhằng ấy, Mạc Can đếm nó bằng cách dùng đi dùng lại trong những truyện ngắn, những tiểu thuyết mà ông viết sau này, như là sự bù đắp lại “cơn khát chữ” mà tuổi thơ Mạc Can đã phải nếm trải.

Mạc Can nói về thói quen của mình trong những lần ngồi viết văn: thường viết về đêm, nhưng không phải viết một mình. Ông vừa viết, vừa trò chuyện với những con chữ của mình. Mạc Can không gọi những ký tự ấy một cách “xách mé” là con chữ, cái chữ, hay từ ngữ, ngôn ngữ. Mạc Can gọi chúng là các… bé chữ. Rồi, rất thật, Mạc Can run run tâm sự: mỗi một lần lúng túng trước việc dùng một “bé chữ” này, đặt ở đâu cho hợp, đặt nó đứng chỗ nào cho chính xác, ông phải nói lên thành lời: “Bé à, ta xin phép hôm nay chưa dùng đến bé, nên đặt tạm con ra đứng ở chỗ này. Dịp khác, lúc khác bác sẽ dùng các con nha…”. Không hiểu, với ngần ấy tác phẩm, cộng “xêm xêm” lại, đếm số lượng chữ, số dòng, số trang bản thảo… phải được con số hàng vạn, hàng triệu, lời xin lỗi mộc mạc và chân thành của cậu học trò sáu mươi tuổi đi “tầm sư học… chữ” đã được Mạc Can nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần, trong bao nhiêu đêm?! Có lẽ, cái “thói quen” lạ lùng có phần… khó hiểu ấy, trong làng văn, chỉ Mạc Can mới cư xử như thế?

Tôi ngắt lời Mạc Can, “như thế, chú là người quá cẩn trọng và dụng công trong việc sử dụng ngôn từ?”. Mạc Can lại cười xòa, đôi mắt làm bộ hấp háy tinh nghịch: “Không có đâu! Sắp hàng các chữ đã khó lắm rồi. Bao giờ tôi cũng có cuốn từ điển trước mặt, để mà tra nghĩa những từ mà tôi không hiểu, không biết…”. Người ta khen văn Mạc Can đơn giản, dễ hiểu, dễ gần, không có những từ “đánh đố” người đọc, không có sự trau chuốt, rắc rối như lối hành văn của những “văn sỹ trẻ”. Có thể, đặt trong trào lưu chung của dòng văn học mới, cái để phân biệt “văn học trẻ” với “văn học già”, đó là vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề của họ. Những cố gắng “cách tân” mà các văn sỹ trẻ (xét trên tuổi đời và thời điểm công bố tác phẩm của họ), những người này đã cố gắng tạo nên một giọng điệu mới. Họ cố gắng sắp đặt những ngôn từ bên cạnh nhau, làm sao để khi đọc lên, người đọc cảm nhận được có “tính nhạc” trong đó. Những đoạn văn kêu choang choang nhưng thú thực, hoàn toàn tối nghĩa. Nó là một sự sáo rỗng không cần thiết, bởi độc giả đọc lên, chưa biết ý đồ tác giả muốn nói gì trong tác phẩm, đã phải mất thời gian đọc lại đoạn văn đó, để xem rốt cục, hàng mớ chữ ngồn ngộn ấy, nó nói về cái gì? Đặt trong thực trạng đó (dù không phải là phổ biến), văn Mạc Can hoàn toàn khác. Đó là một thứ văn chương bình dân, thứ văn chương dành cho số đông con người. Nó đứng sang một bên, không chung hàng, chung lối với những thứ văn chương chỉ được chi chút về giọng điệu, về hình thức… Nó thể hiện sự tôn trọng của người viết với người đọc. Nó là cuộc trò chuyện giữa người viết với độc giả, thông qua một trung gian, ấy là ngôn từ…

20 năm trước (khoảng giai đoạn 1975), Mạc Can đã một lần được ra Hà Nội, nhưng là để biểu diễn cùng đoàn nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh. Đợt ấy, khán giả xếp hàng xem ghê lắm. Nghệ sỹ xiếc Mạc Can được khán giả miền Bắc ái mộ trên lĩnh vực… diễn trò. Đúng 20 năm sau (năm 2005), Mạc Can trở ra Hà Nội để nhận giải thưởng của Hội Nhà văn cho "Tấm ván phóng dao" của mình. “Cuộc đời kỳ lạ lắm. Thuở nhỏ, tôi mơ ước trở thành một anh hề xiếc tài năng. Giấc mơ vụn vặt ấy, cho đến bây giờ có thể nói là nó không thành rồi. Sau đó, tôi mong trở thành họa sỹ, vì tính mình hay quan sát, hay suy nghĩ, mà chữ thì ít quá, không nói hết được những suy nghĩ của mình… Mỗi thứ đều ước thành hiện thực, nhưng riêng giấc mơ trở thành… nhà văn thì tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Thế mà nó lại cho tôi thành sự thực. Cuộc đời lạ lắm. Lần ấy, ngồi sau xe của nhà văn Hồ Anh Thái, tôi đem điều đó nói với ông. Ông Thái cười rồi bảo tôi: “Đời là như thế mà…”. Với tôi, hai chữ “nhà văn” đó là cả một sự kính trọng đến… e ngại, mình chỉ dám “kính nhi viễn chi”!!! Cũng trong lần ra Hà Nội nhận giải năm 2005, nhà văn Lê Lựu gọi tôi đến trụ sở công ty của ông ăn nghỉ mấy ngày trong thời gian chờ đợi. Lê Lựu nhường cho tôi chiếc giường của ông, nhường luôn cho cả chiếc mền đắp, khi ấy đang là mùa đông ngoài Bắc… Nửa đêm tỉnh dậy, thấy nhà văn Lê Lựu năm co ro, tôi áy náy hoài. Thấy xúc động vô cùng trước tình yêu mến “thằng em” là tôi của những bậc tiền bối. Về sau, khi về Sài Gòn, nhà văn Lê Lựu tặng tôi cuốn tiểu thuyết của ông, có lời đề tặng: “Tặng nhà văn Mạc Can…”. Trời ơi, nghe xong tôi thấy run người, vì họ là bậc cây đa cây đề trong làng viết, chứ như mình mới chập chững, đâu dám nhận là “nhà văn”…

 
Gần đây, Mạc Can được người ta mời đi nói chuyện văn chương, khi là ở các trường đại học, khi là những buổi thảo luận do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức tại các điểm phát hành, các tỉnh lẻ ngoài khu vực Thành phố. Mạc Can giãy nảy lên: “Trời ơi, tôi có biết chi chuyện văn chương mà nói chuyện văn chương. So với tụi nhỏ (các em sinh viên), tôi còn ít chữ hơn chúng hà. Đời tôi, đã bao giờ được ngồi trong trường, trong lớp đâu mà dám nghĩ tới việc nói chuyện trong các trường Đại học. Mấy ổng nói tôi diễn trò thì tôi còn làm được. Thế là Mạc Can diễn trò! Chưa hết, Mạc Can còn trở thành “điểm quậy” của các sinh viên Báo chí. Các thầy cô trong khoa báo yêu cầu các sinh viên thực hành những bài phỏng vấn giả tưởng, rồi gợi ý luôn: “Các em nên tìm phỏng vấn nhà văn Mạc Can…”. Thế là Mạc Can lại bận rộn. “Chú nói gì với tụi nhỏ?” – “Có nói gì đâu, vì có biết gì đâu mà nói. Tôi chỉ kể về những thứ mà trong suốt 60 năm qua tôi được nhìn, được chứng kiến, những thứ mà tôi suy nghĩ day dứt mãi về nó, và bây giờ thì bắt đầu ngồi viết về nó, khi cảm thấy nó ám ảnh mình đến mức chịu không có được… Thế mà tụi nhỏ thích lắm. Chúng bảo: “Bác à, những điều này ở trong trường chúng con không bao giờ được nghe!”. Nghĩ mà tội nghiệp mấy sắp nhỏ quá!

Trong làng văn đất miền Tây, Mạc Can, Nguyễn Ngọc Tư là hai giọng văn có phần giống nhau, nỗi buồn giống nhau, nỗi ám ảnh giống nhau… “Tấm ván phóng dao” và “Cánh đồng bất tận”, cả hai tác phẩm ấy đều là những… nỗi buồn bất tận, những nỗi buồn bủa vây tiếp nối nhau, những nỗi buồn như nắm tro người ta tung lên giữa trời, rồi theo gió phát tán rộng khắp, lây lan như một loại virus phát tán nỗi buồn. Bây giờ, Nguyễn Ngọc Tư dành nhiều thời gian để viết tạp bút. Những mẩu ngắn ngắn, nhiều suy tư, do đó nỗi buồn bị phong tỏa, bị dồn nén, không có nhiều cơ hội trải ra trên trang giấy nữa. Còn Mạc Can, ông chuyển qua sáng tác truyện thiếu nhi, truyện giả tưởng, toàn những truyện ma mãnh ly kỳ dùng để “kể lúc nửa đêm”: Cuộc phiêu lưu của Tí Nị, Người ngắm trăng; Con cua màu rêu, Nguyệt thực, Bầy mèo vô sinh… Cái cảm giác “sởn da gà” khi đọc truyện giả tưởng của Mạc Can, giống y như cảm giác sởn da gà khi nghe đọc truyện ma của ông nhà văn Nguyễn Ngọc Nhạn. Nhưng kỳ nhất, ấy là cách giải quyết thắt nút của câu chuyện, rất hiền lành và nhân văn, khiến người ta hết sợ, rồi cười xòa mà nghĩ thầm: đúng là chỉ có “cha” Mạc Can mới nghĩ ra cách kết thúc vấn đề như thế này!!!

“Con cua màu rêu” kể về một người nghệ sỹ ảo tưởng, chuyên vẽ tranh và khắc phù điêu. Ông này nghĩ rằng mình đã là thiên tài, thế nhưng, những tác phẩm của ông mang ra ngoài chợ chẳng ai mua cả. Bà vợ của ông vốn là một người phụ nữ buôn bán cua ngoài chợ. Để có lãi cao, thay vì cột những con cua bằng những chiếc dây trói bình thường, bà cột chúng bằng những sợi dây vải có ngâm nước, rồi sau đó trét thêm bùn vào sợi dây để cân nặng hơn… Bà nuôi chồng bằng những đồng tiền “bất chính” như thế, để ông chồng chuyên tâm sáng tác. Có một con cua yêu quái không chịu chuyện này, đã đưa ra lời nguyền: “Người vợ bán cua gian dối này sẽ phải chịu hình phạt nào đó thì những bức tranh của người nghệ sỹ sáng tác ra mới có người mua… Đêm, người chồng mộng mị thấy mình toàn ăn nằm với một con cua cái, đến mức suy kiệt về sinh lực… Cho đến khi người nghệ sỹ sắp lìa cõi đời, con cua yêu quái mới hiện lên thành một ẩn sỹ giữa chợ, gặp bà vợ bán cua và bảo: “để cứu chồng, người vợ bán cua phải chịu hình phạt không được bán gian trá cho đến hết thời gian làm ăn điêu ngoa…”. Kết cục ấy có thể khiến nhiều người chưng hửng, vì… kết cục lãng xẹt! Mạc Can bảo, không phải thế đâu chú. Tôi không muốn người đọc bị hấp dẫn bởi yếu tố tò mò và hiếu kỳ. Tôi muốn nói với độc giả, rằng những nghệ sỹ chân chính, họ rất nghèo, họ sống bằng những tấm lòng bảo trợ của những người hảo tâm. Nhưng, các nhà bảo trợ đừng bao giờ dùng những đồng tiền bất chính để “trả công” cho nghệ thuật. Nghệ thuật không cần những thứ như thế!

“Bầy mèo vô sinh” kể về một bầy mèo hoang tinh khôn, được gắn những con chip điện tử trong não, chúng có thể đứng trong bóng tối để theo dõi loài người, giết chết loài người. Việc tìm kiếm và tiêu diệt bầy mèo hoang được đặt lên vai hai văn sỹ - những người có khả năng làm cho những ý nghĩ độc ác mềm mại trở lại. Một lần, hai văn sỹ được tin bầy mèo vô sinh sẽ đến làng bồ câu – nơi sinh sống của những con bồ câu hiền lành, thánh thiện, nơi được coi là thiên đường của thế giới này, để giết những thiên thần ấy. Thế nhưng, lối vào làng bồ câu được canh giữa bởi một lời nguyền. Đứng trước cánh cổng bít kín ấy, hai ông văn sỹ nhìn thấy những con bồ câu đang đánh nhau, cắn xé nhau, ghùn ghè nhau đầy hoảng loạn – đó là một sự thật trái ngược với những suy nghĩ của loài người về loài vật tưởng như hiền lành ấy… Mạc Can muốn người ta nhìn thẳng vào sự thật, rằng những định kiến không phải lúc nào cũng sai; và những bầy mèo hoang không phải lúc nào cũng xấu. Câu chuyện được giải quyết bằng sự xuất hiện của một cậu bé có nhiều ý tưởng. Cậu bé lấy điện thoại di động dò sóng để bắt được những tín hiệu của những con chip gắn trên người bầy mèo hoang, rồi “đảo mạch” để tê liệt toàn bộ những con chip ấy…

Vẫn trong một mô típ như thế, Người ngắm trăng, Nguyệt thực… tuy vẫn ám ảnh người đọc bởi chất liêu trai, thế nhưng, “nồng độ” liêu trai trong tác phẩm của Mạc Can luôn có điểm dừng, bởi nó chỉ là cách thức, là phương tiện để Mạc Can gửi gắm những thông điệp. Mạc Can lại rủ rỉ nói về những dự định sẽ viết tới đây của mình, những dự định miên man không bao giờ hết, bởi những ý tưởng chẳng bao giờ ngừng chảy trong đầu Mạc Can…

“Tôi thấy, người nào có nhiều tưởng tượng quá là những người cực khổ, bởi họ suốt ngày suy nghĩ đến dằn vặt không yên…”. Rồi, một cách đầy ngộ nghĩnh, Mạc Can trỏ tay lên bức tường, bảo: “Biết đâu, trong đám rêu lốm đốm trên tường kia, có một đôi mắt mèo vô sinh đang chăm chú nhìn tôi và chú… Tụi mèo hoang ấy, tôi thấy thương chúng lắm. Người ta cứ nghĩ chúng là những con vật độc ác, mà không nghĩ rằng, trước khi là mèo hoang, chúng là những con mèo nhà hiền lành và đáng yêu. Chỉ vì một lý do nào đó, chúng bị đẩy ra ngoài đường, rồi bị người ta gọi là mèo hoang…”.

Trở về Hà Nội, tôi lại được gặp Mạc Can trong bộ phim ma “Ngôi nhà ma Đà Lạt” của ông đạo diễn Chánh Tín. Trong phim, Mạc Can sắm vai ông già lớ xớ chạy tới chạy lui, rồi la thất thanh khi nhìn thấy một oan hồn thiếu nữ trong biệt thự bỏ hoang ở Đà Lạt… Vẫn ông già ấy, thế mà sao lão Tư trong “Cải ơi…” (bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư) lại mang nhiều nỗi ám ảnh đến thế. Lão Tư không biết chữ. Lão Tư cả đời đi tìm cháu gái. Lão Tư từ quê lên thành phố mang theo tấm hình bé xíu, và năn nỉ được xuất hiện trên báo, ăn trộm trâu rồi la làng lên để người ta bắt, để mong được lên truyền hình đặng sắp nhỏ nó nhìn thấy nội mà tìm về… Đôi mắt hoảng hốt đến vô hồn, tiếng lão Tư gọi tên “Cải ơi…” đầy day dứt…

Ngày xưa, cố nhà văn Kim Lân khiến người ta tưởng nhầm là lão Hạc nhiều hơn, khi ông thủ vai lão Hạc trong "Làng Vũ Đại ngày ấy"… Sau “Cải ơi”, người ta cũng lầm Mạc Can với lão Tư không biết viết chữ, mà vẫn liều lĩnh vào một cơ quan báo chí xin đăng tin tìm người nhà. Vai diễn ấy, không biết ai được “sống” lâu hơn trong lòng người xem, Mạc Can hay lão Tư của “Cải ơi”?

Điều ấy có quan trọng không? Tôi chưa kịp hỏi Mạc Can. Nhưng tôi nghĩ, nếu lại được ngồi cũng Mạc Can trong khu vườn tĩnh lặng nhất thành phố Sài Gòn, trên con đường thuộc loại ít náo nhiệt nhất ấy, giữa những lọn nắng xiên xẹo trên bức tường rêu phong ẩm mốc, “trà đá” cùng Mạc Can, rồi lựa lựa hỏi: “Chú Mạc Can ơi…”. Ông sẽ lại cười xòa, nụ cười trắng xóa như mây trời, và lại bảo: “Chú nhìn lên bức tường kia coi, có một đôi mắt mèo đang nhìn mình đấy… Đôi mắt hoang dại của bầy mèo vô sinh. Bầy mèo gắn chip, không có tình cảm, nhưng không có sự thiên vị, mà rất sòng phẳng và rạch ròi…”!

Nhà văn Mạc Can sinh ngày 14/4/1945; trên một chiếc ghe hát trên sông Tiền. Hiện đang sinh sống tại Sài Gòn. Các tác phẩm chính: Tấm ván phóng dao; Người nói tiếng chim bồ câu; Người ngắm trăng; Món nợ kịch trường; Cuộc hành lễ buổi sáng; Bầy mèo vô sinh; Mạc Can tạp bút; Cuộc phiêu lưu của Tí Nị; phóng viên mồ côi

Di Linh
(Nguồn:Vietimes)

Các tác phẩm của nhà văn Mạc Can do NXB Trẻ xuất bản:
 
 
 

 
Các Tin Tức Khác