Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Park Tae Joon - Cơm lúa mì lứt- Phần 6
Cập nhật ngày: 04/02/2010

Chàng thanh niên Park Tae Joon trải qua mùa thu và mùa đông của năm 1947 tại quê hương. Một cuộc sống tách biệt và ẩn dật. Mùa xuân lại về. Cậu nhìn thẳng vào cái thực tế Hàn Quốc không có chỗ dành cho người học ngành công nghiệp. Cậu đã hiểu ra, dù ở bất cứ ngành nào cũng phải lăn xả vào cuộc sống bằng ý thức trách nhiệm thời đại. Lần đầu tiên trong đời, Park Tae Joon muốn thi thố khả năng và thể lực của mình trong tổ chức quân đội đang được thành lập. Cậu nghe tin trường sĩ quan tổ chức tuyển chọn học viên từ những binh sĩ của Đội cảnh vệ quốc phòng Nam Triều Tiên1.

“Thưa cha, con đã quyết định trở thành quân nhân. Con sẽ gia nhập Đội cảnh vệ quốc phòng.”

 Trước lời tuyên bố đầy bất ngờ của cậu con trai trưởng, ban đầu người cha tỏ vẻ không hài lòng. Nhưng người con trai trưởng vẫn không nao núng.

“Thưa cha, để kiến quốc thì phải lập quân. Con sẽ làm một việc ý nghĩa cho Tổ quốc.”

 Tròn 21 tuổi, Park Tae Joon cạo trọc đầu với tâm trạng cũng giống như một người sắp xuất gia. Cửa ải đầu tiên mà la bàn của người thanh niên kiên định với chí hướng làm thành lũy bảo vệ Tổ quốc dẫn đến là cổng chính của Đội cảnh vệ quốc phòng Busan.

 Trường sĩ quan cảnh vệ Nam Triều Tiên được thành lập vào ngày 1 tháng Năm năm 1946 tại Tae-reung với 80 học viên của khóa đầu tiên. Dẫu khởi đầu bằng hai khu nhà tồi tàn mà quân Nhật để lại, nhưng cùng với sự nghiệp kiến thiết đất nước Đại Hàn Dân quốc, trường đã được nâng lên thành Trường sĩ quan Lục quân.

“Chúng tôi sẽ hết lòng trung thành với Tổ quốc và Nhà nước sắp được thành lập.”

Ngày 6 tháng Năm năm 1948, 277 học viên khóa 6 của Trường sĩ quan cảnh vệ chính thức tuyên thệ nhập học. Tỉ lệ cạnh tranh là 1 chọi 4. Các ứng viên phải vượt qua kỳ thi kiểm tra trình độ quốc ngữ, lịch sử, tiếng Anh, toán học, luận văn, thi vấn đáp, kiểm tra thể lực... Tất cả các học viên được tuyển chọn từ các hạ sĩ quan hoặc binh sĩ ở từng trung đoàn. Những học viên đầu tiên của Tổ quốc được giải phóng luôn tự xưng là “made in Korea” và tự cổ vũ cho niềm tự hào ấy.

Người sĩ quan tiến cử Park Tae Joon là Park Byung Kwon. Đã từng bị động viên ở Nhật, từng dấn thân vào Lục quân từ thuở sơ khai thành lập quân đội Hàn Quốc, về sau trải qua các chức vụ Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... ông luôn xem Park Tae Joon là một con người khác thường.

Sau khi trải qua chương trình huấn luyện ngắn hạn ba tháng, ngày 28 tháng Bảy, người sĩ quan sơ cấp “made in Korea” Park Tae Joon đã được phong hàm trung úy. Người trung úy này rùng mình với “cơm lúa mì lứt” của vùng Tae-reung. Thứ lúa mì lứt hấp lên cũng được gọi là cơm đó thật không lý nào có thể tiêu hóa nổi. Nhà vệ sinh chẳng khác nào là cái nhà kho chứa đầy những hạt lúa mì lứt còn nguyên. Cơm lúa mì lứt gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở các học viên. Trong quá trình hành quân huấn luyện, những học viên bị bất tỉnh cứ tăng dần. Park Tae Joon không bị bỏ lại đằng sau, cũng chẳng hề ngất xỉu. Đó là nhờ thể lực được rèn luyện bởi bơi lội, trượt tuyết và Judo. Thế nhưng, sức đề kháng của cơ thể cậu cũng không tránh khỏi bị sút giảm nhanh chóng bởi những trận tiêu chảy thường xuyên với cơm lúa mì lứt.

Gặp gỡ Park Chung Hee

Ở vùng Tae-reung của cơm lúa mì lứt biểu tượng cho sự khốn cùng của đất nước, có một người giáo vụ luôn để lại một ấn tượng sâu sắc. Tên người đó là Park Chung Hee.

Lần đầu tiên học viên Park Tae Joon gặp người giáo vụ đó là vào giờ học đầu tiên của môn đạn đạo học. Ngay khoảnh khắc nhìn thấy người đó bước vào lớp học, Park Tae Joon cảm giác như một luồng khí lạnh buốt thốc vào từ cửa trước. Không biết từ lúc nào, cơ thể cậu đã tức khắc chỉnh tư thế ngồi thẳng đứng. Thân hình nhỏ bé của người giáo vụ có gương mặt rắn như thép này như thể được nén chặt nên bởi tuyền một ý chí mạnh mẽ.

Đối với các học viên, đạn đạo học là một môn học gay go. Vì trong các phép tính quỹ đạo bay của đạn có bao hàm các nguyên lý toán học như hình học giải tích, vi phân, hàm lượng giác...

“Học viên nào sẽ lên bảng giải bài này đây?”

Viết bài tập lên bảng, Park Chung Hee sang sảng nói.

“Nếu không ai tình nguyện thì tôi sẽ phải chỉ định thôi.”

Đảo mắt khắp phòng học, tia nhìn của người giáo vụ đó bất thần dừng lại ngay trước trán của học viên Park Tae Joon. Ngay khi Park Tae Joon, người có một tài năng toán học khác thường giải thông suốt bài toán, một nụ cười thoáng hiện lên trên gương mặt Park Chung Hee.

Giờ ăn trưa ngày hôm đó, Park Tae Joon lướt ngang qua Park Chung Hee ngoài hành lang. Người học viên nghiêm chào giáo vụ.

“Ra là cậu học viên đã giải bài toán đạn đạo!”

Người giáo vụ nheo mắt cười.

Park Chung Hee và Park Tae Joon, hai người này đã vô tình gặp nhau như vậy, trong một lớp học tồi tàn của một trường học cũng tồi tàn không kém. Bằng mối nhân duyên đó, hai người đã hình thành một mối quan hệ bất khả phân ly suốt hơn hai mươi năm từ thời điểm cuối thập niên 1950 đến năm 1979, cho đến tận lúc một người từ giã cuộc đời trước. Vấn đề này sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng đến giai đoạn tháng Năm năm 1961, lúc Park Chung Hee bước lên vũ đài lịch sử như một nhân vật chính. Nhưng xét một cách toàn diện vào mối quan hệ bất khả phân ly lâu dài ấy giữa Park Chung Hee và Park Tae Joon, có thể nhận thấy một điều rất khác biệt. Sự thật rằng, ngày nay, nhìn chung, ở nơi của những công tích được đánh giá là “vinh quang của Park Chung Hee” thì vinh quang của Park Tae Joon cũng cùng tỏa sáng; nhưng ở nơi của những sai lầm được đánh giá là “bóng tối của Park Chung Hee”, người ta lại không thể tìm thấy hình bóng của Park Tae Joon.

Vận may của trung úy Park Tae Joon

Ngày 10 tháng Tám năm 1948, trung úy Park Tae Joon được điều động đến Trung đoàn 1 Lữ đoàn 1 và ngày 15 tháng Tám, tất cả học viên của khóa 6 được mời đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống đầu tiên –  Lý Thừa Vãn. Đó là một nơi mang ý nghĩa lịch sử. Sau ba năm giải phóng, cuối cùng cũng đã đến thời khắc “Đại Hàn Dân quốc – một quốc gia độc lập non trẻ bị chia cắt” được khai sinh. Cũng như Trường sĩ quan cảnh vệ Nam Triều Tiên nhanh chóng đổi tên thành trường sĩ quan Lục quân Đại Hàn Dân quốc. Từ lúc đó, ở phía Nam của bán đảo Triều Tiên, ba tiếng “Nam Triều Tiên” chính thức bị khai tử.

Cuộc đời của bất cứ ai cũng có cái gọi là vận số. Câu “vận số may mắn” nói rộng ra còn có nghĩa là “gặp thiên thời”. Dù cá nhân hay tập thể, nếu để lỡ thời vận sẽ không thể đi đến thành công. Đặc biệt, con đường quân nhân phải được lá bùa may mắn che chở. Lá bùa đó phải chống đỡ những tà ma thì họ mới có thể phát huy hết năng lực bản thân. Park Tae Joon của một thời sĩ quan sơ cấp dù chưa lần nào nhận ra nhưng cậu là một nhân vật có vận may luôn theo sát. Ít ra, cậu chưa bao giờ gặp phải vận xấu.

Việc trung úy Park Tae Joon được phân bổ vào Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 1, trấn giữ tại Yongsan - Seoul mà không bị điều động xuống vùng biển Nam tỉnh Jeonnam là một trường hợp vận số đã ứng vào cậu theo chiều hướng tốt đẹp. Năm 1948, khi sự kiện Yeosu - Suncheon1 xảy ra, mười bảy trung úy của khóa 6 Trường sĩ quan Lục quân của vùng đó đã tử trận. Trong cơn lốc xoáy của sự thanh trừng ráo riết từ sau sự kiện Yeosu - Suncheon, hai mươi lăm người, tức hơn 10% trong tất cả những người đang được bổ nhiệm của khóa 6 đã bị tước quân tịch vì bị nghi ngờ có liên quan đến cánh tả. Cơn lốc xoáy thanh trừng này cũng bắt cả Park Chung Hee. Nếu như Park Tae Joon, người rất tôn sư trọng đạo, còn nằm dưới sự chỉ huy của Park Chung Hee thì thử hỏi trong từ trường của người thầy, liệu người thanh niên sĩ quan trong sáng đó có thể bình an thoát khỏi cơn lốc xoáy của sự thanh trừng không?

Sau khi được chuyển đến Sư đoàn thủ đô vào tháng Giêng năm 1949, tháng Ba Park Tae Joon được thăng cấp đại úy. Tại đây, cậu đã bị hành hạ bởi di chứng của bệnh tiêu chảy do cơm lúa mì lứt. Trong bệnh viện Hồng Thập Tự, cậu được chẩn đoán bị viêm phế mạc. Bác sĩ đâm kim vào mạn sườn để hút chất dịch ra rồi thỉnh thoảng lại cho thuốc. Nhưng hoàn toàn không có hiệu quả gì cả. Từ làng chài ở miền Nam, người cha tất tả lên thăm con.

“Con đừng lo. Dù có phải đổi cả mạng sống của cha đi nữa thì con vẫn sẽ phải được sống.”

Được cõng trên lưng cha, Park Tae Joon rưng rưng nước mắt.

Đoán rằng bệnh của con trai là do ăn uống không đầy đủ mà ra, cha mẹ Park Tae Joon đã chế biến những thức ăn bổ dưỡng. Họ cho hầm gà với rết, cộng thêm râu bắp, cây ngải lâu năm. Ăn những món đó, qua một mùa trăng, cậu đã cựa mình ngồi dậy.

Khi Park Tae Joon trở về đơn vị, việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc đang được bàn tán xôn xao. Mỹ xác định thời hạn triệt thoái là ngày 30 tháng Sáu năm 1949. Hơn 45 ngàn quân Mỹ như một đợt thủy triều xuống đã ồ ạt rút ra khỏi Hàn Quốc, chỉ còn lại 472 sĩ quan của đoàn cố vấn quân sự và một số ít binh sĩ. Mỹ cũng không để lại cho Hàn Quốc xe tăng, máy bay, chiến hạm loại trung... Trưởng đoàn cố vấn quân sự Mỹ tại Hàn Quốc đã tán đồng với quyết định mà tướng MacAuthur – Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương – ở Tokyo từng đưa ra rằng chiến trận xe tăng không phù hợp với địa hình Hàn Quốc.

Ở vùng lân cận của vĩ tuyến 38, quân đội Hàn Quốc phải lấp đầy vào chỗ trống mà quân đội Mỹ đã rút lui. Park Tae Joon cũng không ngoại lệ. Tháng Mười hai năm 1949, Park Tae Joon được thăng cấp thiếu tá và được điều đến Pocheon ở tỉnh Gyeonggi phía Bắc Seoul làm đại đội trưởng Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Lữ đoàn 7. Toàn bộ vũ khí chỉ là những khẩu súng trường và pháo hạng nhẹ mà quân Mỹ để lại. Thỉnh thoảng, ở vĩ tuyến 38 lại nổ ra các cuộc xung đột vũ trang nhỏ với quân đội Bắc Hàn.

Đêm trước “Bão tố”

Ngày 1 tháng Sáu năm 1950, tại một buổi họp báo, Tổng thống Hoa Kỳ Truman nhận định: “Trong vòng năm năm tới sẽ không có nguy cơ chiến tranh”. Ngày 20 tháng Sáu, tại Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ, Phó Thứ trưởng phụ trách cực Đông thuộc Bộ Ngoại giao Dean Rusk – tác giả của đường phân chia giới tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên – cũng phát biểu: “Không thể cho thấy Bắc Hàn có ý định gây ra một cuộc chiến tranh lớn”.

Thứ sáu ngày 23 tháng Sáu, một cơn bão nhỏ có tên Elsie đổ bộ vào phía Nam Okinawa. Nông dân Hàn Quốc mừng rỡ khi nghe tin cơn bão sẽ di chuyển về phía Bắc. Họ khấp khởi trông chờ. Cuối cùng sẽ có thể cấy lúa sau đợt hạn hán dữ dội. Bộ Quốc phòng cũng ra chỉ thị đến 24 giờ ngày 23 tháng Sáu sẽ bãi bỏ mệnh lệnh đề phòng khẩn cấp được ban ra từ ngày 21 tháng Tư. Đến khi trời sáng, ở mỗi đơn vị quân đội Hàn Quốc sẽ có thêm số binh sĩ về quê nghỉ phép với lý do phụ giúp việc cấy lúa.

Thứ bảy ngày 24 tháng Sáu. Sau hơn hai tháng mới được phép xả trại, Park Tae Joon vào nội thành Seoul để chén thù chén tạc tại nhà một đàn anh ở Cheongpadong. Đêm Seoul không cho cậu một cảm xúc nào đặc biệt. Có chăng cũng chỉ là cơn mưa khá dữ dội do đi vào vùng ảnh hưởng gián tiếp của cơn bão Elsie mà thôi. Đêm ấy, ở Câu lạc bộ sĩ quan của Sở chỉ huy Lục quân, sĩ quan Hàn Quốc cùng các sĩ quan thuộc đoàn cố vấn quân sự Mỹ cũng tổ chức tiệc tùng. Khác với sự tĩnh lặng của đêm trước bão tố, Sở chỉ huy Lục quân của đêm đó quá tưng bừng. “Bão tố” – đó là ám hiệu qua điện thoại mở màn cho cuộc tấn công của quân đội nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn).

Rạng sáng ngày 25 tháng Sáu, từ Sở chỉ huy đến khu phố Myeongdong1, phố phường Seoul đã trở nên tĩnh lặng. Cuối cùng, mọi thứ dường như cũng đã có hình hài sẵn sàng đón nhận cơn “bão tố”. Một lớp bóng tối được bóc đi, màn mưa dần trở nên mỏng hơn. Bốn giờ sáng. Vào thời khắc trời hửng lên trắng mờ, đại tá Lee Hak Ku của quân đội nhân dân Bắc Hàn hô đúng một tiếng vào ống nói điện thoại:

“Bão tố”.

Cơn “bão tố” đổ ập vào từ phía Bắc là một cuộc chiến tranh toàn diện xuyên thủng toàn đường giới tuyến 38. Đơn vị chủ lực của đối phương mà Trung đoàn Park Tae Joon phải đối đầu là Trung đoàn thiết giáp 109 thuộc Sư đoàn 3 và Trung đoàn thiết giáp 107 thuộc Sư đoàn 4 của quân đội nhân dân Bắc Hàn đánh thẳng vào Dongducheon và Pocheon, vượt qua Euijeongbu trực chỉ về Seoul. Đối với quân đội nhân dân Bắc Hàn, đó là tuyến đường tấn công vô cùng hấp dẫn. Xa lộ Kyeongwon từ giới tuyến 38 ngang qua Euijeongbu dẫn đến Seoul là con đường ngắn nhất dài không quá 50 km, lại rộng và vững chắc nên là tuyến đường rất tốt cho xe tăng và các loại xe cơ giới khác.

Tin tức “bão tố” nổ ra vào lúc 4 giờ sáng ở giới tuyến 38 khoảng hơn hai mươi phút sau đã reo lên trong điện thoại nhà công vụ của Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc. Thế nhưng tiếng reo đã không động được đến tai vị Tổng tham mưu trưởng. Hai giờ đồng hồ trước đó, ông mới kết thúc bữa tiệc thâu đêm và hãy còn say mèm.

Một đêm bão tố đã qua nhưng không để lại chút vết tích trên bầu trời Seoul vào buổi sáng sau đó. Bầu trời quang đãng xanh trong. Tỉnh dậy sớm, Park Tae Joon bỗng dưng như cảm thấy ngột ngạt ở đâu đó một góc nơi lồng ngực. Cậu gọi điện đến một vài nơi. Người ta nói rằng tình hình giới tuyến 38 rất nghiêm trọng. Nhìn lên đồng hồ, đã gần 7 giờ. Cậu vặn radio. Trên sóng vang lên những lời nhắn nhủ nhân dân rằng tuy quân Bắc Hàn đã tấn công nhưng quân đội quốc gia vẫn được bảo toàn nên không phải hoảng hốt.

Vội vã buộc chặt dây giày lính, cậu chạy vụt ra đường với tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ rằng bằng bất cứ giá nào cũng phải trở về đơn vị trong thời gian ngắn nhất. Ở vùng giáp ranh vừa ra khỏi Seoul, cậu gặp một chiếc xe tải quân dụng. Khó khăn lắm mới về đến đơn vị, bản đồ chiến sự đã hiện rõ một cuộc chiến tranh toàn diện.

“Bom người” và đặt chân lên đất Pohang

6 giờ chiều ngày 25 tháng Sáu, sóng radio vang lên rộn ràng. “Thật bất mãn khi không có mệnh lệnh tấn công phía Bắc”, “Ở phía Dongducheon, quân ta đã hoàn toàn đánh bại đơn vị thiết giáp của địch”. Đó là trò bịp bợm của chính phủ. Trung đoàn Park Tae Joon đang trong tình thế vô phương chống cự với xe tăng của đối phương. Dù dính đạn pháo cối chiếc xe tăng T34 do Liên Xô sản xuất cũng không hề suy suyển gì, chỉ như con voi bị chọi bởi mấy hòn đá phiền toái. Những hạ sĩ quan xuất thân từ quân đội Nhật Bản đã chỉ ra:

“Với xe tăng thì điểm yếu chính là mạn sườn.”

Ý nói đến “bom người”. Là cách đánh leo lên bên mạn sườn của xe tăng, mở nắp tháp rồi ném lựu đạn vào. Trung đoàn 5 của Park Tae Joon cũng bắt được hai chiếc xe tăng. Nhưng điều đó chỉ như muối bỏ bể. Có chăng chỉ làm cuộc tấn công của đối phương bị trì hoãn hơn bởi thời gian phải dẹp bỏ những con quái vật đã bị biến thành từng đống sắt vụn.

Những chiếc tăng T34 của Liên Xô đã chà đạp lên lời nói kẻ cả của tướng quân Mỹ rằng địa hình Hàn Quốc không phù hợp với chiến trận xe tăng. Những con quái vật thiết giáp là bất khả kháng, dù buộc phải xả thân bằng “bom người” để đối phó với tư cách là “người lính của một quốc gia không văn minh bị tấn công”. Đối với Hàn Quốc, ba ngày khai chiến là ba ngày của tử vong, chỉ có thoái lui rồi lại thoái lui, làm chậm thêm thời gian đối phương tiến vào Seoul mà thôi.

Chập tối ngày 27, Park Tae Joon bố trí binh lực đại đội còn sống sót về vùng núi Miari. Một chiến tuyến phòng ngự được dựng lên từ Changdong đến Miari bằng tàn binh còn sót lại. Chiến tuyến rệu rã như hàng rào thép gai cũ kỹ. Tổng thống và chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chân lánh nạn về Taechon.

Màn đêm buông xuống. Mưa nặng hạt thêm. Các binh sĩ chịu đựng cơn đói và cái giá lạnh căng mắt hướng về chiến tuyến phía trước. Trong cơn mưa tầm tã, Park Tae Joon đã vứt bỏ những vướng bận trong lòng một cách thanh thản. Chiến đấu quyết tử, cậu đã sẵn lòng cho cái chết. Trung đoàn trưởng đã tử trận, tiểu đoàn trưởng đã tử trận, mười trong số mười hai đại đội trưởng cũng đã hy sinh. Là một trong hai người chỉ huy cuối cùng còn sót lại, cậu sẵn sàng đón nhận cái chết một cách bình thản. Cậu đã quyết định chôn giấu tuổi xuân của mình trên đèo Miari lầy lội. Sự tĩnh lặng trước trận kịch chiến chỉ khiến cậu thêm nặng nề và sầu não. Cảm giác như lệnh trời cỡi mưa hạ xuống để bảo rằng chiến tranh cũng là lao động của con người, nên cũng cần có lúc nghỉ ngơi.

1 giờ sáng ngày 28, tiếng xe tăng nghe sống động khác thường. Đó là vì cơn mưa đã thưa hạt. Park Tae Joon cảm thấy những giây phút cuối cùng đã cận kề. Những khẩu súng trường cũ kỹ mà quân đội Mỹ để lại khạc lửa. Súng của cậu đụng đâu xối xả đến đó. Hướng về chiến tuyến trước mặt trong bóng tối mịt mùng không thể phân biệt nổi đâu là đường giao với địch thủ, những loạt siết cò cùng với cái tâm trạng đầy cầu khẩn “Đừng tràn lên nữa, làm ơn!”. Có tiếng ai đó hối hả gọi.

“Là đại đội trưởng cũng được, xin hãy nhận bức điện báo này!”

Người sĩ quan giao liên đến từ Sở chỉ huy Lục quân. Park Tae Joon nhận điện báo. Sợi dây cứu nguy không ngờ tới đã đến từ tay người sĩ quan giao liên. “Tàn binh lúc này ngay lập tức vượt sông Hàn để tập kết về Siheung.” Mệnh lệnh vượt sông để thoái lui. Sứ giả được Bộ chỉ huy cao nhất gửi tới trong tình trạng đường dây thông tin đã hoàn toàn bị cắt đứt kia không phải là sứ giả của cái chết mà là của sự sống.

Park Tae Joon cùng với một đại đội trưởng còn lại dẫn đầu số tàn binh sống sót. Hơn 150 binh lính vận số may mắn đã theo đường xe điện để đến bến sông Hàn. Vừng đông lờ mờ hửng sáng. Mưa đã ngớt và ánh mặt trời đang ló dạng. Bến sông Hàn là một sự chen lấn náo loạn. Tiếng la hét của những người đi lánh nạn tranh giành lên tàu trước. Park Tae Joon bắn luôn hai phát súng chỉ thiên để hạ nhiệt sự hỗn loạn và lấy lại trật tự. Chuyến vượt sông của binh lính cùng những thường dân lánh nạn diễn ra một cách yên ổn. Bên kia con sông, vùng Jamsil là những cánh đồng bao la. Cám ơn thay vì dưa leo và cà chua đang chờ đợi họ. Chỉ mấy thứ quả còn chưa lớn hoặc chưa chín tới, nhưng đó là những thức ăn quý giá có thể tọng đầy những cái bụng đói rỗng. Cậu để cho các binh sĩ kiệt sức trong cơn đói lả được ăn thỏa thuê. Dù sao thì những thứ này cũng sẽ rơi vào tay kẻ khác.

Ở Siheung, nơi các binh sĩ của Park Tae Joon tập kết, một nồi cơm lớn đang đợi họ. Mùi cơm chín hân hoan chào đón đoàn binh sĩ thoái lui đã thoát khỏi thung lũng tử thần, cũng như nhờ vận may mà vẫn còn sống sót trong suốt bốn ngày từ Pocheon đến Siheung. Từ 4g sáng ngày 25 tháng Sáu đến 11g30 sáng ngày 28 tháng Sáu, khi Quân đội nhân dân Bắc Hàn chính thức tuyên bố sự sụp đổ của Seoul, trong suốt 79 giờ 30 phút đó, quân đội Hàn Quốc, kể cả số binh sĩ bỏ trốn, đã mất đi hơn 44 ngàn người. Nhiệm vụ được giao của những người đã nếm vị cơm chín kia chỉ là thoái lui. Rút đi về phía Nam, về phía Nam... Ngày 5 tháng Bảy, Park Tae Joon đã gặp gỡ với các binh lính da đen ở vùng gần Pyeong Taek. Đó là những binh lính Mỹ mà tướng MacAuthur đã cấp phái tới từ Nhật Bản. Đến cả họ cũng thốt lên “Oh! My God!” trước chiếc tăng T34. Đó là thứ không bị xây xát gì kể cả khi bị nện bằng đại bác 105mm.

Một tháng sau đợt rút lui, Hàn Quốc – trừ một góc ở vùng cực Nam nối từ Pohang đến Busan, còn lại tất cả đã rơi vào tay lực lượng Bắc Hàn. Trên ngực Park Tae Joon đã có hai huân chương chiến công được gắn lên. Cậu không ghét nhưng cũng chẳng thấy vui. Nó khác gì tấm giấy xác nhận món nợ của người tốt số còn sống sót!

Ngày 4 tháng Tám, tướng Mỹ MacAuthur thiết lập vị trí đầu cầu cuối cùng dọc theo sông Nakdong. Lúc đó, Park Tae Joon đặt bước chân đầu tiên của cuộc đời mình lên đất Pohang. Mười tám năm sau, đây là mảnh đất mà cậu sẽ dâng hiến cả cuộc đời để dựng nền công nghiệp chế tạo sắt thép (POSCO), là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa Hàn Quốc. Pohang, nơi một trận chiến khốc liệt đang chờ đợi, là con đường cùng đối với đơn vị của cậu. Vịnh Yongil và sông Hyeongsan sau lưng đã từ chối mọi con đường thoái lui. Tất cả phải tử thủ. Sẽ sống sót hay sẽ bại vong. Cả vận mệnh đất nước và cuộc đời cậu đang bị mắc ở đó.

Các Tin Tức Khác