Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nhà văn Lý Lan thích tập một Harry Potter nhất.
Cập nhật ngày: 25/10/2007

Xin chào các bạn độc giả. Cám ơn các bạn đã email gửi những câu hỏi giao lưu với nhà văn Lý Lan. Những câu hỏi thẳng thắn cũng đã được nhà văn Lý Lan trả lời rất cặn kẻ, chân tình. Số câu hỏi gửi về nhiều, tuy nhiên chúng tôi đã gạt bỏ một số câu hỏi bị trùng lặp. Và do thời gian cũng không cho phép, nên chúng tôi buộc lòng phải thông báo nội dung giao lưu với nhà văn Lý Lan xin tạm ngưng tại đây. Riêng chuyên mục Tôi và Harry Potter vẫn đang tiếp tục chờ đón bài viết của bạn. Xin hãy gửi thư về hp7@nxbtre.com.vn

Nhà xuất bản Trẻ cùng các bạn độc giả xin chân thành cám ơn nhà văn Lý Lan đã nhiệt tình tham gia cuộc giao lưu này. Xin chúc nhà văn nhiều sức khỏe, niềm vui và có nhiều hoạt động sáng tạo như ý.

 

Mời bạn theo dõi nội dung cuộc giao lưu

 

1. Thưa cô Lý Lan, trước tiên cháu xin lỗi cô vì câu hỏi khá thẳng thắn này, là một nhà văn nhưng cô lại nổi tiếng hơn ở Việt Nam với vai trò dịch giả của Harry Potter, cô có buồn vì điều này?

Ngược lại, tôi vui. Vì điều đó chứng tỏ công việc nào mình làm tận tụy thì có kết quả xứng đáng. Là nhà văn tôi đã viết những tác phẩm mình hài lòng. Là dịch giả tôi đã giới thiệu thành công với độc giả Việt Nam một tác phẩm ăn khách nhứt thế giới đương đại. Làm được một trong hai điều đó đã là khó, mà tôi đã làm được cả hai!

 

2. Trong 07 tập Harry Potter, cô thích tập nào nhất, và vì sao?

Tôi thích tập một nhứt. Vì đó là tập hay nhứt.

 

3. Trong tất cả các nhân vật Harry Potter, cô thích nhất nhân vật nào, tại sao? Có nhân vật nào mà cô thấy nhà văn Rowling xây dựng chưa “tới” không?

Nhưng “tới” đâu cơ?  Nhân vật trong một tác phẩm là do tác giả xây dựng (một cách chủ quan, nếu không nói là độc đoán) trong  một câu chuyện được kết cấu và phát triển hoàn toàn theo ý đồ của tác giả. Khi dựng tình huống A, cần nhân vật A’ với tính cách aa và hành xử aa’, thì tình huống đó tạo được hấp dẫn cho tiến triển của câu chuyện; khi chuyện phát triển đến tình huống B, kiểu hành xử aa’ không tạo được bất ngờ nữa, thì nhân vật A’ phải phát triển tính cách aa thành bb để có thể hành xử phù hợp với tình huống B; nếu A’ không phát triển được tính cách bb thì phải tạo ra nhân vật B’. Trong bộ Harry Potter có vô số nhân vật chỉ xuất hiện giống như “phòng cần thiết” đối với tác giả, và không ít nhân vật bị “hy sinh” vì … điều tốt hơn cho câu chuyện, mà con cú Hedwig là một thí dụ.  Và trong tất cả các nhân vật được bà Rowling tạo ra trong bộ truyện Harry Potter thì tôi thích mấy con ma nhất. Tại sao à? Vì đó là những nhân vật tiểu thuyết nhứt.

 

4. Play Station từng được cô dịch là “trạm chơi”. Thưa cô, theo như cháu biết thì đây là một từ trong trò chơi điện tử, và đâu có nghĩa này. Cô có nghĩ rằng, đôi khi trong việc dịch, cô đã “sáng tạo” quá đà không?

Theo như tôi biết thì “play station” vốn là sản phẩm do Nhật (hãng Sony) sản xuất nên tên khai sanh của nó bằng tiếng Nhật, những người tiếp thị sản  phẩm này ra thị trường Mỹ và thế giới phải tìm cho nó một cái tên tiếng Anh và gọi nó là Play Station. Từ này họ tạo ra (và giữ bản quyền) có chủ ý và có cân nhắc (tại sao không dùng tiếng Nhật hay một từ sang trọng nào khác mà lại nôm na, bình dân như Play Station, gợi liên tưởng đến Gas Station, Bus Station, Railway Station?) Tôi dịch “Play Station” là “trạm chơi” cũng như tôi dịch “Mud Blood” là “Máu Bùn”, hay “house elf” là “gia tinh” đều cùng một phong cách dịch thuật. Những từ đó thuộc … bản quyền của tôi. Người khác hoàn toàn có thể gọi nó là cái gì khác tùy ý. Nếu muốn bắt bẻ thì bất cứ chữ nào trong 7 tập sách tôi đã dịch đều có thể bắt bẻ như vậy. Mà kẻ nào đó ban đầu gọi cái “Computer” là “máy tính” có sáng tạo quá đà không nhỉ?

 

5. Có đoạn văn hoặc tập Harry Potter nào, mà bây giờ vì không áp lực thời gian như trước đây, cô muốn dịch lại không? Xin cô cho ví dụ cụ thể.

Nếu bây giờ dịch lại Harry Potter, có thể tôi sẽ dịch khác bản đầu tiên ít nhiều, vì khi tôi bắt đầu dịch thì bà Rowling mới cho xuất bản 3 tập đầu, và vừa ra mắt tập 4. Tinh thần và phong cách trong 4 tập đầu này khá thống nhất. Tập 5 ra đời sau đó 3 năm, 2 năm sau nữa là tập 6 và bây giờ là tập 7, ra đời 17 năm sau  thời điểm bà Rowling nảy sinh ý tưởng về cây chuyện Harry Potter. Bản thân bà Rowling đã viết khác, và mặc dù để kết thúc bộ sách bà đã cố gắng thu vén, nhưng tác phẩm chỉ “kết thúc” chứ không thể “hoàn hảo”. Dù vậy bà Rowling sẽ không viết lại bất cứ đoạn nào hay câu nào. Khi nhìn lại toàn bộ tập sách, nếu phải dịch lại có thể tôi sẽ dịch khác,  nhưng tôi không hề muốn dịch lại, vì mọi thứ có thời điểm của nó. 

 

6. Thưa cô, cháu cám ơn cô rất nhiều vì câu chuyện Cuốn sách cô được tặng ngày còn nhỏ trong tập Miên man tùy bút. Có phải cô viết điều này vì muốn kêu gọi mọi người đến với việc đọc sách? Cô có nghĩ Harry Potter góp phần kéo mọi người đến với sách nhiều hơn. Bây giờ, món quà cô thích được tặng/ và thích tặng là gì, có phải cũng là sách?

Cám ơn em đã đọc sách. Nếu em đọc Harry Potter và tìm thấy niềm vui đọc sách thì em đã tự trả lời rồi. Ngày nay khái niệm “sách” rất rộng. Cái tôi muốn tặng/ được tặng là tác phẩm văn chương – là sự chia sẻ / cảm thông tâm linh và trí tuệ con người.  

 

7. Sau Harry Potter, theo cô dự đoán, sẽ có tác phẩm văn học nào đủ sức làm nên hiện tượng như Harry Potter nữa không? Cô đã đọc qua Mr Midnight (Kinh hoàng lúc nửa đêm) – mệnh danh là Harry Potter của châu Á; The Alchemyst (Nhà giả kim) – được cho là tác phẩm sẽ thay thế Harry Potter trong thời gian tới? Cô có nghĩ rằng, đây chỉ là chuyện ăn theo Harry Potter?

Tôi chưa đọc hai cuốn đó nên không thể có ý kiến được.

 

8. Thưa cô, xin cô giới thiệu một số cuốn sách mà cô yêu thích, để những độc giả mê sách như cháu có thể được biết để tìm đọc thêm.

Mấy tác phẩm này tôi thích lắm: Cái Ấm Đất (của Khái Hưng thì phải, tôi đọc hồi còn nhỏ xíu nên chưa biết để ý và trân trọng tác giả), Trong Gia Đình, Vô Gia Đình (của Hector Malot) Hai Mươi Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển (Jules Verne) Tâm Hồn Cao Thượng (Edmond De Amicis) Hoàng Tử Bé (Antoine de Saint Exupéry) Ngàn Lẻ Một Đêm (truyện cổ Ba Tư) Tây Du Ký (Ngô Thừa Ân) Hương Rừng Cà Mau (Sơn Nam). Đó là những cuốn sách tôi đọc hồi nhỏ bây giờ thỉnh thoảng vẫn đọc lại. Khi lớn lên và cho đến bây giờ tôi đã đọc thêm nhiều cuốn sách khác, kể ra thì không xiết. Nếu em chưa đọc những cuốn kể trên thì thử đọc xem có hạp gu với tôi không rồi tôi sẽ chỉ cho em đọc thêm.

 

9. Thưa cô, cô có học hỏi được gì thêm trong việc dịch Harry Potter? Và theo cô, bao giờ thì Việt Nam sẽ có được một tác phẩm làm nên hiện tượng như Harry Potter?

Tôi học được điều quan trọng là phải làm cho người ta đọc cái đã, rồi hạ hồi nói tới những chuyện khác. Và trong khi dịch phải luôn nhớ rằng mình không phải là người duy nhứt biết hai ngôn ngữ. Câu hỏi thứ hai sẽ được chính độc giả Việt Nam trả lời, vì hiện tượng Harry Potter có được là nhờ độc giả.

 

10. Những cụm từ như “gia tinh, trường sinh linh giá,…” là những cụm từ rất đặc biệt mà chỉ có cô mới dịch và sáng tạo được. Cô có thấy tự hào và thích thú với những sáng tạo đó của mình?

Tôi có thích thú, nhưng không tự hào.

 

11. Sau Harry Potter, Nhà xuất bản Trẻ (hay một nhà xuất bản nào khác ở Việt Nam) có mời cô tiếp tục cộng tác viết sách, hoặc dịch sách cho họ không? Cô có thể giới thiệu thêm những việc đó, nếu có? 

Ngay cả trong khi đang dịch Harry Potter thì tôi đã nhận được ít nhất 4 lời mời cộng tác của các nhà xuất bản hay công ty (sản xuất văn hoá phẩm) Tôi đang cân nhắc 4 khả năng này: dịch (Anh - Việt)  một bộ sách khác có khả năng trở thành hiện tượng như Harry Potter, dịch (Anh - Việt) một tác phẩm văn học mà tôi rất thích nhưng không có khả năng bán chạy lắm, dịch (Việt – Anh) một tập truyện ngắn Việt Nam, và viết một bộ sách (hy vọng) kiểu Harry Potter của Việt Nam.

 

12. Thưa cô, giả sử như bây giờ, cô và bà Rowling gặp nhau, thì cô tưởng tượng câu chuyện giữa hai người sẽ là gì, và diễn ra như thế nào?

Khó tưởng tượng lắm. Nhưng giả sử mà có gặp, thì chắc là chào hỏi, rồi tôi cám ơn bà đã viết một bộ sách thú vị đem lại hứng thú cho ít nhứt một thế hệ độc giả trẻ và công ăn việc làm cho nhiều người trong đó có tôi, và có lẽ bà Rowling sẽ nói theo phép lịch sự là bà  hài lòng nghe vậy và cám ơn tôi đã gắn bó với Harry Potter cho tới cuối cùng.

 

13. Thưa cô, nếu phải có một lời để định nghĩa, nhận xét về nhân vật Harry Potter; cô sẽ nói gì?

Tốt.

 

14. Cháu có nhớ là lần trước cô sụt hết 5kg để dịch Harry Potter 06, vậy lần này, việc dịch Harry Potter 07 có làm cô sụt kg nào không? Cháu chúc cô dồi dào sức khỏe để tiếp tục những công việc khác như viết blog thường xuyên hơn.

Tôi lại không nhớ là có lần nào tôi nói với công chúng về việc tăng giảm cân của mình? Tôi không sụt cân, chỉ bạc đầu thêm, nhưng chắc tại già chứ không phải tại dịch. Cám ơn cháu, nếu cháu thường xuyên đọc blog tôi thì tôi hứa viết thường xuyên.

 

15. Cô có coi phim Harry Potter không ạ? Và cô thấy coi phim với đọc truyện, cái nào sẽ thích hơn?

Tôi xem tất cả phim Harry Potter đã chiếu. Xem phim thích ở chỗ ngồi giữa một đám khán giả trẻ và xem phản ứng của họ. Xem sách thích ở chỗ một mình với quyển sách tha hồ tưởng tượng và cảm nhận theo cách riêng của mình.

 

Bạn có thể bấm vào đây để xem nội dung giao lưu trước đó

Bạn có thể xem nội dung nhà văn Lý Lan đã trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ + Thanh Niên

Bạn có thể bấm vào đây để xem nội dung chương trình chào đón Harry Potter 07 “Cùng đến trường Hogwart ngày 27 -10”

Các Tin Tức Khác