Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

TƯ DUY ĐỘT PHÁ - Kỳ 1: Bí mật "hương vị" tiềm ẩn của Toyota
Cập nhật ngày: 30/07/2009

Công ty xe hơi Toyota, một công ty hàng đầu thế giới, mỗi năm có lợi nhuận trên 100 triệu yên. Trên thị trường hiện đang tràn ngập những cuốn sách với đề tài kiểu như “Tại sao Toyota lại mạnh như thế?”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là danh hiệu “công ty siêu hạng” kéo dài mãi. Hiện nay, chỉ khoảng dưới 10% những công ty được mệnh danh là “công ty siêu hạng” đã từng xuất hiện trong những cuốn sách bán rất chạy vẫn còn duy trì vị trí của mình. Đến cả Sony cũng phải theo đuổi một công cuộc chuyển đổi rất lớn. Và Toyota cũng bị đe dọa có cùng chung số phận như vậy, đến nỗi một cuốn sách với nhan đề Nguy cơ của Toyota cũng đã từng được xuất bản.

Gần đây rất nhiều sách liên quan đến Toyota được xuất bản do công ty luôn tiếp tục đứng vững qua những cuộc chiến cam go. Hầu hết đó là những cuốn do các nhà báo viết. Tuy nhiên, đọc những cuốn này cũng giống như xem một con voi lớn, với những cách so sánh như “Toyota - một chiếc quạt khổng lồ” hay “Toyota - một khúc gỗ khổng lồ”, “Toyota - một vại bia khổng lồ” v.v. và càng đọc lại càng không hiểu. Rất nhiều người khi đọc những cuốn này đã liên tưởng đến hình ảnh khúc gỗ, cái quạt hay vại bia và càng làm cho mọi việc trở nên rối rắm hơn. Trong cuốn sách Tại sao Toyota lại mạnh như thế? của tác giả H.T. Johnson có một câu chuyện như sau:

“Một nhà quản lý người Mỹ được chuyển đến làm việc ở nhà máy của Toyota ở Georgetown kể lại rằng sau khi kết thúc chuyến tham quan các cơ sở của nhà máy khách tham quan thường hỏi, ‘Chúng tôi đã được tham quan từ A, B, C, D, E cho đến cả F, nhưng tất cả những điều này ở nhà máy của chúng tôi cũng có. Nếu được, chúng tôi muốn được tham quan G. Chúng tôi nghĩ rằng chính G mới là thứ vũ khí bí mật khác biệt so với những công ty khác.’ Thực ra, chẳng có gì đặc biệt gọi là G cả.”

Đây là câu chuyện ở nhà máy Toyota tại Mỹ nhưng thậm chí ngay cả những người làm việc cho Toyota tại Nhật cũng không mấy ai có thể giải thích được vì sao Toyota lại mạnh như thế.

Nếu chúng ta ví câu chuyện này với việc nấu ăn thì sẽ thấy dễ hiểu hơn nhiều. Trong giới nấu ăn, cũng không mấy ai có thể giải thích được tại sao món ăn nào đó lại ngon. Bởi lẽ có một thứ gia vị bí mật không thể nhìn thấy được... đó chính là “hương vị tiềm ẩn” được thêm vào trong quá trình nêm nếm thức ăn. Món ăn ngon chính là vì “hương vị tiềm ẩn” bí mật này đã phát huy tác dụng, một điều không dễ gì bắt chước được. Trong cuốn sách này chúng tôi sẽ làm rõ “hương vị tiềm ẩn” của Toyota. Xin quý vị hãy lưu ý đến điểm này. Chúng ta không chú ý vào bản thân công ty Toyota mà chúng ta tìm những điều tiềm ẩn hay nói khác hơn là đi tìm “hương vị tiềm ẩn” bình thường không được thể hiện lên bề mặt.

Nói tóm lại, đây là một cuốn sách viết về điểm đặc biệt G - “hương vị tiềm ẩn” - từ một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Để trả lời cho câu hỏi “Tại sao Toyota lại mạnh đến thế?” chúng ta phải cần có một cách tư duy khác, nói đúng hơn là chúng ta phải đứng trên quan điểm tư duy đột phá để tìm ra “một trục thống nhất” có thể “kết hợp được những yếu tố khác biệt”, và phải xét đến “yếu tố di truyền” từ thời Tokugawa Ieyasu, từ đó thử tìm hiểu “mặt cắt” của “tập quán tư duy” đã được đề cập. Sức mạnh mà cuốn sách đề cập đến chính là “tập quán tư duy” của Toyota.

“Hương vị tiềm ẩn” cũng giống như những gia vị không thể nhìn thấy được trong món ăn, tuy là một yếu tố vô cùng quan trọng nhưng nếu chỉ đi tham quan nhà máy thì khó có thể nhận ra được. Thật ra, không chỉ Toyota mới có “hương vị tiềm ẩn”. Chúng tôi chỉ lấy Toyota làm một ví dụ, và chắc hẳn là ở xung quanh độc giả cũng có những con người hay những xí nghiệp có những “tập quán tư duy” hay “hương vị tiềm ẩn” tuyệt vời. Có lẽ nếu chúng ta liên tưởng đến những con người ấy khi đọc cuốn sách này chắn chắn quý vị sẽ gặt hái được nhiều điều hơn nữa.

Phương pháp phân tích sức mạnh của các xí nghiệp bằng “mặt cắt” “tập quán tư duy” trong cuốn sách này là một phương pháp độc đáo, độc nhất vô nhị trên thế giới. Từ mặt cắt này chúng ta sẽ làm sáng tỏ sức mạnh của Toyota, và cũng sẽ chỉ ra rằng từ giờ trở đi Toyota “cần phải làm gì” để duy trì vị trí công ty siêu việt của mình. Cuốn sách cũng sẽ đem lại cho độc giả niềm hy vọng và sự tự tin vào “hương vị tiềm ẩn” của chính mình, giúp độc giả có thể vững tiến về phía trước.

Không ai có thể nhìn thấy hình bóng của bản thân. Hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong gương chỉ là hình ảnh phản chiếu, đó không phải là bản thân chúng ta. Chúng ta “chỉ nhìn thấy mình khi đứng từ bên ngoài”. Cuốn sách này chính là cách nhìn công ty Toyota từ bên ngoài, dựa trên quan điểm “tập quán tư duy”. Và tôi tin chắc rằng ngay cả những người từng làm việc với Toyota cũng sẽ phải thốt lên “Ra là thế!”.
 
Kỳ 2: Tập quán tư duy là gì?
Các Tin Tức Khác