Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Đọc lại Tình nghĩa giáo khoa thư
Cập nhật ngày: 20/10/2008

Sơn Nam góp sức làm phong phú “quốc văn”
bằng tài năng ngôn ngữ đặc sắc của một người Việt ở phương Nam- Ảnh: Đức Huy
 
Ðến ấp Giữa, làng Ðông Thái, hỏi thì ai cũng biết Sơn Nam vừa qua đời, nhờ coi tivi. Xứ này, theo nhà văn Sơn Nam, "đi từ đầu làng đến cuối xóm, đố kiếm ra được cuốn sách".
 
 

Cửa Lớn là phía vàm sông, nhớ đoạn

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín muốn kiểm chứng, hỏi một người địa phương: "Ở đây có sách báo gì không?". Câu trả lời, vào tháng 10-2008: "Không. Người ở đây không ai đọc sách báo gì hết". Nguyễn Trọng Tín kêu lên: "Làm sao xứ này sản sinh được một nhà văn kiệt xuất như Sơn Nam?". Người con lưu lạc của đồng Giữa kênh Thứ Sáu để lại cho đời 19 tác phẩm đã xuất bản và 3.000 trang chữ nghĩa chưa in thành sách. Trong số đó, người ta biết đến nhiều nhất, dù đọc hay chưa, là truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư.

Trong truyện ngắn này, thầy Có và thầy phái viên báo Chim Trời, cũng như tác giả Sơn Nam, thuộc thế hệ lớn lên khi chữ Hán và chữ Nôm gần như suy vong cùng văn hóa Nho phong. Họ trưởng thành khi chủ nghĩa thực dân đã già cỗi, chữ Pháp và văn minh Pháp ở ngoài tầm tay hoặc bị phản kháng. Tiếng Việt Latin hóa, với tư cách "quốc ngữ", cùng những câu chuyện văn chương đạo lý được sáng tác phù hợp tâm tình hoàn cảnh người Việt thời ấy, trở thành phương tiện phát huy tinh thần dân tộc và cổ súy văn hóa nước nhà. Tình nghĩa giáo khoa thư là tình nghĩa đồng bào, tình nghĩa của những người cùng tiếng nói và cùng ký ức văn hóa.

Tạo tình huống hai người miền Nam gặp nhau ở xứ Cà Bây Ngọp, chia sẻ kỷ niệm tuổi ấu thơ, tìm được sự cảm thông, đồng điệu, tại sao không để họ cùng nhắc lại những câu hát ru khi còn nằm võng, những câu hò đối đáp trên sông hay đồng ruộng đậm màu sắc phương Nam đã thấm sâu vào họ thời niên thiếu? Tôi không nghĩ rằng những câu hò hát đó kém chất văn chương hay không đậm nét văn hóa bằng những bài trong Quốc văn giáo khoa thư.

Sự chọn lựa của Sơn Nam chứng tỏ ông ý thức cổ súy tinh thần thống nhất ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Tiếng Việt "quốc văn" là lựa chọn ngôn ngữ tư duy và sáng tác của nhà văn Sơn Nam, cũng như VN là lựa chọn ý thức quốc gia dân tộc của ông. Ông góp sức làm phong phú "quốc văn" bằng tài năng ngôn ngữ đặc sắc của một người Việt ở phương Nam, chứ không nhằm tạo ra vẻ Nam bộ hay nét địa phương cho văn chương của ông. Và đây là đóng góp lớn nhất của ông vào văn học và ngôn
ngữ VN.

Một nhầm lẫn về lý lịch?

Người ta ưa nhấn mạnh, có tính đề cao, sự am hiểu và gắn bó của nhà văn Sơn Nam với vùng đất phương Nam, đặc biệt đất Sài Gòn và vùng Hậu Giang - Rạch Giá. Lần đầu tiên ông đặt chân lên đất Sài Gòn là cuối năm 1954, và ở lại đây cho đến cuối đời mình. Suốt 54 năm đó, ông đi khắp cùng đất nước, chuyến đi nào cũng nhằm nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong thổ nước nhà. Nơi ông có điều kiện đi lại nhiều nhất là vùng châu thổ sông Cửu Long. Nhưng ông rất ít khi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi ông còn đầy đủ đông đúc thân bằng quyến thuộc.

Từ Giồng Riềng qua Gò Quao về Thứ Sáu, đâu cũng gặp bà con của nhà văn Sơn Nam. Ông Trịnh Văn Hoằng ở Gò Quao kể: trong những dịp đám giỗ, các ông chú ông bác nói Sơn Nam được sinh ra tại Sóc Xoài, khoảng hai tuổi mới về miệt Thứ làm khai sinh. Ngày và nơi sinh mà những người nghiên cứu, phê bình, nhà báo viết về nhà văn Sơn Nam: "11-12-1926, tại làng Ðông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang" chỉ đúng trên giấy tờ chính thức.

Con gái của nhà văn Sơn Nam, bà Ðào Thúy Hằng, còn giữ tờ giấy do chính tay ông nội viết là cha của bà sinh ngày 19 tháng 7 (âm lịch). Hồi nhỏ nhà văn Sơn Nam tên Lạc, người anh ruột của ông tên Khoái. Giấy khai sinh ghi tên ông là Phạm Minh Tày, khi đi kháng chiến, viết văn, ông tự đổi tên mình là Phạm Anh Tài. Bút danh Sơn Nam bắt đầu xuất hiện khi ông lên Sài Gòn làm báo, viết văn, và hầu như chỉ dùng bút danh này ký dưới tất cả những gì ông viết từ đó cho đến khi qua đời.

Tại sao sinh thời nhà văn Sơn Nam không hề đính chính những nhầm lẫn về lý lịch, nhân thân của mình? Trong hồi ký, ông chỉ ghi chung chung: Tôi chào đời năm 1926 ở vùng U Minh Hạ. Sóc Xoài hay Ðông Thái thì cũng kể như U Minh. 11 tháng 12 dương lịch hay 19 tháng 7 âm lịch nào có thay đổi được vận mệnh đời người? Những gì người ta viết và nói về ông, có lẽ ông nghĩ như ông già xay lúa nghĩ về cậu Xã Nê: "Nhưng không sao. Năm mười năm nữa, chừng tóc bạc hoa râm cậu hiểu một mình, không cần ai cắt nghĩa". Ông là một người tài "trải đủ vinh nhục rồi" nên có lòng khiêm tốn thật sự. Thậm chí có phần mặc cảm, biết giới hạn của sức mình, hiểu cái dở của đời mình, như anh phái viên báo Chim Trời trong Tình nghĩa giáo khoa thư. Truyện ngắn đó còn đọng lại một dư vị thấm thía trong tình người, là tình thương kính không muốn nói ra với người cùng cảnh nghèo.

Câu chuyện cuối cùng này, về tận quê nhà Sơn Nam mới biết

Từ cầu kênh Thứ Sáu vào đến ấp Giữa, đò máy chạy khoảng một giờ. Ở phía cầu, gần lộ còn thấy nhà gạch, vô sâu thấy nhiều nhà lá hoặc chắp vá nửa lá nửa tôn, hay vài thứ vật liệu tạm bợ gì đó. Không chỉ kiểu nhà cửa sơ sài, mà toàn khung cảnh nửa hoang vu xung quanh cùng toát lên một không khí xa vắng ơ hờ, gợi cho những người thuộc thế hệ tôi cảm giác đi qua "vùng kinh tế mới" 30 năm trước. Ngóc nhìn lên hai bờ kênh nhiều đoạn chỉ thấy lau sậy xanh rì, bông trắng phất phơ. Nếu có nhà văn Sơn Nam ngồi chung trên chiếc đò này, ắt là ông đã giải thích luôn miệng: đất trũng, nhiễm mặn, chỉ mọc các cây mắm, giá, không có giá trị kinh tế, xứ này ngày xưa còn nhờ cá và rừng, khai thác cạn kiệt, lần hồi tàn mạt...

Hai mươi lăm năm trước tôi theo ông đi ngang chỗ này, ông chỉ vào ngọn rạch mịt mùng nói "quê nội trong đó". Tôi hỏi ông có muốn ghé qua nhà không. Ông im lặng để mặc cho chiếc vỏ lãi chạy tới, rồi nói khẽ: "Không có tiền về làm gì?".

Năm đó mẹ ông vẫn còn sống trong ngôi nhà cũ, trên 80 tuổi. Ít lâu sau, bà yếu quá, cùng cô con gái út trở về bên ngoại ở ấp Rạch Cũ, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng nương náu, một năm sau thì qua đời. Sơn Nam hay tin, về đến Rạch Giá, ngồi tàu đò về quê chịu tang. Tàu chạy chừng mười mấy cây số, một người ngủ nãy giờ ở đằng sau tàu chợt thức dậy nhìn thấy ông, bèn chen chân qua đám đông hành khách, tới đứng trước mặt ông. Ông thấy quen quen, hỏi: "Ai vậy?". Người đó không xưng tên mà đưa tay vạch túi áo trái của ông ra, nhìn vào không thấy tiền bạc, vạch tiếp túi áo phải, cũng không có tiền. Sơn Nam hỏi lại: "Ai vậy?". Người đó vẫn không nói, lục tiếp hai túi dưới của chiếc áo ký giả Sơn Nam đang mặc, mò luôn hai túi quần tây, rồi nói: "Người ở Sài Gòn gì mà mặc đồ sáu bảy túi, hổng có đồng xu nào". Sơn Nam ngồi trân người hỏi lại nữa: "Ai vậy?". Người đó mới nói: "Tôi là người vừa chôn má anh. Bà mất cách đây một tuần, ở tại nhà tôi".

Người em cô cậu này thứ tư, con của cậu Mười, tiếp tục chăm sóc phần mộ và bàn thờ mẹ nhà văn Sơn Nam cho đến giờ, trong ngôi nhà của ông, cũ kỹ đơn sơ giống như những ngôi nhà khác ở xứ này. Ông kể lại câu chuyện, giọng sâu thẳm, mắt xa xăm. Sơn Nam mất, ông nghe tin trên đài, được bà con nhắn, nhưng cũng không lên được Sài Gòn đưa đám tang anh mình.

Con người Sơn Nam, cũng như tác phẩm Sơn Nam, cũng như xứ quê U Minh của ông, không phải là một câu đố bí hiểm, nhưng đang còn là một thách thức suy tư, tìm kiếm.

Ghi chép của LÝ LAN
(Nguồn: Tuổi Trẻ, 20/10/2008)
Các Tin Tức Khác