Có ai mà không cần một mái nhà, một cái bếp, một ít tiền dự phòng khi trái gió trở trời? Nhất là các bà nội trợ, người vợ và người mẹ. Mẹ tôi cũng cần và cần hơn ai hết. Nhưng số phận đặt bà vào hoàn cảnh sống khác thường. Bà khó thể có một mái nhà, mà bếp lửa của bà cũng phiêu bạt lạ kỳ. Nói gì tới chút tiền nhàn rỗi gởi ngân hàng!
Ông bà xưa thường nói “An cư thì mới lạc nghiệp”. Mặt khác, chưa an cư cũng khó mà dành dụm. Lúc mẹ còn trẻ, hầu như mẹ chưa hề nghe ai nói tới hai chữ “ngân hàng”, “tín dụng”, hay là nơi gởi chút tiền “tiết kiệm”. Nhưng đổi lại, mẹ có một Con heo đất.
Mỗi ngày, chúng ta nhìn thấy biết bao con người chung quanh. Và rất nhiều vật dụng. Đôi khi mắt chúng ta bỗng dừng lại ở một vật dụng quen thuộc, có lúc nó là một cái muỗng múc canh cũ mòn, có khi là cái ghế gãy. Điều nầy ngẫu nhiên giúp chúng ta sống lại với một vài ký ức, một hồi tưởng nào đó. Mà trong các mảnh vỡ vụn của dòng hồi tưởng, hiện lên nhiều hơn các vật dụng thuộc “thế hệ trước” vì nó đã có mặt lúc xa xưa.
Tôi cũng không khác bạn. Có khác chăng là tôi hay dừng mắt lại ở các vật dụng bằng đất nung. Xúc động hơn, nếu đó là Con heo đất hay là Ba cục gạch. Khi đó dòng hồi tưởng của tôi càng mãnh liệt, làm cho tôi thấy lại hình ảnh mẹ tôi cùng những năm tháng lưu lạc với toàn thể các thành viên tiếu-ngạo-giang-hồ của gia đình tôi.
Cha tôi là cột trụ. Thời còn trẻ ông làm ra tiền, tới tuổi trung niên ông cũng giỏi làm ra tiền. Nhưng khổ nỗi, cha tôi không hề để lại một đồng xu nào cho ngày mai, khái niệm tương lai không bao giờ có trong bộ não vô cùng phóng túng của ông. Bên cạnh một người chồng như vậy, mẹ tôi phải chắt chiu từng đồng. Mỗi ngày cha tôi phát tiền chợ cho bà, và chỉ có vậy, cho nên mẹ luôn dành lại một chút bỏ vào cái bụng õng của Con heo đất.
Quỹ “tiết kiệm” nầy dành cho mỗi khi mưa gió, gánh hát nghỉ, hay lúc khó khăn túng quẩn, mẹ tôi lấy chút tiền “ngân hàng” đó ra trang trải. Tôi thường thấy mẹ rút tiền một cách độc đáo. Cách nào bạn thử đoán? Lần đầu thì phải khẽ đập một cái lỗ nhỏ dưới bụng con heo, sau đó dán nó lại bằng giấy báo. Lần sau chỉ việc moi thủng nơi đó, tiết kiệm tối đa để khỏi phải đập bể con heo, khỏi tốn tiền mua con khác. Tờ giấy báo mong manh là vậy, với biết bao do dự, vượt qua hay giữ lại một ít đồng, trong khó khăn chi tiêu hàng ngày, vậy mà mẹ vừa cứu đói, vừa cầm chắc được ngân quỹ trong nhà. Đôi khi khó quá bà cứ tần ngần nhìn con heo. Lúc đó tôi biết mẹ khổ tâm lo lắng biết bao.
Cuộc sống chúng tôi di chuyển và va chạm thường xuyên. Tôi đã thấy Con heo đất nầy khi tóc mẹ tôi hãy còn đen, cho tới khi tóc bạc trắng bà vẫn còn nó bên cạnh. Và bà vẫn nghèo. Số chi nhiều hơn thu vào, cung cầu bấp bênh. Tôi sẽ kể nhiều hơn, ngay phần sau về cái bếp của mẹ tôi, câu chuyện Con heo đất xứng đáng cho các bà mẹ trẻ ngày nay học chút kinh nghiệm.
Chính số tiền tích cốc phòng cơ nầy đã giúp cha tôi chữa lành thương tật khi ông bất ngờ té gãy xương chân, nằm một chỗ, không kiếm được tiền. Tôi nghĩ thêm, lúc còn trẻ, tình nhân yêu thương nhau, nên vợ nên chồng. Khi già, tình yêu thời trẻ phôi pha, người ta sẽ sống bằng cái nghĩa.
Con heo đất cũng giúp anh em tôi đỡ lòng trong những cơn khốn cùng kiệt cạn. Tôi sẽ kể thêm về lai lịch của Con heo đất độc đáo và cả về cuộc đời của mẹ tôi nữa. Để cho những ai, vì lẽ nào không quý mến mẹ mình, cho tới khi mẹ không còn mới tiếc thương làm sao!
Tôi có dịp xem người ta làm Con heo đất, với khuôn ép đất sét. Khi đất khô quánh lại, người ta mở khung, cắt dọc thành hai mảnh, rồi gắn lại, cho vào lò nung. Người ta sơn nửa thân trên lưng nó màu đỏ, với kẽ hẹp bỏ tiền ở mông. Còn cái bụng thẳng băng phía dưới luôn còn màu trắng ngà của đất sét mộc mạc. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn thấy Con heo đất trong các tiệm tạp hóa ở các vùng quê hay trong xóm nhỏ. “Ngân hàng tín dụng tiết kiệm” đầu tiên tôi thấy là Con heo đất, sau đó mới tới Ông thần tài và Con gà đẻ trứng vàng.
Cả nhà chúng tôi sống trôi dạt trên một chiếc ghe. Sau khi cha tôi bán chiếc ghe đi, mọi người lên bờ. Lên bờ nhưng không sống trong một ngôi nhà nào cho đúng nghĩa là nhà. Mà là đình là chợ là rạp hát cũ kỹ hoang tàn. Đêm trường thao thức mẹ tôi ngồi trên chiếc xe tải “chuyển bến”. Trong cái rương bằng thiếc của bà có Con heo đất nằm ngủ bình yên. Nói gì thì người ta vẫn yên tâm hơn khi có chút tiền dự phòng. Tôi cũng phóng túng và liều mạng khó khác cha tôi.
Song khi lớn lên, tôi nghĩ mẹ tôi có lý khi mỗi ngày, hay là nhiều ngày một lần, bà cố gắng bỏ vài đồng tiền, tiền giấy thì xếp lại vuông vắn, hay vài xu con vào bụng heo. Kiến tha lâu đầy ổ, nhưng khó mà đầy. Dù đầy vẫn vơi, nước lớn nước ròng, có đầy chăng cũng không dùng vào việc gì lớn hơn là cơm áo.
Khó mà hình dung ra cảnh sống của chúng tôi. Cái nghiệp hát xướng lưu lạc khắp chốn. Mỗi một nơi chỉ diễn vài ngày lại đi. Tôi thường nhìn theo mẹ tôi đi ra đi vào các “ngôi nhà” xiêu vẹo nầy. Với chiếc rương thiếc, trong cái lạnh khốn khổ, với cơn buồn ngủ chết được. Tôi bật khóc vì quá thương mẹ tôi, khi tôi thấy bà với các vật dụng nấu bếp. Cái chảo nhỏ mất quai, vài nồi nhôm móp vẹo, chén dĩa sứt tay gãy gọng, cái muỗng sành mòn cũ, bó đũa chiếc thấp chiếc cao.
Dụng cụ hay là đồ dùng nhà bếp cũng tạm gọi là có. Nhưng tuyệt nhiên không thấy vai chánh thứ thiệt là ông lò. Nói cho hay hơn, mẹ tôi không có cái bếp chính danh mà chỉ có... ba cục gạch mòn mỏi. Ai có thể tin rằng cuộc sống của một người đảm đang như mẹ vẫn thiếu hẳn một bếp lò đàng hoàng để xào nấu, chế biến món ngon cho chồng cho con.
Mẹ quý những hạt gạo dù cho rẻ hay mắc tiền. Mẹ có cái lu nhỏ đựng những viên ngọc của trời, theo lời mẹ nói. Mẹ hay cúi nhìn vào bụng cái lu nhỏ, khi nào lưng gạo thì mẹ thở dài. Mẹ không lo cho mẹ mà lo cho bầy con. Và mẹ cũng thường cầm Con heo đất trên hai bàn tay gầy, lắc lắc cái bụng õng của nó. Khi nào nghe tiếng va chạm của những đồng tiền xu trong “bao tử” của nó, mẹ khá yên tâm. Tôi nghĩ rằng con người, dù là ai, ở đâu, cũng nên biết dành dụm một chút.
Những người tiền sử không biết sử dụng đồng tiền cũng phải phơi thức ăn ngoài nắng hay vùi những tảng thịt hoặc sữa xuống tuyết để dành khi đói. Thiên nhiên khắc nghiệt, hay thời thị trường tiền nong, vẫn hay gây khó khăn cho người đó thôi. Nó đã là quy luật.
Mẹ tôi là bếp trưởng của cái “nhà hàng không sao” nho nhỏ của bà. Trời cho mọi điều suôn sẻ, mặc dù ông lò của mẹ tôi chỉ là ba cục gạch vô danh hèn mọn. Mà cũng có niềm vui, vì năm nào thì trong cuộc đời lang thang không nhà của mẹ tôi, ông Táo vẫn được bà tôn trọng. Không biết nên cười hay nên khóc, khi nhìn mẹ tôi đốt vài nén nhang rồi để nhẹ mấy cái bánh, cục kẹo, trên cái dĩa nhỏ làm lễ đưa ông Táo nhà nghèo của nhà tôi bay về trời đàng hoàng như ai.
Buổi lễ nầy mẹ tôi lấy kinh phí từ “quỹ” dự phòng trong “Ngân hàng Heo Đất”. Có ngân hàng nào dùng logo Con heo đất làm biểu tượng không? Tôi nghĩ nếu có nó sẽ là một hình ảnh vui vẻ và rất thân mật. Con heo mộc mạc, mập ú, thật thà, đáng tin cậy. Con heo đất có cái nền xuất phát bình dân, dễ thương biết bao. Nó cũng đồng nghĩa như nuôi một con heo thịt, cũng tiết kiệm cực nhọc chắt chiu.
Còn về cái bếp. Khôi hài thật, tôi cứ hay nhìn rồi mỉm cười khi thấy ba cục gạch đã quen lửa. Hình dung lão Táo rất hề, sao lại còn giữ nổi hàm râu. Với tôi, ông ta là vị thần ngộ nghĩnh nhất trên đời. Ông Táo của mẹ tôi cũng cỡi con cá chép, bay chung với mấy cái ông lò chụm củi, ông cà ràng đốt bằng lá dừa, thậm chí là xác mía. Ông lò khác, là cái ống dài, bằng đất nung, đốt bằng than đá. Ông khác lạ hơn, đốt bằng mạt cưa, hay bằng trấu. Các ông vui vẻ bay lên nhiều tầng mây, với lá sớ phất phơ gọi là “ráp-bo”.
Nhiều dạng ông Táo. Bởi lẽ họ hàng nhà ông Táo Việt
Kiếp đời du mục của những nghệ sĩ lang thang vào thế kỷ trước, tới nay đã thay đổi nhiều. Bước vào chuyện phong lưu tiện nghi. Ăn không chỉ để no mà còn ăn ngon và nhâm nhi thưởng thức. Ông Táo gas du lịch, ngồi ngay trên bàn ăn, lửa cháy xanh vui mắt.
Nghệ sĩ chạy sô bằng... máy bay! Nhiều người có xe hơi, nhà lầu, bếp núc sang trọng. Chiếc ghe, rồi chiếc xe tải cục mịch và cái ông lò ba cục gạch của mẹ tôi chỉ còn là kỷ niệm của một thời bôn ba. Ngày nay tôi trông thấy nhiều bếp lò quá đẹp và những ông Táo trẻ trung khác.
Ông Táo gas, ông Táo viba, ông Táo điện... Rất tiện nghi và tinh tươm. Song tâm hồn tôi vẫn cứ nhớ về ông Táo “gánh hát” cùng kham khổ với tôi thời thơ ấu cực nhọc, trôi sông lạc chợ. Tôi nhớ cái bếp chỉ có ba cục gạch ám khói đen thùi lùi, mà mẹ tôi luôn ẵm theo triền miên khói lửa, từ miền nầy qua miền khác. Cùng với mẹ, bếp lửa hẻo và hài hước nầy, là những hình ảnh không thể nào tôi dám quên. Ông Táo nghèo với Con heo đất của mẹ tôi và cha tôi đã nuôi tôi khôn lớn, từng bước thành người.
Người ta sẽ nhớ lại cái bếp lửa, nhớ mẹ một cách khác hơn tôi. Bếp trong ngôi nhà khang trang no ấm. Còn tôi nhớ những dòng sông, nhớ vài cục gạch mẹ lượm được ở đâu đó, vào một ngày đã xa. Mang theo cả đời người, từ chiếc xe tải, bà ẵm nó vô các rạp hát, ngôi đình, nhà lồng chợ, đặt cái bếp độc đáo nầy ở một góc. Mẹ như một người lãng du mải miết vui chân phiêu bạt. Nay về nhà dù cho đó là rạp hát.
Mẹ cơi lên ngọn lửa nhỏ hắt hiu, ngậm ngùi, phiền muộn. Cuộc mưu sinh khó khăn đã qua, bây giờ với tôi chỉ là hoài niệm một thời thơ ấu giang hồ khắp chốn với sông nước, tình làng nghĩa xóm. Một nhánh sông cuối chân trời nơi chỉ có dãy nhà lá và nhà lồng chợ trong gió mùa lất phất. Kỷ niệm sống dậy khi nhìn thấy những vật dụng bằng đất nung, đặc biệt là Con heo đất hay cái lò lửa cũ kỹ đó.
Tôi nhớ tha thiết, nhớ biết bao là nhớ Con heo đất và những viên gạch, bếp lửa sáng chiều của mẹ tôi. Bài học kham khổ nầy giúp tôi vượt qua bao khó khăn. Cho tới ngày hôm nay chúng tôi có cuộc sống sung túc hơn. Chúng tôi đã có nhà. Tôi chú trọng tới việc thiết kế một gian bếp đàng hoàng cho mẹ tôi. Ngày đầu tôi đem về tặng mẹ một cái bếp gas, mẹ cứ nhìn nó không dám đưa tay đụng vào. Nhưng chỉ vài ngày sau mẹ đã biết dùng bếp mới.
Tôi tò mò nhìn mẹ. Bà để ông Táo đời mới trên cái nền xây bằng gạch tráng men thật tinh tươm, lót bên dưới bằng.... ba cục gạch cũ! Thì ra bao lâu nay mẹ vẫn còn giữ. Tôi thấy bà ngắm nghía hai ông Táo già trẻ nầy với nụ cười móm mém cùng ánh mắt vui thật là vui.
Con heo đất cũ kỹ vẫn còn nằm trong cái rương thiếc của mẹ. Bà vẫn hàng ngày bỏ vào cái bụng nó vài đồng tiền kẽm. (Bao nhiêu năm, giờ mới có lại những đồng tiền kẽm!). Thỉnh thoảng bà cũng xé miếng giấy báo dán dưới bụng Con heo đất, chia tiền cho mấy đứa cháu trong nhà. Tính ra Con heo đất nhà tôi đã được hơn 50 tuổi. Sau khi cha tôi lên Thiên đàng, mới đây mẹ tôi cũng qua đời. Tôi để Con heo đất và các viên gạch bên cạnh ảnh của mẹ.
Chuyện đời xưa, hay là chuyện cổ tích về mẹ tôi là vậy. Tôi hiểu rằng người ta phải đi chân đất thì sau đó mới có giày. Người ta phải nhớ về cái bếp cũ của mình, nhớ bữa cơm chỉ với vài miếng dưa hành, mới có bữa ăn sung túc ngày hôm nay. Con tôi nói bếp gas già lửa xào cải hay chiên trứng gà ốpla ngon hơn các bếp củi cũ. Quả là vậy đối với người sành ăn. Nhưng bếp cũ trong một ngày mưa gió nào đó, khói làm cay mắt, cho tới bây giờ vẫn còn cay. Con tôi hỏi: “Sao ba khóc?”. Tôi nói: “Ba nhớ một chuyện cổ tích về một bà già và ba viên gạch thần”.
Trích trong quyển NHỚ - Tác giả: Mạc Can