Làm sao kiếm tiền nhiều nhất?
Cập nhật ngày:
14/06/2007
Làm cách nào để có thể kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất và bền vững nhất? Câu trả lời quả không đơn giản. Thế nhưng, đọc xong bộ sách “Đạo kinh doanh Việt
Đúng như lời nói đầu của tập sách, trên đời này không có nghề nào là nghề kiếm tiền cả, bởi nghề nào mà lại chẳng để kiếm tiền. Kinh doanh tuyệt nhiên cũng không phải là nghề kiếm tiền. Bộ sách gồm 25 tập kể về cuộc đời và sự nghiệp của 25 doanh nhân nổi tiếng đến từ 25 tập đoàn hàng đầu thế giới cho thấy dù ở Đông hay Tây, cổ hay kim, dù con người làm giàu chẳng có ai giống ai nhưng tất cả ở họ đều có chung một tư tưởng: kinh doanh và đưa lại lợi ích cho xã hội. Với niềm đam mê mãnh liệt, những doanh nhân này đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp tạo ra và tạo ra thật nhiều giá trị (sản phẩm và dịch vụ) để thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng, xã hội, làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Chính với tâm thế đó, họ đã kiếm tiền một cách nhanh nhất, nhiều nhất và bền vững nhất. Và cũng chính với đạo kinh doanh đó, họ đã trở thành những doanh nhân huyền hoặc và được cả xã hội tôn vinh.
Đó là câu chuyện của Sakichi Toyoda người đã đặt nền móng cho tập đoàn Toyota bắt đầu từ một nhà sáng chế máy dệt. Hãy nghe ông khuyên con trai của mình: “Bất cứ ai cũng nên có ít nhất một lần trong đời thực hiện dự án vĩ đại nhất của mình. Cha đã dành trọn đời thực hiện dự án vĩ đại nhất của mình. Cha đã dành trọn đời để sáng chế ra những loại máy dệt mới. Giờ đây đến lượt con, con hãy cố gắng để thực hiện một điều gì đó có ích cho đời, cho xã hội”. Lời khuyên ấy sau này đã tạo nên một “đạo Yoyoda” cho tập đoàn Toyota : phục vụ sã hội và cộng đồng bằng tốc độ sản xuất gia tăng, bằng tiến bộ không ngừng của công nghệ mới. Trung thành với nguyên tắc ấy, tập đoàn Toyota đã trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới với những chiếc xe hơi giá cả hợp lý, tiện dụng và tiết kiệm nhiên liệu.
Đó là câu chuyện của Sam Walion, nhà phát minh ra “cửa hàng tạp hóa của thế giới” – hệ thống siêu thị Wal-Mart. Sam Walion thừa nhận bí quyết khiến cho Wal-Mart thu về mỗi năm 13 tỉ đôla Mỹ lợi nhuận chính là triết lý “hãy cho khách hành những gì họ muốn”. Để rồi, bằng “hành trang” ấy, khởi đầu từ một cửa hàng mang tên “cửa hàng năm xu và một hào”, hơn nửa thế kỷ sau ông đã đưa nó vươn ra khắp thế giới và trở thành “người giàu nhất nhờ bán hàng rẻ nhất”. Năm 2006, tạp chí Fortune công bố Wal-Mart lần thứ tư liên tiếp đứng đầu danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới.
Đó là câu chuyện của Jorma Ollila, người đã đưa Nokia từ vực sâu phá sản trở thành tập đoàn đóng góp một phần năm tổng thu nhập của Phần Lan; và chiếm một phần ba thị trường điện thoại di động thế giới. Tất cả sự thần kỳ ấy diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, trong đó chỉ cần 5 năm là Nokia đạt vị trí đứng đầu thế giới. Ngày nay, nhiều người đang cố tìm cách giải mã hiện tượng Ollila nhưng với chính ông thì thành công của Nokia gắn liền với sứ mệnh “Connectinh People” (kết nối mọi người). Thông qua chiếc điện thoại di động với đầy đủ tiện nghi, Nokia đã “kết nối mọi người” trên thế giới, làm cho chúng ta gần nhau hơn, hiểu biết nhau hơn.
Đó là Larry Page, người tạo ra một tài sản khổng lồ và vô giá cho thế giới: Google. Larry Page đã làm một việc thật khó tưởng tượng: ai cần bất cứ thông tin gì trên thế giới, Google sẽ giúp đỡ trong tích tắc. Google không chỉ giúp đỡ xử lý 200 triệu yêu cầu tìm kiếm mỗi ngày vào năm 2004 và lên đến gần 1 tỉ yêu cầu tìm kiếm vào năm 2006 mà còn cung cấp cả blog, Gmail và những dịch vụ khác. Cùng với Google đeo đuổi khát vọng “tổ chức lại hệ thống thông tin thế giới”, Larry Page đã được đền bù xứng đáng: từ năm 2004, chàng trai trẻ này có tên trong danh sách các tỉ phú và đến năm 2006 được tạp chí Forbes xếp thứ 27 trong 400 người giàu nhất nước Mỹ.
Và còn nhiều những gương mặt doanh nhân kiệt xuất khác nữa. Những câu chuyện về họ giúp cho ta hiểu một cách đúng đắn và sâu sắc hơn về nghề kinh doanh, đó là kiếm tiền bằng cách mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội. Còn nếu làm ngược lại (kiếm tiền bằng cách gây hại) thì sẽ vô cùng nguy hiểm: hoặc lợi chỉ một mình doanh nghiệp hưởng mà tai họa cho cả cộng đồng, xã hội; hoặc chính doanh nghiệp đó sẽ tự kết liễu đời mình. Đây cũng là thông điệp mà những người thực hiện bộ sách muốn mang đến cho bạn đọc, đúng như tựa đề của bộ sách “Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới”.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn, ngày 14/6)