Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Chuyện của người và chuột
Cập nhật ngày: 07/11/2011

SBC là săn bắt chuột của nhà văn Hồ Anh Thái (NXB Trẻ, 2011) là cuốn tiểu thuyết tiếp nối mạch tác phẩm văn xuôi hoạt kê đã xuất hiện từ trước đó, với những tập truyện ngắn Tự sự 265ngày, Bốn lối vào nhà cười, và gần nhất là tiểu thuyết Mười lẻ một đêm. Có thể nói ngay, đây là một tác phẩm hoạt kê tiểu thuyết, và là một hoạt kê tiểu thuyết được xây dựng căn bản trên thủ pháp nhại. (Ngoài thủ pháp nhại, còn có thủ pháp dán ghép, phóng đại, song dường như nhại mới thật là yếu tố làm nên nét đặc sắc của cuốn sách).

Ngay cái nhan đề của tác phẩm đã là một sự nhại. SBC, ba chữ viết tắt này vốn đã mặc định trong nhiều người đọc hình ảnh một lực lượng trấn áp tội phạm nổi danh anh dũng tài giỏi, nỗi khiếp sợ của đủ các loại đạo tặc thảo khấu trong xã hội hiện đại. (Chỉ cần nhớ lại cuốn Phượng hoàng trên đường phố của ông Mai Văn Thảo, cuốn sách xuất hiện đầu những năm 80 của thế kỷ XX, viết về việc bắt cướp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn sau giải phóng miền Nam, sách có sức phổ biến rất mạnh lúc đương thời). Nhưng SBC ở đây lại là săn bắt chuột, một công việc hèn mọn tầm thường của đám “bách tính lê dân”, một công việc chẳng có gì đáng để nói là công to việc lớn. Nhại, trong trường hợp này là nhại phong cách: đối tượng được / bị đưa từ phong cách cao xuống phong cách thấp. Có thể, đây cũng là cách tác giả dẫn dụ sự tò mò của người đọc: tiếp sau cái nhan đề ấy sẽ là gì?

Là câu chuyện của người và chuột, đúng hơn, câu chuyện về cuộc chiến sinh tử giữa người và chuột: con Chuột Trùm, để báo thù việc thê tử của nó bị chết thảm, đã giết chết một người và biến bảy người khác thành những kẻ mất trọng lượng, lơ lửng như những quả bóng bay. Bảy người ấy chỉ có thể trở lại trạng thái đứng trên mặt đất như bình thường nếu bắt được Chuột Trùm, cả bảy người và Chuột Trùm cùng nhìn vào mặt cái người đã chết kia, khi ấy lời nguyền mới được hóa giải. Một cốt truyện li kỳ hấp dẫn, đủ sức thỏa mãn những người đọc nào đã chán thứ văn chương phản ảnh hiện thực cuộc sống đời thường hàng ngày nhàm tẻ. Nhưng dường như cốt truyện đó không phải là cứu cánh của tác phẩm. Nó chỉ là cái trục chính để từ đó nhà văn dụng công chăm chút cho những đường ngang, những nhánh rẽ. Nói cách khác, nó chỉ là phương tiện, là cái cớ mà thôi. Không khó để nhận thấy trong cấu trúc tác phẩm, giữ vị trí của những đường ngang nhánh rẽ ấy chính là những nhân vật người, đúng hơn, những chân dung biếm họa của đủ các kiểu người trong xã hội đô thị hiện đại. Chính xác là “kiểu người”, bởi những nhân vật người được / bị “biếm hóa” ở đây không có danh tính cụ thể, họ được gọi tên bằng đúng cái phận vị xã hội mà họ đang sắm vai: Đại Gia, ông Cốp, Thư Ký, Luật Sư, Giáo Sư, Nhà Thơ, cô Báo, Bà Mẹ, Cô chủ nhiệm, Cô phó chủ nhiệm v.v... (Hai nhân vật người ít nét biếm hơn cả trong tiểu thuyết thì được định danh bằng hai cái tên còn trung tính hơn nữa: Chàng, và Nàng). Dựng lên những chân dung biếm họa trong tiểu thuyết này, nhà văn Hồ Anh Thái đã cho thấy ở ông một sự nhạy cảm, một nhãn quan sắc bén, một năng lực nhìn thấu cái xấu, cái giả, cái buồn cười trong các kiểu người thị dân hiện đại. Qua đó, là cái xấu, cái giả, cái buồn cười của hầu hết các phạm vi đời sống trong lòng xã hội đô thị: giới quan chức công chức giáo chức, giới văn chương báo chí, giới kinh doanh thương mại v.v... Thậm chí, ông không ngần ngại phóng tay tô vẽ cái xấu, cái giả, cái buồn cười ấy đến mức cực hạn, khiến các chân dung người ngoài nét biếm họa còn có thêm cả nét quái đản. (Cách xử lý như thế này không hẳn sẽ làm vừa ý những độc giả vốn ưa sự chừng mực. Có người đã chê trách nhà văn quá đà, cho rằng cuốn tiểu thuyết trở nên không hài hước vì nó đã cố hài hước. Thật ra đây là vấn đề khá phức tạp: cái làm cho người này bật cười sướng khoái thì có khi lại khiến kẻ kia chau mày khó chịu, ứng xử trước cái buồn cười của người đọc không phải lúc nào và ở đâu cũng giống nhau. Còn về chuyện quá đà, có thể nói gì nếu như đó là sự quá đà nằm trong chủ ý của nhà văn?)

Chân dung biếm họa, về bản chất, là thứ chân dung bị bóp méo theo cách có thể khiến người xem phải bật cười. Người ta có sẵn cho mình hình ảnh về đối tượng là thế này, nhưng hóa ra chân dung của nó lại bị trình hiện xiên xẹo xệch xạc thành thế kia. Cái nghiêm túc bị thay thế bằng cái cười cợt. Trong trường hợp của cuốn tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột thì cái nghiêm túc bị đưa vào trường của cái cười cợt và trở thành chính cái cười cợt. Cái nghiêm túc bị nhại. Bị nhại nhiều nhất ở đây là ca dao tục ngữ, thơ, và các ca khúc có thể xếp vào loại “nghệ thuật nghiêm túc”. Tác giả nhại chúng theo hai cách. Hoặc là tùy nghi sửa đổi biến báo nhạc, thơ, ca dao tục ngữ cho phù hợp với ngữ cảnh. Hoặc dùng nguyên nhạc, thơ, ca dao tục ngữ, không sửa đổi, nhưng đặt chúng vào những ngữ cảnh khiến cho sắc thái ngữ nghĩa của chúng bị biến dạng hẳn. Về cách nhại thứ nhất, có thể dẫn ra nhiều ví dụ cho cái gọi là “nhạc chế”, “thơ chế”, “ca dao tục ngữ chế”: “Hà Nội mùa này phố cũng như sông / Cái rét đầu đông, chân em thâm vì ngâm nước lạnh / Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố / Đường Cổ Ngư xưa ngập tràn nước sông Hồng” (ấy là nhạc chế về trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm nào), “Mẹ già như chuối chín cây / Gió lay mẹ rụng lăn quay ra vườn” (ấy là ca dao chế về cái chết đầy nghi vấn của bà mẹ nhân vật Luật Sư), “Thân này ví xẻ làm trăm được / Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu” (ấy là thơ chế về cô thư ký Đại hội Câu lạc bộ nữ quyền, người được coi như bông hoa chung của đám đàn ông)...

Về cách nhại thứ hai thì còn nhiều ví dụ hơn nữa: “Sau đêm tân hôn, nói theo cách dân gian, cô ngồi ôm mặt khóc rưng rức. Biết sướng thế này thì lấy chồng từ sớm. Biết thế này thì lấy chồng từ tuổi mười ba, đến khi mười tám em đà năm con” (ấy là đoạn kể về cô chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ quyền, năm mươi mốt tuổi mới chịu lấy chồng), “Rốt cuộc, động cơ nổ. Chị em độc thân hú lên reo mừng. Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Cái xe bảy chỗ mà mười cô béo lèn vào, không đóng được cửa, phải nhờ một cô đứng ở bên ngoài đóng cửa giúp” (ấy là đoạn kể chuyện các cô Câu lạc bộ nữ quyền sung sướng khi tìm được cách thoát trận lụt), “Đi rừng với đồng nghiệp, anh hát. Đi một mình, anh hát. Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang. Chặt khúc ra một câu thì tưởng là tâm thần. Nhưng ai làm nghề rừng thì hiểu câu hát ấy rất hiện thực” (ấy là đoạn nói về thời hoa niên của nhân vật ông Cốp, người sau khi ra khỏi nghề rừng thì lên như diều gặp gió, rồi cuối cùng bị lời nguyền của con Chuột Trùm thành ra cũng lơ lửng như diều), “Xe ta băng qua muôn núi ngàn sông” riêng câu hát này thì, trong văn bản, phải sau một đoạn dài người đọc mới nhận thấy nó bị nhại: gã đại gia mới người miền Trung vi vu đánh xe hơi ra Hà Nội, xe gã một cú tiến một cú lùi, giải quyết gọn một mạng người trên đường phố Thủ đô! Những ví dụ dạng này còn có thể liệt kê dài dài. Điều đáng chú ý là dù được đưa vào không chút sửa đổi, song lời của ca khúc (bị nhại) lại rất khớp với các ngữ đoạn trước và sau nó, liền mạch trong một chỉnh thể, càng giúp cho nét biếm trên chân dung nhân vật thêm tự nhiên hơn.

Mở đầu bằng một trận lụt” cách tác giả miêu tả, kể chuyện mưa lụt trong chương mở đầu tác phẩm không khỏi khiến người đọc phải liên tưởng đến trận Đại hồng thủy trong huyền thoại sáng thế của rất nhiều dân tộc trên thế giới. Hai nhân vật Chàng và Nàng đã gặp nhau trong hoàn cảnh ấy. Họ thoát khỏi trận lụt không phải bằng quả bầu, con thuyền, chiếc mảng, khúc gỗ mục v.v... như trong các huyền thoại, mà bằng cái phao bơi nhựa dẻo hình con thiên nga trắng mỏ đỏ bán trong siêu thị. “Nàng như một quý phu nhân ngồi trên lưng con thiên nga, hai tay vòng quanh ôm chặt lấy cổ nó. Chàng buộc một cái dây dắt cổ con thiên nga đi. Đoạn nào nông thì chàng lội nước dắt đi. Đoạn nào sâu thì chàng vừa bơi vừa đẩy đi. Qua tất cả những gì có thể nổi lềnh bềnh. Qua tất cả những cửa hàng cửa hiệu, những SEA Bank những Ocean Bank, những ngân hàng biển ngân hàng đại dương”. Thế rồi, điểm cao trào nhất, đậm màu sắc bi kịch nhất trong cuốn tiểu thuyết hoạt kê này cũng là một sự nhại, nhại chính bi kịch. Đó là khi Chuột Trùm chết, xác được ném xuống sông theo lối thủy táng, thì cả đàn chuột mấy trăm con cũng lao mình xuống sông Hồng chết theo chủ tướng. Đoạn văn tả cảnh tuẫn tiết tập thể của đàn chuột có lẽ là đoạn văn đẹp nhất trong cả cuốn tiểu thuyết: “Trên màn hình máy tính, hàng trăm hạt gạo đỏ lao xuống sông. Những hạt gạo đỏ tung tóe hoa cà hoa cải từ trên đỉnh dốc xuống. Cả một trời pháo hoa chuột tóe ra. Cả một dòng thác chuột màu đỏ trút xuống. Sông Hồng bên dưới trong đêm đen bỗng đỏ rực lên. Cả một mảng sông như dòng nham thạch đỏ trôi về phía biển”.

Đoạn văn đẹp nhất, nghiêm túc duy nhất trong cuốn tiểu thuyết cười cợt từ đầu đến cuối lại không viết về người, không dành cho người!

Hoài Nam
(Nguồn: Báo Văn Nghệ)
Các Tin Tức Khác