Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Park Tae Joon - Người đàn ông của thép
Cập nhật ngày: 04/02/2010

NEW YORK, VÀO MỘT NGÀY HẠ TUẦN CỦA THÁNG BẢY năm 2001, buổi trưa nóng như một cái lò hấp. Đến đêm, mặc cho bóng tối đã bao phủ dày đặc, cái sức nóng vẫn không giảm đi chút nào. Hiện tượng đêm nhiệt đới1 chẳng khác nào một đoàn binh chính quy hùng hậu từ không trung tràn xuống một cách quả quyết thống lĩnh cái thành phố khổng lồ của quốc gia hùng mạnh nhất địa cầu này.

     Nhưng sao vẫn thấy thật thanh bình. Ngay cả cái ồn ã của ngõ hẻm phía sau vốn đã mệt nhoài trong cơn nóng bức dường như cũng trở nên dịu dàng hơn. Chiến tích của đội quân chính quy hùng hậu kia cùng lắm cũng chỉ lưu lại như kỷ lục mới nhất trên bảng nhiệt kế của đài khí tượng thành phố này chăng?

Thời điểm đó, có một bệnh nhân già người Hàn Quốc đang nằm trong bệnh viện Đại học Cornell ( New York). Vào lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày 25 tháng Bảy, một con người vừa thoát cơn thập tử nhất sinh đã được chuyển sang phòng điều trị đặc biệt. Đó là một ca phẫu thuật lớn, sau khi đã xẻ 33cm ở mạn sườn bên trái, dùng cưa cắt bỏ hoàn toàn một chiếc xương sườn, rồi thông qua cái lỗ hổng đó để kéo ra từ dưới phổi một khối u nước đã chèn ép lên phổi bấy lâu nay to không khác gì một quả bong bóng. Thời gian phẫu thuật là 6 giờ 30 phút, trọng lượng của khối u nước là 3,2kg. Đây có thể ví như thời gian của cơn đau đẻ kịch liệt mà trước đây bà cụ thân sinh đã phải chịu đựng lúc hạ sinh ra ông, cũng như khối u là một kỷ lục bởi nó còn nặng hơn cả trọng lượng của ông lúc mới đẻ. Vị bác sĩ có đôi bàn tay nhỏ nhắn gốc người Ai Cập trực tiếp cầm dao mổ đã nói rằng khối u nước có trọng lượng của một đứa trẻ sơ sinh đó là một kỷ lục thế giới.

Chỉ sau hai ngày, người bệnh nhân già đã được chuyển sang phòng 247 của tầng mười, khu điều trị thông thường. Nước da hồng hào cùng cái lưng vẫn thẳng như lưng của một học viên trường sĩ quan khiến cho cái tuổi 74 của ông dường như cũng cảm thấy phải xấu hổ. Ông vẫn giữ cái khí phách của thời tuổi trẻ chăng? Ngay sau khi vị bác sĩ vừa dứt lời rằng nếu tập đi bộ thì tốc độ hồi phục sẽ nhanh hơn, ông đã vội vàng đáp lời rằng bằng mọi giá sẽ bước đi ngay. Đối diện với ông, người nữ y tá da đen với độ tuổi giữa 40 nhún vai, hai bàn tay ngửa ra trước ngực. Điều đó như nhắn nhủ ông rằng hãy nên nghỉ ngơi thêm một hai ngày nữa rồi hẳn bắt đầu, tôi sẽ luôn ở bên cạnh và đi cùng ông thôi, nên bình phục khí lực trước đã.

Nữ y tá đã đúng. Nếu người bệnh nhân già mà vết mổ còn đẫm máu này, người đã từng di chúc khi chết xin hãy hỏa táng và chôn nắm tro tàn của ông ở nơi có thể nhìn thấy Tập đoàn sản xuất thép Pohang, cứ nhất quyết hồi phục bằng cách luyện tập một cách hấp tấp và quá sức thì có thể dẫn đến những di chứng khôn lường. Hơn nữa, sẽ nực cười thay cho cái bộ dạng của một hình nhân cao 165cm bước đi với bốn chai nước thuốc to đùng, nào là hỗ trợ kháng sinh, dinh dưỡng, bài tiết… lủng la lủng lẳng. Thế nhưng, sau đôi kính lão của người bệnh nhân già kia vẫn phát ra những ánh mắt rực sáng chẳng khác gì những tia lửa.

“Nhìn này, cô y tá. Tôi đã được truyền máu từ con trai tôi. Nếu để đền đáp thì không phải tôi cần phải gấp rút hành động hay sao?”

Lần này thì người nữ y tá xòe ngửa hai bàn tay ra trước đằng ức. Đó là biểu hiện của sự chào thua! Người nữ y tá kia dù đang nắm rất rõ những thông tin y học của bệnh nhân như huyết áp, đường huyết, chiều cao, cân nặng… nhưng cuộc đời của ông thì cô hoàn toàn mù tịt. Chỉ biết một cách mơ hồ rằng ông là “nhà sản xuất và kinh doanh thép tiêu biểu của Hàn Quốc”.

Bất chấp mọi sự, ông đã tự nâng người dậy. Từ đường may dài ngoằng ở bên mạn sườn trái, cảm giác có cái gì đó đang tuôn ra ào ạt khiến toàn thân như muốn đổ sụp xuống một cách bất lực. Sự cám dỗ chỉ muốn được nằm xuống trở lại bao trùm lên ông. Thế nhưng, ông nghiến chặt răng. Cho dù có già đến mấy ông cũng không thể chấp nhận nổi cái nỗi nhục khi bản thân phải chịu thất bại trước sự thử thách về ý chí. Nắm chặt trong tay cái quyết tâm phải bước đi như cầm chặt một cây gậy, quả quyết rằng đây là lần thử thách cuối cùng từ những cơn hiểm nguy ngặt nghèo của đời sống, một lần nữa ông muốn tin vào sức mạnh của ý chí. Lọ hoa của Tổng thống Kim Dae Jung và Chủ tịch Đảng Liên hiệp Dân chủ Tự do Kim Jong Pil cầu chúc ông sớm bình phục được đặt ngay bên cạnh, những bông hoa rực rỡ vẫn đang ngào ngạt tỏa hương, nhưng cái mũi suy kiệt của ông đã không thể nào ngửi thấy sự an ủi.

Người bệnh nhân già đã bước ra khỏi cửa phòng bệnh. “Con robot già cỗi đeo bốn cái lon cầu xin cho sự sống” mà như về sau được chính ông gợi lại với vẻ hài hước ấy đã xuất hiện ở hành lang của bệnh viện Đại học Cornell. Bên cạnh ông, người vợ đã vào độ thất tuần vẫn khỏe mạnh và nữ y tá thành thục vẫn bám theo sát. Trong tai ông, lời của người trực tiếp thực hiện ca mổ vẫn còn văng vẳng. Vị bác sĩ gốc người Ai Cập bằng chất giọng ấm áp, đầy tự tin đã nói với ông khi ông đang được đẩy vào phòng mổ, rằng:

“Sinh nhật của ông là vào mùa thu à! Năm nay ông sẽ được tận hưởng một dịp sinh nhật vô cùng hạnh phúc đấy!”.

Cũng người bác sĩ với cái răng cửa to và trắng đó đã thì thầm với ông khi ông được chuyển ra khỏi phòng điều trị đặc biệt:

“Khối u nước lớn dần lên đã đẩy quả tim về phía bên phải và khiến một bên phổi bị gấp lại, làm mất đi chức năng của nó. Nhưng tất cả sẽ trở lại nguyên vẹn. Nếu ông tập đi điều độ thì tốc độ hồi phục sẽ còn nhanh hơn nữa đấy”.

Tên của vị bác sĩ đọc theo phiên âm Hàn Quốc là “Al Tho-ki”, nghĩa là con thỏ. Đối với ông, ngay cả cái tên đó cũng là một điềm lạ. Ông sinh năm 1927, cầm tinh con Thỏ1. Dường như cái tuổi của ông đã ứng vào tay người danh y gốc Ai Cập bởi một cái duyên. Lời dự đoán của Al Tho-ki đã trở thành hiện thực. Nếu cứ đi vòng quanh hành lang bệnh viện đủ ba vòng thì tính ra gần bảy ngàn bước. Từ khi ông lặp đi lặp lại ba vòng mỗi ngày trong suốt một tuần, trái tim bị lệch chỗ trước đây giờ đã trở về đúng vị trí của nó, còn phần phổi bị gấp cũng đã mở ra từng chút một và đang hồi phục mạnh mẽ. Sự phục hồi đầy ngạc nhiên của phổi ở đây chính do thói quen sinh hoạt lánh xa thuốc lá trong suốt cuộc đời ông đã như một sự trợ giúp lớn lao.

Khi đã kết thúc ba vòng hành quân nặng nhọc và trở về giường bệnh, người bệnh nhân già thường hay phóng tầm mắt qua khung cửa sổ nhìn xuống sóng nước gợn lăn tăn trên dòng sông Đông. Những lúc như vậy ông hay bị cuốn vào những dòng xúc cảm lạ thường. Có khi là niềm hân hoan ập đến bất ngờ như đã rơi xuống đáy thung lũng của sự chết chóc mà rồi vẫn bắt được sợi dây mầu nhiệm để hồi sinh, có khi là những nỗi tiếc nuối ông chỉ hoàn thành được mỗi hai việc trong suốt cuộc đời đã từng tự hào rằng mình đã có quá nhiều việc. Đó là cuộc chiến tranh 25 tháng Sáu và Tập đoàn chế tạo thép Pohang (POSCO).

Hình ảnh chiến trường mà ông vẫn đi về giữa sự sống và cái chết lướt qua như một bức tranh toàn cảnh. Tất cả những buồn vui trong quá trình thành lập Tập đoàn chế tạo thép Pohang cùng gương mặt của những người đồng chí hướng lần lượt hiện về trên màn ảnh của một bộ phim câm. Cảnh tượng của những cảm động và vinh quang lưu lại lâu hơn một chút. Niềm xúc động nóng bỏng và đỏ rực của giây phút dòng kim loại nóng chảy đầu tiên tuôn trào ra từ lò cao thứ nhất ở nhà máy sản xuất thép Pohang, nỗi hoan hỉ khi quàng lên cổ Huy chương vàng Bessemer được mệnh danh là giải Nobel của ngành công nghiệp sản xuất thép, là bài diễn thuyết đọc trong lễ tấn phong học vị tiến sĩ danh dự của trường Đại học Carnegie – Mellon, là Lgion d’Honneur Commandeur – huân chương tối cao của nước Pháp trao cho người nước ngoài cùng lời tuyên dương của Tổng thống Mitterrand…

Quay lại đoạn phim của ký ức dài dằng dặc với từng cảnh phim đứt quãng, trong đầu óc của người bệnh nhân già vẫn đọng lại những ngôn từ lấp lánh. Đó là lời đề tặng của Mitterrand. Ngày 16 tháng Mười một năm 1990, bằng vài câu văn Mitterrand đã đánh giá cuộc đời đầy thăng trầm của một nhân vật sống ở phương Đông xa xôi chẳng khác nào một nhà phê bình sắc sảo đã dõi theo ông từ lâu.

Khi Hàn Quốc cần quân nhân, quý Ngài đã hiến thân mình thành sĩ quan. Khi Hàn Quốc tìm doanh nhân phục vụ cho nền kinh tế hiện đại, quý Ngài đã trở thành nhà doanh nhân. Khi Hàn Quốc cần một tầm nhìn cho tương lai, quý Ngài đã trở thành chính trị gia. Phụng sự và lại phụng sự cho Hàn Quốc, đó luôn là mệnh lệnh tối thượng chưa bao giờ ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời quý Ngài.”

Ánh hoàng hôn đã nhuộm thẫm màu dòng sông Đông của New York. Người bệnh nhân già im lặng nhắm mắt. Một cảnh tượng hiện lên nhạt nhòa của thời sĩ quan trai trẻ mà chỉ nhờ vận may mới còn sống sót nguyên vẹn từ chiến trường của cuộc chiến 25 tháng Sáu, ông như thể đã đóng đinh để treo trên ngực mình một câu phương ngôn “Hiến dâng cuộc đời ngắn ngủi cho Tổ quốc bất diệt”. Đã năm mươi năm trôi qua kể từ sau ngày ấy!

Rồi cái hình ảnh ông đứng giữa cánh đồng cát hoang vắng của vịnh Yong-il năm 1968 tuyên thệ sẽ hiến dâng phần đời còn lại của mình cho sự nghiệp “Chế tạo thép để báo quốc” cũng mờ ảo hiện ra. Ba mươi ba năm kể từ ngày đó cũng đã lướt qua như một giấc mơ. Chợt ông mím miệng cười. Ông tráo thử những điều kiện “khi Hàn Quốc cần quân nhân”, “khi Hàn Quốc tìm kiếm doanh nhân” thành “khi tôi cần đến sức khỏe của tôi” và thầm hứa với bản thân.

Như khi tôi là một quân nhân chiến đấu trong chiến tranh, như khi tôi là một doanh nhân xây dựng nhà máy chế tạo thép Pohang, trong bệnh viện này đây, để tìm lại sức khỏe, tôi phải đốt cháy ý chí của mình.”

Thượng tuần tháng Tám, nhờ sức bình phục đáng ngạc nhiên mà không nghĩ là hợp với tuổi tác, ông được chuyển sang khu điều dưỡng gần bệnh viện. Đó là lúc đợt nóng dữ dội ở New York đã đạt đến mức cao nhất.

Ngày 9 tháng Tám năm 2001, các báo chí, đài truyền hình, truyền thông liên tiếp đua nhau cập nhật những mức kỷ lục nhiệt độ cao nhất. New York đạt 1020F. Ngay cả Công viên Trung tâm (Central Park), nhiệt độ lên đến 1010F vào lúc 12 giờ 18 phút chiều đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất của năm 1949 là 1000F, nhưng ngay sau đó lại lập kỷ lục mới là 1020F lúc 2 giờ chiều. Toàn vùng New York New Jersey, lượng sử dụng điện tăng vọt kéo theo một số vùng lâm vào sự cố cúp điện. Thị trưởng thành phố New York lệnh cho các nhân viên hành chính phải tan sở sớm hơn vào lúc 2 giờ chiều. Tại sân vận động Shea, nơi diễn ra giải bóng chày ngoại hạng giữa hai đội New York Mets và Milwaukee Brewers, đám đông khán giả tập trung đã đẩy bảng đo nhiệt độ lên đến 1200F.

Trong đợt nóng kỷ lục mà nếu bất kỳ một nhà tiên tri nhạy cảm về tai ương nào sống ở New York cũng ngửi thấy điềm rủi ro, những bước đi của người bệnh nhân già đã gần như bình thường trở lại. Đều đặn mỗi ngày, bắt đầu từ 6 giờ sáng, suốt trong 30 phút đồng hồ, ông bước đi nhanh dọc theo bờ sông với sự tháp tùng của vợ, con cái, thư ký và cả những người thân đang đến thăm ông. Trong mắt của những thanh niên nhiều màu da hay luyện tập chạy bộ ở đó thì bầu đoàn thê tử của ông không phải là đoàn bệnh nhân mà đích thực là những con người khỏe mạnh.

Tuy bộ phim tài liệu Fahrenheit 9/11 của Michael Moore chẳng đả động gì nhưng đợt nóng đáng nhớ của New York này phải chăng là một điềm báo cho một tai ương lớn? Cho đến một tháng sau, vào ngày 11 tháng Chín, thảm kịch chưa từng thấy đã xảy ra khi hai chiếc máy bay lớn lần lượt đâm vào tòa tháp đôi ở New York. Khi người bệnh nhân già đã làm chủ được vùng mạn sườn đang dần lành lặn, ông đã trở thành một nhân chứng sống cho cái thảm họa địa ngục không ai ngờ tới.

Nếu nói sự sụp đổ của thị trường chứng khoán New York vào năm 1929 là pháo hiệu cho cuộc đại khủng hoảng thế giới thì thảm họa tại New York vào năm 2001 có thể là pháo hiệu của một tai ương tàn bạo hay không? Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình bán đảo Triều Tiên thế nào đây?”

Người bệnh nhân đang đón thời gian hồi phục trên đống tro tàn của tòa tháp đôi New York như quên hết cả cơn đau, cứ vuốt ngực lo lắng.

Cùng với sự đón chào thế kỷ 21, như đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình, Park Tae Joon luôn tìm cách giấu giếm nỗi ưu phiền vì chứng ho khạc ra máu. Để rồi tại bệnh viện Đại học Cornell, ông đã cắt bỏ khối u với phần hồi phục đầy kịch tính.

Chúng ta phải ngược dòng thời gian trở về năm 1927 để tiếp cận nhân vật này, người đã để lại thành tích đầy xuất sắc trong sự nghiệp hiện đại hóa được triển khai bằng lòng nhiệt tâm và sự đối kháng ở phía Nam bán đảo Triều Tiên vào nửa cuối thế kỷ 20, không ngoa với lời đề tặng của Tổng thống Pháp Mitterrand rằng “phụng sự Hàn Quốc là cuộc đời của ông”. Hai năm trước khi những cổ phiếu của Phố Wall ( New York) tung bay lả tả như những vụn giấy lộn, con người ấy đang chập chững bước vào đường đời ở một làng chài nhỏ của vùng cực Đông.

Các Tin Tức Khác