“Tôi cho rằng trước mỗi khó khăn lại có một cơ hội” - Nguyễn Bích Lan nói như vậy trong căn nhà sạch tinh tươm trên ngõ Núi Trúc, khi tập truyện và thơ đầu tiên của cô Sống trong chờ đợi ra mắt bạn đọc.
Vẫn là đôi tay mỏng manh như là trong suốt ấy, vẫn là đôi mắt nhiều nhiệt huyết ấy và giọng nói nhẹ như gió ấy, Lan nâng cuốn sách trên tay: “13 truyện ngắn trong này thì có đến 10 truyện đã đăng báo. Cái mới nhất của tập sách chính là 25 bài thơ của Lan”.
Trước khi đọc những gì Lan viết, cứ ngỡ với một người thiệt thòi nhường ấy, khi viết được, ắt sẽ trút ra những bức bối mà cô đã nín nhịn, đã đau khổ và đã từng tuyệt vọng. Nhưng thật đằm thắm, dịu dàng và thong thả, những câu thơ của Bích Lan vẫn luôn thấp thoáng tình yêu tươi mới với cuộc sống. 13 truyện ngắn lại rất đa dạng về đề tài.
Những nhân vật cũng đến từ những cuộc đời rất khác. Đó là một thanh niên nghiện ma túy bị mọi người trong xóm ghẻ lạnh, khinh ghét nhưng Lan luôn nhìn thấy sự lương thiện trong thẳm sâu ánh mắt (Vườn chuối), là những nỗi nhẫn nhịn của những đứa con gái chỉ biết hi sinh (hoặc bị bắt hi sinh) cho những đứa con trai trong gia đình (Con gái), hay chuyện một cậu học sinh không làm được bài thi trong một kỳ thi đại học đã viết thư cho Lan để nói lời xin lỗi vì đã phụ công cô giáo và cậu cũng bày tỏ: để thành đạt không nhất thiết phải vào đại học (Phần thưởng)...
Nhặt nhạnh những hạt mầm từ cuộc sống quanh mình, người con gái có số phận nghiệt ngã đã ươm trồng nên những câu chuyện hồn hậu cho người đọc và cho... chính mình.
Hỏi Bích Lan, tại sao người đọc không nhìn thấy sự bức bối hay tuyệt vọng trong những câu chuyện ấy, cô bảo: “Khi mới biết mình bị bệnh, tôi cũng bức bối, tuyệt vọng lắm. Nhưng khi tôi bắt tay vào dựng cốt truyện đầu tiên (Con gái) vào năm 2004 thì tôi đã có một công việc, tôi dạy học. Hằng ngày sau giờ học, các em học sinh quây quần bên tôi kể chuyện. Đó là một thế giới khác của tôi. Mà tôi nhận thấy, khi người ta vượt qua được sự khủng hoảng, khổ đau rồi thì mọi tị hiềm, đố kỵ, hay muộn phiền cũng được rũ bỏ”.
Luôn nhìn thấy nhiều điều tốt đẹp từ trong những bất hạnh của riêng mình, Nguyễn Bích Lan (cân nặng 28kg) - dịch giả của 23 cuốn sách - bình thản nói: “Sau mỗi điều không may, lại có một cơ hội mới được mở ra. Nếu tôi không bệnh, giờ này có thể tôi đang là cô giáo, giống như chị gái. Nếu tôi không bị bệnh tim, có lẽ lớp học tiếng Anh của tôi sẽ vẫn được duy trì. Nếu năm 2004 không có công ước Berne thì tôi vẫn thụ động chờ người ta chọn để dịch và chắc chắn không có hàng trăm người bạn ảo mà rất thực, rất có ý nghĩa đối với đời sống của tôi bây giờ”.
Hai năm nay, từ Thái Bình, Lan lên sống ở Hà Nội bởi mẹ phải lên chăm cháu, bà đi chăm cháu nội thì phải mang con gái “nhỏ bé” đi cùng. Nhưng Lan “vẫn thèm không gian ở quê, ở đó, Lan có một vườn lan dù còi cọc nhưng giò lan nào cũng nở hoa, như một điều kỳ diệu của cuộc sống”.
Hằng ngày, từ tầng 5 của khu tập thể, Lan hay mở rộng cửa sổ nghe tiếng dương cầm vọng lên từ một buổi tập đàn của em bé nào đó: “Chính tiếng dương cầm này khiến tôi bắt đầu yêu Hà Nội”. Nhưng dạo này Lan yếu, không làm việc và nói chuyện được nhiều: “Những lúc mệt quá, khó thở tôi nằm xuống giường, nhắm mắt chờ đợi”.
Sống trong chờ đợi, một nhân vật của Lan đã sống như thế, bình tâm và kiên cường. Chờ đợi qua cơn mệt, Nguyễn Bích Lan lại đến với thế giới sáng tạo của riêng mình, và khi tập truyện - thơ này được in, cuốn tự truyện của cô cũng đã đi được quá nửa chặng đường.
Tác giả Nguyễn Bích Lan: “Tôi có một vườn lan còi cọc nhưng giò lan nào cũng nở hoa” - Ảnh: Nguyễn Á
* Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976, từng là nhân vật của phóng sự “Không gục ngã” (Tuổi Trẻ từ 12 đến 17-3-2009). Mắc bệnh loạn dưỡng cơ năm 13 tuổi, Bích Lan buộc phải nghỉ học nhưng không đầu hàng số phận, cô mày mò tự học tiếng Anh rồi bước vào con đường dịch thuật. Với Triệu phú khu ổ chuột, Nguyễn Bích Lan đã được trao giải thưởng văn học năm 2010 về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam. * Hãy hào hứng đón nhận một nữ nhà văn trẻ vừa cổ điển vừa tân kỳ, một con người phi thường với ý nghĩa đẹp nhất của từ này xét về hoàn cảnh, nghị lực và sự cống hiến. Vớt lên trăm sự đã rồi Chỉ mong vớt được chính tôi một lần. Nguyễn Bích Lan sợ chưa vớt được chính mình lên khỏi cái hố bi kịch cá nhân. Thật ra nhà văn đã vớt lên được rất nhiều điều, cho tôi, cho bạn, và cho độc giả trong thời buổi viết được một truyện hay hoặc làm được một bài thơ đáng đọc thật khó, phải, không hiểu sao bây giờ những người viết lâu năm lại thấy khó viết hơn bất cứ giai đoạn nào. May mà có những tác giả xa khuất, miệt mài như Nguyễn Bích Lan. (Trích lời mở đầu tập sách của nhà văn Dạ Ngân) |
Hoàng Điệp
(Nguồn: Tuổi Trẻ)