Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Dấn thân: cách giúp phụ nữ thoát “định kiến ngọt ngào”
Cập nhật ngày: 26/05/2014

“Phụ nữ là nguồn tài nguyên đang bị sử dụng thiếu hiệu quả nhất” - cựu ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã nói như vậy vào tháng 8.2013 sau khi bà thôi chức trách chính trị và tập trung nhiều hơn vào quỹ Sáng kiến Clinton. Câu nói trên được trích dẫn trên trang web Lean In, tổ chức được xem là cánh tay nối dài của cuốn sách cùng tên (tựa Việt là Dấn thân) do Sheryl Sandberg, 45 tuổi, đang giữ vị trí COO (giám đốc hoạt động) của Facebook, viết.

Dấn thân là những chia sẻ thẳng thắn từ chính Sheryl, một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes về cách bà đã làm và mong muốn những phụ nữ khác cùng làm để có thể phát triển toàn diện, sống như mình ước mơ. Bà cho rằng điều cần sự dũng cảm, thái độ lựa chọn khôn ngoan (từ công việc, người bạn đời, đến thái độ sống), mềm mỏng nhưng không kém phần cương quyết.

Nền tảng gia đình, học vấn và trí thông minh, khả năng lãnh đạo vượt trội từ nhỏ không khiến cho Sheryl cảm thấy tự tin. Ngược lại, bà luôn cảm thấy không thoải mái khi thấy mình nổi bật nhất, thậm chí khi Forbes đưa bà vào danh sách phụ nữ quyền lực nhất thế giới, và nhân viên của bà chúc mừng, chia sẻ link trên Facebook, bà còn yêu cầu họ gỡ xuống. Bằng giọng hóm hỉnh (và quả thật cũng rất đáng thuyết phục), bà giải thích vì sao đàn ông luôn cảm thấy tự tin (ngay cả trong trường hợp khả năng của họ có thể không bằng người nữ đối diện), và luôn sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm vượt quá khả năng của họ. Cách trò chuyện của Sheryl khiến người đọc có cảm giác bà đang nói chuyện với chính mình, nói về những tình huống chính mình đã trải qua, và đã làm sai, đã rất thất vọng với bản thân, và luôn tự hỏi tại sao mình lại cư xử và lựa chọn dở như vạy.

Những điều Sheryl nói có thể chúng ta đã nhìn thấy, cho dù không phải ai cũng trình bày hệ thống hoá như vậy. Bà bao quát nhiều nền văn hoá, nhiều xã hội khác nhau, để thấy cho dù ở đất nước nào, phát triển tới đâu, vấn đề bất bình đẳng giới tính và nữ giới đang đánh mất nhiều cơ hội thể hiện khả năng của mình vẫn còn đó. Bà chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng bà cũng nói nhiều về nguyên nhân chủ quan từ chính phụ nữ. Với phụ nữ, bà chỉ ra lỗi của phụ nữ là “tiếp thu những thông điệp tiêu cực đến với mình trong cuộc đời – những thông điệp cho rằng chúng ta không nên lớn tiếng, hùng hổ, thể hiện uy quyền nam giới... Chúng ta vẫn tiếp tục giành lấy công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Chúng ta chấp nhận hạ thấp mục tiêu sự nghiệp của mình để nhường chỗ cho người bạn đời và con cái thậm chí còn chưa chào đời. So với các đồng nghiệp nam giới, không nhiều phụ nữ tham vọng đạt đến chức vụ cao”.

Cuốn sách dành cho ai đọc? Cho tất cả. Không chỉ là phụ nữ (vì ai cũng có thể thấy mình trong câu chuyện mà Sheryl kể từ khi còn bé, đến khi đi học, lập gia đình, và lãnh đạo một tập đoàn lớn), mà cả nam giới (những người chồng, cha, con hay đồng nghiệp của mỗi phụ nữ). Bằng giọng văn vừa nghiêm túc vừa nhẹ nhàng, Sheryl viết Dấn thân như một lời kêu gọi phụ nữ hãy bắt tay vào hành động, hoặc ít ra cũng cần thay đổi nhận thức về bản thân, về những người phụ nữ quanh mình nói riêng và thế giới xung quanh nói chúng, đồng thời cũng là kế hoạch phát triển cá nhân để tiến bộ.

Phiên bản tiếng Việt có khá nhiều khác biệt trong cách dẫn dắt câu chuyện, số liệu do ở mỗi thị trường, nhóm nhóm nghiên cứu của Sheryl đều dành thêm 6 tháng để tìm dữ liệu cho phù hợp với độc giả từng nơi. Đây là điều giúp người đọc ở Việt Nam cảm thấy cuốn sách rất gần gũi, tạo ra nhiều ảnh hưởng tốt hơn sau khi phát hành tại Việt Nam ngày 10.3.2014.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Quốc hội, được mời làm người viết lời giới thiệu cuốn sách: “Dấn thân là tinh thần mà Sheryl Sandberg muốn kêu gọi: từng phụ nữ hãy vươn lên phát triển tiềm năng, phát huy đầy đủ nhất khả năng của mình, tránh lối tư duy và tinh thần yên vị vốn đã ăn sâu trong tâm thức phụ nữ”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Quốc hội, được mời làm người viết lời giới thiệu cuốn sách: “Dấn thân là tinh thần mà Sheryl Sandberg muốn kêu gọi: từng phụ nữ hãy vươn lên phát triển tiềm năng, phát huy đầy đủ nhất khả năng của mình, tránh lối tư duy và tinh thần yên vị vốn đã ăn sâu trong tâm thức phụ nữ”. Bà Ninh cũng chỉ ra một số điểm gặp nhau thú vị trong định kiến của xã hội Mỹ, Việt Nam: “Nói đến phụ nữ, người ta thường để cao sự dịu hiền, nặng tình cảm, tinh thần hy sinh…: điệp khúc đó âm thầm “bài trừ” những người phụ nữ hành xử khác với những chuẩn mực ấy… Tôi nhận thấy sự rập khuôn đó là một dạng “định kiến ngọt ngào” kìm hãm sự phát triển của nữ giới”.

Nhà tư tưởng người Pháp Charles Fourier được xem là người đầu tiên sử dụng từ “feminism” (thuyết nam nữ bình quyền) năm 1837. Cho đến nay, thế giới vẫn tiếp tục quá trình đấu tranh để nam nữ thực sự bình quyền và để xã hội có thể khai thông, sử dụng tốt nhất nguồn tài nguyên đang bị xem là “sử dụng kém hiệu quả nhất” này.

Không dễ để nhớ và áp dụng hết những gì Sheryl Sandberg chia sẻ, nhưng với tôi, chỉ cần nhớ phụ nữ có những cơ hội tương tự như nam giới, và trách nhiệm của những người xung quanh là hỗ trợ và tôn trọng họ theo đuổi ước mơ của riêng mình, vì khi mỗi phụ nữ hạnh phúc, năng lượng tích cực và niềm hạnh phúc đó sẽ lan tỏa ra những người xung quanh.

Theo Khổng Loan - Người đô thị

Trích đoạn cuốn sách:

Tưởng tượng sự nghiệp như một cuộc đua marathon- một nỗ lực kéo dài, lao lực nhưng rất xứng đáng. Tưởng tượng trong một cuộc đua marathon mà cả nam lẫn nữ đều xuất phát như nhau, khoẻ mạnh, tập luyện đầy đủ. Phát súng lệnh nổ ra. Nam và nữ chạy song song nhau. Các vận động viên nam thường xuyên được động viên: “Anh khỏe lắm! Chạy tốt lắm!” Còn các vận động viên nữ được nghe một thông điệp hoàn toàn khác. “Bạn biết là bạn không cần phải làm khổ mình như vậy!”, đám đông hò hét. Hay “Khởi đầu tốt lắm-nhưng bạn không muốn chạy đến đích làm gì”. Đoạn đường chạy càng xa, các tiếng reo hò càng lớn dành cho nam giới. “Cố lên, anh làm được mà!”. Nhưng phụ nữ chỉ nghe được những tiếng nói nghi ngờ về nỗ lực của họ. Giọng nói bên ngoài, và thường xuyên là cả giọng nói bên trong bản thân họ, lặp đi lặp lại câu hỏi về quyết định chạy đua của họ. Giọng nói ngày càng gay gắt và thù địch. Khi phụ nữ phải vất vả và chịu đựng sự mệt mỏi trong cuộc đua, những người quan sát lại gào thét: “Tại sao bạn lại chạy đua khi con cái ở nhà đang cần bạn?” (Sheryl Sandberg)

Các Tin Tức Khác