Thomas Friedman trong cuốn sách Thế giới phẳng đã nói rằng một số sự kiện (như sự bùng nổ Internet) đã san phẳng môi trường cạnh tranh toàn cầu bằng việc gia tăng toàn cầu hóa và suy giảm sức mạnh của các quốc gia. Nhưng Giáo sư Pankaj Ghemawat của trường Đại học Harvard, một chuyên gia về chiến lược toàn cầu, lại cho rằng thế giới “không phẳng”, thế giới chỉ toàn cầu hóa một phần nào đó thôi. Và theo ông, thế giới chỉ “bán toàn cầu hóa”.
Tái hoạch định chiến lược toàn cầu, quyển sách mới của giáo sư Ghemawat, như một phản biện đối với quan điểm của Thomas Friedman. Ông nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới mà những khác biệt giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn còn là vấn đề quan trọng. Và các công ty kinh doanh toàn cầu cần nhận ra điều này để kinh doanh thành công.
Cuốn sách về chiến lược kinh doanh này tập trung vào sư khác biệt giữa các quốc gia, theo giáo sư là những khác biệt cơ bản trên bốn lĩnh vực thường bị bỏ sót trong các cuộc thảo luận về toàn cầu hóa: văn hóa, hành chính, địa lý và kinh tế. Những khác biệt này được tác giả phân tích rõ ràng qua một số ví dụ cụ thể thông qua mô hình CAGE. Từ sự phân tích đó, tác giả giúp các công ty đưa ra những chiến lược để vượt qua được các rào cản biên giới quốc gia một cách có lợi nhất. Và những công ty nào mong muốn thành công trong môi trường kinh doanh toàn cầu cần phải lưu tâm đến ba chiến lược mà tác giả đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, đúc kết và trình bày trong sách với nhiều ví dụ từ các công ty có tiếng trên thế giới: Thích nghi (với khoảng cách và các khác biệt); Tổng hợp (để xóa bỏ khoảng cách và các khác biệt); Khai thác (tận dụng lợi thế của các khác biệt).