Kể truyện lịch sử cho trẻ con: Phải đặt hết cảm xúc của mình vào đó!
Cập nhật ngày:
14/08/2008
Anh Đỗ Biên Thùy - Tác giả " Em yêu sử Việt" - Bộ truyện tranh lịch sử do NXB Trẻ phát hành
Em yêu sử Việt là một trong những bộ sách được NXB Trẻ chú trọng giới thiệu trong đợt Triển lãm sách và thiết bị giáo dục 2008 (202-204, Hoàng Văn Thụ, Phú Nhuận) vừa khai mạc sáng nay (14/08/08). Viết và vẽ truyện tranh lịch sử cho thiếu nhi, làm mềm hóa các câu chuyện lịch sử, là điều không dễ dàng. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Đỗ Biên Thùy – tác giả của Bộ Em yêu sử Việt:
Thưa anh, được biết anh vừa là người viết truyện vừa là người vẽ tranh cho Bộ “Em yêu sử việt” – NXB Trẻ. Đây là bộ truyện tranh khá thú vị viết về những anh hùng trong lịch sử Việt Nam . Anh có thể cho biết, những tư liệu dùng để viết truyện tranh được lấy từ đâu ra? Và độ tin cậy ra sao?
- Tác giả Đỗ Biên Thùy: Bộ truyện tranh “Em yêu sử Việt” được tôi khởi viết từ tháng 5/2006, đến đầu năm 2008 thì được ra mắt các em thiếu nhi với 8 tập đầu tiên.
Thực ra, khi làm bộ truyện này tôi không gặp khó khăn nhiều về tư liệu bởi những câu chuyện lịch sử được tôi thể hiện là những câu chuyện và những nhân vật mà tôi yêu thích và cảm kích từ khi còn học phổ thông, khi chưa vào học trường Mỹ Thuật, chưa biết vẽ tôi vẫn thường xuyên kể chuyện lịch sử cho bạn bè nghe,g ặp ai thân là tôi kể chuyện sử, thậm chí vợ tôi cũng bị tôi bắt ngồi im nghe chuyện sử.
Có điều tôi lấy làm lạ là những câu chuyện và những danh nhân lịch sử phần lớn họ đều biết cả rồi, nhưng khi bị tôi đè ra kể họ lại hết sức hứng thú và chăm chú nghe, về sau khi mỗi lần café với bạn bè tôi đều bị yêu cầu kể một câu chuyện lịch sử nào đó.
Sau khi tốt nghiệp ĐHMT, theo đuổi nghiệp truyện tranh tôi mới có điều kiện thể hiện những câu chuyện lịch sử đầy hứng thú đó bằng tranh vẽ. Khi đi vào thực hiện bộ truyện này, sau khi viết phần kịch bản (phần lớn bằng trí nhớ), tôi mới bắt đầu kiểm tra lại độ chính xác của sự kiện thông qua các bộ sử chính thức, có những số liệu các sách chưa thống nhất với nhau thì tôi sử dụng số liệu được các nhà nghiên cứu gần đây nhất công nhận.
Cũng vì xác định đối tượng phục vụ là các em thiếu nhi nên tôi cũng tham khảo sách giáo khoa lịch sử các cấp lớp để cho thống nhất với kiến thức lịch sử của các em, góp phần hỗ trợ sách giáo khoa, tạo hứng thú và nhớ lâu cho các em trong việc học sử.
Để mềm hóa các câu chuyện khô khan của lịch sử là điều không phải dễ. Anh có thể nói một ít kinh nghiệm về các kịch bản truyện của mình?
- Theo tôi lịch sử Việt Nam rất hay, tuyệt hay. Trong đó, lịch sử dựng nước và chống ngoại xâm của ta vô cùng sinh động, có khô khan chăng là do cách truyền đạt, cách kể chuyện khô khan thiếu cảm xúc mà thôi.
Vậy, kịch bản truyện thu hút được trẻ con, thì chủ trương về cách viết và cả về những nét vẽ của anh như thế nào?
- Ồ ! Đây là vấn đề tôi gặp khó khăn nhất, viết và vẽ cho trẻ con theo tôi không đơn giản chút nào. Để không mang tính chủ quan kể chuyện cho người lớn, trước khi đặt bút viết một nhân vật lịch sử nào tôi thường kể chuyện bằng lời cho trẻ con trong xóm nghe, sau nhiều lần thất bại tôi đã tìm ra được môt cách kể sao cho những câu chuyên lịch sử đến được với các em.
Về mặt tạo hình cũng như thế, phải thật gần gũi, hóm hỉnh và dễ hiểu. Chủ trương là làm sao, khi xem truyện các em thấy có hình bóng mình và bạn bè trong đó.
Hiện, Bộ truyện dừng lại ở 8 quyển nói về các anh hùng trong lịch sử Việt Nam . Sắp tới, anh có dự định tiếp tục với Bộ “Em yêu lịch sử” nữa hay không? Tuyến nhân vật hoặc câu chuyện sắp tới của anh sẽ tiếp tục là những ai?
Bộ truyện tranh lịch sử “Em yêu sử Việt” về phần kịch bản tôi đã hoàn tất đến quyển 15, đang thể hiện hình ảnh cho quyển thứ 9, các truyện sắp tới sẽ xuất hiện các danh nhân văn hóa lỗi lạc của nước nhà như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn …
Xin cảm ơn anh!
NHÃ MY thực hiện