Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Những lão tướng trong nghiệp văn chương
Cập nhật ngày: 19/09/2006

Nghề viết lách xưa nay đầy hào quang và lắm chông gai, chỉ ai dành trọn đời cho nghiệp văn chương mới thấm hết. Gặp gỡ một vài lão tướng của làng viết, thấy họ sự nghiệp tuy khác nhau, lại giống nhau ở nhiều điểm: trẻ trung, yêu con chữ như máu thịt, xem viết là niềm vui sống và chuộng nếp đời thanh bạch.
 

Người viết trẻ, trên bước đường chinh phục "ngôi đền văn học" chắc không ít lần buột miệng: "Viết văn à? Bạc lắm!". Nhưng, các bậc "sư phụ" vốn lăn lộn đường trần, đường văn đã nhiều lại nhắc đến văn chương như món quà quý mà cuộc sống đã ban tặng, một liều thuốc tinh thần thật hiệu nghiệm để duy trì tuổi tác, một cầu nối mà qua đó họ gửi gắm tấm chân tình đến nhân gian.
 
NV Trần Kim Trắc. Ảnh: A.VTrò chuyện với nhà văn Trần Kim Trắc dễ thấy ở "lão nông Nam Bộ" 78 tuổi này nét dễ thương, hóm hỉnh của một người trẻ. Hỏi ông có bí quyết gì, ông cười xòa chỉ vào ấm trà trên bàn. Không sáng chiều ra công viên chạy bộ, dưỡng sinh như mọi người, trước đây khi tiệm mật ong của gia đình còn mở cửa, cách tập thể dục của ông là rửa lọ mật và giúp vợ trông nom tiệm. Bây giờ, ông loanh quanh mấy mét vuông trên căn gác nhỏ nhớ lại thời "lên rừng xuống biển" của một người cầm bút và nghiền ngẫm các triết gia Pháp.
 
"Bạn trẻ theo đường viết văn nên nghiên cứu triết học để hiểu cuộc đời hơn", ông chân tình khuyên. Hỏi ông có buồn vì thời gian và tuổi tác, nhận được câu trả lời "Tôi là người theo chủ nghĩa lạc quan mà!". Hàng ngày, ông vẫn đọc như một cách tự học, và đều đặn ngồi vào bàn viết truyện, viết báo, rồi cọc cạch thuê xe ôm đi đánh máy vi tính bản thảo gửi cho báo.

NV Sơn Nam. Ảnh: A.VĐến nhà ông già Sơn Nam, ngay từ ngoài cửa đã thấy mấy con khô cá lóc nằm phơi nắng, loe hoe vài chậu kiểng, ríu rít con chim sẻ chuyền cành. Bây giờ Sơn Nam không còn đi lại bình thường sau phẫu thuật xương đùi vì tai nạn. Ông nằm trên chiếc giường nhỏ cạnh cửa sổ, liền ngay chiếc bàn viết với cái máy đánh chữ cũ kỹ đang đợi chờ "khổ chủ" dùng đến.

Nếu được hỏi, văn học có ý nghĩa thế nào với Sơn Nam, chắc chắn ông sẽ trả lời đó chính là cả cuộc đời của ông. Đã hoàn tất bộ hồi ký mấy năm nay, ông già này vẫn cho rằng mình chưa có cuốn sách để đời. Dù những: Khẩn hoang miền Nam, Nam Bộ xưa, Cá tính miền Nam, Hương rừng Cà Mau... để lại quá nhiều dấu ấn đẹp. "Bao giờ tôi khỏe lại, tôi sẽ viết một cuốn sách nữa về ĐBSCL. Vùng này đất rộng, dân đông, tiềm năng dồi dào nhưng chưa nhiều người nghiên cứu". Ông nói khi đang nằm khó nhọc. "Biên khảo hay viết văn, cần nhất là chữ nhẫn, nhẫn nại trau dồi ngòi bút, kiên nhẫn chờ thành công đến" đó là bài học cả đời của ông.
 
Chắc có lẽ lâu lắm mới xuất hiện một nhân vật thú vị như ông. Sơn Nam không chỉ là nhà văn, nhà nghiên cứu mà là một trong những "thương hiệu văn hóa". Có những Việt kiều về nước, tìm đến Sơn Nam để gặp mặt ông "Mùa len trâu" một lần cho biết hay nhờ người thân mua đầy đủ tác phẩm của ông. Văn chương, chữ nghĩa không chỉ mang đến cho ông sự nghiệp mà cả những tấm lòng. Mỗi lần Sơn Nam lâm vào cảnh túng bấn hay "thập tử nhất sinh" là báo chí Sài Gòn lao vào giúp đỡ. Ông nằm cấp cứu, bên ngoài lại có nhà báo, bạn đọc, đại diện NXB Trẻ đứng chờ hỏi thăm tin tức, mua quà bánh đến biếu.  

Người trẻ có lợi thế là quỹ thời gian còn dài, nên chuyện viết không hôm nay thì có thể đến ngày mai. Khi con chữ không chịu đến, họ có lắm lý do rời bàn viết đến với tivi, phim ảnh, âm nhạc, bạn bè và những cuộc tán gẫu. Ngay khi một mình, cái mobile kè kè bên cạnh cũng sẵn sàng chia sẻ với họ mọi điều. Một cây bút trẻ từng than phiền sợ cái cảm giác một mình trực diện với bàn phím những khi bế tắc. Một cây bút khác lại tâm sự, anh thấy mình ngày càng dễ bị lôi cuốn vào một bộ phim hay của thế giới hơn là đến với một cuốn sách.  

Nhưng với "ông bà già vui vẻ" Lê Giang - Lư Nhất Vũ, viết lách, nghiên cứu, biên soạn, điền dã là những chuyện đã được lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Và không sợ không có cái để viết, chỉ sợ không đủ thời gian để viết. Ông bà tiết kiệm thời gian bằng những cách rất độc chiêu: Hạn chế nghe điện thoại. Có ở trong nhà nhưng cửa ngoài vẫn khóa trái. Thương nhà báo mà cũng tìm mọi cách để trốn nhà báo. Niềm vui của ông bà thật giản dị, đó là lúc được mân mê trên tay cuốn sách vừa chào đời, hay nồi canh khoai sọ bà nấu cho ông chín nhừ thơm phức. Đã nhiều người viết về hạnh phúc giản dị này nhưng khó ai "khai thác" được những khổ cực và kỷ luật ông bà đặt ra trong công việc. Sau tập tản văn mới nhất Nghiêng tai dưới gió, Lê Giang còn nhiều đầu sách sắp ra mắt như: Úp lá khoai, Hồi ký song đôi... Trong đó, Hồi ký song đôi là tập sách viết chung của cả hai ông bà, hứa hẹn nhiều tình tiết bất ngờ, thú vị chưa ai "khám phá".    
 
NV Mạc Can. Ảnh: A.VNhắc đến đức khiêm tốn thì Mạc Can là nhân vật để lại nhiều ấn tượng "ngồ ngộ". Ông là người trẻ nhất trong các lão tướng. Hễ có dịp là ông lại nhắc đến cái ngày xách chiếc giỏ đệm đựng đầy những trang bản thảo, đứng lóng ngóng trước trụ sở Nhà xuất bản Trẻ để gặp được những người bạn đã ủng hộ ông đi vào con đường văn chương. Nhìn cái vẻ tồi tội, khiêm nhường của Mạc Can khi nghe người ta giới thiệu mình như một nhà văn không thể nghĩ là ông đang "diễn với đời". Đến với nghề muộn, biết không có nhiều thời gian nên sự quý nghề của ông thể hiện rõ qua trang viết. Ông gọi nhà văn là "hiệp sĩ" của thời nay, ông diễn tả cái sự viết văn như khổ hình. Dù cho cuộc sống ngoài kia có sôi động như thế nào, nhà văn vẫn phải bó gối, gò lưng trên bàn phím mới mong có tác phẩm ra đời.  
Không biết có phải tình cờ, phần lớn nơi ở của những nhà văn có tuổi thường là căn gác xép, hay những ngôi nhà trong ngõ hẻm mà chỉ cần bước qua ngưỡng cửa, khách có thể nhẹ nhõm rũ mọi ồn ã sau lưng. Không ai buộc một nhà văn, một dịch giả... phải sống đời thanh đạm, tĩnh lặng, nhưng, như nghiệp dĩ vận vào thân, nhiều lão tướng của làng viết là chân dung "lành như con chữ", khiêm tốn trong mọi nhu cầu vật chất, dồn tâm huyết lên trang viết cho đến cuối đời.
 
Anh Vân
(Theo evan.com.vn)
Các Tin Tức Khác