Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Những mảng ghép của cuộc sống
Cập nhật ngày: 18/04/2007

 

Lưu Thị Lương dắt bạn đọc vào một thế giới mà nơi ấy, cuộc sống giống như những mảng ghép sáng, tối tạo ra một bức tranh của cuộc sống. Đó là: Nửa mối tình đầu, Gần như một chuyện tình yêu, Chat ngoài giờ, Nhà vẫn còn trăng, Ông già ở lề đường, Chiều chiều có cái ngõ sau…

Lưu Thị Lương làm khác mình đi không phải bằng giọng văn sắc sảo, bằng những chủ đề táo bạo, khác thường mà người đọc nhận ra chị bằng chính hơi văn mộc mạc từ những câu chuyện bình thường nhất.

Dường như chị cảm nhận cuộc sống qua ánh nhìn khách quan, điềm tĩnh. Thế nên tất cả những truyện trong Nửa mối tình đầu làm người ta liên tưởng đến những khoảnh khắc, cảm xúc bình thường nhất trong cuộc sống.

“Hội chứng cô đơn” ở những người trẻ thời hiện đại làm cho chúng ta đôi lúc cảm thấy hoang mang. Có lúc họ để tâm hồn mình rơi tự do trong một khoảnh khắc vô định nào đó rồi bị cuốn vào guồng máy của công việc, của những bon chen thường nhật. Nhưng ở đây tác giả vẫn tìm ra một cảm giác “Gần như là tình yêu” rất trong sáng, nhẹ nhàng. Không ai nói với ai điều gì nhưng những nhân vật của chị tự tìm ra cho mình một miền cảm xúc riêng. “… Nhưng Khiêm sẽ chẳng bao giờ biết đâu. Khiêm chẳng bao giờ biết tôi giả vờ không hiểu để kéo dài mãi mãi, lê thê và lan man cái chuyện gần như một chuyện tình yêu này”.

Có thể nói cách thể hiện cổ điển ấy bỗng trở nên là lạ khi đặt vào ứng xử với cảm xúc của những người trẻ. Nhẹ nhàng mà vẫn rất hiện đại. Để rồi khoảnh khắc của “Nửa mối tình đầu” làm người đọc ngẩn ngơ. Một lý do để hai người sắp cưới chia tay nhau lại nằm trong vùng tổn thương xúc cảm tâm hồn. Người con trai đã bơi xa cô gái để tránh sự mặc cảm khi có một người yêu ăn mặc không đúng mốt, để rồi cô gái chợt nhận ra anh đã tự bơi ra khỏi vùng yêu thương một cách vô thức. Phải chăng Lưu Thị Lương đang chứng minh rằng dù sống trong một thế giới hiện đại đến bao nhiêu đi nữa thì gút mắc của cảm xúc vẫn rất mong manh.

Cách khai thác cảm xúc theo lối kể chuyện làm cho “Nửa mối tình đầu” như một cơn mưa bụi, không đủ làm ướt những ai đến với truyện của chị. Thế nhưng từ trong sâu thẳm chúng ta vẫn cảm nhận một chút lạnh mơ hồ.

Lưu Thị Lương là một cô giáo nên cách khai thác truyện của chị cũng rất nhẹ nhàng. Đề tài về thế giới ảo vốn đã được đề cập nhiều, thế nhưng trong “Chat ngoài giờ”, cái đọng lại cuối cùng là những dấu chấm lửng trong thăm thẳm xa lộ thông tin. Thế nên dù họ đến với nhau bởi bất cứ lý do gì vẫn không được phép đi chậm lại trên xa lộ ấy để nhận mặt tình cảm của nhau. Không sắc sảo, nhưng những gì mà tác giả để lại là một sự dung dị trong cảm xúc. “Nửa mối tình đầu” là một làn gió không mới nhưng đem đến cho người trẻ niềm tin trong cuộc sống.
 
Duy Xuyên
(Theo SGGP, 8/4/2007)
Các Tin Tức Khác