Cuốn sách có cái tựa nhẹ nhàng, theo phong cách của nhà thơ: Nghiêng tai dưới gió (NXB Trẻ - 7/2006). Trộm nghĩ, đọc tạp văn của Lê Giang cũng là một cách rong chơi cùng những ngọn gió ấy, chúng ta có cảm giác được sống trong những khoảng khắc yêu thương, hạnh phúc. Viết tạp văn mà chạm được vào cảm giác là tài hoa.
Nhưng với Lê Giang, hình như bà không có cái khái niệm tài hoa. Với bà: “Viết là uống sinh tố, viết là tránh loãng xương tuổi già. Viết là rắc nước thánh lên ngực mình, viết là kéo dài từng trang viết thật” (Tháng 6 trên “vườn treo”). Viết là ráo riết theo tiếng gọi của trái tim. Với Lê Giang đó là muôn vàn câu chuyện nhân gian: cũ, mới; lớn, bé; đậm, nhạt ... Những câu chuyện nhân gian đó bao giờ cũng gắn với 2 chữ: nhân tình.
Cái đọng lại của bài tạp văn ấy, không chỉ là dư vị của món mít non hầm, mà còn là vẻ đẹp của sự chân tình nhà quê. Mà, hình như Lê Giang cũng khoái nhà quê. Ở sát rạt siêu thị nhưng lại thích đi chợ, nấu món ăn thì món nào cũng đượm mùi vị quê hương. Riêng cái chuyện nấu bữa ăn của vợ chồng Lê Giang cũng thú vị đáo để: “Ảnh “lý vo gạo”, tôi “lý con cá trê” với rau đắng đất, với nước mắm gừng”… (Thẳng thét một ngày anh và tôi).
Theo tôi, cái ăn tiền trong tạp văn của Lê Giang, ngoài những tâm tình chân chất, bộc lộ thẳng thắn với cuộc đời, thì người đọc thỉnh thoảng lại được “gắp” thêm một món đặc sản, đó là những câu ca dao, hò, vè, lý… mà Lê Giang trích dẫn, cài đặt trong bài viết của mình. Và, ai dám bảo là ca dao không bạo, không cảm giác khi nghe hai câu này:”Nước chảy lánh linh chảy ra Vàm Cú/ Thấy dạng em chèo cặp vú muốn hun”. Tôi nghĩ, ca dao, hò vè, lý… chính là những chất dẫn và tạo hiệu ứng đáng kể để Lê Giang viết văn, làm thơ. Khi chất liệu dân gian đó càng thấm thì sáng tác của nhà thơ càng thăng hoa, sâu sắc, tinh tế.
Trần Nhã Thụy.
(theo Phụ Nữ TP.HCM,