Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Chữa lành - Kỳ 5
Cập nhật ngày: 25/12/2009

NXB- Bốn năm sau, Ruby được đến cái nơi mà cha cô đã trải qua một tuổi thơ nghiệt ngã. Đó là một chuyến trở về với nguộn cội, có ảnh hưởng lớn đến quãng đời sau này của Ruby.

Ruby ngồi trên bệ cửa sổ một căn hộ ở Praha, như vẫn ngồi trên ghế dài ở ga xe lửa và cô đang chuẩn bị qua đêm. Đây là dáng vẻ suy tư của cô: cô không phải dân ở đây, mới có mười bốn, cùng với cha mẹ – cô là lữ khách, một thiếu nữ xa lạ trên một hòn đảo của cha mẹ và năng lượng lạc loài của cô đang lan tỏa ra xung quanh thế gian. Cô ở trong tháp ngà của mẹ cha, cô nghĩ, và tưởng tượng đường phố đông đúc những người trẻ tuổi trong những áo choàng, lướt tới như một con sóng.

Lúc này đã xế trưa và Ruby ở trong căn hộ một mình; cha mẹ cô đã ra ngoài đi dạo. Cô đã tới Praha cùng với mẹ cha được gần một tuần, và khi tuần lễ dần trôi, đã có cảm giác họ bay trên những đường song song nhưng ở những cao độ khác nhau.

Tháng Mười Hai vừa rồi, trong một bữa ăn có đậu, cơm, và gà rán giòn, cha Ruby tuyên bố ông sắp trở lại Tiệp Khắc. Không có mào đầu; lúc đó đâu có nói gì tới chuyện đi, và như Ruby thấy, mẹ cô cũng không hay biết trước. Trước giờ chỉ toàn nghe những câu “Trở lại làm gì?” và “Chả có gì hay ho ở đó cả” – câu chuyện chưa khơi đã vội tàn. Cha cô chưa từng bày tỏ luyến lưu gì với quê hương, và nếu hỏi dồn, ông sẽ nói ông xem mình như người Do Thái hơn là Tiệp Khắc. Nhưng tự nhiên, nó nằm đó, ngay sau khi mẹ Ruby đứng lên khỏi bàn để mang bát đĩa và phần gà còn lại tới bồn rửa. “Ellen”, ông nói, nghiêng đầu về phía bà, “anh quyết định rồi. Anh muốn về thăm Tiệp Khắc một chuyến”.

Mẹ Ruby đứng im trong chốc lát, rồi quay ra từ bồn, đối diện ông. Bà mỉm cười. Bà đã chờ đợi câu nói này, Ruby nghĩ; có lẽ bao nhiêu năm qua bà vẫn biết ngày này rồi cũng đến. Bà không có vẻ gì ngạc nhiên, cho dù có nhíu mày, vuốt tóc ra sau tai, và tựa vào quầy như thể cần một điểm tựa.

“Thiệt không anh? Có chắc không?”

Ông gật đầu. “Phải. Anh chắc lắm. Anh rất sẵn sàng. Anh muốn đi lắm”.

Mẹ Ruby gật đầu trở lại. “Tốt quá, vậy thì mình đi”.

Họ lên kế hoạch từ đầu tháng Sáu, sau khi Ruby nghỉ hè. Cô sẽ là đứa con duy nhất đi theo cha mẹ – Aaron phải đi làm, Nathan bận học hè, còn Abe đâu có khỏe để mà đi xa. Cha mẹ cô sắp xếp; họ sẽ lưu lại Praha, từ đây họ sẽ đi những tour lẻ đến nơi cần thăm: Brno, thành phố nơi cha sinh ra, và Terezin, nơi ông bị giam giữ, cũng như một số thị trấn nhỏ khác nơi các ông bà và anh em họ từng sinh sống. Từ Praha họ sẽ đi Ba Lan, nơi họ sẽ viếng Auschwitz và Krakow, sau đó quay về nhà.

Dự báo về chuyến đi lúc nào cũng lửng lơ, cho dù ít khi họ nói tới. Ruby và mẹ đi mua một cái vali cho Ruby, và chính khi họ ở trong siêu thị kéo lê cái vali trên sàn nhà lát gạch, thì Ruby nghĩ: cái vali này sẽ theo cô đến trại tập trung. Ruby muốn nói tới chuyện đó, nhưng biết nói gì bây giờ? Liệu cha cô có đột nhiên nhớ đến những kinh hoàng mà ông đã lâu quên mất. Sẽ không biết trước điều gì cho tới khi họ tới nơi. Một đêm, đứng bên giường Ruby, mẹ nói cô đừng có trông đợi gì nhiều, vì có nhiều khả năng ông vẫn không nhớ gì cả. Ruby thấy cái chuyện này cũ mèm, cái đề tài cũ kỹ, những câu hỏi không biết hiểu ra sao, những chất vấn không lời đáp. Cô cố gắng không cho chúng ngoi lên trong đầu – Họ sắp đi trại tập trung! Trại tập trung là có thiệt! Cha cô là người sống sót! Những phòng hơi ngạt, những trại lính, những tên quân phiệt, những sao vàng bé xíu... cô cố hết sức để tập trung học hành, và thu xếp đồ đạc cứ như họ sắp đi nghỉ mát ở Maine.

Họ lên máy bay khởi hành đến Praha. Họ dành một tuần viếng thăm thành phố, mà Ruby thấy rất đáng yêu; Praha hợp với cô lắm lắm, cô cảm thấy thế, nó xưa cũ, văn vẻ và đầy những bí ẩn. Vào ngày thứ hai, họ đi xem nghĩa địa Do Thái cổ trong một khu vực ở Praha gọi là Khu Do Thái, một cách gọi tên tự thân đã nói lên khác biệt lớn lao giữa những con phố nơi cô đứng và xa tít quê nhà. Khu Do Thái? Một nơi trong thành phố chỉ có người Do Thái sống? Làm sao mà có thiệt, làm sao có thiệt là những người lớn lên trong thị trấn này xem Khu Do Thái cũng bình thường như những dòng địa chỉ họ ghi trên bì thư? Cô không biết có gì na ná như vậy. Những bia đá trong nghĩa địa thì cao và phẳng và đổ nát, bao phủ bởi một màn mây Do Thái, chúng nghiêng ngả vào nhau, chạm phải nhau, tạo thành một dàn đồng ca cái chết xưa cổ.

Cần có một bước nhảy tinh thần để đi vào quốc gia này, một hiểu biết về sự áp bức mà Ruby không chắc cô có chịu nổi không. Cô biết gì về chủ nghĩa bài Do Thái? Đó là một khái niệm trừu tượng, một tia chớp lịch sử phóng xuống đời cô nhưng cô không thấy được. Những người chôn dưới chân cô đều là Do Thái hết; cô cũng là người Do Thái; thì sao nào? Cô chỉ mới biết hình thức, nhưng làm sao thực sự hiểu hết? Cái ý nghĩa phía sau nó, khi bạn là người Do Thái? Có ý nghĩa gì khi cô thuộc về khu vực này của thành phố, trong nghĩa địa này, trong mối liên hệ với những người chết dưới chân cô? Cái gì khắc dấu lên cô như một người Do Thái, cái gì khiến cho tất cả những người này, những người Do Thái, mà ngay cả cách gọi tên còn xa lạ với cô, khác biệt với phần còn lại của cư dân thành phố? Khi họ đẩy cổng bước ra, cha cô lắc đầu nói, nhỏ xíu, đến mức Ruby tự hỏi không biết ông ấy nói với ai nữa, “Chúng ta chẳng phải Tiệp hay Khắc gì cả, chúng ta vẫn luôn là Do Thái”.

Cô là đứa duy nhất trong mấy người con chứng kiến cảnh này, chứng nhân bắt buộc, cho dù cô không hiểu hết những gì mình thấy. Đôi khi, trong lúc ba người ngồi ở bàn uống trà trước lúc đi ngủ, những cái tách treo trên tường bếp trong căn hộ khiến Ruby thấy như không thật, và cô nhìn cha mình và tự hỏi không biết với cha thì sao nhỉ, sau bao nhiêu năm nghe lại tiếng mẹ đẻ, nghe nói khắp xung quanh, thấy viết trên đường phố và báo chí và sổ sách. Khi đêm xuống họ lên kế hoạch cho ngày hôm sau, và ông thì hào hứng không biết mệt nhưng không có vẻ gì xúc động hay suy tư. Tuy nhiên, tới lúc này, họ vẫn chưa đi đến tâm điểm của chuyến đi: Terezin.

 (Còn tiếp)

Các Tin Tức Khác