Các tác giả trong tập truyện này không phải đang ở độ tuổi 20, tuổi 20 ở đây là cái nhìn, cách sống và cảm nhận về một thế hệ trẻ. Họ là những người vừa mới mở ra một cánh cửa đầy ắp sắc màu. Ở đấy là niềm vui của lần đầu tiên cầm trên tay số tiền do chính mình kiếm được, là rung động của mối tình chợt đến, là những cạm bẫy, lừa lọc, bon chen, tính toán...
Tuổi 20 của họ như một đứa bé lần đầu tiên vấp ngã, mới hiểu rõ ngồi trong lòng mẹ an tâm và bình yên như thế nào. Nhưng thời gian không bao giờ dừng lại. Tất nhiên, họ sẽ phải đi, phải chạy và tiếp tục vấp ngã.
Truyện ngắn Sài Gòn như phác họa toàn bộ cái nhìn của tác giả nói riêng và tuổi 20 nói chung. Người Sài Gòn hay người ở đâu cũng thế thôi, cũng cần tình yêu thương sự quan tâm và hơn cả là một chốn về bình yên trong sâu tâm hồn.
Bằng một cách viết tỉnh táo, truyện ngắn Có một người trèo qua cửa sổ cũng đề cập đến những chuyện rất đời thường, nhưng bằng con mắt trong trẻo ở tuổi 20 – cái độ tuổi đủ tinh tế nhưng lại chưa đủ tỉnh táo một cách tính toán để như bà mẹ cấm tuyệt đối những thú vui của con trẻ mà bà cho rằng chẳng có lợi lộc gì. Họ thì nghĩ khác. Họ nghĩ như chính họ đang sống, rất cần phủ đầy khoảng trống để có một đời sống nội tâm phong phú.
Nhưng họ là những người trẻ. Đấy cũng là nỗi lo lắng ghê gớm lắm. Thời gian tàn ác chắc chắn không để cho họ trẻ mãi. Rồi một ngày, họ cũng thu mình vào cái tôi ích kỷ để chiếu cái nhìn đầy nghi hoặc vào bất cứ tầm ngắm nào trong mắt họ - như những người lớn trong truyện kia.
Tìm lại với chính mình sau thời gian va vấp là cái kết thúc của đa số truyện ngắn trong tập truyện. Điều đó hẳn không phải là ngẫu nhiên. Họ - những người trẻ có một niềm tin tuyệt đối vào yếu tố “lành mạnh” trong bản chất con người thật của mình. Dẫu cuộc sống có bào mòn hay làm cho chúng trở nên nhếch nhác hơn.