Trinh tiết bị cưỡng đoạt, lại bị ruồng bỏ một cách bất ngờ, Nancy đã trải qua biết bao khủng hoảng. Tai nạn ngỡ chỉ dừng ở đó. Những tưởng em sẽ được hồi phục sau những chấn thương tinh thần, nhanh chóng xóa đi vết nhơ ấy khỏi ký ức cua mình. Nhưng không, số phận còn giáng cho em một đòn trí mạng: Sức khỏe em ngày càng sút giảm, và chỉ trong thời gian ngắn, em được phát hiện nhiễm HIV. Từ đó, cuộc sống của em đã nằm bên bờ vực thẳm, tối đen và vô vọng.
Mang trong mình mầm HIV, có nghĩa là phải chấp nhận và đương đầu với mọi thứ tật bệnh sẵn sàng xâu xé và hủy hoại dần mòn cơ thể mình. Không mơ hồ hay hy vọng hão huyền, Nancy đã hình dung ngay một kết cục tất yếu:
“Mình đang ở trong một cơn ác mộng... Hai mẹ con có thể cảm nhận điều gì đó thật sự bất ổn khi Bs. T. cứ lập đi lập lại là hai mẹ con tuyệt vời biết bao... Sau cùng ông ấy chậm rãi nói là đã có kết quả xét nghiệm máu, và mình bị... nhiễm HIV... Miệng ông ấy cứ mấp máy nhưng mình chẳng nghe được lời nào cả. Chẳng còn cảm nhận được gì. Chẳng còn suy nghĩ được gì nữa... Từ nơi xa thẳm mình có thể nghe thấy chính mình đang khóc nức nở... Mình phải đối mặt với NÓ. MÌNH SẮP CHẾT RỒI. Sẽ chẳng có tương lai hay sự nghiệp, chồng con hay gia đình gì cả. Tim mình đang vỡ tung...”
Bước vào cuộc chiến đấu chống lại AIDS, cũng là lúc Nancy phải đối mặt với cả sự kỳ thị, xa lánh, sợ hãi của một số người xung quanh em. Nhưng ngay cả lúc tận cùng tuyệt vọng, tưởng chừng đã đầu hàng số phận, ngay cả khi bị tổn thương vì những hành động tai ác hoặc thái độ vô ý thức của ai đó, Nancy vẫn bộc lộ pham chất tốt đẹp của mình, là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng việc tìm hiểu và thực hiện những biện pháp phòng vệ hòng tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Sự sống đang vuột ra khỏi tay em từng ngày, nhưng em khong hằn học trả thù đời như tên vô lại đã tìm cách đổ bệnh cho em, mà em vẫn yêu mến biết bao cuộc sống và sự an toàn tính mạng cho mọi người.
Trong những ngày đen tối ấy, những người thân, bạn bè chí cốt, các bác sĩ và nhân viên y tế, các chuyên gia tâm lý... vẫn không thay thế được một người bạn cực kỳ thân thiết mà Nancy sẵn sàng gửi gắm mọi suy nghĩ thầm kín nhất của mình, đó là Nhật Ký, vật bất ly thân của em, mà em âu yếm gọi là Dear Self”
Khi viết nhật ký, Nancy không có ý thức “làm văn”, cũng không viết cho người khác đọc. Chỉ là cuộc trò chuyện với chính mình. Câu chuyện riêng tư của em, những ngóc ngách kín đáo và tế nhị không thể bộc lộ với ai khác, lần lượt được phơi bày trên trang giấy, từ vẻ lãng mạn tuyệt vời và những ước mơ bay bổng của “mối tình đầu” đến cơn ác mộng triền miên khi phải đối phó với thực tế tàn nhẫn của căn bệnh hủy diệt tương lai và tuổi thanh xuân của em... Và đó là những tâm tình chân thật nhất.
... Cuộc chiến chống lại bệnh AIDS của Nancy càng bi thảm hơn vì thể chất em vốn yếu ớt, khiến cho hệ miễn dịch tự nhiên của em bị tàn phá một cách nhanh chóng. Thông thường, thời gian ủ bệnh từ khi lây nhiễm HIV đến khi phát sinh AIDS được ước tính từ 5 đến 10 năm. Nhưng với Nancy, Tạo hóa thật là bất công! Chỉ vẻn vẹn 2 năm sau cái đêm định mệnh ấy, Nancy lặng lẽ qua đời trong một giấc ngủ, khi còn chưa kịp nhìn thấy tập Nhật ký của mình được in thành sách và phát hành rộng rãi, như là món quà tặng cuối cùng với xã hội và tiếng nói cảnh báo đầy thuyết phục với bạn bè cùng trang lứa trên toàn thế giới. Đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời, Nancy vẫn luôn tỏ ra biết sống có ích cho người khác, vẫn không nguôi tình yêu cuộc sống, và chính điều đó làm nên vẻ đẹp tâm hồn đáng quý trọng của em...
Nancy chỉ là một trường hợp trong số 10 đến 12 triệu người bị nhiễm HIV-AIDS trên toàn thế giới, nhưng những cảm xúc và kinh nghiệm riêng tư của em quả là không thừa, nếu ta biết rằng hiện nay theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 30% bệnh nhân HIV-AIDS được chẩn đoán là mắc bệnh từ tuổi thanh thiếu niên, điều đó cho thấy nguy cơ lây nhiễm bệnh ở bộ phận trẻ này của nhân loại rất cao. Vì thế, ngoài việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng phát và lan rộng khó kiểm soát của cơn đại dịch của thế kỷ, quyển nhật ký còn hé mở một vấn đề xã hội và hệ quả tất yếu của nó: tình trạng gia đình đổ vỡ khiến con trẻ rơi vào cảnh thiếu thốn tình thương, mất chỗ dựa tin cậy để tâm tình và được hướng dẫn kịp thời, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về đời sống và non kém trong phòng vệ bản thân, mà Nancy là một ví dụ khá điển hình: ba mẹ ly hôn và ở cách xa nhau, người mẹ luôn mê mải với chuyện làm ăn và thường xuyên để con gái đến tuổi dậy thì ở nhà một mình... Tất cả những điều đó sẽ có lúc dẫn các em tới những sai lầm khó chữa, có khi là kết cục bi thảm.
... Trên nấm mồ của cô bé 16 tuổi ấy, Melvin, người quản gia của trang trại nơi Nancy gửi thân trong những ngày cuối cùng của đời mình, đã khắc lên dòng chữ: “Sẽ không bao giờ có một Nancy khác”
Đó là lời tiếc thương dành cho cô gái không kịp sống đến tuổi trưởng thành, nhưng phải chăng cũng là thông điệp nhắc nhở lương tâm nhân loại, cần chung tay góp sức để ngăn chặn thảm họa này, sao cho thế giới không còn những cái chết tức tưởi như Nancy?!