Tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư được đánh giá là độc đáo, đầy tính thời sự mà cũng giàu chất thơ Gần 2 năm từ khi gửi đến độc giả câu chuyện ám ảnh về cuộc đời của nhân vật Di trong tác phẩm Khói trời lộng lẫy (NXB Thời Đại, 2010), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ lại đưa độc giả trở về với mảnh đất của ngọn nguồn phù sa trong tiểu thuyết Sông (NXB Trẻ ấn hành), sẽ chính thức ra mắt vào ngày 17-9 tới.
Hành trình đi tìm cuộc đời
Gặp lại cái tên Di ám ảnh từ nhân vật chạy trốn của Khói trời lộng lẫy nhưng cái tên này trong tiểu thuyết mới được đặt cho một dòng sông – chảy từ miền đồng bằng đến rẻo núi, cũng là trọn cho một cuộc xuôi dòng đi tìm cuộc đời, đi tìm chính mình của nhân vật chính.
Một dòng sông hư cấu nhưng lại chảy qua những bãi bồi phù sa, ghềnh thác để chứng kiến bao thân phận con người, những biến động của thời đại nổi nênh trong những giá trị khuất lấp, xói mòn bởi những giả trá, phù phiếm và cả sự chênh vênh, bất cần trên điểm tựa chung nhất là nỗi đau mà mỗi con người đều phải gồng gánh.
Nhân vật chính tên Ân - một ngày vác ba lô xuôi dọc sông Di, bạn đồng hành là những người gặp tình cờ trên mạng, chỉ biết nhau vỏn vẹn qua cái tên: Xu và Bối. Những kẻ xa lạ không cần biết quá khứ của nhau đôi khi có thể đi cùng nhau một hành trình dài dễ dàng hơn là những gương mặt quen nhìn thấu nhau từ những ngày đã nhiều rạn vỡ. Thế nhưng, cũng chính trong hành trình đó mà mọi thân phận được khám phá.
Nhưng có lẽ số phận của nhân vật chính Ân sau cùng mới để lại nhiều day dứt nhất. Phía cuối hành trình, cậu cũng biến mất giữa dòng sông như thể chưa từng hiện hữu. Một cuộc tìm lại hình hài khắc nghiệt khi cậu không có quyền thay đổi giới tính, không có quyền lựa chọn hạnh phúc và nhen nhóm trong trái tim yêu thương ấy là sự ghen tị, ích kỷ cũng nằm ở đỉnh điểm không thể tách rời. Sông chứng kiến tất cả và cũng cuốn đi tất cả. Mạch chuyện cứ chậm rãi như những dòng chảy nhưng lại có một sức thu hút kỳ lạ, hành trình khám phá Sông không còn là của riêng các nhân vật mà những trang chữ cũng như con thuyền đưa người đọc về thượng nguồn.
Từ cánh đồng đến dòng sông
Truyện của Nguyễn Ngọc Tư là vậy. Luôn buồn. Chị từng nói niềm vui thì nhiều nhưng lại không khiến người ta day dứt. Mà mảnh đất chị nói “tôi vẫn còn yêu lắm” ấy lại chứa đựng trong lòng nó quá nhiều thân phận, quá nhiều nỗi đau và cả những oan khiên chỉ có thể quay mặt mà nói với sông, với đất, với trời. “Nếu mỗi biến cố là một sợi len, người ta có thể dệt thảm cho cả sân bóng”. Có lẽ vì vậy mà từ Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và chín câu chuyện khác, Khói trời lộng lẫy đến Sông đều là những câu chuyện lay động đáy tim.
Độc giả sẽ không thể tìm thấy trong Sông một hình ảnh nào là của “hiện thực đời sống”, những địa danh trong tác phẩm đều lạ lẫm và xa xôi, kiểu như: Băng Khâu, Mù Sa, Ể Ưu, Di Ổ… Nhưng kỳ lạ là mọi nơi chốn đều hằn lên cái hiện thực ngồn ngộn.
Ở thời điểm bạn bè văn chương bảo sao nhà văn Đất Mũi chỉ tập trung viết tản văn (thời điểm đó chị cho in liên tục mấy tập tản văn), Nguyễn Ngọc Tư chỉ cười cười, bảo cái gì cũng phải có thời gian - giống như cách chị nói “tôi muốn đi một cách chậm rãi để chủ động tạo nhịp trở lại cho mình, đi từ tốn và thanh thản”.
Với cách viết miêu tả hiện thực nhưng lại được xử lý theo kiểu “hư ảo” như Sông, có lẽ tác phẩm sẽ không làm mích lòng ai ngoài đời nhưng sẽ khiến người đọc phải suy ngẫm. Hành trình đi tìm lại con người thật của Ân, khao khát hạnh phúc của Xu, sự nổi loạn của San, vẻ buông xuôi của Tú và niềm riêng của biết bao nhiêu con người trong tác phẩm cũng có thể là của chung cho những thân phận trong thế giới phẳng này.
(Nguồn: Người Lao Động)