Có lẽ trong nhóm những người bạn cùng hâm mộ truyện Nguyễn Nhật Ánh, tôi là đứa biết đến cái tên ấy muộn nhất. Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy là một ngày đẹp trời, tôi là con nhỏ lớp 11 đang cùng đám bạn đi xem hội sách tại sân trường. Mắt tôi lướt nhanh qua những bìa sách khác nhau với đủ màu đủ sắc và chợt dừng lại bởi dòng chữ “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.
Chẳng cần biết bên
trong là gì, tôi cũng chẳng kịp để mắt đến tên tác giả, chỉ biết tim tôi thật sự
xao xuyến khi nhìn thấy dòng chữ ấy và đã mua ngay mà không cần suy nghĩ.
Tôi không nhớ rõ lắm
tuổi thơ của mình đã thực sự trải qua như thế nào ngoài những kí ức mập mờ về lời
hứa cho những chuyến đi chơi. Tôi chưa từng biết cảm giác thế nào là tắm mưa, cảm
giác thế nào là trốn ngủ trưa và lẻn đi chơi, càng không biết thế nào là nhảy
dây, banh đũa dù tôi là một đứa con gái. Cuộc sống nơi thành thị và sự nghiêm
khắc của ba mẹ giam tôi sau cánh cổng sắt và bốn bức tường cho đến tận lúc tôi
đậu đại học. Có thể mọi người sau khi đọc quyển sách ấy đều cảm thấy vui, đều
có những nụ cười thật sảng khoái vì có những nét tương đồng với tuổi thơ nghịch
ngợm của mình, nhưng tôi thì không. Tôi khóc, khóc khi đọc nó, khóc vì phải
chăng tôi đã mất đi những điều ngây thơ và hồn nhiên nhất của lứa tuổi ấy. Sau
những lần thoáng bật cười vì những tình tiết ngộ nghĩnh đậm chất trẻ con là cả
một khoảng trống hiện ra vời vợi trong tim tôi, lặng ngắt và đau đớn. Sự “nổi
loạn” của những nhân vật trong truyện khi chúng muốn được thay đổi thế giới của
mình, đơn giản nhất từ việc thay đổi tên gọi vốn có của mọi vật làm tôi phải
suy nghĩ và trằn trọc rất lâu. Tôi cứ dừng lại mãi ở đoạn ấy và tưởng như cánh
cổng sắt cùng bốn bức tường hằng ngày trước mặt tôi chợt biến mất. Tôi tò mò vì
những ý nghĩ độc đáo của chúng và bắt đầu nghĩ khác hơn về cuộc sống của mình:
không ủ dột và bi quan nữa. Tại sao lại không tự làm mới cuộc sống của chính
mình ?
Cũng chính từ lúc ấy,
tôi dần để ý nhiều hơn đến cái tên Nguyễn Nhật Ánh và những quyển sách khác của
chú. Những người bạn ngày xưa giờ gặp lại tôi đều bảo nhìn tôi trẻ trung hơn
nhiều và có khi còn rất con nít nữa. Tôi mỉm cười, nhờ chú và những câu chuyện
của chú. Từ những nỗi buồn len lỏi sau lần đầu tiên đọc truyện ấy, tôi đọc đi đọc
lại nó nhiều lần và cứ mỗi lần đọc, tâm hồn tôi bắt đầu nhẹ nhõm và thoải mái
hơn. Tôi đã tìm được tuổi thơ từ những dòng chữ của chú. Tôi đã tìm được niềm
an ủi và nụ cười từ tất cả những kỉ niệm đáng yêu đó. Trước khi biết đến truyện
của chú, tôi là một con nhóc “lớn già đầu mà suốt ngày ngồi xem phim hoạt
hình”, đơn giản vì tôi muốn tìm kiếm lại sự hồn nhiên trẻ thơ cho mình. Và giờ
đây, khi đã là sinh viên năm thứ ba, niềm đam mê của tôi đã “dày” thêm một nấc:
xem phim hoạt hình và đọc truyện của chú Ánh.
Hầu như tất cả những
lần xuất bản sách mới của chú đều gần kề với những kì thi quan trọng của tôi, nhưng
dù sáng hôm sau có đi thi thì tối hôm đó tôi vẫn quyết thức để đọc cho bằng hết
câu chuyện ấy. Vì tôi luôn cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn và đầu óc của mình
luôn được thư giãn sau khi đọc xong. Giữa những lo toan bộn bề của kì thi, núi
bài vở chất chồng với nhiều nỗi sợ không tên chực chờ ập tới, truyện của chú
như những nốt nhạc réo rắt kéo tôi ra khỏi mọi điều căng thẳng và giúp tôi trở
nên tự tin hơn. Ai đó có thể dùng nhiều cách để giải toả muộn phiền như đi lòng
vòng ngoài đường hay nghe nhạc hoặc tám chuyện cùng bạn bè, riêng tôi, tôi chọn
cho mình cách đọc truyện của chú, đọc những đoạn mà tôi thích nhất, đọc và cười
thật đã rồi bình tâm suy nghĩ về mọi điều đang diễn ra.
Còn nhớ lúc đọc quyển
“Lá nằm trong lá”, tôi đã không biết bao nhiêu lần chợt khóc rồi chợt cười với
những cảm xúc vỡ oà thật đặc biệt. Rất vui, rất xúc động, vì tôi tìm thấy hình ảnh
của mình trong đó, những đứa trẻ bắt đầu “tập lớn” với đủ mọi mơ mộng về văn
chương thi phú. Từ việc chọn bút danh, cẩn thận chép những bài thơ vào sổ đến
những bài thơ đầu tiên tuy giống “thơ con cóc” nhưng luôn làm mọi người bật cười.
Có lẽ tôi cũng giống như rất nhiều người thích truyện của chú, vui sướng tột độ
khi nhìn thấy mình sau mỗi câu chữ. Độc giả yêu thích một quyển sách, không chỉ
vì nó mang trong mình những ẩn ý sâu xa, cũng không phải vì nó chứa đựng những
từ ngữ trau chuốt, bóng bẩy mà phần nhiều là do họ tìm thấy sự đồng cảm. Còn gì
là hạnh phúc hơn việc đọc một quyển sách và cảm thấy rằng mình vừa tìm ra một người
bạn tri âm tri kỉ đã bị thất lạc từ lâu lắm. Đó cũng là cảm xúc của tôi khi đọc
“Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”. Ẩn sau những tình tiết hài hước, những dòng
thơ có một không hai của Mèo Gấu là một tình yêu thật sâu sắc và dễ thương dành
cho nàng Áo Hoa. Sự ngốc nghếch của Mèo Gấu cũng giống như sự ngốc nghếch của
tôi một thời, và nó đã để lại một vết thương khó quên trong tim tôi. Nhưng khi
đóng quyển sách lại, tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Tại sao phải buồn vì mình đã từng
ngốc nghếch chứ? Mình phải vui, vui vì mình đã từng yêu và thương ai đó thật
lòng mà không toan tính.
Con gái dân Văn thường
rất hay suy nghĩ, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, chuyện của mình hay chuyện của
người. Mỗi lần đọc xong một tác phẩm của chú, tôi đều mất một thời gian rất lâu
để suy nghĩ những vấn đề trong tác phẩm. Giọng văn của chú nhẹ nhàng lắm nhưng
cũng sâu lắng lắm. Người đọc có thể cười ngay đó nhưng rồi sẽ lại phải cau mày
nhăn trán vì những vấn đề dần hiện ra sau tiếng cười. Những câu chuyện của chú
có thể nói đã làm cho tâm hồn tôi trưởng thành nhưng vẫn còn nguyên đó sự hồn
nhiên riêng biệt. Đối với tôi, “lớn” không có nghĩa là “già”. Ta chỉ già cỗi thật
sự khi ta muốn bản thân mình như thế mà thôi. Cảm ơn chú và những câu chuyện của
chú. Cảm ơn những khoảnh khắc quý giá mà chú đã mang lại cho độc giả mọi thế hệ.
Cảm ơn cả tinh thần làm việc nghiêm túc của chú để mỗi tác phẩm mới ra đời lại
ngày càng đặc sắc và độc đáo hơn. Cảm ơn chú vì mọi thứ và vì đã thay đổi cả cuộc
đời tôi.
NGUYỄN NGỌC LAN ANH
(TPHCM)