Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Suy ngẫm cùng “Việt Linh- chuyện và truyện”
Cập nhật ngày: 03/05/2012

Tạp bút thường dẫn người ta đến với thế giới xoay quanh cái tôi của một ai đó, nên độ hấp dẫn chỉ có thể đo được ở chính sự thú vị của người viết, phải từng trải, đi nhiều, hiểu đời, hiểu mình. Nhưng đọc tạp bút “Chuyện và truyện” của đạo diễn Việt Linh (NXB Trẻ) có lẽ lại khác.

Chị chỉ là người dẫn chuyện dưới mọi góc độ, kể cả khi nói về mình. Những câu chuyện từ Paris quay cận cảnh đến những câu chuyện ở quê hương, được lia bút như lia những góc máy nhanh, sắc, tĩnh để người đọc có một khoảng không lặng đi, sau đó trở về... đối diện với người viết có óc quan sát sắc sảo và tinh quái để... nhâm nhi chén trà. Mọi dấm dẳng, day dứt, canh cánh cũng được giải tỏa, hoặc ít ra, ngấm vào tầng sâu hơn.

Chuyện người xa xứ của Việt Linh đôi khi làm người ta rơi nước mắt. Hoặc thảng thốt giật mình. Phải rồi, một người phụ nữ đa đoan và trí tuệ, hẳn dùng dằng lắm giữa hai mảnh đất, giữa hai nền văn hóa dẫu đã có sự lựa chọn riêng. Đó là gắn bó máu thịt với mảnh đất mà những con người tha hương như chị đôi khi bị chia cắt, lìa xa.

Càng đọc, tưởng đã “gặp lại người quen” từ nhiều tạp bút đã được đăng trên rất nhiều tờ báo và tạp chí, không ngờ gặp lại một chân dung trọn vẹn của Việt Linh, đạo diễn xuất sắc của phim “Mê Thảo” ngày nào. Đó là nhờ văn phong, lối viết dí dỏm, thâm trầm, nhiều ẩn dụ, lẫn vốn sống, vốn kiến thức sâu dày của chị. Và cả một lớp vỉa quặng trong tâm hồn dần hé lộ, duyên dáng, mạnh mẽ, yêu thương lẫn yếu đuối, hoài nghi.

“Sóng Paris” không chỉ đơn thuần là câu chuyện sống-chết, sự lựa chọn cuối của con người, hay sự hoài nghi thời thượng về thời cuộc, mà là câu chuyện về nhân phẩm, và nước Pháp đã phải đổi thái độ của mình đối với người nhập cư. Đôi khi, cái gốc của văn hóa cũng đều có thể thay đổi, nhất là trong thời đại này.

Có một Paris này trong một Paris khác, từ chốn nghĩa địa chôn giấu ký ức kiến trúc và con người, cho đến những ngõ ngách điện ảnh, khởi đầu từ lịch sử liên hoan Cannes cho đến khi có những bộ phim đáng xem mà trong đó, người ta nói không với thứ “nghệ thuật điện ảnh gian xảo điêu luyện”. Từ câu chuyện của những người Việt xa xứ, hay những người mang trong mình nửa dòng máu Việt, cách giữ tiếng mẹ đẻ ngay ở quê người, đến những câu chuyện thời sự đang nóng sốt ở quê nhà. Từ cách giáo dục của hai nền văn hóa bật lên được điểm khác biệt về tính cách của con người cho đến cuộc chiến của những luật sư, bác sĩ, nhân chứng giành công lý cho những nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Việt Linh là thế. Những câu chuyện được dán chồng lên nhau, dù có thể cách biệt về không gian, thời gian; vẫn cùng một cách dẫn dắt để cuối cùng, bật lên những chi tiết đắt. Một quán ăn Việt nổi tiếng ở Paris không chỉ nhờ tính truyền thống mẫu mực, mà là sự tự tôn về văn hóa, là mối tình đẹp vượt qua tuổi tác, dư luận và sang hèn (“Đi quán gặp tình”). Câu chuyện về tình thân, đan chéo giữa điều cao cả, hy sinh, nhân bản lẫn những điều khó nói trong phạm trù đạo đức xã hội với cả những thảm kịch khó lý giải trong xã hội hiện đại (“Phân vân tình thân”). Số phận và nỗi ám ảnh của cựu binh Mỹ trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai (“Tạo hóa công bằng”)...

Đọc Việt Linh để hiểu thêm một khía cạnh thú vị trong đời sống tinh thần của người viết, người đạo diễn sống chết với nghề. Và hơn thế, một người đàn bà, một người mẹ có cái nhìn bao dung, nhân bản, luôn tìm ra những hang hốc trong tâm hồn con người.

Việt Linh từng làm phim “Nơi bình yên chim hót”, “Phiên tòa cần chánh án”, “Gánh xiếc rong” (Bông sen Bạc 1990), “Dấu ấn của quỷ” (giải quay phim, họa sĩ xuất sắc LHP quốc gia 1993, Giải đặc biệt LH Phim Châu Á Thái Bình Dương), “Chung cư” (giải B Hội Điện ảnh VN, giải đạo diễn LHP Namur- Bỉ), “Mê Thảo Thời vang bóng” (giải Bông hồng vàng LHP Bergamo, Italia 2003...). Chị cũng xuất bản nhiều cuốn như: “Dạo chơi vườn điện ảnh”, “20 bài học điện ảnh”, “Chuyện mình, chuyện người”...

Minh Thi

Nguồn: Lao Động Cuối Tuần


Các Tin Tức Khác