Oxford thương yêu: Một chuyện tình hiếm hoi
Cập nhật ngày:
26/04/2007
Chuyện tình đầu tiên giữa một cô gái Việt và một chàng trai nước ngoài trong lịch sử Việt Nam, có lẽ là chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy. Kết thúc bi thảm của nó không làm chùn bước những thế hệ hậu bối, dù trong tư thế bị động của kẻ bị ngoại bang đô hộ hoặc chủ động của công dân một đất nước độc lập thời mở cửa - hội nhập. Từ ấy đến nay, đặc biệt là trong mấy năm gần đây, con số các cô gái Việt lấy chồng ngoại kiều có lẽ đã lên đến sáu chữ số.
Vậy tại sao lại nói chuyện tình của cô sinh viên Thiên Kim - Việt Nam với chàng trợ giảng Fernando Carvalho - Bồ Đào Nha tại Đại học Oxford ở Anh là một chuyện tình hiếm hoi? Là bởi vì đây là chuyện còn hiếm hoi trong văn học. Riêng với chuyện tình trong giới sinh viên du học xa nhà thì càng hiếm hoi hơn nữa.
Dương Thụy, cây bút có thể nói là “100% TP.HCM” (vì sinh đúng năm 1975 tại đúng nơi vừa được đổi tên là TP.HCM), có đủ điều kiện để viết Oxford thương yêu. Những khóa du học dài hạn và ngắn hạn tại Bỉ, Pháp, Anh… không chỉ giúp cô trở thành một trong số ít cây bút trẻ có vốn tri thức dày dặn mà còn đủ vốn sống về mảng đề tài mà các nhà văn trong nước rất khó đụng đến: cuộc sống của giới sinh viên Việt ở châu Âu. Cầm bút từ lúc còn học trung học và đã có tác phẩm đầu tay từ năm 22 tuổi (đến nay đã có 7 đầu sách và 3 giải thưởng văn học), truyện của Dương Thụy từng bị nhận xét là “dễ thương nhưng tỉnh táo đầy lý trí”. Viết trong tư thế của một người đi nhiều, học nhiều, ghi chép nhiều, hầu hết tác phẩm của Thụy đều có ít nhiều màu sắc báo chí (Dương Thụy từng làm việc như một nhà báo ở báo Hoa Học Trò). Với Oxford thương yêu, nhận xét ấy coi như… phá sản, vì chuyện tình xảy ra ở xứ sở sương mù này đầy chất sống động và ướt át, đặc biệt là đầy nữ tính.
Chúc mừng Thụy với truyện dài đầu tiên. Và tin rằng trong những tác phẩm sắp tới, Thụy sẽ còn tiến xa hơn, sâu sắc hơn…
Nhà văn NGUYỄN ĐÔNG THỨC