Không thể không nghe lòng rưng rưng khi bắt gặp câu chuyện nhỏ ấy trong vô số câu chuyện của Nhà lao An Nam ở Guyane. Lịch sử không phải những địa danh, những con số, những sự kiện. Lịch sử là những con người, những số phận, những câu chuyện.
Khi Tuổi Trẻ khởi đăng loạt hồ sơ về nhà lao An Nam ở Guyane, dư luận xúc động vì lần đầu tiên dòng lịch sử mà các sách giáo khoa ghi vắn tắt “525 người tham gia khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân Pháp bắt đi đày biệt xứ” được mở ra. Những câu chuyện xúc động trong ký ức mờ xa của lớp cháu con được tái hiện, những tư liệu tản mát trong các bộ sưu tập cá nhân được tập hợp... “Thấm thía”, “tự hào”, “đánh thức khao khát được tìm hiểu về lịch sử” là những lời bạn đọc đã gửi cho Tuổi Trẻ khi đọc loạt bài trên báo.
Và hôm nay, cuốn sách Nhà lao An Nam ở Guyane (phát hành ngày 26-9) ra đời, dẫu biết rằng vẫn chỉ là một làn khói hương xứ Bắc bay ấm rừng già Guyane, chỉ là một vài bước chân gượng nhẹ của cháu con hậu thế dọc dãy xà lim, nhưng đã dày dặn hơn, có da có thịt hơn, có quyền tự hào là nguồn sử liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay về sự kiện này.
Và như giống mướp hương VN đã có mặt ở Guyane, đọc sách Nhà lao An Nam ở Guyane để biết có một dòng máu Việt đang chảy giữa mạch sống của những người Guyane, có một mảng lịch sử hào hùng lẫn bi thương VN giữa rừng già Guyane. Đọc để thương người Việt hơn, để yêu nước mình hơn. Và để tiếp tục những hành trình tri ân...