Ngày 18 tháng Mười Một ĐÊM QUA mưa thật lớn. Những giọt mưa cứ quất ràn rạt vào cửa chớp khiến bà thức giấc đến mấy lần. Sáng nay lúc mở mắt dậy, trời vẫn còn u ám lắm, thế nên bà nằm ráng trong chăn thêm một lúc nữa. Tháng năm trôi qua khiến nhiều thứ đổi thay! Ở tuổi của cháu, bà như một con chuột sóc có thể ngủ nướng đến tận giờ ăn trưa nếu không bị ai quấy rầy. Thế mà giờ đây, lúc nào bà cũng tỉnh giấc trước bình minh cho nên ngày cứ kéo dài đến vô cùng vô tận. Thật tàn nhẫn, phải không cháu? Thêm nữa, những thời khắc buổi sáng là đỉnh điểm của mọi sự tệ hại, chúng ta không thể nghĩ được gì khác, mà chỉ biết ngồi đó và quan sát những dòng suy nghĩ trôi ngược về quá khứ. Suy nghĩ của người già không có tương lai; phần lớn đều buồn bã, tệ hơn nữa là u sầu tột độ. Bà thường cố gắng tìm hiểu sự trêu ngươi của tạo hóa này. Hôm nọ, sau khi xem một bộ phim tài liệu trên tivi bà cứ suy tư mãi.
Bộ phim đó nói về những giấc mơ của loài vật. Tất cả các sinh vật thuộc mọi cấp bậc từ lớp Chim trở lên thường rất hay mơ. Chim sẻ ngô và bồ câu mơ, thỏ và sóc mơ, chó và những con bò nằm dài trên đồng cỏ cũng mơ. Tất cả chúng đều mơ, nhưng theo những cách thức khác nhau. Các loài động vật bị săn đuổi có những giấc mơ ngắn ngủi, thường chỉ như các chớp ảnh hơn là một giấc mơ thật sự. Ngược lại, giấc mơ của những loài thú săn mồi thường dài và phức tạp. Người dẫn chuyện kể rằng, “Hoạt động mơ là cách để thiết lập chiến lược sống sót. Các loài thú săn mồi không ngừng tìm ra những phương thức mới để tìm kiếm thức ăn, trong khi các loài bị săn đuổi – những loài ăn cỏ vốn có thức ăn ở ngay trước mặt – chỉ bận tâm đến một điều duy nhất: thoát hiểm thật nhanh.”
Vì vậy một con linh dương thường mơ thấy cánh đồng cỏ xavan trải dài tít tắp ngay trước mắt, trong khi một con sư tử lại mơ đến những cách thức biến đổi không ngừng để tóm được linh dương. Điều này khiến bà chợt nghĩ, khi còn trẻ chúng ta chẳng khác gì những loài ăn thịt, còn về già lại là loài ăn cỏ. Bởi vì những người già không chỉ ngủ ít mà còn chẳng mơ, hoặc là có mơ nhưng rồi cũng quên đi mất. Trẻ con và thanh niên thì lại mơ rất nhiều, và những giấc mơ ấy sống động đến nỗi có thể quyết định tâm trạng của họ suốt cả ngày sau đó. Cháu có nhớ mình đã khóc như thế nào mỗi khi thức dậy vào những tháng cuối cùng bà cháu mình còn bên nhau không? Cháu ngồi đó cùng tách cà phê ở trước mặt và những dòng nước mắt cứ thế lặng lẽ tuôn trào hai bên má. Nếu bà hỏi vì sao cháu khóc thì cháu trả lời trong dáng bộ càng chán nản hơn nữa, “Cháu không biết.” Ở tuổi của cháu, có quá nhiều thứ để bận tâm, có quá nhiều kế hoạch để làm và cháu thì cảm thấy bất an với tất cả những điều đó. Giấc mơ của chúng ta không theo một trình tự hay lôgic cụ thể nào cả; nó góp nhặt những mảnh vụn thừa thãi của mỗi ngày và thổi phồng lên hay làm biến dạng chúng đi, rồi sau đó trộn lẫn tất cả vào nhau cùng với một hỗn hợp bao gồm những khát khao lớn lao và những nhu cầu thể xác cơ bản nhất. Vì vậy, một người đang đói mơ thấy mình ngồi tại một bàn ăn nhưng chẳng thể ăn, một người đang lạnh mơ thấy mình ở Bắc Cực mà không có một manh áo khoác, một người vừa bị xúc phạm lại mơ thấy mình trở thành một chiến binh khát máu.
Còn cháu, cháu thường mơ thấy gì ở cái xứ sở đầy những xương rồng và cao bồi đó? Bà muốn biết lắm. Hẳn là đôi khi bà cũng được hiện diện nhỉ, trong trang phục của một người đàn bà da đỏ chẳng hạn? Chắc cũng có Buck nữa, được cải trang dưới lốt sói đồng cỏ chăng? Cháu có nhớ nhà không? Có nghĩ đến ta và Buck chứ?
Cháu biết không, tối qua lúc đang ngồi đọc sách trên ghế bành, bỗng nhiên bà nghe có tiếng động đều đều ở trong phòng. Bà ngẩng lên và thấy Buck đang ngủ mà đuôi cứ đập nhè nhẹ trên sàn. Gương mặt cậu ta trông hạnh phúc làm sao và bà chắc chắn rằng cu cậu đang mơ về cháu. Có lẽ cậu ta mơ thấy cháu đã trở về và đang hân hoan chào đón cháu, hay cũng có thể là cậu ta nhớ đến lúc cả hai đi dạo vui vẻ bên nhau trước đây. Chó rất biết cách hòa hợp theo xúc cảm của con người, chúng sống với chúng ta từ rất lâu, ngay từ thời điểm nào ta không biết rõ, và vì vậy mà cả hai dần dần trở nên bình đẳng như nhau. Đó là lý do mà nhiều người căm ghét chó. Họ thấy quá nhiều khía cạnh của chính họ được phản chiếu trong ánh mắt dịu dàng, đầy tuân phục của những con chó, những khía cạnh mà họ không hề muốn biết. Buck thường mơ về cháu trong mấy ngày nay. Nhưng bà thì không thể mơ được, hay có lẽ là bà đã mơ nhưng rồi chẳng nhớ.
Khi bà còn bé, một bác gái mới lâm cảnh góa bụa có sống cùng với gia đình bà một thời gian. Bác ấy là một người cực kỳ duy linh và cứ mỗi lần trốn khỏi tầm mắt của bố mẹ bà, bà và bác ấy lại nấp vào trong góc tối và bác ấy dạy bà nhiều điều về năng lực siêu thường của trí não con người. “Nếu cháu muốn liên lạc với ai đó ở thật xa,” bác ấy nói, “cháu phải áp tấm ảnh của họ lên lòng bàn tay, bước ba bước theo hình chữ thập và nói ‘Tôi đây, tôi ở đây.’” Theo bác ấy, làm như vậy bà sẽ có khả năng thần giao cách cảm với người mình lựa chọn.
Chiều nay bà đã làm như vậy trước khi bắt đầu viết. Lúc đó khoảng năm giờ chiều, chắc ở bên ấy đang là buổi sáng. Cháu có nhìn thấy bà không? Hay nghe thấy bà chứ? Bà thấy cháu tại một trong những quán bar tràn ngập ánh đèn và sàn gạch rực rỡ cùng nhiều người đang ăn sandwich kẹp thịt. Đó là một đám đông lớn đầy màu sắc nhưng bà nhận ra cháu ngay vì cháu mặc chiếc áo len có hình những con hươu xanh đỏ, chiếc áo cuối cùng mà bà đã đan cho cháu. Thế nhưng mọi thứ đã diễn ra quá nhanh, những hình ảnh chỉ thoáng vụt qua như ta hay thấy trong các bộ phim trên tivi cho nên bà không kịp nhìn thấy điều gì biểu lộ trong đôi mắt cháu. Cháu có vui không? Hơn tất cả mọi thứ trên đời, đó là điều bà quan tâm nhất.
Cháu còn nhớ chúng ta đã bàn luận bao nhiêu lần về việc liệu bà có phải trả tiền cho cháu đi du học không? Cháu khăng khăng rằng việc đi nước ngoài là hoàn toàn cần thiết cho cháu, tri thức của cháu sẽ không được phát triển nếu không thoát ra khỏi cái không khí ngột ngạt ở nơi cháu đã được nuôi nấng và dạy dỗ này. Cháu chỉ vừa mới tốt nghiệp trung học và đang dò dẫm trong bóng tối để biết mình muốn làm gì khi trưởng thành. Lúc còn bé, cháu có biết bao niềm đam mê: cháu muốn trở thành một bác sĩ thú y, một nhà thám hiểm, hay là một bác sĩ chăm sóc cho những trẻ em nghèo. Bỗng dưng mọi hoài bão ấy tan biến đi như mây khói. Lòng độ lượng cháu dành cho người khác trong những năm tháng đầu đời dần dần thu hẹp lại khi thời gian trôi qua; chỉ trong thoáng chốc, sự thôi thúc mãnh liệt đầy nhân từ và lòng trắc ẩn bên trong cháu đã biến thành nỗi yếm thế, xa cách và cháu luôn bị ám ảnh rằng mình sẽ có một số phận đầy bất hạnh. Đôi khi có tin tức về một chuyện độc ác nào đó trên tivi, cháu lại cười cợt bà vì đã cảm thấy sốc hay đồng cảm với người ta. “Làm sao một chuyện như vậy có thể làm bà ngạc nhiên ở cái tuổi này chứ?” cháu đã nói như thế đấy. “Bà vẫn chưa nhận ra à? Chính những quy luật đào thải tự nhiên thống trị thế giới này!”
Lúc đầu, những lời nhận xét như vậy làm bà nghẹt thở, cứ như thể là đang có một con quái vật đang ngồi ngay bên cạnh bà vậy. Bà trừng mắt nhìn cháu và tự hỏi cháu từ đâu tới, đó có phải là những gì bà đã làm gương cho cháu học tập không? Tuy nhiên, bà không bao giờ trả lời cháu vì bà cảm nhận rằng thời gian cho đối thoại đã chấm dứt, dù bà có nói gì đi chăng nữa thì cũng chỉ dẫn đến một cuộc đấu khẩu mà thôi. Một mặt bà e ngại vì tính mình yếu đuối, bà cũng sợ phải lãng phí sức mạnh của mình nữa, còn mặt khác, bà cảm thấy thứ mà cháu mong muốn chỉ là một cuộc đối đầu trực diện, và cứ thế, những cuộc đối đầu khác sẽ tuần tự nối chân nhau, cái sau càng dữ dội hơn cái trước. Bà có thể cảm thấy nguồn năng lượng sôi sùng sục đằng sau những lời lẽ của cháu, một nguồn năng lượng đầy ngạo mạn khó có thể kiềm chế được và luôn sẵn sàng bùng nổ. Khi đó bà chỉ dàn xếp mọi chuyện thật hòa nhã và giả vờ thờ ơ trước sự tấn công của cháu, còn cháu buộc phải tìm ra những cách khác để thỏa mãn chính mình.
Đó là lúc cháu dọa sẽ bỏ đi thật xa, sẽ biến mất khỏi cuộc đời bà mà không để lại bất kỳ dấu tích nào. Có lẽ cháu đã mong muốn bà hành động như một cụ bà tuyệt vọng, nhún nhường van xin cháu ở lại. Và khi bà nói rằng việc cháu ra đi là một ý kiến hay, cháu bắt đầu nao núng, như thể một con rắn đang ngóc đầu và nhe nanh sẵn sàng tấn công bỗng dưng nhận ra chẳng có đối tượng nào để nó phun nọc độc cả. Thế là cháu bắt đầu thương lượng, cháu đưa ra hàng tá kế hoạch rất đỗi mơ hồ, cuối cùng cho đến một ngày lúc uống cà phê, cháu đã thông báo với bà bằng một giọng tự tin mới mẻ, “Cháu sẽ sang Mỹ.”
Bà đón chào quyết định này như những người khác, với sự quan tâm thân thiện. Bà không muốn sự cho phép của mình sẽ đẩy cháu đi đến những quyết định vội vã mà cháu chưa hoàn toàn chắc chắn. Trong những tuần sau đó cháu liên tục nói về ý tưởng đi đến Mỹ. “Nếu cháu ở đó một năm,” cháu nhắc đi nhắc lại, “ít nhất cháu sẽ học được một ngoại ngữ và cháu không lãng phí thời gian.” Bà làm cho cháu phát cáu lên khi chỉ ra rằng chẳng có gì sai trái khi lãng phí thời gian cả, và rồi cơn tức giận của cháu đã lên đến đỉnh điểm khi bà tuyên bố cuộc đời này không phải là một cuộc đua mà là tập bắn: tiết kiệm thời gian chẳng cần thiết, điều quan trọng là khả năng bắn trúng đích cơ. Cháu liền lấy tay gạt hai chiếc ly bay ra khỏi bàn và òa khóc tức tưởi. “Bà ngốc lắm,” cháu đã nói như thế và úp mặt vào hai tay. “Bà ngốc lắm. Bà không hiểu đó mới là thứ cháu cần à?” Suốt mấy tuần sau chúng ta như thể hai binh sĩ vừa mới chôn một quả mìn dưới cánh đồng và rất cẩn thận để khỏi phải giẫm chân lên nó. Chúng ta đều biết nó ở đâu, nó là cái gì và cứ thế tránh ra xa, giả vờ rằng thứ ta sợ chỉ là một cái gì đó khác. Cuối cùng nó nổ tung và cháu rưng rức khóc, nói rằng cháu không hiểu bất cứ thứ gì. Cháu sẽ không bao giờ hiểu đâu cháu ạ, rằng bà đã cố gắng hết mức có thể để che giấu sự hoang mang tột độ của mình. Mẹ cháu, cách nó đã làm để có cháu trên đời, cái chết của nó - bà đã chẳng hé miệng kể cho cháu bất cứ điều gì về những chuyện đó cả. Chính sự im lặng của bà làm cho cháu tin rằng những thứ như vậy không ảnh hưởng tới bà và chúng không quan trọng. Nhưng mẹ cháu là con gái của bà - có lẽ cháu chưa bao giờ suy nghĩ về điều đó. Hoặc có thể là cháu đã suy nghĩ nhưng thay vì nói ra, cháu chỉ giữ kín trong lòng. Cũng như thế mà đôi khi bà không thể lý giải được cái cách cháu nhìn bà hay những lời cay đắng cháu thốt ra. Cháu không nhớ gì về mẹ của cháu, nơi mà đáng lý mẹ cháu sẽ ở đó chỉ là một khoảng trống; cháu vẫn còn quá nhỏ khi mẹ cháu ra đi. Nhưng bà có tới ba mươi ba năm tròn ký ức, ba mươi ba năm cộng với chín tháng mang nặng đẻ đau ra mẹ cháu.
Làm sao cháu có thể nghĩ là bà dửng dưng với tất cả mọi chuyện chứ?
Tính nhút nhát và cả sự ích kỷ chính là lý do bà chẳng bao giờ nhắc đến những chuyện này. Bà e ngại phải nói về mẹ cháu vì như thế sẽ không thể tránh khỏi việc phải nói về chính bản thân và những tội lỗi của mình, cả những việc có thật hay chỉ là đồn thổi; và bà đã ích kỷ vì hy vọng rằng tình yêu thương của mình có thể đủ lớn để khỏa lấp sự thiếu vắng của mẹ cháu, cũng như đủ lớn để ngăn cháu không nhớ mẹ và hỏi bà, “Ai là mẹ của cháu, tại sao mẹ cháu mất hở bà?”
Khi cháu còn bé, bà cháu mình đã hạnh phúc biết nhường nào. Trái tim bé bỏng của cháu tràn ngập hạnh phúc, một niềm hạnh phúc không hề nông cạn. Bóng dáng của những suy nghĩ nghiêm túc luôn nằm đợi trong đầu cháu, và cháu có thể vừa mới cười vui đấy thôi bỗng chốc im lặng đến không ngờ. “Cái gì vậy cháu, cháu đang nghĩ gì thế?” bà đã hỏi và cháu đáp lại cứ như thể là đang nói về buổi ăn xế của mình, “Cháu tự hỏi liệu bầu trời sẽ kết thúc hay cứ kéo dài vô tận bà nhỉ?” Bà tự hào biết bao khi cháu của bà như thế, sự nhạy cảm của cháu cũng giống như bà vậy, và bà không thấy bất kỳ khoảng cách nào ở giữa hai chúng ta: chúng ta là bạn bè và cũng là những người thân thiết nhất. Lúc ấy bà có một ảo tưởng – và chính bà luôn ấp ủ ảo tưởng đó – rằng những điều như vậy sẽ trường tồn. Nhưng chẳng may là không phải lúc nào chúng ta cũng được treo lơ lửng trong những bong bóng xà phòng và tung bay hân hoan trong không khí; cuộc sống của chúng ta có hai giai đoạn trước và sau, chính điều này đã nhốt chúng ta lại trong một chiếc bẫy và phủ quanh chúng ta bằng một tấm lưới. Người ta hay nói rằng “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.” Điều này đúng, tuyệt đối đúng, đời cha ăn mặn đời con khát nước, đời ông ăn mặn đời cháu khát nước, đời cụ ăn mặn đời chắt khát nước. Có những sự thật giải thoát cho ta, nhưng cũng có những sự thật làm ta khiếp sợ: điều này rơi vào vế thứ hai. Đường dây tội lỗi có ngọn nguồn từ đâu? Từ Cain[1] à? Ta phải quay ngược trở lại xa đến thế sao? Có điều gì ẩn sau tất cả những chuyện thế này? Có lần bà đọc được trong một cuốn sách triết học Ấn Độ rằng số phận là không thể tránh khỏi và tự do ý chí chỉ là ảo tưởng. Sau khi đọc xong điều này, bà cảm thấy bình an vô cùng. Thế nhưng ngay ngày hôm sau, khi đọc thêm một số trang nữa, bà biết rằng số phận chẳng là gì khác ngoài chính kết quả của những hành động trong tiền kiếp của chúng ta, chính bàn tay chúng ta đã tạo nên vận mệnh của mình. Vì vậy mà bà quay trở lại với điều mình nghi vấn lúc đầu. Đâu là chiếc chìa khóa của mọi sự việc? Bà tự hỏi. Chọn sợi nào để tháo gỡ cả cuộn chỉ đây? Mà đó có phải là chỉ không, hay là thứ gì chắc chắn hơn thế nữa? Liệu chúng ta có thể cắt đứt hoặc bẻ gãy nó, hay sẽ bị nó trói buộc mãi mãi?
Thôi, bà phải dừng đây, đầu óc bà không còn như trước nữa rồi. Dĩ nhiên là những ý tưởng vẫn còn đấy, và lối suy nghĩ của bà không hề thay đổi, chỉ có điều là bà không còn gắng lâu được. Bà đang mệt và đầu óc cứ quay cuồng như những lúc cố đọc sách triết học lúc bà còn trẻ. Sự tồn tại, không tồn tại, và tính nội tại – chỉ một vài trang là bà choáng váng như thể chúng ta đi xe buýt lên trên núi. Giờ bà phải tạm biệt cháu thôi. Có lẽ bà sẽ vào phòng khách và lại làm cho mình mụ mẫm trước cái hộp tivi bé con con đáng yêu mà cũng đáng ghét ấy.
[1]() Theo Kinh Thánh, Cain là một trong hai người con trai của Adam và Eva. Trong một lần dâng lễ, thấy Chúa ưng ý lễ vật của người em Abel hơn, Cain nổi lòng ganh ghét và đã giết Abel. Chúa đã trừng phạt Cain và ra khỏi vườn địa đàng...