Họ đi xuôi một vài con phố, cha cô chẳng mấy khi nhìn vô tấm bản đồ mà ông mang theo. Hoặc là ông rất quyết tâm, hoặc là ông bị thôi miên, Ruby chẳng hiểu nữa. Họ chẳng thấy ai, chỉ những tòa bê tông cao lớn, cái nào cái nấy đều xin xỉn thiếu sức sống, và đôi khi một cái cây đứng buồn bã và đơn độc. Trên cao, trời thì xanh và đẹp lắm, nhưng Ruby có cảm giác ánh sáng không tới được họ trên mặt đất. Sau cùng họ băng ngang đường và tới một tòa nhà đo đỏ tròn tròn với những tường cao lỗ chỗ. Những tòa nhà họ đi qua không có cái nào hình tròn cả; cái này làm cô nhớ đến hý viện La Mã. Cha cô chầm chậm dừng bước.
“Cái gì vậy?” mẹ cô hỏi.
“Nó là...” ông mở lời, rồi bỏ lửng. Mắt ông dán về phía trước, xuyên qua cổng vào trong lối đi, nơi hai người đàn ông, đều mặc quân phục, đứng nói chuyện.
“Cái gì vậy, Josef?” mẹ Ruby lại hỏi, lần này đứng sát vào ông.
Ruby quan sát cha. Mắt ông nheo hẳn lại, như thể đang cố nhìn xuyên qua thời gian.
“Ta nghĩ”, ông nói, tiến thêm một bước lại gần cổng, “ta không chắc, nhưng ta nghĩ đây có thể là nơi đầu tiên ta đã đến, lần đầu tiên đó. Ta cảm thấy như vậy. Ta không biết nữa”.
Ông bước thêm bước nữa. “Đợi chút, để ta nói chuyện với họ”.
Ruby quan sát trong khi cha cô tiến lại gần những người lính và nói chuyện, làm một vài điệu bộ, chỉ về phía cổng, và khoảng không gian phía sau nó. Mẹ cô cũng lại gần, nhưng rồi bà dừng bước và quay lại chỗ Ruby.
Những người lính nhìn nhau rồi chầm chậm lắc đầu. Những âm nhát gừng vang ra từ miệng họ. Cha cô chỉ tay về phía con phố, tay dang rộng, lớn tiếng và cao giọng. Người lính lắc đầu còn nhanh hơn. Một người giơ tay lên, ngang vai, bàn tay hướng lên trên.
Khi cha cô quay lại, rõ ràng ông bực tức. Ông nói qua kẽ răng. “Họ không cho mình vào. Họ nói chỉ có lính sống ở đây mới được vào. Lính tráng và vợ con của họ. Có tin nổi không? Bây giờ họ sống ở đây, cho nên không cho ta vào”.
Mẹ Ruby há hốc mồm. “Thiệt là bực mình đó. Anh có nói anh là ai không?”
Ông ngưng nói, nhìn trở lại hai lính gác. Dường như ông không nghe bà nói. Giọng nói của ông như một tiếng thì thầm vang vọng. “Họ còn không biết nơi này trước đây là gì nữa. Có tin nổi không? Đó là lý do họ không muốn mình qua lại ở chỗ này. Ta cố nói cho họ hiểu, và họ nhìn ta cứ như ta đang nói một thứ tiếng nào đó. Ta chỉ là người ngoại quốc đối với họ.
Ông cho tay vào túi và rồi lại lấy ra. “Ta dám chắc là ta nhớ đúng. Là những con người này, mọi người chộn rộn xung quanh, với những va li và phải chờ rất lâu. Chính là nơi họ tách ta ra khỏi mẹ cha ta”.
Ông nhìn mẹ Ruby, bà mang một vẻ mặt mà Ruby không chắc đã từng trông thấy, có lẽ chỉ trừ khi cô bệnh và bà cúi xuống bên giường đo nhiệt độ. Ông phun ra thành tiếng, “Họ cố gắng bảo vệ những anh lính tội nghiệp và gia đình họ khỏi những gì thực sự xảy ra ở đây. Đúng là hoạn”.
“Phải có cách để vào xem”, mẹ cô dịu dàng nói. Ruby dám chắc vì bà không biết phải nói điều gì khác. “Nói cho họ biết mình sẽ không bỏ về cho đến khi nào vào được. Anh đã đi xa biết bao mới tới đây, Josef, họ không phải với anh”.
Ông nhìn xuống chân, suy nghĩ, trong một phút thiệt dài, đối với Ruby. Rồi ông quay lại và đi nhanh về phía những người lính. Khi đến chỗ họ, những âm liên tiếp phát ra từ miệng ông, hai tay vung như nan xe. Ruby, quan sát cha mình, hình dung bàn tay ông khi còn nhỏ; chắc là bé bỏng và trống vắng lắm khi nó rời khỏi bàn tay cha mẹ. Sau đó thì đôi bàn tay ấy biết bám vào đâu?
Sau cùng, những người lính lui lại, và một người đi tới mở cổng. Cha Ruby quay lại ra hiệu cho họ bước vào. Ông có vẻ nhăn nhó và mất bình tĩnh.
Họ đi qua cánh cổng. Bên trong, có một đường hầm ngắn, một cầu thang tối mờ chạy ngược lên bên trái, có lẽ dẫn tới căn hộ, còn bên phải là một khoảng sân hình tròn, có lát gạch vây quanh bởi các bức tường nhà. Ruby không chắc mình đã từng thấy một tòa nhà như vầy, với phần bên trong phô bày đến như vậy. Không thể hiểu tại sao lại có một khoảng sân bị che khỏi đường phố? Cô nghĩ nó thiệt giống một đấu trường La Mã, và khi họ đi ngang lính gác vào trong khoảng sân, cô hình dung có con sư tử đang gầm gừ về phía họ. Có phải cạm bẫy chăng? Ruby nhìn lên tòa nhà xung quanh và bắt gặp ánh mắt một thiếu phụ đeo khăn trùm đầu tựa người bên cửa sổ. Trước khi Ruby và cha mẹ cô đến đây, người thiếu phụ này không biết nhìn cái gì nhỉ? Bà ta nhìn Ruby vẻ vô cảm.
Mẹ Ruby quan sát cha. Ông đứng im, tay đút túi; trong khoảng không rộng lớn trông ông bé nhỏ làm sao, bất ngờ bé nhỏ làm sao.
“Sao anh?” mẹ cô hỏi sau một vài phút.
Ông lắc đầu, chầm chậm, mắt mở to. “Không có gì”, ông nói. “Ta chẳng nhớ gì hết”.
l l l
Trở lại bên ngoài, họ đi tiếp, vòng qua một góc phố và đi thêm hai lốc nữa, cha Ruby thi thoảng dò tìm trên bản đồ. Những tầng thấp của các tòa nhà họ đi qua đều có vẻ tối hơn và dường như sương gió hơn những tầng trên, và cha Ruby nói bê tông ở tầng một là có từ hồi đó, còn mấy tầng trên là xây thêm. Ruby tự hỏi, nếu như tòa nhà được tân trang, vậy tại sao mấy tầng khác cũng còn dãi dầu mưa nắng? Tất cả các tòa nhà đều xiêu vẹo, như thể mới qua một trận động đất, như thể mới xong một trời đạn bom trên các phố.
Góc phố tiếp theo là một tòa nhà xám lớn, xem chừng là to nhất từ đầu đến giờ, vươn dài coi bộ cũng mấy lốc. Phía trước tòa nhà, những cánh cổng bề thế được cột lại với nhau bởi một sợi thừng lỏng lẻo. “Lúc trước đây là trại lính”, cha cô nói, dò tìm trên bản đồ, rồi gấp lại và bỏ vào túi. Ông đứng trước khe hở giữa hai cánh cổng. “Lúc trước cha ta đứng đây”.
Họ nhìn vào. Ngay bên trong cổng là một lối đi hẹp có lính gác ở hai bên trái và phải; tiếp theo sau, một cái sân bê tông vây bọc, cỡ chừng một nửa sân bóng đá. Lối đi vào thì lờ mờ và bót canh không có ai gác. Cái sân chói chang nắng.
“Mình vào đi”, cha cô nói. Ông tháo sợi thừng và kéo một cánh cổng, và nó nặng nề mở vừa đủ cho họ len vào.
Nó giống như sân vận động hơn là trại lính, cái sân trong na ná như cái sân trong tòa nhà hình tròn mà họ từng đến. Mọi thứ đối xứng một cách hoàn hảo: từ bên dưới cái lối đi vòng vèo họ có thể nhìn băng qua sân thấy một lối vào y hệt phía bên kia, và nó dẫn tới một cái sân y hệt, để rồi một lối vào nữa, cứ như vậy, trong suốt cả mấy dặm. Dọc theo bên tường là cửa sổ, phân bố đều nhau và rệu rã, nhìn ra từ những căn phòng như thế nào đố ai biết. Màu vàng nhợt của các bức tường bị nước mưa làm bẩn thêm, đôi chỗ bẩn tới mức xám xịt. Những bụi cỏ dại mọc lên xuyên qua mặt sân bê tông đổ vỡ, bị chia làm đôi một cách hoàn hảo bởi bóng râm in đậm.
Hiệu ứng này gây chóng mặt. Mọi bức tường y hệt nhau, mỗi cửa sổ trống trơn và vô vọng. Im lặng phủ trùm lên trại lính. Họ bước vào trong sân, cả ba người, và tiếng chân nện lên sân sỏi âm vang cả không gian.
“Ta nhớ thế này”, cha Ruby nói, nắn nót từng lời, như thể không chắc lời nói của mình có xuyên thủng im lặng được hay chăng. “Ta nhớ mình thường chơi bóng ở đây”.
Ông ngắt lời, ngước nhìn lên mấy cửa sổ ở hai bên sân nhà. “Phải”, ông nói. “Ta thường chơi bóng ở đây, trên cái sân sỏi này. Ta nhớ những người lớn thường xem bọn ta chơi từ chỗ đó”. Ông chỉ lên tầng hai, nơi có một mái hiên nhô ra. “Ta nhớ cha ta thường xem ta chơi”. Sau khi nói, cái nhìn của ông ngần ngừ trên những cửa sổ cầu thang.
Ruby nhìn ông quan sát, hình dung cha mình khi còn bé – tóc xoăn đen, quần đùi, chân tong teo, đầu gối như cái núm cửa – chạy chơi trong một đám con trai (ăn mặc như nhau, bị ép vào khuôn mẫu) lao theo một trái banh tưng tưng trên sân bê tông. Cô gắng nghe âm thanh của năm mươi năm về trước – âm thanh của những cậu bé hợp nhất bởi thể thao, chơi đùa không phải vì chúng muốn mà vì người ta bảo, có lính canh chừng ở đường biên. Cô cố tưởng tượng cái xao lòng trong cậu-bé-cha-cô khi để ý thấy ông nội từ cửa sổ nhìn xuống; cô cố cảm nhận cái liên kết cha con như lúc đó, tuy cách xa; cái cách những âm thanh đổi thay đối với người con khi cậu bé chơi bóng (chậm rãi, mà có lẽ lờn vờn nữa), cái nhìn của cha là tấm màn lọc mà các cử động của cậu phải đi qua. Hẳn là cậu muốn thét lên với cha, cô nghĩ vậy; hẳn cậu ước ao có vòng tay cha quanh mình.
Cha cô nhíu mày và lại để mắt nhìn xuống sân banh. Khoảnh khắc ấy đã qua, cô biết. Ông ấy sẽ không nói gì nữa.
“Mình vào thôi”, cha cô nói, chỉ về phía một lối vào bên hông, qua đó họ nhìn thấy những cầu thang. Họ theo ông vào trong cầu thang tối om ngược lên một hành lang dài có nhánh rẽ hai bên. Nó giống cái hành lang hun hút của một bệnh viện tâm thần từ lâu bỏ hoang, Ruby nghĩ, với bao nhiêu là bí mật lửng lơ trong không khí. Bước chân họ âm vang trong bóng tối. Cô gắng nghe những âm thanh của một tòa nhà đầy ắp con người – những tiếng quát, tiếng ngáy, tiếng sỉ vả, tiếng xì xầm – nhưng cô chỉ toàn nghe tiếng bước chân của chính mình.
Cô nhìn vô các căn phòng khi họ bước qua. Những tường trắng loang lổ, những cửa sổ nhìn ra sân chơi; một số các phòng có giường sắt trải chiếu sọc mỏng dính. Cha Ruby dừng lại trên lối vào một căn phòng như thế, và Ruby cùng mẹ dừng phía sau, nhìn vào. Mặt trời hắt những vệt nắng song song lên trên chiếc chiếu trải giường.
“Ta có lên đây một lần để thăm cha”, ông nói mà không quay đầu lại. “Ta chỉ đến một lần. Là lần cuối cùng ta gặp ông ấy”.
Ruby không nhìn thấy mặt cha, nhưng qua vai ông cô nhìn thấy chiếc giường. Mẹ cô đang đứng sát bên, bàn tay dựa vào khuỷu tay ông. “Những gì ta nhớ”, ông nói, “là ông ấy đang nằm trên giường, nhìn giống như vầy nè, và ánh sáng chiếu từ cửa sổ. Mọi thứ thiệt ồn ào, nhưng căn phòng thì im vắng. Ông ấy trông ốm o gầy mòn. Ông ấy mang vớ lủng lỗ, và ruồi nhặng vo ve ở quanh chân”.
Ông dừng nói, mắt vẫn nhìn vô chiếc giường. “Ta chỉ nhớ bấy nhiêu. Những chiếc vớ và những con ruồi”. Ký ức rớt vào không khí thiu ôi của hành lang trại lính và ngập ngừng ở đó. Trong phút chốc, có một bóng hình ở trên giường, có những tiếng ồn, có ruồi có nhặng, và rồi không còn gì nữa.
Ba người nhìn vô phòng. Mẹ cô đưa tay lên vai chồng. Rất nhanh, ông quay đầu và nói, “Thôi mình đi”, và họ cùng bỏ đi.
Sau đó, khi họ quay trở lại quảng trường và chiếc taxi đang đợi, họ đi dọc theo lũy đá bao quanh trại, rậm rì những cỏ úa và cây dại mọc ra kẽ đá. Phải đi một hồi Ruby mới nhận ra nó bao quanh cả thị trấn, và trước đó, khi họ đi qua hai “tòa nhà” song sinh ở hai bên đường, ấy là họ đã đi vô trại. Cái hồi cha cô bị nhốt ở đây, đâu có cách nào thoát ra đâu. Không biết ra sao nhỉ, cảm giác mình đi dạo từ chỗ mình sống, thì đụng phải bức tường? Một đứa bé như cô gặp cảnh đó sẽ ra sao?
Ruby bước bên cạnh cha. Mẹ đi phía bên kia, nhìn tới trước, và Ruby thoáng có ý nghĩ rằng họ là vệ sĩ của ông, đưa ông đi qua vùng ký ức nguy hiểm này. Người đàn ông kế bên là cha mình, cô nghĩ vậy, dòng máu của ông chảy trong người cô, và cái nơi lạ hoắc lạ huơ này lại thân quen với ông như từ một kiếp trước, một cơn ác mộng cứ lặp đi lặp lại miết. Cha cô đã từng bị giam giữa những bức tường này khi ông còn bé. Còn người đàn ông mang vớ lủng là ông nội cô, người ở trong ca đoàn nhà thờ, một người mà, trước khi nằm trên chiếc chiếu kia với ruồi nhặng vo ve dưới chân, đã là một lãnh tụ trong cộng đồng Do Thái với một cậu con trai khỏe khoắn hứa hẹn: cha cô.
Cô lặp lại những ý này với mình và nhìn xung quanh – con phố, tòa nhà, bầu trời – cố gắng nén cái hiện thực vào trong óc mình, cố hiểu cho đúng trước khi họ rời khỏi nơi này vĩnh viễn. Cha cô hồi nhỏ; cha cô bị cầm giữ; từ năm bảy tuổi; rồi tám tuổi, chín tuổi, mười tuổi, mười một tuổi. Cô gắng hình dung ông bước bộ trên những con phố, uống sữa, một cậu bé Séc gốc Do Thái, chưa có một chữ tiếng Anh trong đầu, chưa có ý niệm gì về tương lai, chưa biết mình sẽ làm gì, càng không biết mình sẽ lấy vợ, xây nhà, và sinh ra bốn người con. Cô nhớ lại mình ở cái tuổi đó, cố hình dung mình sẽ ra sao, năm nay cô mười bốn, vậy ba năm trước sẽ ra sao nếu cô ở trong một chỗ như vầy? Làm sao cô cảm nhận được nhỉ? Cô sẽ cảm thấy sao về con người, về thế gian, về Do Thái giáo, về Chúa?
Thiệt là bất khả thi; cô không thể nào thực hiện bước nhảy. Cô vẫn là cô; chưa từng ở đây như một đứa bé, nhưng cha thì đã. Cô nhìn cha, bước đi bên cạnh cô, người đàn ông năm mươi tám tuổi, và nghĩ ông ấy mới tự hào làm sao khi năm ngoái cô làm lễ thọ giáo Bat Mitzvah, cười nhăn nhở, ôm cô chặt ơi là chặt. Phải chăng sự trung thành với Do Thái giáo của cha là một cách để về lại nơi đây, một cách để quyết tâm chứng tỏ mình không đầu hàng sự lãng phí con người trên cái sân banh kia nơi ông chơi bóng với trái banh xẹp lép và trong sự chế giễu của binh lính, không đầu hàng thứ chủ nghĩa phát xít đã giết chết cha ông và hủy hoại gia đình ông? Ông đã giữ lấy Do Thái giáo, cô nghĩ vậy, chỉ có điều ông cắt bỏ phần về Chúa. Phải chăng là một sự trả thù? Làm sao anh đi qua chốn này mà vẫn tin vào lời nguyện cầu, tin vào một ai đó tuốt luốt ở trên cao?
Cô nhìn xuống dưới chân, sánh bước cùng cha cô. Trong thoáng chốc cô sửng sốt nhận ra sải chân cô gần như ngang bằng với cha. Nó xảy ra từ khi nào vậy? Với sự ngạc nhiên tột độ cô nhìn thấy bước chân của cha chỉ ở phía trước cô một vài phân, và rồi cả hai, chân của hai người, đồng loạt lui lại ra sau.
Cô quay đầu nhìn cha, và thấy ông cũng đang quan sát chân cô. Ông có vẻ tò mò lắm lắm, và cô cảm nhận ông đang nhìn chúng như chúng đang thị hiện: mạnh mẽ và đầy sức sống. Cô để cho cái quan sát này nâng đỡ mình và cố nói xuyên qua ngần ấy năm tháng. “Cha”, cô nói, nhìn lên mặt ông, “cha thấy...?” Cô cố nghĩ cho ra câu hỏi đúng và nói cái câu đầu tiên xảy đến với cô. “Cha thấy sao ạ?”
Trong tích tắc ông quá ngạc nhiên. Ông thôi nhìn chân cô mà nhìn vào cô. “Cha...” ông bắt đầu, mỉm cười với cô, rồi dừng lại và nhìn ra chỗ khác. Ông nhún vai. “Cha không biết”. Cô nghĩ cô thấy ông khó nhọc suy nghĩ phải nói gì, đôi lông mày rậm nhíu lại. Rồi ông lắc đầu. “Cha biết nói gì đây?” Ruby thấy có vẻ như giọng nói của ông đặc quánh lại. “Chỉ là sự sống thôi con ạ. Sự sống rất kỳ lạ”.
Ông lại nhún vai và mỉm cười với cô, như thể chia sẻ một trò đùa. Ông chồm qua nắm lấy tay cô và nghiêng đầu chỉ xuống chân cô. “Con cao nhanh quá đó”, ông nói, nắm tay cô một cái, và rồi lại nhìn xuống chân hai người.