Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Bản tụng ca đầy ám ảnh
Cập nhật ngày: 30/05/2011

Nỗi buồn chiến tranh vượt qua nhiều sóng gió, thăng trầm để trở thành một trong rất ít tiểu thuyết Việt Nam được dịch nhiều nhất, được đón đọc và đánh giá cao ở nhiều nước

Nhỗi buồn chiến tranh - Tác phẩm thuộc quyền sở hữu xuất bản của NXB Trẻ từ thời điểm này.
Nhà văn Bảo Ninh vừa được Báo Kinh tế Nhật Bản trao tặng Giải thưởng Châu Á vào ngày 25-5 vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực văn học, dù sự nghiệp văn chương của ông chỉ có một cuốn tiểu thuyết duy nhất ra mắt bạn đọc: Nỗi buồn chiến tranh.
 
Chạm vào mẫu số chung của nhân loại
 
Nỗi buồn chiến tranh được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng vào năm 1991 và từ đó tác phẩm văn học này mang một số phận hết sức đặc biệt, có thể gọi là truân chuyên. Ban đầu, là sự ưu ái dành cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của người cựu binh. Tác phẩm được thảo luận trên Báo Văn Nghệ với những lời khen ngợi nức lòng. Không đầy một năm sau khi xuất hiện, cuốn sách đã được nhiều người tỏ ý muốn dịch ra tiếng nước ngoài. Bản dịch Anh ngữ The Sorrow of War được xuất bản tại Úc năm 1993 có lẽ là bản dịch đầu tiên của Nỗi buồn chiến tranh và từ đó, cuốn sách bắt đầu cuộc chu du trên khắp thế giới, được dịch hơn 10 ngôn ngữ.
Nhưng không ai lường trước được, sau những lời khen ngợi lại là bão táp phong ba. Từ những lời chê bai lẻ tẻ ban đầu, bỗng trở thành một phong trào phê phán, cuốn sách bị cho là thể hiện sự u ám, cái nhìn sai lạc về cuộc  kháng chiến chính nghĩa và vinh quang của dân tộc. Có những người từng khen cuốn sách nay lại lên tiếng phủ nhận phát ngôn của mình. Không ít người phẫn nộ vì Bảo Ninh đã gọi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “cuộc chiến tranh Việt - Mỹ”, đã thể hiện người lính quân đội nhân dân như những người thất trận chứ không phải những người mang tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
 
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nói lúc đó sự phê phán bị đẩytới mức Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng cho nó nhưng rồi lại phải tự lên tiếng phủ nhận giải thưởng đó thông qua ý kiến của một số nhà văn ở trong ban giám khảo hồi ấy. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn từng cho rằng: “Nếu thời trước thì cứ thế cuốn sách sẽ chìm dần trong bóng tối và chỉ cần bị ném ra khỏi các thư viện nữa thôi là có thể coi như bị xóa sổ hoàn toàn”, nhưng may mắn, nó được ra mắt vào đúng thời kỳ đổi mới
Sau này, ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII - 2005, nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trên diễn đàn đại hội đã phát biểu xin lỗi Bảo Ninh vì chuyện này. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại, đó là câu chuyện của thân phận, của mất mát, của tình yêu và chiến tranh. Và nhờ thế, tác phẩm đã thực sự được đón nhận và sẻ chia.
 

Năm 2008, trong danh sách 50 tác phẩm văn học nước ngoài dịch sang tiếng Anh được bình chọn là hay nhất trong 50 năm qua được Hiệp hội Dịch giả (thuộc Hội Nhà văn Anh) công bố nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hiệp hội này Nỗi buồn chiến tranh đứng thứ 37. Trong danh sách này, có những kiệt tác lớn của thế giới như Cái trống thiếc (Günter Grass), Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgakov), Chiến tranh và hòa bình (Lev Tolstoy), Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez)...



Mở đầu một cách viết mới về chiến tranh
 
Là một nhân chứng bước ra từ cuộc chiến, Bảo Ninh không nhìn chiến tranh bằng những tấm huân chương, những bản anh hùng ca. Chiến tranh hiện trên từng trang viết của ông với tất cả sự tàn khốc, bi thảm, đau thương. Trên đường chu du thế giới, Nỗi buồn chiến tranh đã giúp người lính ở hai bên chiến tuyến đến gần nhau, hiểu nhau, thấy mình cùng là con người, cùng chung thân phận người lính, khắc phục tâm lý một thời đối lập “họ” và “chúng ta”.
Phạm Xuân Nguyên khi viết Nỗi buồn chiến tranh nhìn từ nước Mỹ đã kể lại rằng một cựu binh Mỹ từng viết sau khi mua cuốn Nỗi buồn chiến tranh vào năm 1999: “Tôi đã đọc sách này một cách do dự, nhưng sau trang đầu thì tôi đã bị móc vào nó”. Còn Dennis Mansker, thành viên của hội cựu binh vì hòa bình và hội cựu binh Việt Nam chống chiến tranh, thì cảm thấy thật bất ngờ khi được đọc cuốn sách mà ông mua từ một phụ nữ bán hàng rong trên đường phố ở TPHCM. Ông đã viết: “Đây là một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc.
 
Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh trước nỗi đau mang tính phổ quát của những người lính ở mọi bên xung đột. Bảo Ninh thực sự là “bạn chiến đấu” của chúng tôi, bất kể việc anh ta đứng ở chiến tuyến nào”. Điều đặc biệt ở Nỗi buồn chiến tranh là sau khi cuốn sách ra đời, người ta khó có thể viết  về chiến tranh như trước đó đã từng viết.
 
Báo chí nước ngoài suốt gần 20 năm đã dành không ít lời ca ngợi Nỗi buồn chiến tranh, chẳng hạn: “Một cuốn tiểu thuyết không thể đặt xuống. Nó lẽ ra phải được giải Pulitzer, nhưng đã không được. Nó quá hấp dẫn để xứng đáng được thế” - The Guardian (Anh); “Liên quan đến văn học Việt Nam, đây là một tác phẩm ngoại hạng so với tất cả các tác phẩm khác cùng lĩnh vực. Liên quan đến văn học chiến tranh thì chỉ có Phía Tây không có gì lạ là may ra có thể so sánh được. Bảo Ninh đã viết nên bản tụng ca đẹp đẽ đầy ám ảnh về sự trong trắng bị mất đi trong dòng xoáy chiến tranh” (tác giả Leif A. Torkelsen - Columbus, Ohio, Hoa Kỳ).
 

Bảo Ninh từng tâm sự Nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng quá khiến anh đã từng bắt tay viết một cuốn tiểu thuyết khác về chiến tranh nhưng gần chục năm vẫn còn dang dở. Sự thành công của Nỗi buồn chiến tranh quá lớn và chính nó đã tạo thành áp lực cho Bảo Ninh, khiến anh luôn có cảm giác không hài lòng với những gì viết ra sau nó.


NXB Trẻ độc quyền tái bản
 
Sau khi được in lại ở trong nước vào năm 2003, Nỗi buồn chiến tranh đã làm nên một cơn sốt, ít nhất về số lượng xuất bản. Đến thời điểm này, không ai có thể biết bao nhiêu cuốn Nỗi buồn chiến tranh đã ra đời từ các nhà xuất bản trong và ngoài nước.
 
NXB Trẻ vừa cho ra mắt ấn bản mới của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và kể từ thời điểm này, tác phẩm này thuộc về quyền sở hữu xuất bản của NXB Trẻ, theo thỏa thuận nhượng quyền giữa đơn vị xuất bản với nhà văn Bảo Ninh. Tác phẩm tái bản được làm mới về hình thức và thêm nội dung, gồm chia sẻ của chính nhà văn và nhận định của báo chí trong và ngoài nước.
 
Ông Phạm Sỹ Sáu, Trưởng Ban Khai thác đề tài NXB Trẻ, cho biết thêm: “Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm văn học đầu tiên được NXB Trẻ mua bản quyền trọn đời. Đây cũng là tác phẩm mở đầu cho tủ sách Mỗi nhà văn – Một tác phẩm vừa được khởi xướng của NXB Trẻ. Ngoài Nỗi buồn chiến tranh, trong thời gian tới, NXB Trẻ cũng sẽ tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm của những nhà văn thế hệ trước, như:
 
Thời xa vắng (Lê Lựu), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Đất lửa (Nguyễn Quang Sáng), Chất ngọc (Vũ Hạnh), Vết thương thứ 13 (Trang Thế Hy)…  theo tiêu chí: Mỗi tác giả chỉ chọn tái bản một đầu sách được đánh giá là tiêu biểu nhất”.
 
T.Quyên

Tiểu Quyên

(Nguồn: Người Lao Động)

Các Tin Tức Khác