Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

RA PHỐ NGÔ QUYỀN XIN NHƯỢNG QUYỀN SÁCH VỀ HÀ NỘI
Cập nhật ngày: 31/01/2012

Sau khi hoàn thành việc thương thảo tác quyền với hai nhà nghiên cứu Toan Ánh và Nguyễn Văn Hầu ở Sài Gòn, một trong những mục tiêu “Bắc tiến” của việc khai thác tác quyền của Trẻ là nhà văn Tô Hoài và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Ông Nguyễn Vinh Phúc tại buổi họp báo ra mắt bản đặc biệt 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010

Tôi đảm nhiệm sứ mệnh nầy với tâm trạng của người “đi sứ”. Cũng may là do thời làm ở Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các văn nhân nghệ sĩ Hà Nội là bạn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, lại tham gia trong Ban Công tác nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam nên việc đi lại giữa phố Hà Nội không là chuyện khó khăn gì. Vả lại cũng phải biết tí ti về sách vở của ông Phúc để mà đàm đạo với ông.

Tôi đến phố Ngô Quyền, tìm nhà ông không khó. Nhưng khó là ông không biết tôi là ai. Sau một màn tự giới thiệu về Nhà xuất bản Trẻ và về công việc giao dịch tác quyền mà bản thân đang đảm nhiệm ông nghe nhưng không có vẻ hào hứng lắm. Không hào hứng vì ông vừa mới tiếp ông Thắng làm sách về chuyện cuốn sách về đường phố Hà Nội vừa mới xuất bản không làm ông hài lòng, thứ hai là ông chưa nghĩ tới chuyện nhượng quyền có thời hạn, mà chủ yếu là làm xong cuốn nào bán cuốn đó thôi. Tôi đành chào ông ra về, không quên tặng một tập thơ Chia tay cửa rừng của tôi vừa mới xuất bản hồi đầu năm.


Một tuần sau, nhân một công tác khác, tôi lại có mặt ở Hà Nội, và lại tìm đến nhà ông. Ông hào hứng tiếp tôi. Nửa tiếng trò chuyện văn chương với ông tôi “vỡ” ra được nhiều điều, đặc biệt là những điều về Hà Nội. Câu chuyện văn chương giúp tôi và ông trở thành những người tâm đầu. Tôi nói với ông về những cuốn sách viết về Hà Nội tôi đã đọc. Tôi ít tìm thấy những cứ liệu khoa học như sách của ông, tuy ít mượt mà nhưng nhiều thông tin tin cậy. Ông hỏi tôi phần nào trong những cuốn sách viết chung giữa ông và nhà văn Tô Hoài do Trẻ mới phát hành là của ông. Tôi thành thật trả lời, trong sách đó đa số câu trả lời là của ông, phần của nhà văn Tô Hoài thì khá ít. Ông cười khà khà rồi bảo mình phải mượn danh để được chính danh. Tôi nghĩ có lẽ ông chưa biết đám Trẻ Sài Gòn làm ăn ra sao nên phải đứng tên chung với Tô Hoài cho thêm phần oai vệ.

Khi biết người biên tập sách của ông là chị Cúc  Hương – con gái cụ Nguyễn Đổng Chi, thì ông hoàn toàn yên tâm vì ông chỉ sợ một tay biên tập Nam bộ nào đó sẽ phá hỏng cuốn sách của ông. Tôi trấn an ông, chú cứ yên tâm, Trẻ có đủ cả dân ba miền, nên chuyện làm sai lệch là khả năng hiếm. Thấy chuyện có thể vào sâu hơn tôi bàn với ông về chuyện nhượng quyền, về khả năng của Trẻ trong việc thực thi những cam kết, cả những ưu đãi về chính sách. Ông cười, hẹn tôi dịp khác trở lại vì đang bận sửa nốt phần bon Mặt gương Tây Hồ mà chị Cúc Hương mới chuyển ra.

Một tuần sau tôi trở lại căn nhà nhỏ trong hẻm Ngô Quyền, ông để sẵn một chồng sách khoảng mười cuốn của ông trên bàn. Ông nói sách nầy cậu mang về Sài Gòn đọc lại, sau đó ta trao đổi tiếp. Tôi nói mục tiêu của Trẻ là muốn có một bộ sách về Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc nhân 995 năm Thăng Long để làm hành trang cho chiến dịch 1.000 năm Thăng Long.

Hai tuần sau, tôi ra Hà Nội lần nữa. Lần nầy với bản dự thảo hợp đồng trên tay, tôi vào việc với ông một cách gọn ghẽ. Ông góp ý thêm một số chi tiết cần chú ý để bản hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm có thời hạn được hoàn chỉnh. Tôi hỏi ông một chuyện tế nhị là chú có cần ứng trước tiền chuyển quyền theo hợp đồng không. Ông bảo mình cũng cũng đủ tiền tiêu dùng cho người già nên không cần ứng trước tiền làm gì lại chiếm dụng vốn của Trẻ. Một câu nói thật chân tình và thân tình. Ông còn khuyến cáo tôi, lần sau đến không được mang giỏ trái cây đến nữa, vì cậu cứ đến liên tục như vậy là tôi không thể nào ăn và cho hết trái cây. Ông vừa nói vừa cười, thật thoải mái.

Cuối năm 2004, tôi ra Hà Nội lần nữa. Xin chữ ký của ông cho hợp đồng chính thức. Và như thế là sứ mệnh đã hoàn thành. Cũng qua ông Nguyễn Vinh Phúc, tôi biết nhà văn Tô Hoài có cô con gái làm việc ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Và thế là chuyện giao dịch với nhà văn Tô Hoài chỉ có thể tiến hành từng món. Dù vậy, tôi vẫn đến thăm nhà văn Tô Hoài với một chai Hennessy 500ml trên tay.

Sau nầy, mỗi lần ra Hà Nội, nếu có thời gian, tôi lại ghé thăm ông. Lại chuyện trò vui vẻ bên cạnh chuyện làm sách, làm người.

Nghe tin ông qua đời giữa những ngày miền Bắc và miền Trung giá buốt, lòng tôi chợt thấy lạnh hơn. Chú Phúc ơi, thế là từ nay trên một ngõ phố Ngô Quyền đã không còn hình dáng chú và trong căn nhà nhỏ không còn, mãi không còn tiếng cười thật thoải mái và đầy thân thiện của chú.

Hà Nội ơi, chỉ trong vòng hai năm, trên một đoạn phố Ngô Quyền đã có hai người yêu vô cùng Hà Nội lần lượt ra đi. Người trước, nhà văn Băng Sơn văn chương hòa hoa và nay kẻ sau Nguyễn Vinh Phúc thâm trầm đĩnh đạc rời phố về với bao la.

Đà Nẵng, 30.1.2011

PHẠM SỸ SÁU

Các Tin Tức Khác