Làm trỗi dậy tinh thần trạng nguyên
Cập nhật ngày:
04/09/2007
(Đọc bộ sách về thời đèn sách của Trạng nguyên Việt Nam do NXB Trẻ phát hành 8/2007) Khi đọc bộ sách này, tôi nhận thấy rằng: Đây chính là nền học vấn mà chúng ta đang muốn tìm kiếm cho con em mình và cho chính chúng ta nữa: Nền học vấn Trạng nguyên.
Đọc bộ sách này, các em sẽ nhận ra rằng, nếu nỗ lực học tập, chịu khó quan sát cuộc sống thường nhật thì rất có thể Tinh thần Trạng nguyên trong các em sẽ trỗi dậy. Khi đó các em sẽ hiểu được niềm kiêu hãnh của Tri thức Trạng nguyên - Tri thức của dân tộc Việt Nam .
Các em sẽ học được cách học của các Trạng nguyên Việt Nam , một cách học độc lập sáng tạo, không lệ thuộc vào sách vở.
Sau khi định đô ở Thăng Long, yên bề xã tắc, nhà Lý chú trọng đến việc giáo dưỡng dân chúng, đào tạo người hiền tài cho đất nước. Năm Ất Mão (1075) niên hiệu Thái Ninh thứ 4 đời vua Lý Nhân Tông, nhà Lý cho mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử Đại Việt với Trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh.
Nền học vấn Đại Việt được đánh dấu một mốc son chói lọi với sự xuất hiện của Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Khi đỗ Trạng nguyên ông mới 13 tuổi. Trạng nguyên Nguyễn Hiền là bậc kỳ tài, ngàn năm có một. Ông học chữ một thời gian ngắn với nhà sư, sau đó tự học. Trời đất đã khai tâm cho ông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Hiền đã có những tư tưởng thâm sâu, sáng láng về mọi vấn đề của thế gian.
Noi gương Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, ông cổ xúy cho Đạo của người Đại Việt, kiến giải Phật pháp theo cách của người Đại Việt. Những đoạn hùng thư của ông toát lên tư tưởng vô cùng nhân bản của Đạo lý Đại Việt. Ông cho rằng chừng phạt cái xấu, cái ác trong con người không bao giờ có hiệu quả bằng việc khuyến khích cái Thiện còn lại trong con người đó. Một khi cái Thiện được trỗi dậy, con người ấy sẽ rũ bỏ được bóng tối của cái ác. Cuộc đời Trạng nguyên Nguyễn Hiền là giấc mơ có thực của những học sinh nghèo hiếu học.
Toán học giúp làm nên một nền học vấn Đại Việt vô cùng đặc biệt, khác hẳn với những nền học vấn khác. Trạng nguyên Mạc Hiển Tích với Số Âm trong trò chơi Ô Ăn Quan, Toán học Âm Dương, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi với Phép chia tạo nên thế gian hài hòa, rồi đến Thiên tài toán học Trạng nguyên Lương Thế Vinh khẳng đinh thế gian có những vật toàn mãn thực sự… Nhiều Trạng nguyên đã phát triển và bổ sung những tư tưởng toán học này tạo nên một trường phái toán học Đại Việt.
Ngoài toán học, các Trạng nguyên khám phá rất nhiều các hiện tượng khác của đời sống. Các em hãy đọc về Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư để tìm hiểu cảm giác về không gian, điều gì khiến chúng ta phải giới hạn nó lại và giới hạn bằng cách nào? Các em hày đọc về Trạng nguyên Nguyễn Quan Quang để xem bí mật về ánh sáng, hoặc những dòng kỳ lạ của Trạng nguyên Vũ Tuấn Thiều: “Ánh sáng là gì mà có thể nhìn thấy mà không nắm bắt được? Bóng tối cũng thế. Nó là gì mà chỉ có thể sờ được vào nó? Vậy nó (bóng tối) là gì mà có thể ngăn ánh sáng lại được?”.
Nếu các em muốn biết chữ Nôm - chữ của người Đại Việt hình thành như thế nào, các em hãy đọc về Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, Trạng nguyên Vũ Tích. Hãy đọc những bài thơ Nôm đầu tiên để thấy khí phách của Đại Việt. “Nắng nghìn trượng tỏa trên ngọn cờ/ Khí thế ba quan át cầy cáo? Pương đông mặt trời mọc, áng mây nhẹ trôi/ Phóng mắt ngắm núi sông muôn dặm” (Vua Lê Thánh Tông)…
NGUYỄN QUANG THIỀU
Theo Báo Phụ Nữ Chú Nhật