Đọc cuốn sách này để thấy cái chất đầy thi vị của việc dịch chuyển. Để thấy 'Đi' vừa là một hành trình cảm nhận trời cao biển rộng, vừa là cách để lắng nghe con tim và tâm hồn ta lên tiếng.
Cũng giống như Jack London, người từng chọn hành trình vượt hơn 16.000km xuyên nước Mỹ, chuyến “đi tìm nước Mỹ” ở tuổi 58 của John Steinbeck phần nào “bù đắp” ước mơ vượt Thái Bình Dương vào năm 20 tuổi của ông.
Tác giả của hàng loạt tác phẩm nổi tiếngPhía Đông vườn địa đàng, Chùm nho phẫn nộ, Thị trấn Tortillat Flat... đã đặt cho chiếc xe của mình cái tên Roxinante (tên con ngựa của nhân vật Don Quixote trong tác phẩm của đại văn hào Cervantes). Nhà văn tưởng tượng, cuộc hành trình ít ra sẽ giống Don Quixote, “kẻ cho rằng có cái gì đó vừa chính đáng và hợp lý, vừa để gia tăng danh tiếng của mình vừa để phục vụ quốc gia trong việc trở thành hiệp sĩ chu du khắp thế giới để tìm kiếm cho mình những cuộc phiêu lưu”.
John Steinbeck bắt đầu chuyến đi từ New York, xuyên qua đồng bằng miền Trung, qua bờ Đông, đi dọc bờ Tây, đi xuyên qua các tiểu bang, đến vùng núi Montana... Từ những thị trấn huyên náo đến những vùng làng mạc xa xôi, ở những nơi cuộc sống chộn rộn đầy tiếng người đến những vùng đất chỉ một mình nhà văn đứng lặng lẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp mặc khải của thiên nhiên.
Một cách tự nhiên, ông dẫn dắt người đọc đi vào cuộc phiêu lưu cùng mình với sức hút không thể cưỡng lại. Từ khoảnh khắc ông quyết định đi xuyên nước Mỹ, thời gian chuẩn bị và cả phút giây ông lo ngại, chần chừ trước những lời đe dọa về mức độ nguy hiểm có thể gặp phải trên đường đi, John Steinbeck khiến cho người đọc cũng phải phấn chấn, hồi hộp, chờ đợi và lo lắng. Như thể hành trình đó không còn là của riêng ông, mà là niềm đam mê đã lan truyền sang người đọc ngay từ phút dạo đầu bằng những con chữ đầy cuốn hút.
Điều thú vị là John Steinbeck không đi theo trục đường chính.
Ông tránh xa những nơi đông đúc, đường đi thuận tiện mà lại chọn những cung đường xa xôi, ít người đi, hiểm trở. Chính vì vậy, hành trình nước Mỹ của ông cũng giống như một “tour vòng cung” với đầy những khám phá bất ngờ. Bất kỳ hình ảnh nào, về thiên nhiên và con người trên hành trình vạn dặm cũng đều được John Steinbeck ghi lại một cách cụ thể và sống động.Tôi, Charley và hành trình nước Mỹgiống như một cuốn nhật ký vĩ đại về xứ sở này những năm thập niên 60.
Ngòi bút của ông miêu tả những điều gần gũi, bình dị của cuộc sống và cũng rất biết cách kích thích trí tò mò, phiêu lưu của độc giả khi xen lẫn trong những mẩu đối thoại chân phương, mộc mạc với người bản địa. Người đọc cùng ông đến những khu rừng hoang sơ, những ngọn núi kỳ vĩ, những màu sắc được trộn lẫn bởi thứ ánh sáng kỳ diệu của đất trời. Cả quá khứ và hiện tại cũng đan lồng, gợi nhớ tương tác trong những cuộc đối thoại vô chừng và đầy bất ngờ suốt dặm dài lang thang của nhà văn.
Nhà phê bình Jay Parini, trong phần giới thiệu tác phẩm, đã viết: “Điều khiếnTôi, Charley và hành trình nước Mỹtrở nên dễ tiếp cận với ngay cả những người đọc bình thường nhất là sự gợi tưởng khéo léo về một thế giới tự nhiên, với những sắc màu và cảm nhận bề mặt của những chiếc lá, mùi đất nồng nàn, mùi nước mưa trên những vỉa hè, những tia nắng sắc ngọt xuyên chiếu qua những đám mây như những hàng cột. Hầu như trang nào trong cuốn sách cũng đều thấp thoáng một vài hình ảnh thiên nhiên trong sáng”.
Và cuộc dấn thân này, ngoài những sự kiện, con người hiện hữu và trở thành minh chứng lịch sử, chính khát vọng khám phá, bản lĩnh đương đầu và sáng tạo trong những góc nhìn đầy nhân văn của John Steinbeck tạo nên giá trị lâu bền nhất, đủ để tác phẩm có sức sống vượt thời gian.
Tất nhiên, nhà văn cũng đã phải “trả giá” cho cuộc viễn du của mình bằng “sự tê liệt, vô tri giác” vào đoạn cuối hành trình.
“Con đường trở thành dải băng dài bất tận, những ngọn đồi trở thành chướng ngại, những ngọn cây xanh mờ nhạt đi, con người đơn giản hơn trở thành những sinh vật biết di chuyển, tuy có đầu nhưng không có khuôn mặt. Và thức ăn dọc đường đều giống như món súp, giường tôi không được dọn. Tôi chui vào đó đánh những giấc ngủ dài với những độ cách quãng khác nhau. Lò sưởi không được bật và một ổ bánh mì mốc meo nằm trong tủ tôi. Những dặm đường cứ lăn qua bên dưới một cách vô tri giác. Tôi biết trời đang lạnh nhưng không cảm giác lạnh. Tôi biết đồng quê rất đẹp nhưng tôi không thấy gì. Tôi quờ quạng lủi xuyên qua Tây Virginia, lao vào Pennsylvania, lôi Roxinante vào đường cao tốc. Không đêm, không ngày, không khoảng cách…”, nhà văn đã viết trong sách như vậy.
Nhưng tất cả những điều đó, kỳ lạ thay, lại có sức mạnh thôi thúc người đọc muốn lên đường, dấn thân vào một trải nghiệm vĩ đại như chính nhà văn. Đi, để thấy trời cao biển rộng, để hiểu đất nước mình, thời đại mình và những giá trị đẹp trong bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. John Steinbeck để lại trong lòng độc giả tất cả những cảm giác, cảm nhận mà ông đã trải qua trên hành trình đi xuyên nước Mỹ. Khi khép lại chương cuối cùng của cuốn sách, ta thấy tiếc nuối như thể phải dừng lại cuộc hành trình đầy thú vị của chính mình.
Tiểu Quyên
(Nguồn: evan.vnexpress.net)