“Việt
Ông Trần Đình Việt - trưởng ban tổ chức cuộc thi sách vàng - có những hình dung lạc quan về cuộc thi lần này.
Ông nói: Hội sách TP.HCM, ngoài mục đích bán sách và thăm dò thị trường, còn là nơi giao lưu giữa người viết sách và người đọc sách, người làm sách và người mua sách. Sắp tới thành phố sẽ là nơi tổ chức hội sách chuyên nghiệp, trong đó, cuộc thi “những cuốn sách vàng” là sáng kiến độc đáo của hội sách, nhằm tôn vinh những người quý sách, và biết chơi sách quý.
* Thưa ông, nghe đến cuộc thi Những cuốn sách vàng, người ta lại nghĩ ngay đến các bản sách đặc biệt, nhưng cuộc thi, đã 2 lần rồi, lần thứ ba này có gì đặc biệt hơn không?
- Đặc biệt hơn là chúng tôi đã tìm được tài trợ để nâng giá trị giải thưởng lên cao hơn hai lần trước. Và lần này thành phần ban giám khảo cũng được chuẩn bị sâu hơn, hy vọng là những cuốn sách đoạt giải cũng sẽ là các hiện vật quý giá xứng đáng trưng bày tại hội sách để bà con thưởng lãm.
* Ban tổ chức có ngại rằng: một ngày kia sách vàng sẽ “cạn” và việc không đổi mới thể lệ sẽ khiến cuộc thi thiếu mất vẻ phong phú?
- Đây là điều chúng tôi đã nghĩ. Nhưng chúng ta mới tổ chức 3 lần, sách vàng chưa cạn đâu. Chúng tôi còn đang hy vọng sẽ có nhiều người chơi “sách độc” sẽ xuất hiện trước công chúng. Và trong tương lai thì nội dung cuộc thi sẽ có cải tiến nhiều. Ví dụ các khái niệm về “sách”, “sách quý” sẽ được mở rộng ra.
Tôi thấy có một số văn bản không phải là sách nhưng cũng rất giá trị, rất xứng đáng tôn vinh, như các bút tích của nhân vật nổi tiếng, các tư liệu gốc của những gia đình tộc họ lớn có giá trị lịch sử… Nguồn này nếu khai thác mở rộng sẽ rất phong phú và cũng rất có giá trị.
* Mục đích cuộc thi là để vinh danh những người chơi sách cổ, nhưng sau khi họ “xuất đầu lộ diện”, liệu có thể phát triển thành một sinh hoạt văn hoá mang tính phổ quát hơn?
- Ý định của chúng tôi là ghi nhận sự tồn tại của những bộ sách quý trong nhân dân, nhưng sâu xa hơn, chính những người chơi sách quý sẽ hình thành một thị trường sách quý. Ở đó sẽ có hoạt động đấu giá sách, chuyển nhượng sách, giao lưu học tập và có thể mở ra nhiều nguồn tư liệu cho giới nghiên cứu tiếp cận. Thực ra, lâu nay ở ta chưa công khai các hoạt động này nhưng hiện đã có một thị trường sách quý hoạt động âm thầm.
* Rõ ràng cuộc thi có giá trị, nhưng sao sự đổi mới không bắt đầu từ lần này?
- Năm nay có cái khó là nếu phát động trước tết thì ngại rằng bạn đọc sẽ quên, còn sau tết thì lại gần đến ngày tổ chức hội sách, thời gian không nhiều. Đúng là cũng nên mở rộng khu vực dự thi, tôi nghĩ ở Huế và một số tỉnh thành khác cũng có thể còn nhiều bộ sách quý mà vì nhiều lý do người ta chưa dự thi.
Nhưng khó khăn khách quan còn ở chỗ kinh phí cho cuộc thi vốn eo hẹp. Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi sẽ đổi mới một số nội dung, chẳng hạn sẽ tổ chức cho người dự thi viết về những câu chuyện cảm động gắn với việc sở hữu bản sách quý, hoặc là có nội dung thi về một bản sách quý nhưng in qua các thời kỳ….
Cuộc thi sách vàng là dịp tìm hiểu, chia sẻ với cộng đồng những bộ sách xưa, quý, phản ánh ngôn từ của dân tộc thuở trước, phản ánh tinh thần giáo dụcvà cả trình độ in ấn của người xưa. Đây là thái độ trân trọng văn hoá, sách gắn liền với đời sống con người. Người xưa có câu “Tàng thư như tàng kim” (trữ sách như trữ vàng) là vậy!
(Theo Tuổi Trẻ,