Có một mùa hè mà tất cả những người Việt Nam dù Nam hay Bắc đều không thể nào quên: mùa hè 1972 ở Quảng Trị, bỏng rát những vết thương chiến tranh. So với Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam, Một thời hoa lửa bổ sung cái nhìn cận cảnh về sự khốc liệt của chiến tranh từ một góc độ khác. Rất đông những người lính lên đường mùa hè 1972 ấy là những thanh niên ưu tú từ 30 trường đại học - cao đẳng của Hà Nội: gần 10.000 sinh viên và cả giảng viên trẻ. |
"Qua hết sông, cô giao liên mới nói: "Đây là sông Bến Hải. Từ giờ trở đi, các anh đã đặt chân lên đất miền Nam". Sững người vì câu nói đó chúng tôi quay ngay lại dòng sông: thằng thì trầm mình, thằng thì vục mặt vào dòng nước mát lạnh đó, có thằng quỳ sụp dưới nước đầu hướng về bờ bắc vái lấy vái để... Sông Thạch Hãn đây rồi ! Chúng tôi vừa nhảy xuống những đoạn hào dọc theo sông thì chớp lóe ngay trên đầu, không hề nghe thấy tiếng nổ nhưng lồng ngực muốn vỡ ra... Mặt đất dưới chân rung chuyển, vách hào nơi chúng tôi phủ phục ép lại đẩy chúng tôi lên, khói đen, bụi đất che phủ hết thảy. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là B52 dội trúng đội hình...". Đó là ký ức của Lê Xuân Tường, sinh viên (SV) Đại học( ĐH) Xây dựng, chiến sĩ sư đoàn 325, ngày đầu tiên ở chiến trường. "Bộ đội ta dùng ni lông cho tất cả ba lô vào buộc chặt lại làm phao, súng cho lên trên. Các chiến sĩ ta chỉ mặc quần đùi bơi sang sông để tiếp tục cầm súng bổ sung. Có những đồng chí chưa bơi qua được sông thì hy sinh. Đồng chí trẻ đi với tôi, tâm sự chuyện quê hương với tôi, lúc bơi đến giữa dòng sông bị trúng đạn, chỉ kịp kêu "Mẹ ơi mẹ, cứu con!" rồi bị trôi theo dòng nước..." (Lời kể của chiến sĩ thông tin Đồng Mạnh Mức). "Gọi là tiểu đoàn nhưng cũng chỉ bằng một đại đội, mỗi lần bổ sung giỏi lắm được 100 người. Tiểu đoàn có mươi tay súng thì toàn cán bộ đại đội trở lên... Có khi vào một tháng đã làm đại đội trưởng vì anh em hy sinh hết cả" (Nguyễn Đức Minh, SV luyện kim, ĐH Bách khoa, chiến sĩ SĐ 325).
"Quân số trong thành thực ra chưa bao giờ vượt quá con số 2.000, hy sinh thương vong lại bổ sung vào, chọi với hàng vạn địch... Khi anh em đến bờ sông Thạch Hãn, yêu cầu họ cởi quần áo ra, lội qua sông sang thị xã đánh nhau. Khi ấy ở bên này thị xã hai bên bom đạn kịch liệt, lúc nào cũng khói mịt mù. Trông sang thấy cảnh tàn phá như thế, thì việc anh em sẵn sàng nhảy xuống qua sông để sang chiến đấu, dù có khi không biết bơi phải bám bè chuối hay phao túi ni lông mà qua, chứng tỏ tinh thần của anh em đã được quán triệt cao độ..." (Đại tá Nguyễn Hải Như, tham mưu trưởng trung đoàn 48 SĐ 320B).
Vì sao các cựu chiến binh lại nói nhiều về hy sinh, mất mát? Bởi đây là cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ, hai thời đại: những người đã kinh qua cái chết nói với những người sinh ra trong hòa bình, không thể hình dung hết những gì từng xảy ra trên đất nước, cho dân tộc mình. Mỗi ngày phải hứng chịu một vạn rưỡi quả pháo, mỗi trận pháo kéo dài hơn 4 giờ, mỗi phút 48 quả, chưa kể B52, họ ý thức rõ điều gì có thể đến với mình. Ngày 1.9.1972, Lê Văn Huỳnh, sinh viên ĐH Xây dựng đã viết sẵn một lá thư, gửi cho vợ, mẹ và anh chị, để nói về cái chết của chính mình. An ủi mọi người về nỗi đau mà mình để lại, anh còn tỉ mỉ chỉ đường và dặn dò "khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về". Anh hy sinh ngày 2.1.1973, và phải đến 2002 mới đưa được hài cốt anh về Thái Bình.
Điều vẫn đau đáu trong lòng những người lính cho đến tận ngày nay chính là sự hy sinh của đồng đội: "Đêm 13.9.1972, hai gã lính trinh sát chúng tôi được lệnh ngụy trang tìm cách vượt qua sông lấy tin. Lên được bờ, chui xuống hai tầng hầm sâu, chúng tôi gặp được ban chỉ huy trung đoàn bảo vệ thị xã. Dưới hai tầng hầm sâu là những căn hầm nhỏ. Xung quanh tôi la liệt thương binh không đưa được qua sông. Đây là đêm cuối cùng chúng tôi qua được thành, có những giây phút thiêng liêng với những người lính cuối cùng sống chết cùng thành cổ..."( Hồ Tú Bảo, SV Toán ĐH Sư phạm 2, SĐ 325). Khi chiếm được thành cổ, quân đội Sài Gòn đã cho bơm nước vào tất cả hầm ngầm.
Thành cổ Đinh Công Tráng được xây từ năm 1823, chu vi 2.160 mét, tường thành cao 4 mét, dày đến 12 mét, sau 81 ngày đêm chỉ còn là đống gạch vụn, với hơn một vạn liệt sĩ đã gởi tuổi trẻ mình lại đó... Những sự thật chiến tranh này, dù đau đớn đến mấy, vẫn phải được công bố, để có thể an ủi những người đã ngã xuống. Sự hy sinh của họ không vô ích. Hòa bình đã đến, đất nước đã thống nhất, và những thế hệ sau đã không phải đánh mất tuổi thanh xuân cho chiến tranh, như họ.
(Theo nguồn www.thanhnien.com.vn)