Tôi xin phép được gọi chú là chú, dù không có họ hàng, và cũng chưa từng quen biết nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác chú đã thân quen với tôi từ rất lâu rồi, từ một ngày xưa rất là xưa, từ cái lần đầu tiên tôi đọc truyện của chú, ấy là 15 năm về trước…
Tôi đã từng chia sẻ với rất nhiều
người là tôi thích truyện của chú lắm lắm, nhưng chưa bao giờ tôi nói hết những
cảm xúc của tôi về truyện của chú được. Tôi sợ người ta bảo tôi già đầu mà còn níu
kéo tuổi thơ, haizzz! Nhưng hôm nay tôi muốn viết, viết cho hết một lần tình
yêu của tôi, một mặt nào đó cũng là tuổi thơ và tuổi thơ kéo dài của tôi. Mà
khi bắt đầu viết thì mọi cảm xúc trong tôi cũng cứ rối loạn hết vào nhau, chẳng
biết bắt đầu từ đâu nữa. Tôi vốn không phải đứa giỏi Văn, dốt nữa là đằng khác,
thường xuyên ta bắt gặp cái ta mong muốn lại là những cái mà ta không làm được,
vì thế nó mới được gọi tên là “mong muốn” hay văn hoa hơn là “mơ ước”…
Lần đầu
tiên tôi đọc truyện của chú, 15 năm về trước trong thư viện trường, đó là tập Con mả con ma. Thư viện trường tiểu học
lúc ấy cũng chỉ có một tập Kính vạn hoa
duy nhất. Đấy là lần đầu tiên tôi đọc truyện thiếu nhi Việt Nam - ngoài truyện
cổ tích. Hồi đấy tôi thích TKKG và Sáu người bạn đồng hành lắm, anh họ tôi
trên Hà Nội cho tôi một đống, và tôi cứ đọc đi đọc lại mãi thôi. Mà đọc truyện
của chú thích hơn hẳn, đầu tiên vì nhân vật là người Việt Nam, địa danh cũng là
tiếng Việt, đọc và nhớ những cái đó dễ hơn nhiều so với việc đọc danh từ tiếng
nước ngoài, mà thực ra đến bây giờ tôi cũng chẳng khá hơn hồi đó – đơn giản là tôi
vẫn chẳng biết đọc một từ tiếng Đức nào cả. Truyện của chú lại viết về học
sinh, lại còn buồn cười, hồi đó tôi chỉ thấy buồn cười thôi, mặc dù sau cái
ngày đó 15 năm nghĩa là cho đến bây giờ ngày nào tôi cũng đọc một tập Kính vạn hoa trước khi đi ngủ và dần dần
nhận ra những lý do khác nữa để thích truyện của chú mà ở cái tuổi tiểu học tôi
chưa nhận thức được.
Thế
là tôi tập tành đi thuê truyện, mà để thuê được truyện thì phải có tiền, và thế
là tôi tập nhịn ăn sáng. Đấy là nguồn thu duy nhất của hầu hết bọn trẻ con
chúng tôi thời bấy giờ, mà trẻ con thì có ăn mấy, nên nhịn ăn sáng cũng không
phải là điều to tát lắm. Nhờ thế tôi có tiền thuê truyện, và tôi được đọc thêm
bao nhiêu là tập Kính vạn hoa khác. Mãi
như thế cho đến năm lớp 10, được lên Hà
Nội học, tôi mới được biết đến những quyển
truyện khác của chú, bộ 23 truyện dài xuất bản hồi đấy. Nhưng ở hàng cho thuê
truyện thì không có những quyển đấy, họ chỉ có truyện tranh thôi, hoặc truyện Harry
Potter. Tất nhiên là tôi có đọc truyện tranh, và có đọc cả Harry Potter nữa, tôi
cũng giống những đứa trẻ bình thường thôi - là không thể không bị những cái đó
quyến rũ được… Và tôi cũng biết để dành tiền mua dần bộ truyện 23 quyển của chú nữa. Quyển đầu tiên tôi mua
là quyển Cô gái đến từ hôm qua, và
bây giờ nó vẫn là quyển tôi thích nhất trong 23 quyển đó dù sau này tôi đã sụt
sịt rất nhiều khi đọc Mắt biếc, hay Thiên thần nhỏ của tôi…
Đấy là những kỉ niệm đầu
tiên khi bắt đầu đọc truyện của chú. Càng viết tôi lại càng muốn viết nhiều, mà
viết thế chẳng biết có ai đủ kiên nhẫn đọc không nữa. Cho nên, cuối cùng tôi chỉ
muốn cảm ơn chú, cảm ơn những câu chuyện của chú, đó là cây cầu nối dài mãi tuổi
thơ của tôi. Tôi biết là tôi lớn rồi, tôi cũng có những suy nghĩ đúng là người
lớn chứ, nhưng một phần trong tôi có lẽ sẽ không bao giờ chịu lớn, nhưng tôi cảm
nhận nhờ có phần đó mà tôi sống tốt hơn, lúc nào cũng cố gắng làm một người tốt,
và bớt đi cảm giác tiêu cực với cuộc sống bon chen hiện nay, và tôi sẽ cứ hy vọng
vào những con người như Quý, Hạnh, Tiểu Long, hay cứ tin tưởng vào truyện Cóc tía như thằng Tường vậy.
À dù đã cuối cùng rồi, nhưng còn điều cuối cùng nữa, khi đọc Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, tôi cứ tưởng tượng ra cảnh chú ngồi cắm cúi cả ngày rình theo con mèo, rồi con chuột, có khi còn bắt chuột về chơi thử ấy chứ. Không biết chuyện đó có không. Mà quyển đó của tôi cũng được chú ký tên đấy, chú còn khen hai câu thơ tôi viết vào bìa quyển truyện là “ủa, thơ dễ thương vậy” nữa cơ, chắc chú quên rồi. Nhưng chỉ cần tôi nhớ là tôi vui rồi. Tôi chúc chú mạnh khỏe dài dài, và viết thật lâu nữa. Để tôi đọc này, rồi con cháu tôi đọc nữa. Lúc ấy thì vui phải biết nhé!!!
ĐỖ NGỌC TÂN (Thái Bình)