Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Park Tae Joon - Ngước nhìn mặt trời - Phần 5
Cập nhật ngày: 04/02/2010

Tháng Bảy năm 1945, Park Tae Joon muộn màng rời khỏi Tokyo. Đó là cuộc sơ tán theo lệnh tản cư. Dân số Tokyo từng lên tới 6,87 triệu người lúc mới bắt đầu chiến tranh đã giảm xuống chưa đến 2,5 triệu người bởi sự hụt đi đột ngột do lớp người tản cư và sự gia tăng không ngừng của số thương vong. Park Tae Joon gói ghém hành trang di tản đến một làng quê miền núi hẻo lánh thuộc huyện Gunma nằm cách Tokyo khoảng 400 dặm về hướng Đông Bắc. Một ngôi làng nhỏ bé có núi non trùng điệp bao quanh bốn bề. Cho dù có con đường sắt chạy ngang qua dưới chân núi, đây vẫn là một nơi máy bay B29 không thèm để mắt đến.

Huyện Gunma, nơi Park Tae Joon từng lưu dấu một quãng đời tuổi trẻ là đất địa linh nhân kiệt, như nuôi dưỡng nhân tài bằng tinh khí của thế núi hùng vĩ. Trong nửa cuối thế kỷ 20 sau chiến tranh, nơi đây đã liên tiếp sản sinh ra ba vị thủ tướng Nhật Bản. Đó là Fukuda, Nakasone, và Obuchi. Những người này cùng với Park Tae Joon về sau đã kết tình bằng hữu đặc biệt và mật thiết.

Lúc này, phương tiện để Park Tae Joon hướng ra thế giới là một cái radio. Chết trong sạch1, mổ bụng tuẫn tiết, hoàng đế Thiên Hoàng vạn tuế... Những từ ngữ ấy vẫn thường xuyên được xướng lên. Trong tai Park Tae Joon, nó giống như tiếng gào thét báo hiệu sự đầu hàng của Nhật Bản đã đến gần trước mắt.

Đó là ngày 6 tháng Tám, Park Tae Joon đang chịu đựng cơn đói cùng cái nóng để đào hầm trú ẩn. Đã quá 11 giờ một chút, một sinh viên Nhật Bản đang xúc đất từ phía bên cạnh tiến đến gần cậu.

“Sáng hôm nay ở Hiroshima “chú B” đã ném xuống một loại bom mới. Người ta nói cả Hiroshima đã biến mất.”

Park Tae Joon đặt cái xẻng xuống. Từ cái hầm hãy còn đang được đào dang dở, dường như có một luồng gió xoáy bốc lên. Loại bom mới, quả bom nguyên tử mà chiếc B29 của Mỹ thả xuống Hiroshima; sự nguyền rủa thảm khốc nhất của thế kỷ 20 mà nền khoa học của loài người đã giáng xuống chính loài người vốn không thể sửa đổi thói quen hiếu chiến ấy, đã bay đến tai Park Tae Joon như thế. Từ lúc đó đến chưa đầy một tháng sau, có một Hiroshima mà Park Tae Joon đã đến, đã trực tiếp chứng kiến bằng chính mắt mình.

Hiroshima từ 7 giờ sáng của ngày 6 tháng Tám đã rất tất bật. Những toán dân vệ cùng học sinh, sinh viên hối hả tập trung cưỡng chế, phá dỡ nhà dân nhằm thực hiện đối sách phòng vệ thành phố. Tất cả hoàn toàn không hay biết gì cho một sự kiện chưa từng có sắp sửa xảy ra chỉ một giờ sau đó.

Hai chiếc máy bay quan sát khí tượng và một chiếc B29 của quân đội Mỹ từ phía Đông Bắc vừa tiếp cận không phận thành phố. Còi báo động hụ lên khẩn cấp. Đúng 8 giờ 15 phút. Quả bom được thả từ trên không ở độ cao 9.600 mét so với mặt biển chỉ trong 45 giây đã làm lóe lên một quầng sáng chói trên bầu trời Hiroshima. Khối mây hình nấm khổng lồ cuộn lên, một khoảng thời gian thinh lặng rất lâu trôi qua. Thời gian của sự thinh lặng “rất lâu” đó lại là thời gian ngắn hơn một sát-na nếu xét về mặt gây ra thảm họa đại tai ương giết chết biết bao nhiêu người và biến không biết bao nhiêu thứ thành tro bụi. Có người dù vậy vẫn sống sót để làm nhân chứng cho con số thống kê của sự thảm sát đồng loạt trong “sự thinh lặng ngắn hơn một sát-na” đó. Trong khoảng hơn 343 ngàn thường dân, chỉ phút chốc số người mất tích hoặc tử vong là 78 ngàn người, số người bị bỏng hoặc bị di chứng vì nhiễm chất phóng xạ lần lượt chết đi trong năm năm sau đó là 240 ngàn người... Tên của chiếc B29 chở quả bom nguyên tử là Enola Gay. Thật lố bịch khi người phi công lại đặt cho nó tên của chính mẹ mình. Cái tên của một kẻ sát nhân ma quái chưa từng thấy.

Lời đồn thổi về thảm cảnh Hiroshima như lớp sương mù của nỗi hoảng sợ đã lan tỏa đến cả làng quê miền núi hẻo lánh ở huyện Gunma. Ba bốn ngày trôi qua nhưng sương mù vẫn chưa tan đi. Ngày 9 tháng Tám lại đến. Nhật Bản vẫn đang ngập ngừng lời tuyên bố đầu hàng nên từ sáng sớm đã phải tiến hành đào “hố cho cái chết trong sạch”. Vào chiều ngày hôm đó, lại một tin xấu lan truyền khắp nơi khiến Park Tae Joon phải kinh hoàng. Loại bom mới một lần nữa lại rơi xuống Nagasaki. Nagasaki là nơi có gia đình bác cả đang cư trú. Park Tae Joon nhắm mắt. Từng gương mặt của những thành viên trong gia đình bác cả như hiện lên mồn một. Cũng như lời đồn thổi từ Hiroshima, dường như trong chớp mắt, tất cả đều chết trong sắc diện thật khủng khiếp.

Nagasaki, thành phố sầm uất trong hoạt động giao thương với nước ngoài từ sau khi mở cửa cảng vào năm 1571, được dán tem là một đô thị ngoại lai, tạo nên bởi những bến cảng và đồi núi. Nơi đây nổi tiếng với bậc thang đá “Oranda Saka” (tên một con đường đồi ở Hà Lan). Người dân Nagasaki gọi Hà Lan là “Oranda”. Thành phố từng được lấy làm bối cảnh cho vở nhạc kịch Opera “Nàng bướm” của Puccini này được xem là một Napoli của phương Đông, hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Thật bất hạnh khi ở thành phố xinh đẹp như vậy lại có một nhà máy đóng tàu và một cơ xưởng chế tạo vũ khí của Mitsubishi. Thành phố đã sản xuất chiến hạm, vũ khí được huy động cho cuộc tập kích Trân Châu cảng, cũng như chế tạo 80% lượng ngư lôi này được xem như một sự xấc láo đối với Mỹ.

Ngày 15 tháng Tám, Park Tae Joon hồi hộp ngồi trước chiếc radio của vùng quê miền núi chờ đợi đến giờ chính ngọ. Được biết sắp có một tin tức trọng đại, lồng ngực Park Tae Joon như muốn vỡ tung trong niềm dự cảm chắc chắn rằng Nhật hoàng sẽ tuyên bố đầu hàng. Chuông hiệu điểm chính ngọ đã vang lên. Quả nhiên, Nhật hoàng đã xuất hiện trên sóng radio. Bằng giọng nói run run, Hirohito tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện”. Ông nhắn nhủ thần dân của mình rằng “Hãy kiên nhẫn cái gì không thể kiên nhẫn, hãy chịu đựng cái gì không thể chịu đựng!”. Nhưng điều Park Tae Joon không thể kiên nhẫn, không thể chịu đựng được là một niềm sung sướng trào dâng từ tận đáy lòng. Vì ở trên đất của người Nhật Bản, trong nhà của người Nhật Bản nên niềm hạnh phúc không thể nhảy cẫng lên để reo hò đó đã chảy thành đôi dòng nước mắt không thể kiềm nén, không thể chịu đựng hơn nữa.

Cậu chạy ra ngoài sân. Ánh mặt trời đang chiếu thẳng xuống đất. Park Tae Joon ngước mặt lên nhìn trời. Từ thinh không, nơi hai quả bom nguyên tử đã từng được thả xuống chỉ có ánh nắng chói chang chiếu rọi. Đúng thời khắc đó, tại ngôi làng ở quê hương của cậu, sự kiện này được gọi là “Quang phục”, nghĩa là “Giành lại ánh sáng”.

Qua Hiroshima đến Nagasaki

Park Tae Joon trở lại Tokyo. So với ngày ra đi, Tokyo bị tàn phá nặng nề hơn. Thế nhưng điều kỳ diệu mà cậu từng chứng kiến vào buổi sáng sau trận đại không kích hồi tháng Ba vẫn ở đó. Căn hộ nhỏ nơi đang cất giữ đồ đạc của cậu vẫn y nguyên. Bà chủ nhà cũng không hề hấn gì. Cụ bà đầy tình cảm thường nhấn mạnh việc học hành đó rưng rưng nước mắt.

“Nhật Bản đã đầu hàng nhưng Triều Tiên thì tốt rồi.”

Park Tae Joon giữ im lặng.

“Bây giờ cháu đi phải không?”

“Vâng, trước tiên cháu sẽ phải về thăm bố mẹ ạ.”

Đã lâu mới bước vào căn phòng còn vương hơi hướm của bản thân, Park Tae Joon thoáng giật mình. Một đống quà đang chờ đợi cậu. Thịt cua hộp cùng đủ loại bánh. Bà chủ nhà đã giữ lại từ những khẩu phần tiêu chuẩn được cấp phát trong thời chiến. Cảm động trước tấm lòng chính trực của bà cụ, Park Tae Joon nghĩ đến việc cần mở một bữa tiệc. Một bữa tiệc mừng chung cho kết thúc chiến tranh, cho Nhật Bản đầu hàng, và cho một Triều Tiên đã được giải phóng.

Park Tae Joon trở lại Iyama. Mọi người trong gia đình đều bình an vô sự. Thế nhưng nét mặt của cha mẹ trông thật ủ dột. Không có tin tức nào từ gia đình bác cả ở Nagasaki nên lòng họ như lửa đốt. Không hành lý, chỉ chuẩn bị mỗi kinh phí, Park Tae Joon đến sân ga. Dù không biết đi đến Nagasaki xa xôi sẽ mất bao nhiêu ngày nhưng là con trai trưởng, cậu cần phải biết được sự sống còn của gia đình bác cả. Con tàu đông nghẹt những binh lính của quân đội Hoàng gia từ bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu, Trung Quốc, Đông Nam Á... hàng nối hàng trở về trong bộ dạng của những kẻ thất trận đã cùng kiệt sức lực. Phải chăng cũng vì bại trận mà đến cả con tàu cũng trở thành một kẻ lề mề không còn chút sức lực. Nó chạy suốt một ngày, một đêm, lại thêm một buổi nữa. Rồi tàu cũng vào Hiroshima. Những hành khách nhao nhao thò đầu ra ngoài.

“Loại bom mới đó đã làm gì sao?”

Nghe lời nói vô tâm đó, Park Tae Joon hướng mắt nhìn ra ngoài cửa sổ con tàu. Ở đó, mọi thứ hầu như vẫn nguyên trạng. Những thảm cảnh mà cậu đã nghe qua lời đồn thổi. Đoạn đường ray bị uốn cong như một thanh kẹo kéo còn nguyên trên mặt đất, tất cả những tòa nhà biến thành những thứ đen đúa, xấu xí. Những thân cây bị gãy, bị cháy đen nhẻm. Trên mảnh đất chết chóc quái dị, có hai chiếc xe tải lành lặn đậu lại đó. Những người phu bịt miệng bằng khẩu trang đứng ngay sau đuôi xe tải và chầm chậm xúc.

“Đang mùa hè mà mấy người đeo mặt nạ kia làm gì vậy nhỉ?”

“Thây người đấy. Họ đang chất thi thể của những người bị loại bom mới thiêu cháy lên xe tải đấy mà.”

Đó là những lời đối thoại qua lại phía sau lưng cậu.

Sân ga Hiroshima, nơi những xác chết cháy đen đang được xúc lên xe tải. Chừng đó thôi mà cậu đã thấy phát ớn đến mức muốn đổi ngay một chuyến tàu khác để quay lại. Nếu đến Nagasaki thì chắc những người trong nhà bác cả cũng thê thảm như vậy thôi.

“Ôi! Trời ơi!”

Vừa đến khu nhà bác cả, Park Tae Joon đã hét lên. Đó không phải là tiếng kêu la, nó là tiếng reo vui. Những thành viên nhà bác cả đều bình an vô sự ở Nagasaki. Dù họ đã ở Nagasaki vào cái ngày quả bom nguyên tử được ném xuống nhưng người, nhà, và cả cây cối trong vườn tất thảy đều sống sót.

Hơn 73 ngàn người chết, hơn 76 ngàn người bị thương, hơn 13 ngàn căn nhà bị cháy rụi, hơn 5 ngàn căn nhà bị hư hại, hơn 2.512.408.000m² đất bị thiêu cháy. Thoát khỏi cơn đại tai ương quá bất ngờ của lò luyện địa ngục mà không bị sứt mẻ dù chỉ một cọng tóc, gia đình bác cả định bụng sẽ ở lại Nhật Bản.

Nghe tin gia đình anh trai quyết định ở lại Nhật Bản, Park Bong Kwan gói ghém đồ đạc trở về quê hương. Park Tae Joon nghe theo quyết định của cha. Đại học thì cậu chỉ bảo lưu kết quả học tập. Đứa bé mùa thu năm 1933 từng nắm tay mẹ leo lên chiếc phà Phủ Quan mười hai năm sau đã trở thành một chàng thanh niên vượt Huyền Hải Than trở về cố quốc.

Trở về quê hương, trở về đất mẹ... Trước những từ ngữ xao xuyến ấy, Park Tae Joon tự ngẫm về mình một cách kỹ lưỡng. Bỗng dưng, cậu cảm thấy đâu đó có một góc lòng trống rỗng. Điều gì sẽ chờ đợi cậu ở mảnh đất đã rời xa hơn mười hai năm đây? Nhưng cậu đã không thở dài. Trở về với quê hương đã được giải phóng, Park Tae Joon tự nghĩ nếu nơi nào còn có mảnh đất gieo hạt thì nơi đó còn có hy vọng.

Tuy vậy, cậu đang nắm giữ những vốn liếng quý giá mà chính bản thân cậu còn chưa hề nhận biết. Đó là kiến thức toán học, khoa học, khả năng tiếng Nhật thông thạo, sự thấu hiểu văn hóa Nhật Bản... Tổ quốc giải phóng đã tìm đến khi cậu đã qua thời kỳ niên thiếu, với ý thức dân tộc vẫn được gìn giữ như vùng đất nguyên sơ thuần khiết, một thân thể khỏe mạnh thoát được bộ quân phục màu vàng và tránh được mọi bom đạn rải thảm mà không chút mảy may thương tích nào dù chỉ một đầu móng tay.

Nếu ý thức dân tộc đọng lại một cách thuần khiết trong tâm hồn của người thanh niên non trẻ vừa tròn 18 tuổi được chuyển hóa thành lòng yêu nước hướng về Tổ quốc thì những vốn liếng đã tích lũy mà chính bản thân cậu cũng không hay biết kia sẽ là những gì rất hữu dụng cho thời kỳ kiến quốc.

Người thanh niên tìm kiếm lối đi

Bãi cát trắng chói chang, biển khơi xa lấp lánh xanh biếc, con suối nhỏ trong veo tình tứ, những mái nhà cỏ lô xô... Làng chài lý Im-rang ở cực Nam biển Đông vẫn còn nguyên dáng dấp của mười hai năm trước chập chờn trong ký ức của Park Tae Joon. Hàng không mẫu hạm, chiến hạm, ngư lôi, chiến đấu cơ, lò nung kết, nhà máy chế tạo sắt thép, vũ khí... không thể tìm thấy trên quê hương những hình ảnh của sự hiện đại mà cậu từng nghe, từng thấy ở Nhật Bản. Vẫn chưa có điện nơi đây. Duy chỉ có hai cây thông biển giờ khác hẳn nổi bật lên trong mắt cậu. Như bản thân cậu từ một đứa trẻ ngày nào nay đã trở thành một thanh niên, cây thông biển cũng lớn bổng lên như cây cột điện cậu thường hay thấy ở Nhật Bản. Dù đã vào mùa thu năm 1945, quê hương cậu hãy còn dừng lại ở “thời kỳ Trung cổ của thế kỷ 20” như một “vùng đất hẻo lánh của văn minh”. Thế nhưng, bán đảo Triều Tiên đang ở chặng cuối của quá trình chuyển mình thành một “cửa hàng bách hóa” của những căng thẳng, đối đầu, thương tổn chính trị mà cuộc chiến tranh lạnh đã gây nên trên khắp thế giới kéo dài tận đến nửa cuối thế kỷ 20. Trong một hồ sơ của Trung tâm lưu trữ quốc gia Mỹ mà mãi sau này mới được phơi bày ra ánh sáng, một cảnh tượng đáng kinh ngạc của thời điểm đó đã được lưu lại mà nghe qua cứ như là một giai thoại trớ trêu.

Nửa đêm ngày 10 tháng Tám năm 1945, tức một ngày sau khi chiếc B29 thả bom nguyên tử xuống Nagasaki, John C. McCloy thuộc Ủy ban hỗn hợp Bộ Ngoại giao, Chiến tranh và Hải quân Hoa Kỳ ra chỉ thị cho đại tá Dean Rusk và đại tá Charles Bonesteel “Hãy qua phòng bên cạnh và tìm địa điểm để chia cắt bán đảo Triều Tiên làm hai đi!”. Thời gian cho phép là ba mươi phút. Hai vị đại tá trải bản đồ ra và gạch một đường ngang qua vĩ tuyến 38 một cách đơn giản với cảm giác chẳng khác gì những học sinh tiểu học đang làm bài tập. Trong cái quyết định tùy hứng đó, vấn đề đáng cân nhắc duy nhất là thủ đô Seoul phải nằm trong vùng phía Nam, nơi quân đội Mỹ sẽ tiếp quản.

Mùa thu năm 1945, thời điểm chính thức ra đời một thuật ngữ mới là “vĩ tuyến 38”, hai miền Nam, Bắc bắt đầu bước vào quá trình cố định hóa việc chia cắt. Lý Thừa Vãn của Seoul ở vị trí được tướng Hodge của quân đội Mỹ bảo trợ đã hét vang “chống Cộng”, còn Kim Nhật Thành của Bình Nhưỡng ở vị trí được các tướng lĩnh và quan chức Liên Xô hậu thuẫn đã trở thành vị “Anh hùng kháng chiến chống Nhật”. Với lời nói “Con người không thể chia cắt cái gì mà ông Trời kết hợp”, cũng có một vài nhân vật trong Liên Hiệp Quốc phản đối việc phân chia đó, nhưng vận mệnh bán đảo Triều Tiên vẫn bị xé toạc ra làm hai trong bàn tay cứng rắn được gọi là sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Liên Xô, những nước sở hữu thế lực hùng mạnh còn hơn cả sức mạnh của Trời.

“Phải làm cái gì đây?”

Đón mùa đông đầu tiên trên Tổ quốc, Park Tae Joon nay đã trở thành một thanh niên thuần thục tiếng mẹ đẻ, nhưng Tổ quốc vừa được giải phóng đang rơi vào cảnh hỗn loạn và phân ly này đã không thể cho cậu một vị trí thích hợp. Park Tae Joon đã hạ quyết tâm. Cậu sẽ tìm đường để học tiếp ngành học cơ khí. Hạ tuần tháng Mười hai, đặt chân lên Seoul bằng chuyến tàu ì ạch, cậu tìm đến Đại học Kyong Song (nay là trường Đại học Seoul) và trường cao đẳng công nghiệp Kyong Song (nay là Đại học bách khoa của trường Đại học Seoul). Phòng học vắng tanh. Cậu cũng không thể gặp giáo sư tư vấn. Quanh quẩn thêm hai ngày nữa. Vẫn là những bước chân phí hoài. Vậy mà trên các đường phố Seoul những ngày cuối năm rầm rập những biển người biểu tình. Đó là vì Hiệp nghị Matxcơva1 ngày 27/12/1945 đã quyết định rằng sẽ tiến hành ủy trị ở Triều Tiên trong vòng 5 năm. Nam Triều Tiên ngay từ ngày đầu năm mới đã diễn ra một cuộc đối đầu cực đoan giữa hai cánh tả, hữu. Cánh tả tán thành việc ủy trị, nhưng cánh hữu phản đối.

Mùa xuân năm 1946, Park Tae Joon lại vượt Huyền Hải Than, định rằng sẽ hoàn tất việc học. Tokyo, thủ đô của Nhật Bản bại trận, vẫn hoang tàn. Trường đại học đã bị tàn phá nay chỉ rặt là những cuộc hội họp mang tính ý thức hệ. Mục tiêu hàng đầu của Mỹ, nay đang tiếp quản Nhật Bản, là trừ khử đến tận gốc rễ chủ nghĩa quân phiệt. Chính quyền quân sự Mỹ muốn lợi dụng thế lực cánh tả của Nhật một cách khôn khéo. Tokyo giờ đây là một thành phố nơi những người theo chủ nghĩa xã hội hay cộng sản vốn trước đây phải hoạt động chìm nay đã bước ra thỏa sức vẫy vùng trong ánh sáng. Park Tae Joon tận mắt chứng kiến diện mạo đáng sợ của Nhật Bản. Những cái chòi lụp xụp dựng tạm bằng mấy miếng gỗ lượm từ những bãi rác. Những người đàn ông sống sót từ chiến trường trở về nằm bẹp trong nhà như chết, nhưng những người phụ nữ lại dựng nhà, làm đường, bàn bạc đến cả những vấn đề trị an. Không u uất mà cũng chẳng buồn bực, họ còn khích lệ chồng, lo toan mọi việc trong nhà. Những cô gái điếm ở phố đèn đỏ nói rằng sẽ đứng ra phục vụ lính Mỹ một cách có tổ chức. Họ thành lập những Công đoàn, nhiệm vụ là gìn giữ trinh tiết và danh dự cho những thiếu nữ, những người vợ Nhật Bản. Các lãnh đạo Công đoàn cũng thường xuyên tổ chức uý lạo tinh thần cho các thành viên.

“Các cô phải đảm bảo chỉ nhận quân phiếu, cương quyết không nhận những thứ hàng nhu yếu phẩm cho cái giá thỏa mãn binh lính Mỹ. Ngay bây giờ, các nhu yếu phẩm là thứ khẩn thiết nhất đối với đời sống các cô. Nhưng nhà nước còn cần tiền hơn để tái thiết đất nước. Nước còn thì mỗi cá nhân cũng còn. Nếu chúng ta sử dụng những thứ như hàng mỹ phẩm của Mỹ thì những nhà máy Nhật Bản mãi mãi không thể vực dậy được. Phải hoàn toàn nhận quân phiếu để đóng góp xây dựng nhà máy. Các cô không phải là gái mại dâm. Các cô là những người yêu nước.”

Việc không thể tìm thấy một cô gái mại dâm thấp hèn, phấn son lòe loẹt hay thèm muốn vật chất vẫn còn đọng lại trong hồi ức của các lính Mỹ từng đóng quân ở Nhật Bản. Park Tae Joon nghe lạnh dọc sống lưng. Thật là một dân tộc đáng sợ! Cậu cũng nghĩ rằng một xã hội hoàn toàn bình đẳng là giấc mơ không tưởng, nhưng nếu dựng nên một rường cột quốc gia và với thế giới quan xã hội đúng đắn thì có thể mở ra một con đường đi đến sự thịnh vượng chung.

Thủ đô của sự bại trận không còn có thể thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu, sau khi đã trải qua mấy mùa, Park Tae Joon kết luận không có lý do gì để lưu lại thêm nữa. Ngừng việc học ở năm hai của khoa cơ khí trường Đại học Waseda, trong lúc cậu xuống bến cảng Busan, Nam Triều Tiên đã sa vào vũng lầy và đang ra sức giẫy giụa. Lạm phát gia tăng, cuộc sống cá nhân bị phá sản, tham nhũng lan tràn, trị an rối ren, thâm hụt khổng lồ của tài chính chính phủ, không ngớt những bất an xã hội... Những điều này đang thít chặt lấy cuộc sống thường nhật của những người dân khốn khổ. Dù đang ở trong sự hỗn loạn và căng thẳng, Nam Triều Tiên vẫn đang vẽ lên một khuôn khổ quốc gia hiện đại theo kế hoạch tổng thể (master plan) và định hướng (roadmap) của chính quyền quân sự Mỹ.

Đầu xuân năm 1947, lại rời khỏi nhà, Park Tae Joon rảo bước khắp nơi ở thủ đô và các vùng lân cận. Nhưng vẫn là những bước chân phí hoài. Trên thực tế, tình cảnh đáng thương của Nam Triều Tiên khi không có bóng dáng một nhà máy nào để thỏa mãn ước mơ nhỏ bé của cậu có liên quan sâu xa đến chính sách trước đây của Nhật Bản. Với dã tâm vơ vét thuộc địa, ở Nam Triều Tiên có đất nông nghiệp rộng lớn, Nhật Bản ra sức gia tăng sản lượng lương thực. Còn các nhà máy công nghiệp nặng trực tiếp liên quan đến sản xuất vũ khí, Nhật Bản bố trí ở Bắc Triều Tiên, nơi gần với đại lục Trung Quốc và có nhiều núi non.

Các Tin Tức Khác