Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Nguyễn Ngọc Tư - một báo hiệu khác từ Gió lẻ
Cập nhật ngày: 12/09/2008

NXB Trẻ mời bạn đọc có thêm các ý kiến, cảm nhận về Gió lẻ- Nguyễn Ngọc Tư. Các ý kiến, cảm nhận hoàn chỉnh như một bài viết, chúng tôi sẽ sử dụng cho trang web nxbtre.com.vn, và các bài viết này sẽ có nhuận bút. Trân trọng!

 
TT - Nổi bật và ám ảnh trong tập Gió lẻ và 9 câu chuyện khác là những đứa trẻ. Nguyễn Ngọc Tư đứng về phía những đứa trẻ, đứng từ phía những đứa trẻ phận nghèo, phận côi cút để nhìn ngắm cuộc sống, nghĩ và cảm cuộc đời, viết chuyện nhân sinh.

Văn Nguyễn Ngọc Tư, có thể nói, là cách thế nhìn vào thế giới người lớn ngổn ngang, phức tạp, đầy bất hạnh và bi kịch, từ mắt những đứa trẻ ngây thơ - già nua. Giọng điệu văn của chị, xuyên suốt, cũng là giọng kể giọng nói giọng nghĩ từ phía những con người còn nhỏ này. Hoàn cảnh chung tạo nên cảnh ngộ bất hạnh của chúng là sự tan vỡ của các gia đình, sự phản bội nhau của các cặp vợ chồng.

Nguyễn Ngọc Tư day dứt nhiều với những phận người này và truyền được cho người đọc nỗi day dứt đồng cảm đó (Núi lở, Ấu thơ tươi đẹp, Một chuyện hẹn hò…). Nhưng đọc cả loạt truyện dễ có cảm giác lặp lại trong cách khai thác đề tài. Và Gió lẻ - truyện dài hơi nhất trong tập, như là sự chung đúc của nhiều truyện, Nguyễn Ngọc Tư như đi tìm một cách viết khác mình, vượt qua mình.

Gió lẻ có ba nhân vật, đan xen hai giọng kể, phơi tỏ mình trên hành trình của một chiếc xe chở hàng hóa. Theo hành trình chuyến xe, chuyện đời của từng nhân vật được tự kể và kể lại, cả ba mỗi người một số phận, một cảnh ngộ, cô đơn và nhàu nát, và chiếc xe chở hàng thành ra như chiếc xe đời. Nguyễn Ngọc Tư đã cố gắng đổi cách viết, thực chất là tìm cách móc nối những đoạn văn ngắn, những mẩu chuyện mà tách riêng ra có thể thành từng truyện độc lập, vào trong một chỉnh thể mới để làm đa dạng đa chiều hơn thế giới nghệ thuật của mình.

Truyện hứa hẹn là một đột phá mới của người viết. Nhưng Gió lẻ chưa được đến độ như có thể mong đợi. Đọc nó vẫn thấy ra chất Nguyễn Ngọc Tư, và do đó lại có chút tiếc nuối. Có cảm tưởng tác giả vẫn đang bị níu chân trên đường quen...

Ở ngòi bút truyện ngắn đã thành một “đặc sản văn chương” này, những trang viết rung động và sâu sắc, bình dị và thấm thía luôn được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng khi chị tỏ ra làm lạ mình, khác mình bằng cách “làm văn” ở câu chữ thì lại không nên. Cái duyên cái chất của Ngọc Tư là ở những câu văn chân chất, hồn nhiên truyền tải được cái hồn vía của một người văn. Những câu làm dáng, văn hoa thật không phù hợp và không cần thiết cho truyện, càng rất không “Ngọc Tư”.

Thí dụ câu này từ miệng kể cô bé nhân vật chính: “Trong mớ âm thanh quen thuộc của lũ kiến chạm chân trên đường rời tổ, của muôn vạn cái lá dập xao xác, những giọt sương sẽ sàng rụng xuống, tu hú kêu vang trong bờ sậy, có lẫn tiếng cây đang ứa nhựa hàn gắn vết thương, nơi nụ hoa lìa”. Ở Gió lẻ, tôi thích cơn gió lẻ và nhân vật gã lái xe.

Nhà văn đang viết là nhà văn luôn ở trên đường. Nguyễn Ngọc Tư vẫn đang mải miết đi con đường văn của mình. Tập truyện ngắn này của chị là một sự chỉ dấu đoạn đường vừa đi qua. Sau Cánh đồng bất tận, Gió lẻ là một báo hiệu khác đối với Nguyễn Ngọc Tư.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
(Nguồn Tuổi Trẻ, 12/9/2008)
Các Tin Tức Khác